Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
02:35 (GMT +7)

Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh – cuộc “gặp gỡ” lịch sử

VNTN - Ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm và rất mực trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến những năm cuối đời, trong cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc viết rằng: Rồi sau này lịch sử sẽ còn phải mất rất nhiều giấy mực để giải mã về sự trùng hợp lạ lùng giữa Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Hai con người cách nhau 5 thế kỷ nhưng họ có những điểm trùng hợp rất lạ lùng. Họ đều là những nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, nhưng hơn hết thảy họ gặp nhau ở tấm lòng tha thiết với hạnh phúc của Nhân dân.

1. Nguyễn Trãi sinh năm 1380 trong bối cảnh triều Trần đi vào giai đoạn suy tàn và chuẩn bị thay thế bởi nhà Hồ. Đúng 27 năm sau, tức năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta và đặt lại nền đô hộ trên đất nước Việt Nam. Kể từ khi nước ta giành được độc lập năm 938, thì đây là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay, nhà Minh chia nước ta thành quận huyện và sáp nhập Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc.

Hồ Chí Minh sinh năm 1890, cũng vào giai đoạn đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng sau khi người Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858. Năm 1884, Hòa ước Giáp Thân hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre, là bản hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp. Kể từ đây, thực dân Pháp đã thiết lập nền đô hộ lên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

 

Bác Hồ đang đọc tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương, ngày 15-2-1965. Ảnh tư liệu lịch sử.

Nguyễn Trãi sinh ra từ mối tình của thầy đồ Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh) và cô học trò Trần Thị Thái. Mẹ Nguyễn Trãi, bà Trần Thị Thái là con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Cụ Trần Nguyên Đán là chắt nội Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Trần Quang Khải là con trai thứ 3 của Trần Thái Tông - Trần Cảnh và Thuận Thiên công chúa. Nguyễn Trãi không những là cháu ngoại của nhà Trần, ông còn là cháu ngoại xa của nhà Lý (Thuận Thiên là con vua Lý Huệ Tông). Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sĩ khoa thi năm Long Khánh thứ 2 đời Trần Duệ Tông nhưng không được triều đình bổ dụng. Nguyễn Phi Khanh về quê dạy học và được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, vừa là tôn thất, vừa là trọng thần, là rường cột của quốc gia khi ấy, người được xem là có trí tuệ nhất lúc bấy giờ mời về dạy cho con gái là Trần Thị Thái. Thầy trò Nguyễn Phi Khanh - Trần Thị Thái đã phát sinh tình cảm và từ cuộc hôn nhân ấy đã ra đời một danh nhân văn hóa, một anh hùng dân tộc vĩ đại là Nguyễn Trãi.

2. Cũng giống Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh cũng được sinh ra từ cuộc hôn nhân đẹp giữa thầy đồ Nguyễn Sinh Sắc và cô học trò Hoàng Thị Loan. Khi Nguyễn Trãi lên 6 tuổi mẹ ông qua đời và Người lớn lên dưới sự dạy bảo của ông bà ngoại và cha mình (cụ Trần Nguyên Đán mất khi Nguyễn Trãi lên 10). Hồ Chí Minh mất mẹ khi 11 tuổi và Người cũng lớn lên dưới sự dạy bảo của cha và ông bà ngoại. Sau khi nhà Minh xâm lược nước ta, năm 1407, Nguyễn Phi Khanh cùng rất nhiều triều thần nhà Hồ bị bắt đưa về Trung Quốc và cha con họ chia tay nhau từ buổi ấy đến khi Nguyễn Phi Khanh mất nơi đất khách quê người. Sau khi đánh thắng quân Minh, cảm ân đức tha mạng của Nguyễn Trãi, thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc cho đưa hài cốt Nguyễn Phi Khanh về Việt Nam. Mộ ông nay vẫn còn ở Chí Linh, Hải Dương.

Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành chia tay nhau kể từ ngày Nguyễn Tất Thành đi sang Pháp năm 1911 và cha con họ cũng đã không bao giờ gặp lại nhau. Cụ Nguyễn Sinh Sắc qua đời ở Đồng Tháp và mộ Cụ nay vẫn còn ở Đồng Tháp.

3. Thế nhưng, có lẽ điểm gặp nhau lớn nhất của hai vĩ nhân này chính là tư tưởng vì dân. Đối với Nguyễn Trãi, đó là tư tưởng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; là “Phúc chu thủy, tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân như nước); là “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.

Nguyễn Trãi đỗ tiến sĩ cùng cha khoa thi năm Thánh Nguyên thứ nhất (1400) triều Hồ Quý Ly. Cả hai cha con ông đều làm quan cho nhà Hồ. Nhà Hồ là triều đại phong kiến đã xây dựng được đội quân đông đảo nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng là triều đình đã để nước Việt Nam mất về tay quân thù nhanh nhất. Lấy được ngôi từ nhà Trần, nhà Hồ đã để mất lòng dân khi không dựa vào sức mạnh của nhân dân để chống giặc mà lại ỷ vào thành cao hào sâu. Vì vậy, trong suốt cuộc chiến đấu ngắn ngủi ấy, “Nhà Hồ đánh giặc một mình” (lời Nguyễn Trãi).

Sau khi nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh lúc này đang giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang bị bắt và giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi và em là Nguyễn Phi Hùng khóc lóc theo cha lên ải Nam Quan với ý định sang Trung Quốc hầu hạ cha già. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con trai của mình rằng: “Con là người có học phải biết rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Hiểu lòng cha, Nguyễn Trãi quyết quay trở lại, nuôi chí đánh bại quân Minh, bảo vệ giang sơn nòi giống. Trên đường trở về, đi ngang qua cửa biển Bạch Đằng, Nguyễn Trãi đã viết bài thơ “Quan hải” (Cửa biển) nổi tiếng:

Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,

Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi.

Lật thuyền mới rõ dân như nước,

Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời.

Hoạ phúc gây mầm không một chốc,

Anh hùng để hận mấy trăm đời.

Vô cùng trời đất gương kim cổ,

Cây khói xa mù bát ngát khơi

(Nguồn: Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976)

“Phúc chu thủy tín dân do thuỷ” (Lật thuyền mới rõ dân như nước). Đó chính là sức mạnh vĩ đại nhất của lòng dân chứ không phải thành cao, hào sâu, không ở những công trình “hoành tráng”. Vậy nên, sau này, khi vua Lê Thái Tông giao soạn nhạc cho triều đình, Nguyễn Trãi đã tâu với vua: “Cúi mong bệ hạ rủ lòng thương yêu chăm lo cho muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu. Như thế tức là giữ được cái gốc của nhạc”.

Cũng giống như Nguyễn Trãi nghe lời khuyên của cha, Nguyễn Tất Thành cũng ngầm nhận được sự ủng hộ và lời khuyên chí thiết từ người cha của mình. Lúc cụ Nguyễn Sinh Sắc đương chức Tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành khi ấy đang được gửi trong nhà của nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha đẻ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) ở Quy Nhơn để học thêm về tiếng Pháp đã lên Bình Khê thăm cha. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con trai của mình: “Nước mất thì đi tìm nước, lần này đi tìm cha phỏng ích gì?”. Cũng từ sự ủng hộ của người cha, Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc như các bậc sĩ phu đương thời đã trăn trở ra đi. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn đau đáu một nỗi niềm vì dân, vì nước, nhất là vì hạnh phúc của nhân dân. Với Hồ Chí Minh, đó là tư tưởng: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Đó là tư tưởng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Đó là lời căn dặn thiết tha: “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh” và “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”; “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”…

Ngày 10-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay viết bản Di chúc để lại cho mai sau. Trước khi viết bản Di chúc này, Người đã có hai “cuộc gặp” lịch sử với hai nhà tư tưởng lớn là Nguyễn Trãi ở Việt Nam và Khổng Tử trên đất nước Trung Quốc. Trước khi viết Di chúc, Người đã nói với ông Vũ Kỳ rằng hãy chuẩn bị để bác cháu ta về “thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Ngày 15-2-1965, tức rằm tháng Giêng năm 1965, đã diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai vĩ nhân ấy. Tư tưởng lớn nhất mà hai bậc vĩ nhân này của lịch sử Việt Nam gặp nhau đó chính là chữ DÂN.

Vũ Trung Kiên - Phạm Bá Ninh

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy