Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi “Sài Gòn”
Từ đâu có tên gọi “Sài Gòn”?
Như chúng ta đã biết, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay trước đây từng có tên gọi là Sài Gòn, trên các văn bản chữ Hán được quy phạm hóa thành 西貢 Tây Cống (âm Bắc Kinh là xī gòng). Vậy địa danh này có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa của nó là gì?
Để giải đáp vấn đề này trước hết cần chú ý vào vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử. Về vị trí địa lý, đất Sài Gòn trước đây thuộc nước Phù Nam (tồn tại từ thế kỉ 1 đến thế kỷ 7) sau đó thuộc về vương quốc Chân Lạp. Theo dữ liệu lịch sử, thế kỷ 17, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công nữ Vạn Ngọc cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II, từ đây lưu dân Việt có điều kiện đến vùng đất này khai hoang và làm ăn. Vào những năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho một số người Hoa tị nạn triều Mãn Thanh đến vùng đất này sinh sống.
Căn cứ vào những thông tin trên có thể rút ra được một số điểm như sau: đất Sài Gòn trước đây thuộc vương quốc Phù Nam, tức có nguồn gốc từ nền văn minh Óc Eo, do đó có nhiều di sản chịu ảnh hưởng của nền văn minh này - trong đó có ngôn ngữ; thời các chúa Nguyễn có công khai phá, sáp nhập đất Sài Gòn và rộng hơn là vùng Đồng Nai - Cửu Long vào lãnh thổ của người Việt; đến cuối thể kỷ 17, văn hóa Hán mới theo chân những người tị nạn triều Thanh, thường gọi là người Minh hương, đến vùng này.
Thời kỳ còn thuộc lãnh thổ Chân Lạp, vùng đất này có tên gọi là “Prey Nokor” (phiên âm từ tiếng Khmer) có nghĩa là rừng kinh thành hay vương quốc của rừng. Người Khmer đọc “Prey” gần với /rai/, lướt nhẹ “no”, còn “kor” thì đọc gần giống với /gòr/. Đến khi vào khai phá vùng Đồng Nai - Cửu Long (nửa đầu thế kỷ 17), người Việt đọc trại thành /rài gòn/ rồi theo thời gian đọc thành /sài gòn/. Đến thời Pháp thuộc, địa danh này thường được viết thành “Saigon” trên các văn bản.
Từ sau thế kỷ 17, đất Sài Gòn không chỉ có người Việt sinh sống mà còn có thêm thành phần người Hoa, người Minh hương. Bộ phận người Hoa này do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu, cùng với người Việt khai khẩn vùng đất Đồng Nai - Cửu Long rộng lớn. Họ là những người Hoa gốc Quảng Đông nên khi nghe người địa phương phát âm hai tiếng “Sài Gòn”, họ đã phiên âm qua tiếng Quảng là “Sai Kung” và ghi lại bằng chữ Hán là 西貢 (âm Hán - Việt là Tây Cống, âm Bắc Kinh là xī gòng). Việc phiên âm này chỉ mang tính chất ghi âm, không có giá trị ý nghĩa.
Một góc Sài Gòn xưa
Tên gọi một số vùng đất ở Nam Bộ có quan hệ với tiếng Khmer
Vĩnh Long (hay Vũng Luông, Vãng Luông), tên một tỉnh vùng Hậu Giang, có nguồn gốc từ chữ Kampong luông, Kampong = vũng nước, Luông = vua = Long. Liên quan đến từ này, Châu Đốc cũng có một địa danh là Tầm Phong Luông (hay Tầm Phong Long) có nghĩa là bến vua. Tương truyền ngày trước vua Khmer thường đậu thuyền nghỉ ngơi ở đây. Theo nhà văn Vương Hồng Sển, trong cuốn sách Sài Gòn tạp pín lù, thì vùng đất quanh cột cờ Thủ Ngữ ngày xưa còn gọi là Kampong Luông vì ngày trước phó vương Đàn Thổ thường ra tắm nơi này. Về sau địa danh này đổi tên thành Bến Ngự.
Bến Tre có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Srôk Tréy có nghĩa là xóm cá. Dân ta đọc là Sóc Tre. Tương truyền vùng này có rất nhiều cá nên có nhiều thuyền bè đến đánh bắt, do đó cần có nơi neo đậu. Từ Sóc (xóm) chuyển thành Bến (nơi thuyền neo đậu), và Sóc Tre thành Bến Tre.
Chữ Vàm gốc từ tiếng Khmer là péam có nghĩa là cửa sông, nơi một con sông nhỏ chảy vào sông lớn.
Khác với miền Bắc, địa danh đại đa số có âm Hán - Việt, miền Nam Việt Nam của chúng ta lại dùng rất nhiều những từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Khmer để gọi tên đất, đó là đặc sắc văn hóa vùng miền. Chính sự đặc sắc đó tạo nên sự phong phú cho văn hóa Việt Nam.
Như Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...