Nhà thơ Vũ Đình Toàn – tìm năng lượng cho cảm xúc
VNTN - Vài năm nay, trên báo Văn Nghệ Thái Nguyên thấy vắng bóng một gương mặt của một lão làng mà các bạn văn của tỉnh ai ai cũng biết, ấy là nhà thơ Vũ Đình Toàn. Cái kho tàng vốn sống, kinh nghiệm, ngôn ngữ của ông đang bị "đóng băng" bởi vì căn bệnh lạ - theo ông nghĩ - hạ đường huyết, khá kỳ cục, phải ăn mới chống chọi được.
Lương hưu cộng với các thu nhập ngoài lương của Vũ Đình Toàn có thể ăn cỗ yến, mặc gấm vóc vẫn đàng hoàng ngán gì chuyện nhỏ. Thế mà ông đã vội “khép cửa” thơ văn và những lời bình sang sảng, làm cho bầu bạn nhung nhớ, đượm buồn. Người ta đoán già đoán non, rằng chính vì ông khép cửa nên bí bó, hoặc là thời kỳ sung mãn ông đã "tiêu" cạn vốn bây giờ muốn cũng chẳng còn để "tiêu"… Ít người biết cái bệnh hạ đường huyết mỗi ngày vài lượt sầm sập kéo về, nếu không kịp ngăn chặn lập tức hoa mắt, ù tai, có thể nhìn thấy ông bà ông vải. Căn bệnh ấy cứ khoảng 9-10 giờ là đòi ăn, dù chỉ là một cái bánh bích quy, lưng bát cơm nguội,… nếu không cơ thể sẽ rã rời, có khi ngất xỉu. Nếu ở nhà sẽ có nhiều cách chống đỡ, gặp lúc đi họp, đi chơi mà quên không thủ vào túi chiếc bánh thì đành phải bỏ dở cuộc vui tất tưởi về nhà mới yên. Phiền là vậy nên việc "khép cửa giữ nhà" cũng là điều bất đắc dĩ với ông.
Thời kỳ làm Chủ nhiệm CLB thơ phường Quang Trung, nhờ uy tín và kiến thức sâu rộng, ông được lãnh đạo Đảng, chính quyền, các hội viên trân trọng, mến nể; tạo dựng một sân chơi trí tuệ cho phong trào văn hóa văn nghệ của phường. Bốn tập thơ "Hương sắc vườn nhà" của CLB ra đời đều do ông làm thủ lĩnh. Thời gian ấy, cá nhân ông đã cho ra đời tác phẩm "Huyền thoại khát" và tập tiểu luận, trong đó có nhiều bài cho chuyên mục "Chuyện người chuyện ta" trên báo Văn Nghệ Thái Nguyên với ý tứ kín đáo, ngôn từ sắc bén có tác động uốn nắn, giáo dục cao. Bước sang tuổi 70, do bệnh tình, ông nằng nặc xin nghỉ chức Chủ nhiệm CLB thơ. Hội viên không nghe vẫn biểu quyết bầu ông. Tính khiêm tốn và cả nể, ông vì nhiệm vụ chung lại vui vẻ nhận lời.
Càng ngày sáng tác của Vũ Đình Toàn càng sâu sắc. Hàm lượng trí tuệ, nhân sinh quan được gửi gắm vào từng câu, từng chữ, càng đọc càng mến nể một tài hoa "lặng lẽ dâng cho đời" những tác phẩm như máu thịt nhưng không ồn ào hay tự mãn. Người là ai mà lạ lùng quá vậy/ Là ăng ten thu phát sóng tâm hồn?/ Là cây cầu nối hai bờ tim nhân loại/ Hay kẻ lữ hành lầm lũi, cô đơn? - (Thi sĩ, người là ai?)
Ông có vốn Pháp ngữ phong phú, dù chẳng nghe ông nói bao giờ nhưng dịch truyện, dịch thơ thì cái vốn ấy lại là điểm tựa thăng hoa. Bài Thu ca của nhà thơ Pháp P.Véc-Len, ông đã gửi những tiếng lòng cùng tác giả ở thế kỷ 19: Tiếng nức nở lê thê/ Những cây đàn vĩ cầm - lúc thu về/ Cứa nát tim tôi - nỗi lạnh lùng đơn điệu/ Tôi nghẹt thở và tái xanh - giữa lúc điểm chuông giờ/ Tôi nhớ về những ngày tháng xa xưa - và tôi khóc/ Tôi thả mình vào gió rét - cuốn tôi đi/ Đây đó vật vờ - có khác nào một chiếc lá khô.
Vũ Đình Toàn còn một cách trải lòng nữa là hát và khiêu vũ. Ông thích hát những bài ca trữ tình, hát trên nhà, dưới bếp, ngoài sân, hát nơi công cộng. Mặc dù ca hát chỉ là sở đoản nhưng phần nào giúp ông tạm thời tan đi sự "đóng băng". Những điệu nhảy Valse, Rumba, Chachacha cuốn hút ông, nhảy để rèn luyện sức khỏe, và quan trọng hơn là tìm một tâm thế bình yên. Nay đã tuổi 78, “lão giả an chi”, việc gác bút, gác lao động chân tay, hưởng niềm vui với con cháu là lẽ tự nhiên. Thế mà ông khiến tôi sững sờ khi "tái xuất", liên tiếp tung ra cú hattrick ngoạn mục, với những bài thơ "phá băng" như: Đá Chông K9, Trở về lục bát quê ta, Vũ điệu đồng tính…, tứ thơ đậm đặc, ngữ điệu bổng trầm; bình thơ: "Giới hạn hay vô hạn?" đã nâng tầm thơ của hội viên tới độ triết lý sâu xa.
Vắng bóng trên văn đàn không hẳn do bệnh tật, Vũ Đình Toàn dành thời gian "nạp năng lượng", gặp ông, thấy da dẻ tươi hồng, nụ cười rộng mở, ánh mắt phảng phất nét hồi xuân. Trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, ông lại có thơ công bố, lại có cả những bài bình. Đối với tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên ông còn có bài phản biện "Tình yêu tay ba của Thúy Kiều" với sự hiểu biết sâu rộng. Rồi ông xông thẳng vào "mặt trận văn xuôi" như một cựu binh thiện chiến. Tác phẩm đầu tay Người kế nghiệp in trên Văn nghệ Thái Nguyên, phản ánh một thực tại buồn khi nhiều người đang thờ ơ, quên lãng lịch sử và những tác phẩm lịch sử của cha ông. Bút pháp chân thực, khúc triết, ông đã gửi tới mọi người tiếng động của lương tâm người thầy giáo, của nhân tình thế thái.
Chúc ông dẻo tay bút, ấm áp tiếng lòng.
Nguyễn Thưởng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...