Nhà thơ Doãn Long – tỏ tình cùng hương rừng, men núi
Anh không đi xe máy/ Sang tới nhà em bằng đôi chân dính đầy đất đỏ/ Đến gầm sàn rửa chân mất mười lăm phút/ Lên nhà ngồi gần bếp lửa hơ khô chân rồi kéo ống quần xuống/ Lúc đó bắt đầu nói vài câu xã giao (Tỏ tình). Thiết nghĩ không có ai đi tỏ tình mà vụng về đến ngờ nghệch như chàng trai trong bài thơ. Nhưng nó tuyệt nhiên không gây cười cho người đọc mà thay vào đó là một sự trang nghiêm. Nghiêm túc đến cẩn trọng, và toát lên một sự chân thành, từ đó mà hình thành nên duyên, một sự duyên dáng đáng yêu vô chừng. Đó cũng là cách mà Doãn Long đến với thơ, và như một cách tuyên ngôn của thơ anh.
Nhà thơ Doãn Long, sinh năm 1977 tại Định Hóa, Thái Nguyên. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, hội viên Hội Văn học Các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên. Hiện dạy học tại Định Hóa, Thái Nguyên. Các tập thơ đã xuất bản: Thương về quê mẹ (2011); Nơi mọc lên câu thơ (2018); Dìu anh lên ngựa (2020), Uống rượu nhà sàn (2022). Giải thưởng: Cuộc thi sáng tác và phổ biến văn học nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên năm 2019; Cuộc thi thơ “Tổ quốc và Mẹ” năm 2021… |
Làm thơ đã khó, nhưng chọn được một lối đi riêng cho thơ mình còn khó hơn. Về phương diện này, Doãn Long là người chung tình. Anh lựa chọn và kiên trì với thứ thơ thuần túy dân tộc và miền núi, một thứ hương rừng, sắc núi không phải chỉ của riêng Định Hóa quê anh, mà là của chung vùng cao; hội tụ những nét đặc trưng riêng của văn hóa các tộc người. Đừng đoán định đó là Tày, Dao hay Mông. Thơ Doãn Long, đơn giản hay phức tạp hơn, nó là men rượu. Một thứ rượu men lá trong veo suối nguồn, êm như mây núi, nhẹ như gió ngàn nhưng lại nồng nàn, đắm say.
Xưa nay, nhiều người cứ hay đánh đồng thơ dân tộc miền núi với thứ thơ mượn tiếng sáo, điệu khèn, câu then, bát rượu… như một món đồ trang sức. Sự thực, không phải cứ nói đến miền núi, đến dân tộc là sẽ có chất thơ dân tộc miền núi. Hội nhập văn hóa khiến cho thơ cũng lung linh sắc màu giao thoa giữa cầu vồng và mặt nước. Xanh đỏ tím vàng thật đấy nhưng một đằng là sắc màu hình thành từ những đám mây trên trời, một đằng chỉ là cái bóng soi màu phản chiếu dưới nước. Có điều, qua lăng kính thơ thì giả chân cũng khó mà đoán định, không có vốn văn hóa dân tộc miền núi thì chỉ thấy nó ngồ ngộ, chẳng ra yêu cũng chẳng ra ghét, và thú vị thì chưa chắc. Thơ Doãn Long không phải là những tiếng vọng của thơ Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Cầm Biêu…, nó cũng chân mộc lành hiền, nhưng lại thấp thoáng cái tinh anh ranh mãnh của Y Phương, cái phong trần điệu đàng của Lò Ngân Sủn, cái mạnh mẽ mê đắm của Lò Cao Nhum. Thấp thoáng thôi, đủ để níu người ta đã chạm vào thơ anh thì kiên nhẫn mà đi hết cái con đường rừng thơ ấy, và thấy nó gần gũi…
Anh có về bản cùng em
Thì nắm tay nhau qua hết ngọn dốc dài
Thấy bản mình đắp chăn mây chưa ngủ
Khói đã thơm mùi thức ăn bò sát nóc nhà
(Anh có về bản cùng em)
Có điều lạ là Doãn Long chưa bao giờ tự nhận đó là “bản của mình”. Anh chỉ khơi khơi thế thôi, chỉ đóng vai người khách bộ hành, đóng vai người trai rừng đi tìm bạn, nhưng cái bản ấy, ngôi nhà sàn ấy, nó gắn bó keo sơn lạ lùng, nó thân thiết như là một mảnh hồn của người xa xứ hồi quê, nó nên thơ như một bức tranh thủy mặc, và sinh động như chỉ chực tuôn trào nhựa sống. Cái bản đang còn “đắp chăn mây chưa ngủ” mà chỉ mới “nắm tay nhau qua hết ngọn dốc dài” sẽ thấy “khói đã thơm mùi thức ăn bò sát nóc nhà”. Ngộ nghĩnh và ấn tượng. Ấn tượng hơn là khi lại gần, khi đã vào bản, vào trong cái tổ ấm nhà sàn thì mọi thứ càng trở nên thân thuộc hơn nhiều: Trên mái lá, dưới sàn tre/ Xung quanh hàng cột dui mè bóng đen/ Giữa nhà khói bếp bay lên/ Mẹ ngồi vun hết bốn bên gió lùa (Uống rượu nhà sàn). Thơ Doãn Long có sự minh định rạch ròi giữa “làng anh” và “bản em”. “Làng anh” mang những đặc trưng riêng với Mẹ tôi cấy lúa ngoài đồng/ Nắng trưa đổ bóng lưng còng gãy thêm như một minh họa điển hình cho những vất vả lo toan của người nông dân trước thiên nhiên nghiệt ngã Nắng như cháy rực ngọn cau/ Mưa úng ngập khoảng sân sau xế chiều. Hình ảnh người mẹ “cong đòn gánh quẩy cơn ngâu qua làng” là một ám ảnh dội từ quá khứ hằn sâu trong tâm thức của nhà thơ. “Làng anh” còn rõ ràng hơn những “tự sự gia cảnh” mà tác giả đã khéo léo khắc họa. Đó là hình ảnh Mẹ tôi bám sau linh cữu của bà/ Nhờ làng dẩy đi đến nghĩa trang đầy gió (Đám ma bà tôi); hình ảnh người bố thương binh “chân chống nạng đi thăm đồng đội” (Bố là thương binh). Đó còn là hình ảnh người con với những kí ức thường trực về một thời thơ ấu cơ cực: Ta lặn trong giấc mơ của mẹ/ Nồng nặc sắn khoai/ Mặt trời thỏa sức cười, chiếc nón mê rách nát/ Tròn bóng giữa sân (Ngày mới). Thế thôi. Còn lại là những ẩn ức của chàng trai si tình vọng hồn nơi bản núi. Nơi đó là “bản em” với Khói bếp vòng quanh nghe câu chuyện mùa màng/ Cây cột lặng yên/ Nhìn bếp lửa đỏ lên hơi ấm (Ngôi nhà kể chuyện). Nơi đó có Mế thức đêm nhuộm vải/ Sắc chàm nở hoa văn/ Góc sàn em treo váy/ Tỏa thơm hương núi rừng (Máng nước). Nơi ấy Cha làm bạn bên bếp lửa mỗi ngày/ Khói bếp lên như dấu hỏi ngàn đời/ Câu hỏi thả vào màn sương loãng (Mùa đông). Ở đó có người con gái Tày Tóc thơm mùi lá bưởi/ Hơi thở tỏa hương hoa rừng/ Bắp chân trắng to như cây măng mai vừa nhú đất/ Dắt người yêu vượt dốc nhẹ băng (Con gái Tày). Người con gái ấy Giống đóa hoa dại nở giữa rừng/ Đến mùa chờ bầy ong bay đi tìm mật (Làm con gái). Từ “nhà anh” đến “bản em” không phải là khoảng cách của không gian địa lí mà là sự ngăn cách của biên độ tình yêu. Người trai làng khởi hành trình đi tìm tình yêu một cách hăm hở đến quyết liệt, đắm say đến liều lĩnh, chân thật đến khờ khạo nhưng quan trọng là tính mục đích, là sự kiên tâm theo đuổi những ma lực của một tình yêu đầu đời. Chàng trai làng Tày ấy tuyệt không một chút làm dáng, không vờ vĩnh, phỉnh phờ nơi chóp lưỡi đầu môi, mà lành như đất, chân thật và thủy chung như đất với một niềm tin dung dị: Anh cứ nghĩ vì sao cây rừng mọc thẳng/ Thật lòng mới có được bùa yêu. Chính bởi “anh học cây rừng cho lời nói thẳng” mà chàng trai ấy đã đủ kiên tâm Yêu em vượt núi đến bản nhà sàn/ Đi chân đất lên hết chín bậc cầu thang/ Thật lòng ngồi giữa nhà thưa chuyện (Học cây mà nói). Cho dù chàng trai ấy tự nhận mình là con ngựa lười/ Ngủ lâu trong hang núi/ Nói lời yêu không qua bậu cửa (Sao anh ngập ngừng), nhưng rốt cuộc, vẫn đủ dũng khí để mà mặc đôi dép quai/ Đi chiếc xe có gác đờ bu cao cho hết dính bùn/ Qua cánh đồng quần xắn ống lên ngang đầu gối/ Bấm ngón chân xuống đất để đi (Về bản). Thậm chí, còn tự tin và chân thật đến độ “vác trên vai một bó củi to” đến nhà người yêu “để em đun nồi nước chàm nhuộm váy cưới”. Tự nhận mình là “không biết nói những lời hoa mĩ” đến nhà em như “để quên cái miệng ở nhà” nhưng rồi, chính cái vẻ chân mộc hồn nhiên ấy đã trở thành một lợi thế mà không dễ chàng trai nào cũng có được. Trong tình yêu, chỉ một sự lặng im đã nói được nhiều điều, huống hồ đây lại còn là những tín hiệu loạn nhịp của con tim mà không cần phải quá tinh tế vẫn dễ dàng nhận ra. Có lẽ chính bởi vậy nên cô gái đã dễ dàng chủ động, không e thẹn ngại ngùng mà trách cứ: Anh bảo yêu em sao giống con rùa xó chạn/ Không leo qua chín bậc cầu thang/ Mế nuôi em như ủ men rượu lâu ngày/ Hương thơm bay sang núi/ Có người hỏi lấy làm sao? (Sao anh ngập ngừng)…
Thơ Doãn Long dẫn dụ người đọc vào một trạng thái lâng lâng mê đắm của men rượu tình yêu, của hương rừng sắc núi. Anh không chủ ý cầu kì câu chữ mà cố gắng buông thả cho mạch cảm xúc dẫn dắt thành lời. Đôi khi, nó vụng về một cách đáng yêu. Lợi thế của một thầy giáo mỹ thuật cho anh những phát hiện tinh tế và độc đáo trong cách nhìn, cách cảm. Bản năng thi sĩ cho anh những lựa chọn biểu đạt vừa nồng nàn cảm xúc vừa ý vị sâu xa. Chỉ tiếc, những trải nghiệm cuộc sống có lẽ chưa đủ để Doãn Long kiến tạo một không gian thẩm mĩ riêng cho thơ mình. Ở một chừng mực nào đó, thơ Doãn Long vẫn nghiêng về góc độ quan sát, miêu tả hơn là những suy tư bản thể; là sự thiên di hướng ngoại hơn là những trực cảm bản năng của một “người núi” từ trong máu thịt. Vì thế, người đọc dường như vẫn mang máng nhận ra một sự pha trộn mơ hồ khiến cho thơ anh ở thế chông chênh giữa đường biên của vô thức và trải nghiệm. Ở đó, diễn ngôn của lí trí đôi khi lấn lướt làm cho sự bộc lộ cảm xúc trở nên vụng về. Mẹ đã rút lòng chảy hết mùa mưa/ Đổ về thành dòng sông dữ dường như là một câu thơ ít tính thẩm mĩ trong một bài thơ mang nặng dấu ấn luận đề. May thay, những câu/bài thơ như thế không nhiều. Chỉ cần điềm tĩnh đọc lại, tôi tin nhà thơ cũng dễ dàng nhận ra điều này.
Con đường thơ không bao giờ được mặc định sẵn trong hành trình của mỗi thi nhân. Phía trước người viết thường là những sa mạc mênh mông hay thâm u rừng thẳm. Tự khai mở, đó là cách để xác lập một hướng đi cho riêng mình. Phía trước còn lắm nhọc nhằn nhưng tôi tin, Doãn Long có đủ sự kiên trì mà tấn tới. Hay nói như cách nói của thơ anh: “rượu men lá cứ nhẹ nhàng mà thơm”.
Nguyễn Kiến Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...