Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:21 (GMT +7)

Nguyễn Thưởng: ngoại bát tuần cây bút vẫn còn xuân

VNTN - Ông tâm sự với tôi những chuyện ngày xưa của cuộc đời, rằng: Không biết do đâu mà từ lúc còn bé đến lúc nghỉ hưu có sáu từ “mỏ” cứ bám riết lấy ông như số phận. Sống với cha mẹ ở mỏ kẽm Bình Chai, đi kháng chiến thì đơn vị lại đóng ở mỏ Phia Khao, thuyên chuyển đến mỏ chì Bắc Sơn, mỏ thiếc Cao Bằng, mỏ than Na Dương; sau 1979 lại chuyển về mỏ than Làng Cẩm. Những mỏ ấy đã chiếm hết tuổi thanh xuân. Tuy nhiên những nơi ấy lại bù đắp cho ông và gia đình cuộc sống hạnh phúc. Những nơi ấy thầm lặng lắng sâu vào ông những hoài niệm sâu sắc. Nó chính là mảnh đất mầu mỡ cho cây ra hoa kết trái của sự nghiệp văn chương của ông.

Nguyễn Thưởng bắt tay vào sáng tác văn học không sớm lắm. Chủ yếu các tác phẩm của ông xuất hiện nhiều vào khoảng trên 10 năm lại đây. Cuộc sống từng trải qua đời lính, đời công nhân, vất vả vượt qua bao thử thách như một kho tàng phong phú, giờ đây được ông dùng ngòi bút đưa vào các tác phẩm với một cách nhìn, một nhân sinh quan. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông viết trên sáu chục truyện ngắn, bút ký, tản văn, phê bình văn học và hàng trăm bài thơ, cho xuất bản 2 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 2 kịch nói. Với những sáng tác đó, ông là một trong những cây bút trong nhóm văn xuôi có những cống hiến nhất định.

Đọc 3 tập truyện ngắn "Khoảng trống"; "Nợ nghĩa"; “Chị Soan", ta thấy thấp thoáng những câu chuyện có thật ngoài đời. Bằng sự chiêm nghiệm cuộc đời của chính mình và những người xung quanh, chủ yếu là qua góc nhìn của một người cao tuổi, tác giả đã xây dựng thành những truyện ngắn đặc quánh suy tư, dồi dào cảm xúc và có giá trị nhân sinh quan sâu sắc.

Nhà văn mải miết tìm cảnh, tìm người, lục lại quá khứ, soi trong hiện tại để cho các nhân vật cứ hiện lên bằng xương bằng thịt, đắm mình trong suy tư, khổ đau dằn vặt. Các nhân vật do nhà văn tạo ra mỗi người chứa chất một thân phận khác nhau, như chính cuộc sống này vẫn cứ mặc nhiên diễn ra muôn mầu.

Ngược thời gian 70 năm để đi tìm chị Soan của tháng 3 Ất Dậu mịt mù chết chóc một cách lặng lẽ, lạnh lùng, để thấy một chị Soan nết na, xinh đẹp, chung thủy mòn mỏi chờ đợi người chồng ngẫu nhiên đến bởi từ hai bà mẹ quá cố trong nạn đói ấy. Xuôi dòng về lại ngay mới hôm qua để đến với cháu Hà đem lại “Niềm vui đích thực” cho bà Lan trong một bài thi trên bàn phím vi tính để ngợi ca bà mẹ trong ngày 8/3. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của tháng 3, tháng của những người mẹ, người chị, người con. Với sự gặp nhau bất ngờ giữa quá khứ và hiện tại, chiều sâu của ngòi bút ôm trọn cả thời gian và không gian.

Nhớ da diết quê hương, nhà văn "Về làng" qua Đò Quan nổi tiếng để về miền đất đang hồi sinh trong cuộc sống mới với bao quan hệ ông bà tổ tiên xóm làng con cháu phức tạp. Rồi tác giả lại đưa người đọc về phố để cùng nhau cất tiếng cười sảng khoái vì sau sự hiểu lầm đánh ghen của chị Lan với chồng đi thu tiền ủng hộ bão lụt trong “Chuyện phố phường”.v.v.. Hay như các nhân vật ông Hồng trong “Người hồi sinh”, ông Đa trong “Rượu kế”, ông Lộc trong “Đường đi của bệnh”…, đó là những hình tượng đã để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc.

Hơn hết thảy, nhà văn đã nói được nỗi lòng của người cao tuổi. Ở tuổi 70 xuân, nhà văn dành tất cả tâm huyết cho các bạn cùng trang lứa tuổi văn chiều xế bóng với những vui buồn, lo toan và hãnh diện, cũng như những vết nhăn trên trán, những nốt đồi mồi trên da mặt và những bước đi khập khễnh, bập bềnh.

Văn Nguyễn Thưởng là như thế. Văn của ông sắc sảo mà không khô cứng, chắc chắn mà vẫn mượt mà. Nhân vật do ông tạo ra có nội tâm, có góc cạnh, tạo nên mâu thuẫn xung đột rồi cởi nút thắt bất ngờ. Văn của ông giàu hình tượng, lại luôn phảng phất giọng nói của thành ngữ, tục ngữ, ca dao nên càng hấp dẫn. Nó thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật vất vả, lăn lộn trong thực tế của người viết luôn có ý thức nghiêm túc về nghề.

Khác với văn, thơ của Nguyễn Thưởng là tiếng nói trái tim đa cảm, là giọt buồn vui, là tiếng hát trầm bổng của nỗi lòng như chính ông nói:

Tôi viết vần thơ tự vấn mình

Chìm nổi một đời với nhục vinh

Họa khi đất gọi về bên ấy

Có để được gì cho hậu sinh

(Tự vấn)

Nguyễn Thưởng lấy thơ nói với gia đình, với mẹ, với bà vợ già thủy chung luôn song hành cùng ông trong cuộc đời và văn chương, với con, với cháu, với bạn bè, và cũng có đôi lúc hồn thơ ấy bay về với những cánh diều, với những bóng hồng mơ mộng.

Quá nửa tập thơ “Hoài niệm” là một thời yêu. Hãy lắng nghe Nguyễn Thưởng giấu lòng trong “Cánh diều”:

Anh là sợi dây oằn theo chiều gió

Cố đặt giữa trời nụ hôn...

Lỡ một lần diều nghiêng vào bão

Thì ở cuối dây anh chết lặng vẫn chờ.

Đây là dòng tĩnh của một nhà thơ còn đang hừng hực lòng thanh xuân. Hay đến bất ngờ:

Em một nửa và anh một nửa

Một tổn thương hạnh phúc bước giật lùi

Anh một nửa và em một nửa

Lìa xa nhau trái đất vã mồ hôi.

Thơ ông như những hạt muối mặn, như than gỗ nghiến cháy âm thầm càng lúc càng đậm đà, ấm áp.

Đọc Nguyễn Thưởng, không ai ngờ gần 70 tuổi ông mới chính thức vào viết văn thơ. Nhưng cũng chỉ chừng ấy cũng đã đủ cho ông kịp xây dựng một gia tài không nhỏ về văn chương. Nay dù bước vào tuổi 82, ông vẫn trẻ trung sống ở một ngôi nhà bình dị cùng vợ con, trong một đại gia đình thành đạt, hạnh phúc, bền vững. Nguyễn Thưởng vẫn đang say sưa với các cuộc giao lưu thơ văn, vẫn đang mải miết tìm, mải miết thiết kế các ý tưởng cho những tác phẩm văn học mới. Chúc ông trường thọ để hưởng niềm vui tuổi già, và cho chúng tôi những niềm vui bất ngờ.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước