Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:21 (GMT +7)

Nhà văn viết cho thiếu nhi trên thế giới nhiều hơn bạn nghĩ!

VNTN - Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi lại được xếp vào hàng những thể loại văn học khó sáng tác nhất đối với phần lớn những người cầm bút trên thế giới. Sẽ thật là hết sức khó khăn với một tác giả trưởng thành có thể tự đặt mình vào vị trí của trẻ thơ để nhìn thế giới bằng con mắt của trẻ thơ.

Bởi lý do đó mà các tác phẩm và tác giả chuyên tâm viết về đề tài thiếu nhi xuất sắc luôn luôn nhận được sự kính trọng của cả xã hội. Cho dù là ở Việt Nam hay trên thế giới, những tác phẩm như “Dế mèn phiêu lưu ký” của cố nhà văn Tô Hoài; “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nguyễn Huy Tưởng, rồi “Harry Potter” của J. K. Rowling, hay tác giả nổi tiếng người Đan Mạch là Astrid Lindgren - một trong những nhà văn hàng đầu viết cho thiếu nhi, chỉ sau Hans Christian Andersen,… đều chiếm một vị trí quan trọng trong lòng bạn đọc qua rất nhiều thế hệ.

Tuy vậy, vì lý do rào cản ngôn ngữ và văn hóa mà vẫn còn rất nhiều tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi chưa thể tìm được con đường để tiếp cận các bạn đọc nhỏ tuổi (và cả người lớn) Việt Nam. Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, xin điểm qua tên một vài nhà văn và tác phẩm của họ có thể đóng vai trò như người cầm đèn chỉ lối cho các bạn trên nẻo đường trưởng thành trong tương lai.

Nhà văn Sevinj Nurugizi

Thường thì các tác giả văn học thiếu nhi bắt đầu sáng tác ở tuổi khá muộn, vì khi đó họ mới đạt được một “độ chín” nhất định để có thể tự đặt mình vào vị trí của bạn đọc trẻ. Nữ nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà báo kiêm nhạc sĩ người Azerbaijan Sevinj Nurugizi không phải là ngoại lệ. Sinh năm 1964 nhưng phải đến năm 1999 bà mới chuyển từ viết báo sang sáng tác văn học. Năm 2002 tuyển tập tryện ngắn đầu tay của Sevinj mang tên “Çərpələng” (“Con diều”) mới được xuất bản.

 

Mục tiêu chính trong sáng tác của Sevinj Nurugizi là trở thành một nhân tố tích cực trong quá trình phát triển nhân cách bạn đọc. Bà vận dụng rất tài tình các chất liệu quen thuộc với trẻ thơ để từ đó đưa đến cho độc giả những bài học về tình bạn, lòng trung thành, tính trung thực, và sự tha thứ. Cho dù là trẻ em hay người lớn, ai thưởng thức tác phẩm của Sevinj cũng được đi vào một thế giới kỳ diệu, cao quý mà cũng không kém phần gần gũi để khi trở lại cuộc sống thực, họ có thể tự mình rút ra được những bài học thấm thía cho bản thân.

Hơn 20 năm cầm bút, Sevinj Nurugizi đã sáng tác gần một trăm truyện ngắn và thơ trên các tạp chí dành cho trẻ thơ mà bà làm biên tập viên. Thính giả cũng được thường xuyên nghe Sevinj trình bày những tác phẩm của bà và những tác giả nổi tiếng khác trên sóng radio. Nhưng công trình nổi tiếng nhất của Sevinj lại là hai vở kịch “Đòn trả thù” và “Những con búp bê” thường xuyên được các đoàn múa rối Azerbaijan đem đi phục vụ khán giả trong và ngoài nước.

Nhà văn Gordon Korman

Ở Việt Nam đã, đang có những tác giả tiểu thuyết rất trẻ như Nguyễn Bình và Đỗ Nhật Nam,... Nhà văn Gordon Korman (sinh năm 1963) người Canada cũng như vậy. Ông liên tục cho ra lò những tác phẩm dành cho thiếu nhi kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên xuất bản vào năm 14 tuổi, cuốn “This Can't be Happening at Macdonald Hall”. Trước khi ông tốt nghiệp trung học, Gordon đã trở thành tác giả của năm cuốn tiểu thuyết bán chạy và trở thành “thần đồng văn học” của Canada.

 

Sau hơn 40 năm, Gordon Korman đã cho xuất bản tất cả 65 cuốn sách, trong đó có nhiều bộ tiểu thuyết bán chạy như “Macdonald Hall”, “Nose Pickers”, và “Slapshots”. Thật không ngoa khi so sánh tầm quan trọng của Gordon với bạn đọc trẻ Canada cũng giống như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với độc giả Việt Nam vậy.

Thanh thiếu niên tìm thấy mình trong các tác phẩm của ông qua hình tượng những cô bé, cậu bé thông minh, nghịch ngợm, có một chút gì đó nổi loạn nhưng lại rất trung thành với bạn bè, gia đình. Chiến thắng đối với một nhân vật thiếu niên trong tiểu thuyết Gordon Korman là vượt qua những thử thách làm nản lòng cả người lớn mà vẫn giữ được bản tính nhân văn tốt đẹp.

Năm 2000, nhà văn Gordon chuyển dần từ thể loại hài hước sang trinh thám, và bộ sáu tiểu thuyết “On the Run” của ông được tờ New York Times xếp vào hàng sách bán chạy nhất ở Mỹ. Nhận thấy sự hâm mộ của độc giả Mỹ, ông đã chuyển đến sống tại New York để có thể gần gũi với bạn đọc hơn. Từ đó đến nay, ngoài việc sáng tác, Gordon còn đảm nhận vị trí giám đốc sản xuất một số chương trình thiếu nhi và những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông.

Nhà văn Jeanne Goosen

Nữ nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch người Nam Phi Jeanne Goosen thuộc về một nhóm các tác giả sáng tác không hướng đến bạn đọc thanh thiếu niên, nhưng tác phẩm của họ lại có ảnh hưởng to lớn tới giới trẻ. Bà Jeanne trước khi tìm đến văn học đã phải bươn chải qua rất nhiều nghề khác nhau như nông dân, ngư dân, thợ sửa radio,… và chính những năm tháng khó khăn đó đã đem đến cho bà một góc nhìn cuộc sống riêng biệt.

 

Tác phẩm của Jeanne đặt người đọc vào giữa những thời điểm có tính chuyển giao trong xã hội Nam Phi, như hai tiểu thuyết “Chúng tôi không như thế” và “Daantjie Dreamer” lấy góc nhìn của hai cô bé xuất thân trong các gia đình trung lưu nghèo. Hai cô bé đều có nhiều mong muốn tốt đẹp về việc thay đổi được cuộc đời của mình nói riêng và xã hội Nam Phi còn quá nhiều bất công nói chung. Bà Jeanne mong muốn thông qua tác phẩm, bạn đọc có thể tự nhận ra mình là ai, mình đang đứng ở đâu, và bản thân phải làm gì để có thể khiến cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.

Ngoài những tiểu thuyết ra, Jeanne Goosen còn nổi tiếng nhờ các tập thơ và vở kịch “Drie eenakters: Kombuis-blues; Kopstukke; 'n Koffer in die kas” đều được viết bằng tiếng Afrikaans. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước công nhận những đóng góp của bà cho nền văn học tiếng Afrikaans và cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc tại châu Phi.

Nhà văn Ana Maria Machado

Đối với các tác giả viết cho thiếu nhi, vinh dự lớn nhất là được nhận giải thưởng Hans Christian Andersen được đặt tên theo vị đại văn hào Đan Mạch. Giải thưởng được tổ chức dưới sự tài trợ của gia đình hoàng gia Đan Mạch, và chỉ dành cho những tác giả và họa sĩ có cống hiến xuất sắc cho nền văn học thiếu nhi quốc tế.

Nhà văn, họa sĩ Ana Maria Machado có vinh dự được đứng trong hàng ngũ những người đoạt giải thưởng Hans Christian Andersen. Ngay từ những năm tháng tuổi thơ tại thành phố Rio de Janero của Brazil, cô bé Ana đã tỏ rõ tài năng văn học của mình. Bà dành nhiều năm theo học và làm báo tại Pháp, trước khi trở về Brazil để bắt đầu sự nghiệp viết cho thiếu nhi.

 

Trong bối cảnh toàn đất nước chìm trong biển máu của chế độ độc tài Ernesto Geisel, những tác phẩm của Ana đã đem lại niềm an ủi lớn cho cả một thế hệ trẻ em Brazil. Một loạt các truyện ngắn như “Menina Bonita do laço de fita” và “Era uma vez um tirano”,…của bà đã là những tác phẩm đầu tiên đưa được thể loại hiện thực huyền ảo của Gabriel García Márquez đến với bạn đọc trẻ. Ana không chỉ vẽ ra một thế giới mộng mơ đẹp đẽ, đầy hy vọng cho các em, mà còn từ những nhân vật sống trong thế giới đó mà hướng các em đến những giá trị giàu tính nhân đạo và tự do.

Nay đã 77 tuổi, bà Ana vẫn tiếp tục công việc sáng tác và giảng dạy tại trường đại học. Cuốn tiểu thuyết ngắn “Siempre con mis amigos” của bà ra mắt vào năm 2018 đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc, và bà Ana đã tuyên bố rằng bà sẽ xuất bản một tác phẩm nữa trong năm 2019.

Nhà văn Tove Jansson

Thật khó để một quốc gia khác tạo lập được một nền văn học trẻ em mang nhiều nét đặc sắc như là Thụy Điển. Đất nước của nữ văn hào Astrid Lindgren (tác giả của bộ truyện “Karlsson sống trên mái nhà” quen thuộc với bạn đọc Việt Nam) có rất nhiều tác giả làm được một điều thần kỳ là sử dụng những câu chuyện, giọng văn đầy màu sắc và tiếng cười để nói về những vấn đề nghiêm trọng như bạo lực, gia đình tan vỡ, tội phạm,… Nhờ vào những tác phẩm này nói riêng và nền văn hóa đọc nói chung mà trẻ em Thụy Điển lớn lên được định hướng tới những giá trị chân - thiện - mĩ sớm hơn so với bạn bè quốc tế.

Một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho văn học trẻ em Thụy Điển là cố tác giả Tove Jansson (1914-2001). Bà vốn là con gái của một nhà điêu khắc và một họa sĩ. Thời thiếu niên, bà Jansson dành nhiều năm theo học hội họa và văn học ở các trung tâm nghệ thuật khi đó là Paris, Stockholm, và Helsinki. Bà Jansson trở về nước, đem theo những tinh hoa nghệ thuật Tây Âu để thổi làn gió mới vào nền văn học Thụy Điển lúc đó đang trì trệ.

 

Sáng tạo lớn nhất của Tove Jansson là hình tượng gia đình Moomin. Những thành viên của gia đình Moomin có hình dáng giống hà mã được bà Jansson đặt trước thử thách này đến thử thách khác trong sáu quyển tiểu thuyết. Trong quá trình vượt qua những thử thách đó, gia đình Moomin thể hiện những đức tính tốt nhất của người dân Thụy Điển: chân thật, hiếu khách, cần cù, yêu thiên nhiên,v.v...

Ngày nay, gia đình Moomin đã trở thành một thương hiệu toàn cầu trị giá hàng trăm triệu USD. Bạn có thể tìm thấy Moomin ở mọi nơi, từ trên TV, sân khấu kịch đến công viên giải trí. Sức sống mãnh liệt của gia đình Moomin chắc chắn nằm ở những giá trị nhân văn đi cùng năm tháng mà cố nhà văn Jansson đã cố gắng đưa đến với các thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi của mình.

Lê Công Hội (tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy