Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
21:41 (GMT +7)

Nhà văn và nhà phê bình

Xưa nay, quan hệ giữa người phê bình và người sáng tác thường không mấy mặn mà, thậm chí còn coi thường, căm ghét nhau. Xuân Diệu từng gọi các nhà phê bình là gà trống với ý nhà phê bình giống như con gà trống chỉ biết gáy to chứ không đẻ nổi một quả trứng. Ở nước ngoài cũng có không ít những giai thoại về chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa nhà phê bình và nhà sáng tác. Qua nhiều năm tháng, chừng như mọi sự cũng chưa cải thiện được là bao.

Hình minh họa

Có lẽ cũng do nhiều nguyên nhân. Nếu rạch ròi giữa học thuật và quan hệ tình cảm, chuyện nào ra chuyện ấy thì đâu đến nỗi. Tuy nhiên, ở đời không phải lúc nào cũng có thể rành rẽ. Khen thì không sao nhưng chê thì hãy coi chừng. Thế gian có câu “văn mình vợ người” để thấy rõ một đặc điểm trong sáng tác văn chương là không ít người tự cho văn mình viết ra là phun châu nhả ngọc, miễn góp ý. Với những tác giả như thế mà nhà phê bình động vào thì diễn biến sẽ còn xấu hơn nữa. Nhưng nếu chỉ có khen thì sao gọi là phê bình văn chương. Chính vì vậy mà nhiều nhà phê bình chỉ chọn những tác phẩm của những tác giả đã chết hoặc những tác giả ở xa, không quen biết để viết phê bình cho an toàn.

Có thể thấy, viết phê bình thường chịu nhiều áp lực hơn. Các nhà phê bình có bốn cái khổ: khổ công, khổ luyện, khổ tâm và khổ hạnh. Điều này quả là chính xác. Ai muốn viết phê bình đều phải khổ công học hành và suốt đời khổ luyện. Khổ tâm thì như đã phân tích ở trên, nếu viết một cách khách quan, trung thực thì chắc chắn sẽ được nghe lời chửi mắng nhiều hơn khen ngợi. Còn khổ hạnh thì cũng rõ. Với một bài phê bình nghiêm chỉnh thì chỉ chuyện đọc tác phẩm không dưới đôi ba lần, rồi còn tra cứu, trích dẫn, vận dụng cách này cách nọ… Có bài đến cả tháng trời mới hoàn chỉnh. Vậy mà khi bài được đăng báo chắc chắn lượng người đọc không thể đông đảo như một truyện ngắn hoặc một bài tản văn. Vấn đề nhuận bút thì tòa soạn nào cởi mở lắm cũng chỉ trả ngang với một truyện ngắn là may. Nếu bài viết động chạm thì chắc chắn phải đối diện với bao nhiêu rắc rối, phản ứng. Nhẹ là sự mắng mỏ, nặng là không thèm nhìn mặt nhau…

Là nói vậy, nhưng mặt khác cũng cần có mấy lời tranh luận cùng nhà phê bình. Trước đây, với nhiều quan niệm hơi thiếu chính xác về bản chất của công việc phê bình nên một số nhà phê bình tự cho rằng mình sinh ra là để bình phẩm, thậm chí là vạch đường, chỉ hướng cho các nhà văn và các độc giả. Nếu hiểu một cách máy móc, giáo điều như thế thì chuyện mắc mớ giữa nhà phê bình và nhà sáng tác càng khó tránh khỏi, dẫn đến sự xa lánh lẫn nhau.

Nhà phê bình giỏi là nhà phê bình thông qua tác phẩm để đưa ra những nhận định. Nhận định càng mang tính phổ quát càng có giá trị. Đã từng có những nhà phê bình mà những nhận định của họ trở thành những bài học quí giá cho nhiều thế hệ văn chương. Nếu quả thật trong phê bình cần có sự “chỉ dẫn” thì phải bằng phương pháp khoa học, thuận lòng ta ra lòng người, để tác giả và độc giả phải tâm phục, khẩu phục. Nhà phê bình không nên và không được tự cho mình đứng trên người viết và người đọc. Cần quan niệm một cách đúng đắn: Công việc phê bình là dựa vào tác phẩm thứ nhất (tác phẩm của nhà văn) để sáng tạo ra tác phẩm thứ hai (tác phẩm của nhà phê bình) để cả hai tác phẩm cùng tồn tại, cùng song hành. Ở đây không có chuyện dạy bảo lẫn nhau mà là sự tỏa sáng sang nhau và cùng tỏa sáng sang bạn đọc.

Đó là cách làm việc của những nhà phê bình chân chính, của một nền phê bình chân chính.

Không thể chối cãi là hiện chúng ta đang có một nền phê bình mang nhiều khiếm khuyết. Đó là kiểu phê bình chỉ khen, không chê. Khen để lấy lòng, để mong sự an toàn, khen để lăng xê, trục lợi… Một kiểu phê bình khác, tuy không quá nhiều nhưng vẫn đang tồn tại, là kiểu phê bình phản công và chụp mũ. Quả là có những người do đố kị, ghen ghét mà sinh ra chuyện núp dưới hình thức phê bình văn chương để hạ bệ nhau, thậm chí pha màu sắc chính trị, một kiểu phê bình đồ tể. Những chuyện này chính là lí do để sinh ra những mâu thuẫn, những nỗi căm ghét “ngàn năm khôn rửa” giữa giới phê bình và giới sáng tác.

Để có được sự thiện cảm giữa giới sáng tác và giới phê bình, một điều chắc chắn cần có là phải có sự trân trọng những tác phẩm của nhau, bài viết phải thể hiện được sự chân tình, thiện cảm.

Xin chúc cả người sáng tác lẫn người phê bình có mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy