Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:27 (GMT +7)

Nhà văn trước tấm màn lịch sử

Gần đây, xu hướng quay về với các vấn đề lịch sử, đúng hơn là sáng tác về đề tài lịch sử đang diễn ra khá rõ trong đời sống văn chương đương đại. Các tác giả viết truyện ngắn, tiểu thuyết xoay quanh các biến cố, sự kiện, giai đoạn, triều đại trong lịch sử như một cách khám phá, khám phá lại lịch sử. Có thể nhận thấy điều đó trong các tác phẩm của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Bình Phương, một số tác giả trẻ như Uông Triều, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Doãn Dũng,… Sự trở về lịch sử không bao giờ chỉ là trở về để miêu tả hay nhắc lại lịch sử. Đó luôn là những động thái chứa đựng suy tư của đương đại, tiềm ẩn những vấn đề của cái đang diễn ra. Tuy vậy, trước “tấm màn” (M. Kundera) lịch sử, các tác giả cần phải ứng xử như thế nào?

Một số tác phẩm văn học đề tài lịch sử tạo tiếng vang trong đời sống văn học những năm gần đây

Cái gọi là “sự thật lịch sử” thực chất là một thứ "màn", hay như cách nói của hiện tượng học (có thể xem như một học thuyết khoa học, triết học, diễn giải về bản chất của hiện tượng) đó là một thứ tri thức tiên nghiệm, có trước, được quy ước vây bọc, che đậy khiến cho con người không thể tiếp cận được với bản chất của hiện tượng! Bởi thế, phải giảm trừ, phải tước bỏ lớp màn bao phủ hiện tượng! Ở đó, nơi hiện tượng hiện diện như là trạng thái uyên nguyên, sơ khai, chúng ta nhận ra đâu là chân lý, đâu là bản chất. Khảo cứu lịch sử trong tư cách là những biến cố của quá khứ đó là việc của sử gia. Tiểu thuyết gia không cần, thậm chí biết mười mươi điều được ghi trong chính sử, được lưu truyền trong dã sử,… chỉ để diễn giải, tái diễn giải, tưởng tượng, tạo dựng một khả năng, cái có thể khác mà anh ta cho rằng nó “có thể xảy ra”. Bởi như thế, con người có điều điều kiện để chiêm ngắm, để hình dung một cách đa dạng hơn các khả năng của quá khứ, nơi mà con người không thể kiểm chứng hay minh xác. Các nhân vật của tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử không nhất thiết phải là các nhân vật đã được ghi chép trong các bộ sử, không nhất thiết trùng khít lên những gì đã biết từ việc làm của sử gia. Các nhân vật sống một đời sống khác như là nó có thể! Ngôn ngữ tạo ra hiện thực, hiện thực ở tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử là một hiện thực của tưởng tượng, hư cấu, là những hình dung trong thăm thẳm thời gian, trong “sương mù” lịch sử. Thoát khỏi những huyền thoại được tạo dựng để đề xuất một hình dung khác về lịch sử, một khả năng khác đòi hỏi tiểu thuyết đi đến tận cùng thân phận, không chỉ là tâm lý mà là đời sống, là thân phận, là toàn bộ những biến cố đã biết hoặc còn ẩn sau tấm màn chính sử. Như thế, tiểu thuyết gia phải đứng xa các pho sử, thậm chí, như Kundera nói, anh ta phải bước ra từ chính “Đống đổ nát của lịch sử”! Nhiệm vụ của tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử không phải để củng cố niềm tin lịch sử. Tiểu thuyết cần phải gợi dậy những hoài nghi về quá khứ, làm cơ sở cho những dự phóng diễn dịch và tái diễn dịch các hiện tượng lịch sử! Lịch sử thực chất là những diễn ngôn về lịch sử! Do vậy, tiểu thuyết hay truyện ngắn thậm chí là những sự viết khác về lịch sử cũng là một diễn ngôn trong ý hướng kiến tạo một khả năng, nhằm đối thoại với những diễn ngôn đã và đang có, đối thoại với “sự thật lịch sử”. Nhưng, nếu bị che mắt bởi các lớp diễn ngôn có trước, nhà văn sẽ chẳng thể đề xuất một diễn giải khác về lịch sử! Nếu có, các diễn ngôn đó chỉ nên xem là những tham chiếu hoặc là những nghi vấn, thậm chí là những lầm lẫn cần đính chính! Giảm trừ hiện tượng luận (hiểu đơn giản là tước bỏ các tri thức có trước), đưa chúng ta trở về với con người như một chủ thể tính, một con người đứng xa các lớp nghĩa tạo dựng được cấp cho nó. Gỡ bỏ những lớp hóa trang, ở đó, các nhân vật của quá khứ là những con người với tư chất riêng, với toàn bộ sự phức tạp của đời sống hữu thức và vô thức! Dĩ nhiên, không thể không chú ý đến các mối quan hệ hay hệ thống đạo đức, luân lý, cương thường trong xã hội phong kiến! Nhưng, tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn lịch sử làm cho những hệ thống đó đi sau, bị truy vấn, bị hoài nghi thậm chí là phủ định bởi bản chất con người! Đi ngược lại lịch sử có thể tạo nên cảm hứng cho sự viết và cả sự đọc! Điều quan trọng hơn, nó đem đến những hình dung phong phú về cái đã qua nhưng không phải là đã “đông cứng”! Tính thế tục của tiểu thuyết tạo cơ hội cho những hoài nghi, những diễn dịch khác! Muốn thế, tác giả phải quên đi sự kiện như là nó đã được quy ước, tạo dựng! Đó là sự tỉnh táo của nhà tiểu thuyết! Anh ta không bị đánh lừa bởi những lớp “hóa trang”, “che đậy”. Không gian xã hội, văn hóa, các cấu trúc của không thời gian quá khứ được hiện lên “trần trụi” bằng bản chất thế tục của nó! Đó là cơ hội của tiểu thuyết: “Một tiểu thuyết ca ngợi những tư thế quy ước như vậy, những biểu tượng nhàm chán như vậy, tự loại mình ra khỏi lịch sử tiểu thuyết. Vì chính việc xé toạc tấm màn của sự minh giải trước mà Cervantes làm nên một khởi hành mới cho nghệ thuật, động thái tự hủy của ông vang vọng và mở rộng đến nỗi tiểu thuyết xứng đáng với tên gọi đó; nó là dấu hiệu căn cước của nghệ thuật tiểu thuyết" (M.Kundera).

Trong đời sống đương đại, những cơ chế rộng thoáng của đổi mới, các điều kiện khách quan, chủ quan của cả người viết, người đọc cũng như các thiết chế quy định khác, tạo ra hành lang đáp ứng đủ điều kiện cho những sự viết với tinh thần tạo nên cảm hứng mới từ quá khứ. Phải thật hiểu điều này - không bao giờ là “bắn vào quá khứ” mà là tìm hiểu lại quá khứ, là “ôn cố” để “tri tân” hay đề xuất những khả năng của quá khứ sau tấm màn dài rộng, sâu dày của lịch sử chính là tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử. Quan trọng hơn, với những quan tâm này, công chúng đương đại sẽ dần xác định được những tham chiếu mới, từ đó có được tâm thế chủ động trong tiếp cận lịch sử. Và, chúng ta, trong tư cách là những người đọc, nghiên cứu văn chương, lịch sử, sẽ mừng vui vì sự đa dạng của những hiện diện.

 

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy