Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:39 (GMT +7)
Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 – 22/4/2020)

Nguyễn Ái Quốc gặp luận cương Lênin trong hoàn cảnh nào?

VNTN- Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra chân trời mới, soi đường cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đều đã biết. Nhưng người thanh niên Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã tìm và “gặp” Luận cương của Lênin trong hoàn cảnh nào thì còn nhiều người chưa tỏ.

Sau khi đến Pháp (1911), dưới tên Văn Ba (anh Ba), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải sống chật vật bằng cách làm những nghề vặt: giúp việc cho một người thợ chụp ảnh, sơn “đồ cổ Trung Quốc” (đồ giả),… Khi đó, Người biết rất ít về các vấn đề chính trị, nhưng luôn nung nấu một ý chí: Làm thế nào để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân? Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn nhà báo Sáclơ Phuốcniô, phóng viên báo “Nhân đạo”, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp ngày 15/7/1969: “Tôi bắt đầu viết và phát những truyền đơn tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp. Tôi chưa biết đảng là gì, công đoàn là gì, càng không rõ chủ nghĩa xã hội khác chủ nghĩa cộng sản ở chỗ nào… Tôi biết rất ít về Cách mạng Tháng Mười và Lênin. Về cảm tính, tôi thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc Cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy, nhưng tôi chưa hề đọc tác phẩm nào của Lênin”.

 

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu).

Từ đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Người trả lời: “Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Nguyễn Ái Quốc cũng đã khẳng định rằng: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) đã tỏ ý đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, thì tôi chưa hiểu”.

Khoảng những năm 1919 - 1920, Đảng Xã hội Pháp bị phân hóa sâu sắc trong việc lựa chọn cương lĩnh chính trị. Một bộ phận tiếp tục đi theo khuynh hướng của Quốc tế II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa do Ăng ghen đứng ra sáng lập năm 1889 nhưng lúc này phân rã, có xu hướng theo đường lối cải lương chủ nghĩa); một nhóm đi theo Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản được Lênin thành lập, ủng hộ con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra); còn một nhóm chính giữa, lưng chừng, bị gọi một cách mỉa mai là “quốc tế hai rưỡi”.

Nguyễn Ái Quốc lúng túng chưa biết theo bên nào. Xuất phát từ một người yêu nước, với mục đích tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, tiêu chí để Người lựa chọn là: sẽ theo Quốc tế nào đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Nhưng trong cuộc bàn cãi về việc theo quốc tế nào, người ta ít nói đến vấn đề này.

Nguyễn Ái Quốc nêu câu hỏi với những người bạn trong Đảng Xã hội Pháp: “Ai khẳng định rõ ràng là mình đoàn kết với các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức?” thì được trả lời: Quốc tế thứ ba. Rồi một đồng chí đã đưa cho Nguyễn Ái Quốc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Nhà báo Sáclơ Phuốcniô ghi lại lời kể của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bài đó khó hiểu, vì có những từ ngữ mà tôi không biết rõ. Nhưng tôi đọc đi đọc lại, và dần tôi hiểu ý nghĩa của nó một cách sâu sắc. Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó tôi đã có một sự lựa chọn: Tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin”.

Từ ngày 25 đến 30/12/1920, tại thành phố Tua (Tours), Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương. Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Cũng trong lần trả lời phỏng vấn nhà báo Sáclơ Phuốcniô, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ở châu Phi cũng như ở châu Á và châu Mỹ la tinh, người ta nhắc đi nhắc lại rằng ở một nơi nào đó trên thế giới, có một dân tộc đã lật đổ bọn bóc lột mình và tự quản lý lấy công việc của mình không có bọn chủ và bọn toàn quyền; họ nói với nhau rằng việc đó xảy ra ở Nga và đứng đầu những con người dũng cảm ấy là người dũng cảm nhất: Lênin. Do đó, người ta được biết Lênin không những đã giải phóng dân tộc mình, mà còn muốn giải phóng các dân tộc khác; Người đang hoạt động để giải phóng những người da vàng cũng như người da đen hoặc người da trắng; Người có một cương lĩnh hành động để đạt được mục đích ấy. (…). Trước con mắt các dân tộc phương Đông, Lênin không phải chỉ là một lãnh tụ, một người chỉ huy. Đó cũng là một người thầy có sức hấp dẫn; tính coi thường sự xa hoa, lòng ham mê công việc, đời sống trong sạch, sự giản dị và tâm hồn cao thượng của Người làm cho quả tim chúng tôi hướng về Người không gì ngăn nổi. Lòng kính mến của chúng tôi đối với Người gần như lòng hiếu thảo, là một trong những đức tính cơ bản ở nước chúng tôi. Đối với chúng tôi là những người bị ngược đãi, sỉ nhục, Lênin là hiện thân của lòng bác ái”….

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy