Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:46 (GMT +7)

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Minh: Một hồn thơ “quên” tuổi

VNTN - Sáng xuân. Đường vào Thịnh Đán (TP Thái Nguyên) đông như ngày hội. Ô tô, xe máy đan vào nhau, ồn ào nhịp sống công nghiệp, tất bật, vội vã của một ngày cuối năm.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Minh đón tôi, người bạn vong niên đã gắn bó với anh nhiều năm trong Chi hội Thơ, trong Câu lạc bộ Thơ Mùa Thu từ những ngày đầu. Tám mươi ba tuổi, những vết thời gian đã dần hiện lên trên khuôn mặt anh, sự chậm chạp đã thấy trong dáng đi, giọng nói. Nhưng đọc thơ anh thì không hề thấy dấu vết của tháng năm:

 Vườn xuân khuyết một nụ cười,

 Câu thơ để lạnh ai người nhớ ai,

 Gửi vào giá rét giêng hai,

 Chút bâng khuâng giữa chiều phai 

                                              hội làng!

Nguyễn Ngọc Minh là học sinh khóa đầu tiên của trường cấp 2 Lương Ngọc Quyến từ năm 1946, thời thầy giáo nhạc sỹ tài hoa Phạm Duy Nhượng là hiệu trưởng. Rồi cuộc sống kháng chiến cuốn hút anh đi, mười ba tuổi anh đã tham gia Đoàn kịch Việt Bắc của Sở Thông Tin khu I, do thầy Nhượng làm trưởng đoàn. Đoàn kịch hoạt động một thời gian dọc tuyến Bắc Kạn - Thái Nguyên: diễn kịch, ca hát động viên bộ đội, nhân dân trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh kể: Những ngày tháng đó là một mảng kí ức không thể phai mờ. Ăn đói, mặc rét, sốt rét không có thuốc chữa, nhưng không đánh gục được tuổi trẻ, không làm giảm sút niềm tin tuyệt đối vào Bác Hồ và kháng chiến thành công.

Pháp nhảy dù xuống Thái Nguyên, Đoàn kịch giải thể sau khi hoạt động được vài tháng. Anh chuyển sang làm công việc văn phòng của Ty Công an. Tháng 8 năm 1952, đi bộ đội, tới năm 1958 chuyển ngành về Bệnh viện A Thái Nguyên, và tới năm 1982 thì nghỉ hưu.

Nguyễn Ngọc Minh làm thơ từ những năm trong quân ngũ. Những ngày đầu kháng chiến, anh làm báo tường, báo liếp để động viên tinh thần bộ đội nhân dân ở những nơi đóng quân. Nhưng nghiệp thơ buộc chặt vào anh có thể nói là từ năm 1982 khi anh đã nghỉ hưu.

Khuôn viên nhà anh như cũng góp phần nâng bổng cho tâm hồn thi sĩ. Căn nhà giản dị, được bao bọc bởi màu xanh bất tận của cây xanh, cây cảnh. Tiền sảnh là nơi tiếp khách, làm thơ, in thơ. Không khí luôn tịch mịch, tĩnh lặng, hầu như rất ít bị tác động của cuộc sống bên ngoài. Các con đi làm xa, hai ông bà sống cảnh thanh nhàn, để hưởng tuổi già, để viết dâng đời những vần thơ.

Thơ Nguyễn Ngọc Minh trẻ hơn tuổi. Hãy đọc: Với tay chạm phải giao thừa/ Ngoài hiên mưa bụi cũng vừa kịp xuân/ Sủi tăm nếp mới làng Vân/ Men quê chống chếnh sau lần cụng ly (Uống rượu đêm ba mươi) hoặc: Tháng giêng về thăm ngoại/ Gặp hương quen tóc thề/ Mang tình đi trong nắng/ Đêm ngập ngừng trong mê (Hoa mận). Thật hàm xúc và trẻ trung.

Tôi ngồi nhìn anh và suy ngẫm. Đôi bồ câu trắng từ cành cao sà xuống mảnh sân nhỏ, đi lại yên bình trong nắng nhẹ, trong không khí thơ mộng của một buổi sáng se lạnh chưa tan hết. Chị Minh đi chợ về, nhìn vào giỏ xách thức ăn, cái gì chị mua cũng ít, một mớ rau, vài con tôm… Người phụ nữ tần tảo này thật phù hợp với nhà thơ. Có lẽ trời sinh ra họ là để cho nhau. Trong gia sản thơ đồ sộ của anh chắc chắn có nhiều công sức của chị. Tôi đã được đọc hai tập thơ anh xuất bản: Bên kia tiếng sóng và Trăng nhuận. Thơ Nguyễn Ngọc Minh trữ tình, đầy tâm trạng trước cuộc sống muôn màu. Không ồn ào, bạo liệt, cứ êm ả đi vào lòng người. Tuy thật chưa nổi trội nhưng bài nào cũng có những tìm tòi về ngôn ngữ thơ, về đổi mới cách thể hiện, bài nào cũng đứng được và tạo ra phong cách Nguyễn Ngọc Minh khó lẫn. Dù đọc đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ; từ Bản Tango mùa xuân, tới Viết ở cao nguyên: Tối/ Nhà Rông thêm khách lạ/ Cồng chiêng ngân nga rượu cần/ Đêm/ Trong vương quốc thơ văn/ Ngổn ngang gieo vần quên nhớ… Hay trong Vần thơ biển: Biển những ngày đẹp đến si mê/ Nhớ thương xanh neo bờ khát vọng/ Để mùa thương mùa yêu cháy bỏng/ Rộn chân trời Hoàng Sa, Trường Sa.

Với tính cách cần mẫn, khổ luyện, Nguyễn Ngọc Minh đã lập một “kỉ lục”, anh đã có 286 bài thơ được đăng trên các báo trung ương và các tỉnh. Đó là thành quả của mấy chục năm lao động miệt mài bằng một tình yêu hiếm có vào nghiệp thơ của mình. Anh nhiệt tình tham gia sinh hoạt Chi hội Thơ - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, mười lăm năm tham gia Câu lạc bô Thơ Mùa Thu. Hình ảnh anh với chiếc xe máy cũ, đi họp, đi giao lưu với các nơi, chậm rãi, cẩn thận có lẽ khó phai mờ trong kí ức mọi người.

Tám mươi ba mùa xuân đã đi, ba mươi tư năm cày xới trên cánh đồng thơ đầy thách thức để hôm nay ta có nhà thơ Nguyễn Ngọc Minh, một trong những nhà thơ anh cả về tuổi đời, cũng như những đóng góp không hề nhỏ cho thơ Thái Nguyên.

Tôi ra về, nhanh chóng hòa nhập vào nhịp sống phố phường. Bỏ lại phía sau một “vương quốc” yên tĩnh, xanh mướt, ấm cúng của tình người, tình thơ. Xin chúc Anh chân cứng đá mềm, tâm hồn trẻ mãi để có được những vần thơ vượt lên trên tuổi tác, vượt lên trên thời gian, cống hiến cho đời những thành tựu mà chúng tôi, lớp đàn em, đàn cháu của anh hằng ngưỡng mộ...

 

Nguyễn Hữu Bài

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước