Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:25 (GMT +7)

Nguyễn Bính dưới cái nhìn Hiện tượng luận

VNTN - Các mệnh đề có tính đúc kết: “nhà quê hơn cả”, “nhà thơ bình dân”, hồn quê, chân quê,… dường như đã tỏa cái bóng rộng lớn và bền bỉ của nó lên diễn ngôn phê bình Nguyễn Bính mấy chục năm qua. Cùng với những thành tựu mà diễn ngôn phê bình này mang lại, một số bất cập dần hiện ra, khi người đọc bị che mắt bởi rất nhiều lớp màn tri thức, kinh nghiệm của các chủ thể phê bình, nghiên cứu về Nguyễn Bính. Điều đó, ngăn cản chúng ta tiếp cận với Nguyễn Bính như là một hiện tượng “uyên nguyên”. Và, cũng chính những diễn ngôn phê bình đó, ngăn cản chúng ta tiếp cận Nguyễn Bính bằng chính kinh nghiệm “ngây thơ” của mình. Hiện tượng học đã cung cấp cho chúng ta một phương pháp - giảm trừ hiện tượng luận, để trở về với yếu tính uyên nguyên của hiện tượng. Và, ở đó, chúng ta có cơ hội được gặp Nguyễn Bính - như là Nguyễn Bính đã từng hiện diện.

Hiện lên trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bính một kẻ quê, một nẻo quê, hồn quê thấm đẫm phong vị xứ Bắc. Người ta đã tin và rồi cứ nghĩ Nguyễn Bính là thế - chỉ thế. Có một Nguyễn Bính phố thị, giang hồ, lưu đầy, trụy lạc không? Nếu có, những kinh nghiệm đó mang ý nghĩa gì trong việc tạo dựng thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bính? Kinh nghiệm của Nguyễn Bính là kinh nghiệm “sống trải” hay chỉ là kinh nghiệm của những kinh nghiệm, bóng của cái bóng trong trập trùng bi kịch? Đâu là ý thức sống trải (làm thành kinh nghiệm thực tại của chủ thể), đâu là ý thức phản tỉnh trong hành trình từ làng ra phố của Nguyễn Bính? Nguyễn Bính - một thôn dân, một nho sinh - con nhà nho cũ, lỡ dở, đơn côi, lạc lõng, “kiếp con chim lìa đàn”, kiếp tha hương, “sầu đô thị” - “giang dở đời mưa gió”,… có thể nói gì với chúng ta về con người, lịch sử - xã hội - văn hóa - văn học Việt Nam trong quá trình gặp gỡ với Tây phương? Vấn đề căn cước cá nhân, căn tính dân tộc, động thái của Việt Nam trong môi trường thực dân hóa,… có thể được gợi lên từ việc trở về với Nguyễn Bính hay không? Bài viết này đặt ra một giả thuyết kép về khả năng tạo lập tính chủ thể trong phê bình Nguyễn Bính (tính chủ thể của Nguyễn Bính như một hiện tượng uyên nguyên/ tính chủ thể của nhà phê bình).

Chúng ta sẽ trở về với Nguyễn Bính bằng hai tác phẩm cùng tên, khác thể loại và ở hai thời điểm khác nhau trong hoạt động văn chương của Nguyễn Bính: Mưa xuân (thơ - 1936)(1), Mưa xuân (truyện dài - 1939)(2) - hai tác phẩm điển hình nhất cho thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bính(3). Có thể nói, Mưa xuân (truyện) là sự chuyển thể và tiếp nối của Mưa xuân (thơ). Tuy nhiên, trong hình hài văn xuôi, câu chuyện đã có những diễn tiến khác. Thơ đầy dang dở, truyện có hậu. Thơ dừng lại ở khoảnh khắc bi kịch ảm đạm, truyện kết thúc trong không khí cổ tích - huyền thoại tươi sáng. Khoảng thời gian 1936 - 1939 cũng là một tham chiếu quan trọng về chính trị, xã hội và văn chương khi phong trào bình dân lên cao và các hoạt động văn chương, chính trị xã hội ở Việt Nam cũng hướng về phía làng quê, “bùn lầy nước đọng”. Chính bối cảnh đó là cơ sở cho những tưởng tượng và tạo dựng về nông thôn khá phổ biến trong văn chương lãng mạn, hiện thực ở giai đoạn này(4).

Không gian nghệ thuật của Nguyễn Bính chính là một tạo dựng trên hành trình tìm kiếm sự cứu rỗi, đưa Nguyễn Bính thoát khỏi bi kịch (bi kịch tha hương, lỡ dở, lưu đầy - cũng có thể gọi là bi kịch bị phá sản của một kẻ quê). Nhưng, nếu chỉ thấy thôn quê, thôn dân, hồn quê, nẻo quê trong sáng tác của Nguyễn Bính như hình thái hiện hữu trọn vẹn, như thế lại là chưa đầy đủ. Từ kinh nghiệm sống đến kinh nghiệm thẩm mỹ, Nguyễn Bính hiện ra đâu chỉ là một kẻ quê, một hồn quê tinh ròng, nguyên bản. Cũng trong cái nhìn ngoảnh lại, gắng để tiệm cận với Nguyễn Bính như một hiện tượng chưa bị định hình, những kinh nghiệm mà Nguyễn Bính có được về thôn quê chưa hẳn là kinh nghiệm sống trải của cá nhân, mà đó là sự tưởng tượng hoặc sự thâu nhận từ kinh nghiệm dân gian, kinh nghiệm sách vở. Nó là bóng của cái bóng, là ý niệm sinh ra từ những ý niệm. Chẳng hạn, khi nhà thơ hình dung: Hội làng mở giữa mùa thu/ Giời cao gió cả giăng như ban ngày (Đêm cuối cùng), thì đó là một hình dung trong tâm tưởng, sự mơ về một hương thôn yên ả, thanh bình, không có và không giống bất kỳ một làng quê nào khác. Chính điều này, thôn quê của Nguyễn Bính chạm đến sự phổ quát, trở thành một biểu tượng, một hình dung trong tâm thức chung của những kẻ có gốc gác quê làng. Tuy vậy, từ những mơ mộng ấy, ngược về phía chủ thể, chúng ta bắt gặp một trạng thái hiện hữu khác. Đó là tình trạng lưu đầy trong tiếc nuối, nhung nhớ, những day dứt hay đau xót trước tình cảnh bị phá sản của một thôn dân. Có hai thực tại cứ chuyển hóa sang nhau (cái này là kết quả của cái kia và ngược lại) dày vò Nguyễn Bính. Cái đau trong thực tại gợi nhớ, dẫn dắt chủ thể tưởng tượng ra những khung cảnh êm đềm thơ mộng. Quá khứ hiện về khía thêm vào nỗi đau, khắc sâu thêm tình cảnh bi đát ở hiện tại. Thế giới nghệ thuật đã đưa chúng ta trở về với thể tính của hiện hữu: Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên/ Đêm đêm quán trọ thức thi đèn/ Xót xa một buổi soi gương cũ/ Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền/ …/ Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài/ Giữa nơi thành thị gió mưa phai/ Chết dần từng nấc, rồi mai mốt/ Chết cả mùa xuân, chết cả đời (Sao chẳng về đây). Một thực tại chứa đầy bi kịch. Trong đó, bi kịch lớn nhất chính là sự tha hoá, sự phá sản của thôn dân sau những ngày “dan díu” với thị thành - đúng hơn là sự lôi cuốn, cưỡng bức của thị thành. Chúng ta dường như không gặp một mô tả nào gợi lên điều lạc quan, tin tưởng, vui thú về/ ở đô thị trong diễn ngôn của Nguyễn Bính. Điều đó nói lên thái độ và ứng xử của chủ thể trước thực tại mà mình đang trực tiếp nếm trải. Xuất hiện ở đây tình thế bất khả kháng của kẻ quê trước làn sóng đô thị, Tây phương hóa. Hiểu điều này giúp ta hình dung rõ hơn động thái ngưng đọng, tĩnh tại hóa nông thôn trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bính.

Thôn quê trong sáng tác của Nguyễn Bính là một biểu tượng, đến mức như một huyền thoại. Những âu lo thường trực về sự tan biến, tha hóa của làng quê khiến chủ thể có ý thức phong nguyên những huyền thoại đó. Không khó nhận ra, làng quê trong sáng tác của Nguyễn Bính dù có người, có cảnh, có thời gian - chuyển động, nhưng kỳ thực vẫn là một thế giới ngưng đọng, bất biến (Mưa xuân - thơ, Mưa xuân - truyện, chính là một điển hình cho lối ngưng đọng hóa không gian làng quê, hồn quê trong thế giới tinh thần của Nguyễn Bính). Ngưng đọng thế giới mơ mộng, chính là hành vi bảo vệ, gìn giữ (như là cố thủ) của Nguyễn Bính. Động thái ấy mở ra những hình dung về hai phía trong ý thức của chủ thể: lo sợ cái đang mất đi (rất rõ rệt) và cố gắng níu kéo những hình bóng cũ xưa (rất mong manh, thậm chí không còn hiện diện nữa, mang cảm thức bất lực). Như thế, căn nguyên làm khởi phát tình quê, hồn quê lại chính là phố thị. Phố thị là một thực tại khả giác, trong khi thôn quê là một hoài vọng xa xôi, một mộng tưởng siêu hình. Xét trong cơ chế tồn tại của ấn tượng, phố thị mới chính là nỗi đau đớn thực tại của Nguyễn Bính. Một kẻ quê, một thôn dân bị bứt lìa khỏi quê làng, bị quăng quật, nhào nặn thành một kẻ giang hồ, lữ khách, một thị dân nửa mùa, đang chìm đắm trong vũng bi kịch của chính mình. Tại đó, dưới vực sâu của tình cảnh lâm lụy, hình hài kia mới sực nhớ đến vùng không gian xưa cũ, có thể nương náu: Sáng nay sực tỉnh sầu đô thị/ Tôi đã về đây rất vội vàng (Sao chẳng về đây). Song hành hay xoắn luyến vào nhau là hai thực tại, hai trạng thái tâm lý, hai hành động của chủ thể. Thực tại đô thị tương sánh với thực tại của mộng tưởng. Tâm trạng sầu tủi, đơn côi giằng xé với niềm thiết tha gắn kết. Hành vi chối bỏ, khước từ đô thị đi cùng khát vọng trở về, gìn giữ. Không phải ai khác, chính Nguyễn Bính đã thừa nhận tình trạng hiện tại của mình với bao dang dở, đau đớn, thậm chí ấm ức xem như mình đã trở nên hư hỏng: Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi/ Xem như thầy mẹ đẻ người con hư (Thư cho thầy mẹ), Dấu vết môi người phóng đãng kia (Môi người phóng đãng), Giang hồ từ bé anh hư lắm/ Lưu lại mười phương chán đợi chờ (Bạc tình),… Đọc Nguyễn Bính trong một hướng tìm kiếm khác, phía đô thị, trong thân phận lữ khách, nơi những ngày tháng “phóng túng hình hài”, nối kết tác phẩm của ông với những sự kiện tiểu sử, có thể nhận thấy một kẻ giang hồ (dù là giang hồ vặt) với dấu vết như là sự trụy lạc, sa đọa: Con mười sáu, bảy xuân đương độ/ Cha bốn, năm mươi chửa trót già/ Cha buồn tiễn khách nơi thu quạnh/ Con thẹn che đàn nửa mặt hoa/ Chàng chàng, thiếp thiếp, vui bằng được/ Bố bố, con con, chẳng nhận ra/…/ Áo xanh mà ướt vì đêm ấy/ Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha (Oan nghiệt). Chính nhà thơ Trúc Đường đã có lần thổ lộ: “Nguyễn Bính chỉ hiện ra như một nạn nhân đáng thương trong thơ thôi. Còn ngoài đời, Nguyễn Bính “gặt hái” không phải là ít”(5). Cái gọi là “gặt hái” kia, ngoài việc có thể được xem như sự hào hoa, đào hoa của người nghệ sĩ, không thể không lưu đọng ở đó vài phần sa đọa. Đói nghèo, nhàu nhĩ, xê dịch, xóm Bình Khang, rượu, thuốc phiện,… có thể nào chỉ tô thêm vẻ phong trần của người nghệ sĩ phóng túng. Cái “nhếch nhác”, xô bồ, ong bướm, những ham thú vật dục,… cũng ở cả đấy trong cơn bĩ cực, phóng túng của kiếp giang hồ, nơi đô thị. Trong một hình dung khắc nghiệt hơn, Nguyễn Bính chính là kẻ đã “phản bội” lại quê làng, như bao thôn dân khác, dấn thân mưu sinh, mưu nghiệp chốn thị thành: Gia đình dọn cả lên Hà Nội/ Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cày (Mắt nhung). Như thế, truy đến tận cùng, Nguyễn Bính đã dang dở, thiếu đi trong tiểu sử của mình căn cước của một thôn dân. Nghĩa là, tiểu sử thôn dân của Nguyễn Bính đáng bị nghi ngờ. Điều này dường như có thể đồng tình với chúng ta trong việc đặt ra giả thuyết kinh nghiệm về thôn quê của Nguyễn Bính chỉ là bóng của một cái bóng, là kinh nghiệm hình thành trên sách vở, tưởng tượng hay thâu tập từ người khác, từ dân gian. Nguyễn Bính đã rời xa và đứng xa thôn làng khi mơ mộng về không gian ấy. Thế mới có chuyện không thể tìm được trong không gian địa dư vùng Thiện Vịnh, Thôn Vân mọi dấu vết được hiện hình trong tác phẩm. Nó là sản phẩm của trí tưởng, của một huy động tổng lực trong tinh thần, tư duy và mỹ cảm của chủ thể. Tạo dựng thôn quê trong hành vi sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Bính vừa như chuộc lỗi, sám hối, lại vừa như tạo lập “sự chính đáng”(6) trong tiểu sử cá nhân của một kẻ quê. Nếu xem hành vi chính đáng hóa thực tại tiểu sử của Nguyễn Bính là một hiện tượng xã hội, chúng ta sẽ lý giải được vì sao kẻ quê ấy phải làm thế mà không thể làm khác. Con người bị động trong vòng xoáy của xã hội, của đô thị hóa. Vẫn chưa dừng lại ở đó, xét từ bình diện con người cá nhân cũng như xã hội Việt Nam trong cuộc gặp gỡ với phương Tây, Nguyễn Bính là trường hợp khá điển hình cho tình trạng bị mất căn cước. Kẻ thôn dân ngơ ngác, lạc lõng giữa thị thành cần phải bám víu vào một điều gì đó khả hữu mang lại niềm an ủi. Tái tạo căn cước là con đường để Nguyễn Bính kháng cự tình trạng bị tha hóa, bị biến đổi. Động thái này chứng thực mối quan hệ bất như ý của chủ thể với thực tại. Thân phận kẻ quê lạc giữa thị thành hóa ra cũng chẳng khác gì, hay đúng hơn, cũng chính là thân phận của Việt Nam trong bối cảnh phương Tây hóa. Từ căn cước cá nhân đến căn tính dân tộc có thể là một câu chuyện được hình dung từ chính hành vi sáng tạo của Nguyễn Bính: Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với thị thành (Hoa với rượu). Trong không gian nghệ thuật của Nguyễn Bính, phố thị không chiếm ưu thế về tỉ lệ, nhưng thực sự lại đứng ở vị trí trung tâm trong cơ chế vận hành của tư duy nghệ thuật. Nếu hiểu tư duy nghệ thuật như một hệ thống vận hành của các hoạt động tư tưởng, tinh thần, cảm xúc, tâm trạng, thì đô thị đã lan tỏa đến mọi hình tượng trong thế giới của Nguyễn Bính bằng năng lượng của chuyển động giữa sám hối và mơ mộng, chán chường hay khao khát bù đắp. Và như thế, vén lên những lớp màn, chúng ta nhận ra hạt nhân đô thị đang thoi thóp trong hình hài một thôn dân phá sản, một thị dân nửa mùa, một kẻ giang hồ đắm trong lưu đầy.

Để ý hai tác phẩm Mưa xuân (thơ), Mưa xuân (truyện), chúng ta thấy ở đó tập hợp khá nhiều chi tiết, mĩ cảm, ngôn ngữ, hình ảnh, cấu trúc, giọng điệu, nhân vật, bối cảnh ở trong nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính. Từ truyện dài Mưa xuân, có thể nhặt ra dấu vết của bài Mưa xuân (thơ - chủ yếu), Người mẹ, Nhà tôi, Lẳng lơ, Xuân về. Đêm cuối cùng, Tết của mẹ tôi,… Ngoài ra, các hình ảnh: mưa, gió, mây, ao chuôm, đường làng, khóm tre, bờ ao, tằm tang dâu cửi, hoa cau, hoa bưởi, hoa xoan, lá trầu, hội làng, tích chèo, những tên người gắn với danh phận gợi lại không khí sinh hoạt xưa (bà Đồ, bà Kép, bà Bá,…), trang phục (yếm trắng, quần nái nhuộm sồi, áo đồng lầm, quần lĩnh tía, khăn mỏ quạ, thắt lưng hoa lý, xà tích bạc),… hiện ra một cách sinh động nhưng tĩnh lặng, hướng đến vĩnh cửu. Mưa xuân (truyện) mới thực là Nguyễn Bính ở phía quê làng. Tác phẩm xứng đáng là một bảo tàng, nơi lưu giữ toàn bộ kí ức, kinh nghiệm, mộng mơ của Nguyễn Bính về không gian làng quê, cố thổ. Không thoát khỏi phạm trù thẩm mỹ lãng mạn đang vây bủa cả thời đại, những giằng xé giữa thị thành và quê làng tạo lập trạng thái phân cực - nhị nguyên khá rõ trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bính (và hầu hết các văn thi sĩ lãng mạn thời bấy giờ). Như thế, xét trên bình diện xung lực của tinh thần, giới phê bình đã quá chú trọng đến hướng trở về (cố hương) mà xem nhẹ thực tại (tiếp diễn) của chủ thể. Sầu đô thị chính là thực tại tiếp diễn vừa dày vò cá nhân, vừa khởi sinh, tiếp thêm năng lượng cho những dự phóng về quá khứ. Ở đây, một vấn đề cần phải được ý thức chính là: tại sao, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp,… cũng làm thơ về làng quê, lại không có được cái thần thái, cốt cách, tầm vóc như Nguyễn Bính? Câu trả lời nằm ở chính thực tại, khả năng hay nguy cơ mà chủ thể trải nghiệm, lâm vào. Không ai trong số họ có được những trải nghiệm sống như Nguyễn Bính. Vì thế, thơ của họ, mà rộng hơn là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ của các nhà thơ này chỉ mới chạm đến lớp áo ngoài, chưa phải là cốt tủy, hồn vía của làng quê. Cũng bởi, dường như họ không trải qua những bi kịch như Nguyễn Bính. Càng những thi sĩ lớn, chúng ta sẽ càng thấy rõ trạng thái phân cực trong tư tưởng của họ. Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng và Nguyễn Bính đều là những ca điển hình cho trạng thái nhị nguyên, lưỡng cực ấy. Giới nghiên cứu, phê bình dường như đã ý thức rất rõ điều này khi họ nhận ra cả hai thế giới đó trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng. Tuy vậy, cái “sầu đô thị” như một không gian có tính đối cực của Nguyễn Bính lại ít người để tâm hình dung, nhận diện(7). Mà, xét từ góc độ tư duy, mỹ cảm, từ hạt nhân của cơ chế cảm xúc, đô thị mới là xuất phát điểm của mọi sinh thành trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Bính. Tôi tin rằng, từ khi bài thơ Mưa xuân ra đời đến khi truyện dài Mưa xuân được viết tiếp, Nguyễn Bính đã ý thức đến đau đớn, tận cùng bi kịch cũng như nẻo về của mình. Trạng thái phong nguyên, ngưng đọng của Mưa xuân không thể che giấu được sự lo âu, sợ hãi hay tham vọng gìn giữ một cách tiêu cực của Nguyễn Bính. Đó là trạng thái của một kẻ bị tước đoạt, bị xô đẩy, không tự chủ được thân phận của mình trong hoàn cảnh. Bởi thế, trở về nương náu vào quê, tận cùng của nó là một chối bỏ, một phản kháng thực tại (đồng thời, lại như bất lực, chấp nhận tình trạng lưu đầy không lối thoát): Chị giờ sống cũng bằng không/ Coi như chị đã sang sông đắm đò (Lỡ bước sang ngang). Trở về, dù là trong mộng tưởng, nhưng hẳn Nguyễn Bính thấm thía đến máu thịt cái lạnh lẽo, đơn chiếc, xa lạ của kẻ bị tước đoạt mất căn cước, tiểu sử. Ngay trong trạng thái trở về, cái duy trì mạch thơ lại vẫn là những lo âu, bất lực: Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân/ Anh em li tán lâu dần thành ra/ Không còn ai ở quê nhà/ Hỏi còn ai nữa? Để hoa đầy vườn/ Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn/ Giở về quê cũ có buồn không anh? (Anh về quê cũ). Hóa ra, thực tại hay mộng tưởng, đi hay về, đều dẫn Nguyễn Bính đến bi kịch. Phổ quát hơn, bi kịch là hiện diện tròn đầy trong kiếp sống của Nguyễn Bính. Hữu thể hiện hữu trong lưu đầy, nhưng chính từ lưu đầy mà Nguyễn Bính trở thành điển hình của con người cá nhân cũng như tình thế của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trần Đức Thảo khi nói về tính hai mặt của một đối tượng, dưới cái nhìn hiện tượng luận đã nhấn mạnh: “Tôi biết rằng đối tượng có một “mặt sau” và nó sẽ trình hiện cho tôi như là “mặt trước”, nếu tôi đi ra đằng sau nó, nhưng tôi chỉ biết được điều này khi tôi hoàn tất thật sự toàn bộ thao tác”(8). Ở đây, cái mà đa phần chúng ta thấy ở Nguyễn Bính - mặt trước của Nguyễn Bính, là làng quê, cố hương, là những mộng tưởng được nắm bắt trên bề mặt. Mặt sau của nó, khi ta đi ra phía sau, lặn sâu xuống, nắm bắt lấy cái hạt nhân duy trì ý nghĩa hiện diện của Nguyễn Bính chính là phố thị. Và chỉ khi nào nhận ra mặt sau này, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở nhận diện “chủ thể tính” của Nguyễn Bính, trong tư cách một con người - cá nhân sống giữa cơn biến động của xã hội Việt Nam thời cận hiện đại. Thân phận của Nguyễn Bính tương đồng, hay đúng hơn là một mặt cắt của thân phận của Việt Nam trong thời điểm chúng ta đang nói đến. Tính toàn thể của một đối tượng cần được hình dung như thế bởi không thể chỉ khẳng định Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê khi đã đặt đối tượng vào “thực tại sống động” mà anh ta đang thuộc về. Đô thị, dù không phải là “mặt tiền” trong phô bày của Nguyễn Bính nhưng lại là nơi giúp ta xác thực hành vi sáng tạo của thi sĩ: Từ buổi về đây sầu lại sầu/ người xa vời quá, ai thương đâu/ Tôi đi ngửa mặt trên hè vắng/ Xem những cành cây nó cưới nhau (Nhớ người trong nắng).

Người ta vẫn đọc Nguyễn Bính trong niềm sửng sốt hay say đắm, buồn bã bởi chính hoàn cảnh mà chủ thể đọc lâm vào - một kẻ tha hương. Mỗi chúng ta, ai cũng mang trong mình mối “sầu đô thị” như Nguyễn Bính, bởi thể, đã gặp trong thơ ông những điều quen thuộc đã trở nên xa xôi, diệu vợi. Sức sống của Nguyễn Bính nằm ở đó. Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bính đánh thức căn tính nông nghiệp, căn cước thôn dân của chúng ta giữa thị thành đầy mỏi mệt. Người ta đi tìm cái đã lãng quên, đánh mất, người ta tiếc nuối những điều đã không còn thuộc về mình nữa. Không gian tồn tại của thơ Nguyễn Bính, thật ngạc nhiên, lại chính ở đô thị, nơi gác trọ, giữa chốn dừng chân một cuộc lữ hành vô định nào đó. Trên sân ga, bến đò, chuyến xe xuôi ngược, góc phố lầm lũi, người ta thấy Nguyễn Bính có ý nghĩa như một niềm an ủi, một sự vỗ về. Ngẫm nghĩ lại vài trường hợp có tính quy luật, theo cái cách Xuân Diệu đã dần phôi pha trong tâm tưởng con người, còn Nguyễn Bính lại mỗi ngày một tha thiết hơn, chúng ta dường như cảm nhận được những hoài niệm rất sâu của cả cộng đồng. Đô thị đã nuốt chửng quê làng, đã kéo tuột tất cả về phía nó trong guồng quay không thể cưỡng lại. Mối sầu đô thị, sầu xa xứ, tha hương, mỗi ngày một lớn, một khắc khoải hơn. Bởi vậy, từ Nguyễn Bính đến mỗi kẻ quê nào đó, dường như đã tự thiết lấp cơ chế tạo dựng căn cước cho riêng mình. Trở về với Nguyễn Bính, để hiểu cơ chế tinh thần làm nên thế giới nghệ thuật của ông, thái độ, tư thế hay ứng xử của một thôn dân bị phá sản, một thị dân nửa vời. Đồng thời, ở đó, những chủ thể khác cũng tìm thấy dấu vết tiểu sử của mình giữa bao nhiêu đổi thay, nhào nặn của thị thành và cuộc mưu sinh.

Chú thích:

(1) Nguyễn Bính, “Mưa xuân”, trong tập Lỡ bước sang ngang (Tủ sách Việt Nam danh tác), Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, Hà Nội, 2014. Tham khảo thêm: Hoàng Xuân (tuyển chọn), Nguyễn Bính: thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994.

(2) Nguyễn Bính, “Mưa xuân” (truyện dài), Văn học (Giai phẩm), Sài Gòn, 25/2/1974.

(3) Xin xem thêm: Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr. 160-161.

(4) Chúng ta cũng biết rằng, năm 1937, Tự lực văn đoàn trao giải khuyến khích cho tập thơ Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính. Khi Xuân Diệu từ 1935 đến 1938 được tổ chức này quảng bá rầm rộ, trở thành biểu tượng của thi sĩ, tình yêu, tuổi trẻ, ánh sáng, thì Nguyễn Bính rất lặng lẽ. Trong rất nhiều lý do có thể nghĩ đến, việc thơ Nguyễn Bính nhất thời chưa phải là sản phẩm được những thị dân, tư sản trung lưu chú ý, ham thích cũng là điều dễ hiểu. Thời điểm đó, lớp thị dân ưa chải chuốt, hồ hởi với thị thành và văn hóa Tây ấy thích những thi sĩ như Xuân Diệu hơn. Ở đây, ý kiến của Phan Ngọc là rất xác đáng cho tình thế của Nguyễn Bính: “Nguyễn Bính chỉ còn thiếu một hiểu biết Tây học nên không thành nổi nhà thơ đầu đàn” (dẫn theo Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới, tr. 133). Dẫu vậy, hành động trao giải cho Nguyễn Bính cũng không nằm ngoài những tôn chỉ, mục đích văn học - văn hóa hay ý đồ chính trị - xã hội của Tự lực văn đoàn.

(5) Chu Văn Sơn, sđd, tr. 147.

(6) Peter L. Berger - Thomas Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại (khảo luận về xã hội học nhận thức), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải, Nxb tri thức, Hà Nội, 2015, tr. 288-289.

(7) Vấn đề này chúng ta có thể bắt gặp trong bài: “Nguyễn Bính - đường về chân quê”, in trong sách Con mắt thơ của Đỗ Lai Thúy, Nxb lao Động, Hà Nội, 1992, tr. 93-113. Ông cũng cho rằng, sầu đô thị là nguyên ủy của nẻo về chân quê. Nhưng, sau đó ông cho rằng, sức trẻ của thơ Nguyễn Bính chính là viết về cái động của cái ngưng đọng, trong khi, chúng tôi nhận thấy, ngưng đọng hóa không gian làng quê phù hợp hơn với cấu trúc tâm lý của Nguyễn Bính.

(8) Jocelyn Benoist và Michel Espagne, Hành trình của Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa, Bùi Văn Nam Sơn chủ trì dịch, hiệu đính và giới thiệu, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2016, tr. 631.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy