Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
01:41 (GMT +7)

Nhà văn viết cái gì?

VNTN - Người viết thường rất sợ khi bị người đời hỏi: “Nhà văn viết vì cái gì?”. Sợ là bởi, nếu nói viết vì những chuyện to tát như nhân dân, đất nước, dân tộc, nhân loại chẳng hạn… thì thế nào cũng bị cho là ngạo mạn hoặc tự huyễn hoặc. Mà nghĩ cũng phải. Cuộc đời này còn biết bao những điều vĩ đại mà nếu đặt văn chương bên cạnh có khác nào như đặt viên đá nhỏ bên cạnh núi Thái Sơn. Nhưng nếu lại bảo, tôi viết về những điều bé nhỏ, những chuyện vụn vặt, thường nhật trong đời sống thì có khi lại bị quy kết là tự hạ thấp mình, cũng có nghĩa là hạ thấp giá trị cao quí của văn chương. Nhất là ông nào lại dại dột trả lời rằng tôi viết văn vì kinh tế gia đình còn thiếu thốn, thì thôi rồi, thế nào mà chả bị lên lớp đến tối tăm mặt mũi. Bởi thế, cánh nhà văn rất sợ phải trả lời những câu hỏi đại loại như vậy. Trả lời thế nào cũng lúng túng như gà mắc tóc. Nói dối thì không đành, nói thật cũng không xong. Cánh nhà văn Việt Nam chắc chẳng ai dám bạo mồm như nhà văn người Anh Béc-na-sô thời trước. Khi bị một nhà truyền đạo giàu sang hỏi: “Thưa ngài Béc-na-sô kính mến, ngài viết văn vì cái gì?”. Béc-na-sô không hề ngần ngại đáp lời ngay: “Tôi viết văn vì tiền!”. Nhà truyền đạo nọ liền nghiêm giọng: “Không được! Cần phải sáng tạo văn chương vì đạo đức. Đạo đức! Hiểu chưa, thưa ngài Bec-na-sô!”. Béc-na-sô liền cười khẩy: “ở đời, ai thiếu cái gì thì làm vì cái đó, thưa ngài”. Thật đáng đời. Tất nhiên ai cũng thừa hiểu Béc-na-sô không chỉ làm văn chương vì tiền. Nhưng câu nói ấy chính là để dành riêng cho nhà truyền đạo hợm mình và rỗng tuếch nọ. Nhưng nghĩ cho cùng thì viết văn vì tiền cũng đâu có gì là sai trái. Ban-zắc, Mô-pat-xăng rồi Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… ngày xưa và không ít các nhà văn bây giờ cũng viết văn với mục đích kiếm tiền trả nợ hoặc nuôi gia đình vợ con đấy chứ. Vậy mà tác phẩm của họ đều nổi danh, khó kẻ sánh kịp.

Ngược lại, rất đáng khôi hài là có một ông nhà văn cứ mở mồm là nói tôi sẽ viết một cuốn sách vì tinh thần nhân văn sâu sắc, vì niềm tin yêu của cuộc đời, vì nỗi đau nhân loại…, nhưng cuối cùng thì ông ta chẳng viết nổi một chữ hoặc có viết được thì giá trị tác phẩm cũng không hơn một liều thuốc ngủ cho những người mắc bệnh mất ngủ kinh niên.

“Nhà văn viết vì cái gì?”, đó là chuyện rất riêng tư nên hầu như các nhà văn không muốn bộc bạch. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây do đổi mới, có sự cởi mở hơn nên có một số nhà văn đã trả lời phỏng vấn khá thẳng thắn về điều này. Nhưng câu trả lời hơi “sốc” như: “Tôi viết vì sự cô đơn của bản thân mình”, “Tôi viết vì sự tự giải tỏa”, “Viết văn là sự khổ sai tự nguyện”… Có một nhà văn nữ còn rất trẻ nhưng đã “dám” trả lời phỏng vấn rằng: “Tôi viết văn trước hết là vì mình, từ sự câu thúc của chính mình”… Nghe nói, có lần nhà văn Nam Cao đã tâm sự với bạn hữu rằng hầu hết các tác phẩm của ông viết ra chỉ do những câu chuyện được vợ kể lại. Thông qua những lời tự bạch ấy, ta hiểu rằng câu chuyện “Nhà văn viết vì cái gì”? mang một màu sắc riêng tư rất đậm đặc mà hình như chỉ ở các văn nghệ sĩ mới có. Nói thế, hoàn toàn không phải sự phủ nhận những đóng góp của các nhà văn trước những vấn đề lớn, quan thiết của đất nước. Chúng ta vẫn không quên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, các nhà văn, bằng những tác phẩm của mình đã góp một phần quan trọng làm nên chiến thắng. Họ chính là “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đúng như lời Hồ Chủ tịch. Nhưng dù thế nào vẫn không thể phủ nhận, công việc sáng tạo của nhà văn là một công việc mang tính đặc thù, không thể đồng nhất một cách máy móc với một số ngành nghề khác.

Bởi vậy, cách tốt nhất là hãy đòi hỏi nhà văn viết như thế nào chứ không nên hỏi nhà văn viết vì cái gì.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy