Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:37 (GMT +7)

Nguyễn Nhạc trong vận mệnh triều Tây Sơn

VNTN - Về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, các sách giáo khoa lịch sử đều cho biết rằng đó là phong trào nông dân nổi dậy ở hậu bán thế kỷ XVIII, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cầm đầu. Phong trào Tây Sơn mạnh mẽ đã cuốn phăng chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, làm cho quân Xiêm kinh hồn bạt vía với trận Rạch Gầm - Xoài Mút, lại khiến Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị phải ôm đầu máu cùng đám tàn binh lủi qua biên giới Việt - Trung. Và đỉnh điểm của phong trào là việc Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, in dấu trong lịch sử Việt Nam bằng một triều đại lóe sáng ngắn ngủi (từ 1789 đến 1802).

Trong tất cả các sự kiện nêu trên, vị trí của Nguyễn Huệ đặc biệt nổi bật, tới mức khiến cho chẳng mấy ai còn quan tâm tới việc đặt câu hỏi: Vậy thì Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đã ở đâu, làm gì, số phận ra sao? Về Nguyễn Lữ, quả thực có rất ít tư liệu lịch sử. Nhưng về Nguyễn Nhạc, người anh cả trong ba anh em, thì không phải là không có chuyện để nói.

Thực ra, ở điểm xuất phát, Nguyễn Nhạc chính là linh hồn của phong trào Tây Sơn. Những dòng đầu tiên chép việc Tây Sơn trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, sử quan nhà Nguyễn đã dành để nói về Nguyễn Nhạc: “Tiên tổ Nguyễn Nhạc, người huyện Hưng Nguyên, xứ Nghệ An, khoảng năm Thịnh Đức (niên hiệu Lê Thần Tông, 1653 - 1657) bị quan quân ta bắt được đem về, cho ở tại huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhân, kế tiếp vài đời, đến Nguyễn Nhạc được giữ chức Biện lại ở tuần Vân Đồn. Vì đánh bạc tiêu mất tiền công, Nhạc bèn trốn vào Tây Sơn làm trộm cướp, những người vô lại và người nghèo đói phần nhiều phụ theo, vì thế thủ hạ có đến vài ngàn người”. Đằng sau những dòng chữ này, dễ nhận thấy cái định kiến đầy khinh thị và sự ác cảm của sử quan nhà Nguyễn đối với nguồn gốc của “ngụy triều”: Nguyễn Nhạc nổi loạn chỉ là do “đánh bạc tiêu mất tiền công”, túng cùng làm liều, chẳng có gì là “cao cả” hết. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường có lý khi nêu nghi vấn: “Địa vị của Nguyễn Nhạc không phải của một anh cờ bạc tầm thường: một người đứng đầu công cuộc làm ăn buôn bán của cả một vùng mới được chính quyền trung ương cho coi việc thu thuế, rồi lại nhờ vào chức phận này mà tăng uy tín với dân địa phương, thì chống đối với chính quyền - tất nhiên là sống ngoài vòng pháp luật - đâu có phải đợi đến cái thế cùng mới bạo gan làm việc?” (Việt Nam thời Tây Sơn, lịch sử nội chiến 1771 - 1802).

Có lẽ, cần phải hình dung vấn đề theo cách khác: Nguyễn Nhạc đã đứng về phía dân chúng, đã biết nương theo sự chống đối của dân chúng trước chế độ thuế má khắt khe; rồi bằng uy vọng với dân chúng, bằng thói quen tổ chức và óc chỉ huy của một “nậu nguồn” kỳ cựu trong nghề buôn trầu, ông đã tập hợp dân chúng lại để thực hiện mục đích của mình. Gần, thì đó là việc trở thành một thế lực đối trọng với chính quyền Nam Hà của chúa Nguyễn. Xa, thì đó có thể là gì khác nếu không là ngôi tôn quân chí thượng? Cái đích đến trong sự “nổi loạn” của tất cả các thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa thế kỷ XVIII đều là thế, và Nguyễn Nhạc cũng không khác thế.

Trung tuần tháng 9 năm 1773, Nguyễn Nhạc đánh thành Quy Nhơn, rồi tiếp tục thừa thắng đánh rộng ra chiếm toàn bộ vùng Quảng Nam. Từ cuối 1773 đến giữa 1774, quân Tây Sơn và quân chúa Nguyễn liên tục đụng độ nhau, ăn miếng trả miếng, đất Quảng Nam bị giành đi giật lại giữa hai thế lực. Cái thế giằng co còn chưa đi đến ngã ngũ thì quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh kéo vào. Giáp mặt với Quận Việp một trận ở Cẩm Sa, Nguyễn Nhạc thua to. Nhưng rồi ông nhanh chóng đi một nước cờ khôn ngoan, là xin đầu hàng quân Trịnh (Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Nhạc bèn sai thuộc hạ là bọn Phan Văn Tuế đem vàng lụa đến xin hàng và xin làm tiền khu. Ngũ Phúc tin lời, nhân dâng biểu xin cho Văn Nhạc làm tiền phong tướng quân, giữ chức hiệu trưởng Tây Sơn”). Với vị thế là “tướng Trịnh”, Nguyễn Nhạc đã giải quyết trước mắt được mối đe dọa từ phía Bắc Hà. Kể từ đây, ông hoàn toàn có thể tập trung chỉnh đốn quân lực, từng bước thôn tính giang sơn Nam Hà của một chính quyền chúa Nguyễn đã quá ư rệu rã. Thực tế đã chứng minh: mặc cho Tây Sơn mấy lần “nhập khấu” - chữ của sử quan nhà Nguyễn - Gia Định, đánh cho quân chúa Nguyễn thất điên bát đảo, truy cùng bức tận Nguyễn Phúc Ánh và đám bề tôi vong gia thất thổ, quân Trịnh ở Bắc Hà vẫn im hơi lặng tiếng. Năm 1778, việc với chính quyền chúa Nguyễn coi như đã xong, Nguyễn Nhạc xây thành Chà Bàn, lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Thái Đức. Cho đến lúc này, cái lớp áo “tướng Trịnh” của Nguyễn Nhạc dĩ nhiên không cần xé mà nó đã tự rách. Hơn thế nữa, ông còn một vấn đề phải “giải quyết” với chính quyền Bắc Hà: đó là đất Thuận Hóa, đất cũ của Nam Hà đã lọt vào tay chúa Trịnh kể từ khi Hoàng Ngũ Phúc dẫn quân Nam chinh năm 1774. Tháng 5 năm 1786, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ trổ tài dụng binh, thu phục Thuận Hóa, thỏa lòng mong mỏi của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc: toàn bộ Nam Hà đã thuộc về ông. Nhưng tới đây thì lịch sử sang trang, vai trò tiên phong trong ngọn triều Tây Sơn của Nguyễn Nhạc đã phải chuyển giao người em Nguyễn Huệ.

Cái đích chót cùng của Nguyễn Nhạc là ngôi tôn quân chí thượng, nhưng tham vọng cai trị của ông chỉ đóng khung trong lãnh thổ Nam Hà mà thôi. Chính vì vậy, khi chiếm được Thuận Hóa, ông lập tức cho xây lại lũy Thầy - cao 19 bộ, dày 1 sào - với mục đích rõ ràng là để duy trì cái thế phân liệt Nam - Bắc thành hai chính quyền, hai quốc gia giống như Trịnh - Nguyễn trước kia. Nhưng Nguyễn Huệ, ở cái lúc ngoại tam tuần (33 tuổi) cương cường đầy phấn khích, và thực tế là chưa hề biết mùi thua trận, thì không nghĩ như vậy. Được sự tham mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ từ Thuận Hóa thừa thắng kéo quân ra Bắc, đánh thốc vào Thăng Long, đập tan cơ đồ mấy trăm năm của chúa Trịnh. Ngay cả kết quả tuyệt vời ấy cũng không làm “giãn nở” tham vọng của Nguyễn Nhạc. Ông cũng ra Bắc sau đó, nhưng là vì mục đích khác: “Đến lúc Văn Huệ đã lấy được Thăng Long, Văn Nhạc biết tin, sợ lắm. Nhạc cho là vội vàng đem quân vào sâu như thế tất nhiên khó giữ được lâu. Hơn nữa Văn Nhạc nhận thấy Văn Huệ vốn là người giảo hoạt hung tợn, nếu đắc chí, tất nhiên sẽ giữ lấy một nước để tự lo toan, rồi dần dà khó mà kiềm chế được. Vì thế, Văn Nhạc lập tức đem 500 tên lính thân cận đi vội thẳng ra Thuận Hóa kén thêm binh tráng, rồi đi gấp đường ra Bắc để làm đạo quân tiếp ứng, mà thực ra là để xem xét kiềm chế Văn Huệ” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Trên đường lật đật ra Bắc, khi Nguyễn Nhạc gặp ở Nghệ An một đám dân quê khúm núm dâng lễ vật, gọi “quan lớn”, ông gạt đi: “Tôi không phải quan lớn. Tôi là họ ngoại của chúa Nam Hà vẫn quen gọi là biện Nhạc đây” (Hoàng Lê nhất thống chí). Câu nói đó có nghĩa gì? Một ông Hoàng đế “bình dân”, hay là với đất Bắc ông luôn có mặc cảm của một kẻ bố y không dám vượt phận? Khả năng thứ hai cao hơn, và nó được chứng minh bằng câu trả lời “thật thà như đếm” của Nguyễn Nhạc khi vua Lê xin được cắt đất để khao quân (Tây Sơn): “Nếu đất đai không phải của nhà Lê thì một tấc tôi cũng không để, nhưng nếu là đất của nhà Lê thì một tấc tôi cũng không lấy” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Trong khi đó, ta hãy xem thử Nguyễn Huệ nghĩ gì lúc vua Lê sách phong cho ông chức Nguyên soái phù chính dực vận Uy quốc công: “Ta cầm vài vạn quân đánh một trận mà bình định được Bắc Hà, một tấc đất, một người dân đều là của ta, nếu muốn xưng đế hay xưng vương việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh nguyên soái quốc công đối với ta có hơn kém gì?” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Rõ ràng, với viên chiến tướng có tầm nhìn xa như Nguyễn Huệ, việc ông chưa hành động chỉ là vì thời điểm chưa tới, và cũng bởi chiêu bài “phù Lê” mà ông dựa vào để động binh vẫn còn sức mạnh ràng buộc. Ba năm sau, năm 1789, sự thể sẽ rất khác.

Từ chuyến Bắc phạt này, vết rạn nứt trong quan hệ anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ đã xuất hiện và ngày một thêm trầm trọng. Nguyễn Nhạc, như đã nói ở trên, chỉ cần được làm vua trên đất của “họ ngoại” Nam Hà là đủ. Còn Nguyễn Huệ thì không nửa vời như vậy: chuyến ra Bắc đã cho ông thấy tận mắt, dưới những dấu vết đổ nát, một vùng đất tràn trề sinh lực, của cải phong phú mà ông hoàn toàn có thể làm chủ. Dĩ nhiên, để thực hiện tham vọng của mình, Nguyễn Nhạc đã trở thành vật cản mà ông phải loại trừ, hoặc ít ra là phải vô hiệu hóa. Trở về Nam, Nguyễn Huệ dừng lại ở Phú Xuân với đội quân Bắc phạt của mình chứ không về Quy Nhơn cùng Nguyễn Nhạc như những lần đánh Gia Định trước kia. “Hoàng Lê nhất thống chí” đã mượn lời của Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê để nói cụ thể về phản ứng của Nguyễn Huệ: “Vua Tây (tức Nguyễn Nhạc) từ khi về Nam thì kéo về luôn quốc thành, còn thượng công (tức Nguyễn Huệ) thì ở Phú Xuân, nghỉ quân mua vui, hoặc là ban bố mệnh lệnh, sửa sang thành lũy, bao nhiêu quân tướng, khí giới, các vật báu lấy được ở Bắc đem về, thượng công đều chứa vào một chỗ, vua Tây cho người ra vời, thượng công cũng không chịu vào chầu. Rồi thì phong quan ban chức, thượng công đều tự quyết định, không hỏi gì đến vua Tây”. Thái độ chống đối đã quá rõ, và cơ sở để Nguyễn Huệ có thể dựa vào mà chống đối Nguyễn Nhạc chính là quân đội, một quân đội đã theo ông Bắc phạt, đã được ông đổi thay sắp đặt khác đi, và nhất là, quân đội ấy chỉ biết nghe lệnh của ông chứ không phải lệnh của Hoàng đế Thái Đức đang ngự tại kinh đô Chà Bàn. Vậy là, dù muốn hay không, lịch sử vẫn phải đi con đường của nó: tháng 2 năm 1787, Nguyễn Huệ tấn công thành Quy Nhơn. Quân của ông em chiến đấu dũng mãnh và thiện chiến đến mức chẳng mấy chốc mà ông anh phải lên mặt thành, khóc lóc ỉ ôi kêu gọi tình máu mủ ruột rà, xin giải vây. Một “hiệp định bất tương xâm” có lẽ đã được thảo ra, theo đó Bến Ván trở thành địa giới ngăn cách đất của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ và Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc, còn “chú Bảy” Nguyễn Lữ thì được đất Gia Định với tước Đông Định vương.

“Tinh thần ăn đều chia đủ” của anh em nhà Tây Sơn, qua cách chia ba lãnh thổ, quả thật rất đáng khen, nhưng nhìn toàn cục, đó là điều phương hại không nhỏ tới chính vận mệnh của triều Tây Sơn. Trấn giữ Gia Định, Nguyễn Lữ tuyệt nhiên không phải đối thủ của Nguyễn Phúc Ánh: chỉ một cái nhấc tay, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy lại được đất thang mộc của dòng họ các chúa Nguyễn. Trong khi đó, bằng lòng với vương quốc nhỏ hẹp nằm lọt thỏm ở Nam Trung bộ, ông vua già yếu và bạc nhược Nguyễn Nhạc không có lấy một phản ứng dù nhỏ khi Nguyễn Phúc Ánh về chiếm Gia Định. Điều oái oăm nhất, là chính cái vương quốc nhỏ hẹp ấy của ông đã tạo một vùng đệm, tránh cho Nguyễn Phúc Ánh phải đối đầu trực tiếp với Nguyễn Huệ, người mà quân Gia Định luôn kiêng sợ; mặt khác, Nguyễn Huệ cũng không thể kéo quân vào Gia Định mà không đi qua đất của Nguyễn Nhạc, điều mà ông cố tránh. Tóm lại, một cách ngẫu nhiên, Nguyễn Nhạc đã cho Nguyễn Phúc Ánh cơ hội và thời gian mấy năm cần thiết để củng cố binh lực. Đến năm 1792, khi ông anh bằng lòng bắt tay ông em để cùng tiến quân vào chinh phạt Gia Định, và công việc chuẩn bị của nhà Tây Sơn đang trong giai đoạn gấp rút thì Nguyễn Huệ đột ngột băng hà. Đối thủ ghê gớm nhất đã không còn, lực lượng bản thân thì đã lớn mạnh đến mức đủ cho một kế hoạch chiến tranh dài hơi, có thể nói, chính ở thời điểm năm 1792 Nguyễn Phúc Ánh đã viết những nét chữ đầu tiên lên bản khai tử triều đại Tây Sơn. Mười năm sau, năm 1802, văn bản bi thảm ấy được hoàn tất, đó cũng là dấu chấm hết cho một giai đoạn nội chiến kéo dài và đầy tàn khốc trong sử Việt!

HOÀI NAM

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy