Nguyễn Du nổi tiếng thế giới… dù còn ít người hiểu Truyện Kiều
VNTN - Với Truyện Kiều, người Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ trong suốt hơn 200 năm ai ai cũng biết, cũng thuộc ít là vài chục câu thơ, nhiều thì trọn bộ, thuộc lòng, đọc ngược, đọc chéo, đọc tóm tắt… Truyện Kiều đã tạo cảm hứng sáng tác cho rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác như chèo, kịch, trò chơi, hội họa, phim ảnh… tạo nên xung quanh nó một môi trường văn hóa đặc biệt với những hình thức như: bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, đố Kiều…
Bìa một số cuốn Truyện Kiều dịch ra tiếng nước ngoài. Ảnh: Internet.
Truyện Kiều đã có mặt trên tất cả các loại hình truyền thông: báo chí, truyền thanh, truyền hình, facebook, youtube và được đưa vào tất cả các bậc học của nền giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam bằng những bài giảng, hội thảo, những cuộc thi, những giải thưởng…
Truyện Kiều là bộ bách khoa thư của đời sống Việt trong hơn 200 năm qua, với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, cưới xin, quan tước, phẩm trật, ẩm thực, trang phục, âm nhạc, quân sự, vũ khí, quan trường, thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, sông suối…
Hơn thế, 3.254 câu, người đọc ai cũng có thể thấy có mình trong đó, có thể vận vào mọi tình huống sống của đời mình. Với thể thơ lục bát đặc trưng văn hóa Việt, dễ đọc, dễ nhớ, dân dã, Truyện Kiều kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân và thấm đẫm ca dao, dân ca khắp các vùng miền mà tạo nên hồn cốt Việt, tâm linh Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt…
Trên thế giới không có một tác phẩm văn học nào được người đọc bản địa thấm nhuần sâu sắc, phổ cập như Truyện Kiều, kể cả Don Kihote của Tây Ban Nha, tác phẩm có số lượng bản in hàng triệu, chỉ đứng sau Kinh Thánh.
Ở nước ta, sức sống của Truyện Kiều đã trải qua lịch sử hơn 200 năm (năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời) đã được tái bản không biết bao nhiêu lần, với nhiều bộ tuyển, hàng trăm công trình, tiểu luận, nghiên cứu, nếu tính từ bài viết đầu tiên của Mộng Liên Đường chủ nhân.
Tuy vậy không ai dám bảo đảm là đã nghiên cứu được và đúng về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Thậm chí có thể nói là không bao giờ nghiên cứu được. Dù gần đây nhiều nhà Kiều học đã vươn tới nghiên cứu Truyện Kiều trong môi trường của văn học hiện đại và hậu hiện đại của thế giới. Truyện Kiều của Nguyễn Du từ thế kỷ XVIII đã đề cập đến những vấn đề của thế giới đương đại. Đó là những Thân phận con người, cái Phi lý, cái Nghịch dị, Dòng ý thức, Phân tâm học, Độc thoại nội tâm, ma quái… (1)
Đối với các đại văn hào thế giới, tác phẩm của họ được nhân dân thế giới biết đến nhờ các bản dịch và quan trọng hơn là qua các công trình nghiên cứu. Nguyễn Du và Truyện Kiều cho đến nay không có cái duyên may ấy.
Chúng ta thử dừng lại số phận của Truyện Kiều ở hai nước có quan hệ đặc biệt với Việt Nam là Trung Quốc và Liên Xô.
Nước Nga và Liên Xô trước đây, với Việt Nam là quan hệ anh em đặc biệt. Có thể nói rằng, với chiến lược vươn lên vị trí đứng đầu thế giới, Liên Xô đã đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu, xuất bản các tác phẩm văn học nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Việt Nam vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước với chiến thắng Điện Biên Phủ, và đứng ở tuyến đầu chống Mỹ, trở thành mối quan tâm đặc biệt của Liên Xô.
Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam được nghiên cứu, lược dịch và đưa vào giảng dạy trong những khoa Tiếng Việt và bộ môn văn học phương Đông trong các Trường Đại học ở Liên Xô trước đây, cùng với tác phẩm của các nhà thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà văn nhà thơ hiện đại như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Тô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Hiển, Ma Văn Kháng, Võ Huy Tâm, Xuân Quỳnh… Nghĩa là không có gì đặc biệt riêng cho Nguyễn Du và Truyện Kiều. Cho đến những năm gần đây Truyện Kiều và Nguyễn Du mới được chú ý hơn, nhưng đến nay chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc nào về Truyện Kiều và Nguyễn Du của người Nga.
Những nhà nghiên cứu như Marial Tkatrov, Larin V.P, Arkadi Steinberg, Riptin, T.N Philimonova,… những người đã gắn bó cả cuộc đời với văn học Việt Nam và Nguyễn Du cũng chưa ai làm được gì nhiều, ngoài các bản dịch còn nhiều sai sót. Ngay cả với Giáo sư Tiến sĩ N.I. Niculin (được coi là người có công đầu cho việc nghiên cứu và truyền bá Truyện Kiều ở Liên Xô), ông cũng chỉ dừng lại ở nghiên cứu xã hội học và chủ nghĩa nhân đạo chung chung của Nguyễn Du mà không chỉ ra được sức mạnh của nghệ thuật làm nên Truyện Kiều nổi tiếng là ngôn ngữ và chất thơ của tác phẩm, là khi “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên). Các nhà nhiên cứu và dịch giả Liên Xô (trước đây) và nước Nga hiện nay có hàng trăm triệu người đọc tiếng Nga - tiếng Slavơ được dùng cho cả 14 nước cộng hòa của Liên Xô và nhiều nước Đông Âu. Chưa nghiên cứu được Nguyễn Du và Truyện Kiều xứng tầm tức là hàng trăm triệu người chưa biết đúng về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Với Trung Quốc cũng tương tự. Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ văn hóa lâu đời trong lịch sử. Chúng ta biết Truyện Kiều của Nguyễn Du có nguốn gốc từ Trung Quốc. Câu chuyện Vương Thúy Kiều là tác phẩm dân gian, khuyết danh được lưu truyền ở Trung Quốc từ thế kỷ XVI, được Mao Khôn ghi lại trong Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt . Đến thế kỷ XVII, XVIII, nhiều tác phẩm văn học đã lấy chuyện đó làm đề tài, trong đó có Dư Hoài và Thanh Tâm Tài Nhân với Kim Vân Kiều truyện.
So sánh tác phẩm của Nguyễn Du và của Thanh Tâm Tài Nhân, hai nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương khẳng định là Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam được lưu truyền rộng rãi hơn, vượt xa mức độ lưu truyền của cuốn tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc. Nguyễn Du không thuật lại nguyên vẹn, rập khuôn toàn bộ quá trình diễn biến và các tình tiết trong câu chuyện cũ, mà với khả năng nghệ thuật thiên tài ông đã sáng tạo nên một tác phẩm tuyệt mỹ và hoàn chỉnh mới.
Ngay từ năm 1959, GS. Hoàng Dật Cầu đã bỏ rất nhiều công sức để dịch Truyện Kiều sang tiếng Hán. Ông làm việc với tất cả sự nghiêm túc, thận trọng và lòng nhiệt tình nhưng kết quả bản dịch và phần giới thiệu không đạt với nhiều sai sót, để lại hệ lụy là nhiều nhà nghiên cứu và dịch thuật Trung Quốc, Đài Loan thế hệ sau hay nhiều dịch giả, và nghiên cứu sinh Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật dịch và nghiên cứu Truyện Kiều qua bản tiếng Trung này tiếp tục sai sót.
Chưa nói đến việc có người nghiên cứu với động cơ không trong sáng, cố tình hạ thấp giá trị của Nguyễn Du và Truyện Kiều như trường hợp của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành. Từ những chỗ bất ổn, dịch sai trong bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu, ông Đổng Văn Thành cho rằng Nguyễn Du chẳng những mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc, mà còn “bê nguyên xi” và “dịch sai” cả nguyên tác. Ông cũng là người dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du… ra văn xuôi (năm 1994 in trong Minh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển), chỉ quan tâm tới nội dung và tình tiết câu chuyện mà bất chấp cả nguyên tắc tính tự sự trong văn xuôi và tính trữ tình trong thơ. Truyện Kiều là tiểu thuyết bằng thơ, ai mà không biết.
Trên thế giới, người am hiểu Truyện Kiều sâu sắc như người Việt Nam và các nhà nghiên cứu Việt Nam cho đến nay là không nhiều.
Khó khăn nhất của các nhà nghiên cứu và dịch giả về Nguyễn Du và Truyện Kiều là khả năng hiểu biết tiếng Việt. Thứ tiếng đơn âm và nhạc điệu với thanh điệu và nhiều âm tiết khác với Slavơ và Germanic phổ biến trên thế giới. Niêm luật thơ, lại là thơ lục bát, càng khác nhau. Hơn nữa làm nên Truyện Kiều là văn hóa Việt, ngoài ngôn ngữ là tôn giáo, tín ngưỡng, là tục ngữ, ca dao, dân ca thấm nhuần hòa quyện trong hồn thơ Nguyễn Du, mà để người nước ngoài hiểu thấu đáo là bất khả. Vấn đề này cũng rất khó khăn cho ngay cả dịch giả người Việt.
Đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra 20 thứ tiếng, với 75 bản dịch (tiếng Anh 18 bản, tiếng Pháp 12 bản, tiếng Trung Quốc 11 bản, tiếng Nhật 5 bản…), xuất bản nhiều lần ở Pháp, Trung Quốc, Liên Xô (gồm 14 nước cộng hòa), Anh, Mỹ, Đức, Italy, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Nhật, Hàn Quốc, Cuba (bản dịch tiếng Tây Ban Nha), Mông Cổ, Thụy Điển, Hy lạp, Ả rập, Bungary(2)… nhưng tất cả khó có bản dịch nào địch nổi giá trị nghệ thuật so với nguyên tác bản Nôm của đại thi hào Nguyễn Du, như tâm sự của dịch giả tiếng Tây Ban Nha Felix Pita Rodriguez (Cuba) khi dịch Truyện Kiều: “Đáng tiếc là sự đẹp đẽ về hình thức, những giá trị biểu hiện tinh vi, nhạc điệu diệu kỳ của một trong những ngôn ngữ nhiều chất thơ nhất, đã không còn nữa khi người ta chuyển nó qua một ngôn ngữ khác và chúng ta đành phải bằng lòng với một hình bóng rất xa với nguyên bản”(3).
Trong số các bản dịch các thứ tiếng, các bản tiếng Anh là gần với bản Truyện Kiều Nôm hơn cả nhưng cũng không chuyển tải được Truyện Kiều và không thể hiện được sự sâu sắc và cái hay, cái đẹp tuyệt vời của tác phẩm.
Thử lấy ví dụ:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng,
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
( Câu 1 đến 6)
Lê Xuân Thủy dịch hai câu đầu là:
Within the span of hundred years of human existence,
(Trải qua một trăm năm của đời (kiếp) người)
What a bitter struggle is waged between genius and destiny(4)
Nguyễn Du đâu có viết “Trăm năm trong kiếp người ta”. Ông viết cõi là có lý do. Đời (kiếp) chỉ thời gian. Cõi chỉ không gian. Truyện Kiều có 10 lần Nguyễn Du dùng chữ “cõi”: cõi trần, cõi ngoài, cõi biên thùy, cõi Đông…
Với linh cảm của một thiên tài, Nguyễn Du đã thoáng thấy có một thế giới khác, một cõi người ta khác. Thì chính Nguyễn Du đã viết về một thế giới ma quái với bóng ma Đạm Tiên, với thế giới “Đoạn trường sổ rút tên ra”, Thúy Kiều gặp lại Đạm Tiên ở dưới sông Tiền Đường trong cơn hấp hối. Rồi ngay mở đầu Truyện Kiều của ông chẳng là thế giới của ma quái: “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”, với những “Ngổn ngang gò đống” đó sao. Nhưng mà ngay ở cõi nào đó thì tài và mệnh vẫn đố kỵ nhau chứ chẳng phải ở cõi trần này (Điều thú vị là với khoa học tiên tiến, ngày nay người ta đã cho thấy sự sống còn có ở ngoài trái đất, trong tỷ tỷ dải Ngân Hà biết đâu lại có cõi người ta như Nguyễn Du thấy).
Michael Counsell dịch là:
What tragedies take place
Within each circling space of years
Rich in good looks' appears
To mean poor luck and tears of woe
Which may sound strange, I know (5)
Tomothy Allen dịch:
It's an old story; good luck and good looks
Don't always mix
Tragedy is circular and infinite.
The plain never it'
But good - looking people meet with hard times too(6)
Cả ba bản dịch (ở phần mở đầu này) chẳng còn gì liên quan đến Truyện Kiều cả, mà chỉ là lời giới thiệu đơn thuần là câu chuyện cũ (It's old story) không có tư tưởng, triết học, văn hóa (Cõi người ta, điển tích tài mệnh tương đố, bể dâu, bỉ sắc tư phong) của Nguyễn Du.
Vì vậy các bản dịch trên là không đạt, không nói lên được tư tưởng của Nguyễn Du.
Một đoạn khác, từ câu 2129 kể về Bạc Hạnh, một kẻ buôn người, cháu của trùm lầu xanh Bạc Bà lừa yêu và cưới Thúy Kiều làm vợ để đem nàng bán vào lầu xanh. Thúy Kiều trong cơn hoạn nạn, hoảng sợ “Thiếp như con én lạc đàn/ Phải cung rày đã sợ làn cây cong” nên phải nhận lời. Nàng xa cha mẹ và người thân, không có ai làm chứng hôn nhân nên nàng yêu cầu:
“Dù ai lòng có sở cầu
Tâm minh, xin quyết với nhau một lời
Chứng minh có đất có trời”.
Để Thúy Kiều tin, Bạc Hạnh vội vã làm ngay:
“Một nhà dọn dẹp linh đình
Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp hương
Bạc Sinh quỳ xuống vội vàng,
Quá lời nguyện với Thành hoàng, Thổ công.
Rõ ràng nhà này không có ban thờ, không có nơi trang trọng để thờ cúng, để cầu nguyện, để thề nguyền nên khi nghe Thúy Kiều yêu cầu họ mới “dọn dẹp linh đình”, mới “quét sân, đặt trác” (làm bàn thờ), mới “rửa bình, thắp hương”. Và buồn cười hơn là Bạc Hạnh lại thề với Thành Hoàng, Thổ công. Tín ngưỡng của người Việt (và Trung Hoa) chỉ thề bồi trước Thần, Thánh, Đức Phật chứ không ai thề nguyền trước Thành hoàng hay Thổ công cả. Và hắn lại “quá lời” nghĩa là nói quá lên chứ không phải nói nhiều. Rõ ràng Nguyễn Du hài hước, chế diễu màn kịch vụng về này của họ Bạc. Để rồi ngay sau đó họ Bạc có giữ lời thề đâu. Khi đưa Thúy Kiều qua sông, đến Châu Thai, Bạc Hạnh trốn mất: “Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”.
Người dịch dù là người Việt Nam nhưng không hiểu kỹ điều đó nên dịch là:
Yard swept, altar set, vase cleaned, incense sticks burned.
(Quét sân, làm ban thờ, rửa sạch bình lọ thắp hương)
Bac Hanh the groom, in an eagerness, knelt down,
(Bạc Hạnh chải chuốt, nhiệt tình, lết đi bằng đầu gối)
And overstated his prayers to all the gods.
(Và nói to những lời cầu nguyện đến tất cả các vị thần của hắn) (7)
Tất cả những bút pháp diễu nhại của Nguyễn Du và tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không còn nữa.
Ai cũng biết dịch là diệt. Biết làm sao được, nhưng dù sao thì với sự cố gắng và nỗ lực tuyệt vời của các dịch giả người Việt và người nước ngoài, Truyện Kiều và Nguyễn Du cũng dần dần đến được với nhân dân thế giới, nhất là ở thời đại hội nhập và công nghệ 4.0 hiện nay, cho dù đến nay ngoài Việt Nam ra, thế giới vẫn còn ít người hiểu hết Truyện Kiều.
--------------------
1. Xem Lê Đình Cúc, Truyện Kiều những tín hiệu của văn học hiện đại, Nxb. Đại học Hà Nội, 2018.
2. Nguyễn Thị Sông Hương, 14 thập kỷ dịch và tiếp nhận, 75 bản dịch trong 20 ngôn ngữ, Tạp chí Văn học, số 11/2020.
3. Felich Pita Rodriget. Nguyễn Du, nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1967.
4,5,6. https//www.Wikiwand.com/ The Tale of Kieu
7. The English version of Truyen Kieu. By Phan Huy MPH. The Tale of Kieu.
Lê Thị Hạnh Liên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...