Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:30 (GMT +7)

Nguyễn Anh Đào, bạn tôi

VNTN - Tôi và Nguyễn Anh Đào gặp nhau, rồi quen thân nhau khá bất ngờ. Vào khoảng những năm cuối của thập kỷ 70 thế kỷ trước, chúng tôi đều là những cộng tác viên trẻ của các cơ quan truyền thông trong tỉnh. Lần ấy trong một cuộc họp các cây bút văn nghệ của Đài Phát thanh tỉnh Bắc Thái, trong giờ giải lao, một chàng trai còn khá trẻ, rất đẹp trai và thanh tú lại gần tôi, có ý làm quen. Qua mấy câu giao đãi ban đầu, tôi được biết chàng trai đó là Nguyễn Anh Đào, làm thơ, hiện công tác tại một công ty lâm nghiệp của tỉnh. Tuy mới quen nhưng tôi đã có liền một cảm giác quí mến anh ngay.

 

Từ trái qua: Các nhà văn Phạm Đức, Nguyễn Anh Đào, Hồ Thủy Giang và Nguyễn Đức Hạnh

Có lẽ bởi tính tình cởi mở, chân tình, hơn nữa, lại biết anh cùng đồng hương Kiến An, một thị xã nhỏ thuộc thành phố Hải Phòng. Ngày ấy, sống ở Thái Nguyên xa xôi mà có một đồng hương như vậy là rất hiếm và đáng quí. Từ đấy chúng tôi bắt đầu thân mật nhau thêm. Nói là thân nhưng ngày ấy không cùng ngành nghề, không cùng công tác một cơ quan, sống lại khá xa nhau, phương tiện chỉ là những chiếc xe đạp cọc cạnh nên việc được thường xuyên gặp gỡ trò chuyện cùng nhau là rất hiếm hoi. Hàng năm gặp gỡ nhau trong các buổi họp cộng tác viên là đã quí lắm rồi. Tuy vậy, nhưng chúng tôi vẫn được “gặp nhau” khá thường xuyên qua những tác phẩm đăng trên báo. Tôi viết văn xuôi, Nguyễn Anh Đào ngày ấy chủ yếu làm thơ. Chỉ vậy thôi nhưng chúng tôi cũng đã lấy làm mãn nguyện. Thơ Đào cũng hiền và dìu dịu giống như tính tình của anh. Có lẽ ngày ấy hơi khác bây giờ là mỗi khi gặp tác phẩm của bạn được in báo chúng tôi thường không chỉ đọc một lần. Mà khi đọc lại cứ hay đoán non đoán già bạn đang viết về ai, có phải là đang lấy một người thật ngoài đời, có khi là “bồ bịch” làm nguyên mẫu hay không. Tôi thường hay trêu Đào về một cái tên mà Đào thường xuyên ghi kèm theo bài thơ, như kiểu tặng S, tặng Đ nào đó. Đào cũng hay bắt bẻ tôi về một cái tên vu vơ trong truyện ngắn… Thực ra những cái tên ấy đều do bịa đặt, tưởng tượng cho vui thôi. Ấy vậy nhưng lại là những kỉ niệm đẹp khó phai mờ trong tình bạn văn chương.

Ngày tôi về làm việc ở Ban vận động thành lập Hội, rồi cơ quan chính thức của Hội, đường đỡ xa, chúng tôi cũng năng đến thăm nhau hơn.

Có một kỉ niệm khó quên với Nguyễn Anh Đào là khi Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái mới được thành lập, một lần qua công ty lâm nghiệp nơi Nguyễn Anh Đào đang làm trưởng phòng hành chính, anh nói với tôi có một nhân viên là kế toán ở cơ quan anh muốn về thành phố công tác để hợp lí hóa gia đình, liệu tôi có giúp được anh ta về công tác ở Hội không? Đang khi cơ quan mới thành lập, lại thiếu chân kế toán, tôi vui vẻ bảo dẫn người cho tôi xem mặt, nếu được thì quyết luôn (ngày ấy biên chế nhà nước không quá khó như bây giờ). Nguyễn Anh Đào dẫn đến trước tôi một anh chàng gầy nhỏ, ăn mặc xuềnh xoàng, vẻ mặt hiền hiền, hơi ngơ ngác. Thú thật là với cái dáng bề ngoài của cậu ta, nếu vào một người khó tính và coi trọng hình thức thì sẽ bị từ chối ngay. Nhưng thật may, người đi tuyển quân là tôi và người giới thiệu lại là Nguyễn Anh Đào - những văn nghệ sĩ chỉ lấy khí chất hiền lành chân chất làm mục đích, hơn nữa cũng nể bạn nên cậu kế toán trẻ nọ mới được nhận. Sau vài tuần hoàn tất các thủ tục, cậu chàng kế toán công ty lâm nghiệp được chuyển về cơ quan Hội Văn học nghệ thuật (ngày ấy đúng là rất oai, vì là một cơ quan mới cấp tỉnh, gồm toàn những người có học vấn, tiếng tăm). Anh chàng đó chính là Nguyễn Đắc Thế, Ủy viên Thường vụ thường trực Hội bây giờ. Nguyễn Đắc Thế trưởng thành như hôm nay chính có một phần nhỏ bé công lao của Nguyễn Anh Đào.

Trong sự nghiệp văn chương, Nguyễn Anh Đào không có nhiều đột phá, không có nhiều tác phẩm đồ sộ trình làng như một số bạn viết nhưng anh viết rất đều đặn. Văn chương với anh có thể ví như người vợ không sắc nước hương trời nhưng hết sức tảo tần, đầm ấm bên nhau không khi nào vơi cạn.

Nhiều năm gần đây anh không chỉ làm thơ mà viết khá nhiều truyện ngắn. Cũng giống như thơ, truyện ngắn của anh phần lớn khá giản dị, như con người anh, không đao to búa lớn nhưng vẫn đến với bạn đọc bằng những mạch ngầm triết lí nhân sinh, những tình cảm nồng ấm.

Về văn chương là vậy, về đời thường, tôi nhận thấy Nguyễn Anh Đào là người sợ vợ có “số má”. Âu cũng giống như hầu hết văn nghệ sĩ chúng tôi đều sợ vợ như anh. Mà thôi, sợ vợ mình chứ có sợ vợ hàng xóm đâu mà thiệt. Tôi tiết lộ điều này là bởi có vài lần khi tôi đang ngồi trò chuyện với anh trong nhà, thì từ tận ngoài vườn tiếng vợ anh quát con vẳng vào: “Thằng Dũng kia, nghịch vừa vừa thôi!”. Vậy mà đang say sưa trò chuyện văn chương với tôi, lập tức Nguyễn Anh Đào dù chẳng hiểu mô tê gì nhưng cũng bất thần dậm mạnh chân xuống nền nhà đánh “phạch” một cái và quát tướng lên: “Thằng Dũng kia! Nghịch vừa vừa thôi!”. Tôi bảo vì sợ vợ hay sao mà phải quát theo như vậy thì anh trả lời đó là đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu chứ đâu phải là sợ vợ. Bàn về việc này, bao giờ Nguyễn Anh Đào cũng chỉ công nhận là mình “kính trọng vợ” chứ không bao giờ nhận là sợ vợ. Thật ra thì về chuyện này tôi rất đồng cảm với anh.

Cuộc sống đang suôn sẻ thì đùng một cái, cách đây khoảng gần mười năm, Nguyễn Anh Đào không may mắc bệnh tim khá nặng. Chị Minh vợ anh đưa anh đi khắp bệnh viện này đến bệnh viện khác, kể cả sang tận Trung Quốc mà cơn bệnh chừng như chỉ càng nặng thêm. Bao nhiêu tiền nong dành dụm cứ đội nón ra đi hết. Cuối cùng thật may, anh đã trở về phẫu thuật ở Viện Tim Hà Nội, được các bác sĩ tận tình cứu chữa, bệnh đã thuyên giảm. Tôi có nghe phong thanh về việc chữa anh lành bệnh chính là nhờ ở sự tháo vát và vô cùng tận tình, quyết đoán của vợ anh. Ngày anh từ cõi chết trở về, tôi nói vui: “Này! Cái công lao kính trọng vợ của anh thế là được đáp đền xứng đáng đấy nhé”.

Những năm sau này, tôi nghe nói mỗi ngày anh lại càng “kính trọng vợ” hơn, cứ nghe theo lời vợ răm rắp. Vợ anh bảo: Tim còn yếu lắm đấy, không được chủ quan, anh ráo riết nghe lời. Vợ anh bảo: Thôi, bớt bớt bạn bè, bồ bịch đi, anh ráo riết nghe lời. Nhưng đến khi, vợ bảo: Thôi đừng làm thơ, viết văn nữa, hại sức khỏe lắm thì anh thở dài đánh thượt và quyết không nghe theo. Than ôi! Hóa ra anh “kính trọng vợ” có chọn lọc. Những năm tháng sức khỏe không còn được tốt như xưa, anh lại càng viết khỏe hơn. Cái tên Nguyễn Anh Đào có mặt trên các báo khắp từ Nam chí Bắc. Có năm nhuận bút tới vài chục triệu.

Bây giờ thì xe máy, xe đạp đối với Nguyễn Anh Đào đã hoàn toàn trở nên xa xỉ. Mỗi lần hội họp, thăm thú bạn bè, dù chỉ vài cây số anh đều phải trông cậy vào taxi dịch vụ. Vậy nhưng, trái tim đau, trái tim lương thiện - trái tim văn chương của anh vẫn hiển hiện từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Đó là niềm vinh quang mà chỉ ở những người cầm bút mới có. Tôi luôn có một hi vọng và đồng thời là một niềm tin ở xa khuất một phương trời nào đó, một độc giả nào đó đọc được một bài thơ, thậm chí chỉ một câu thơ của Nguyễn Anh Đào mà yêu quí quê hương, ông bà, cha mẹ hơn; tâm hồn trở nên ấm áp, lương thiện hơn.

Đó cũng chính là niềm ước mong nho nhỏ của những người cầm bút chúng ta phải không Nguyễn Anh Đào, bạn tôi?

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước