Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:44 (GMT +7)

Nguồn gốc của người La Chí và nhân vật “Hoàng Dìn Thùng” trong truyền thuyết dân gian

Người La Chí ở Hà Giang có một kho tàng truyện cổ tích, thần thoại lý giải về nguồn gốc con người, nguồn gốc dân tộc, về mặt trời, mặt trăng, cây lúa, củ gừng, các sự tích về lễ tết hội hè... trong đó còn lưu truyền những truyện kể về nhân vật truyền thuyết Hoàng Dìn Thùng. Họ cho rằng ông là tổ tiên của người La Chí, thân thể của ông được biểu tượng là các dãy núi trùng điệp, trên đó có các bản làng của người La Chí sinh sống…

Không gian sinh tồn của người La Chí trên những triền núi cao, bao quanh là ruộng bậc thang
Không gian sinh tồn của người La Chí trên những triền núi cao, bao quanh là ruộng bậc thang

Nguồn gốc của người La Chí

Người La Chí tại Hà Giang có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Thổ Đen, Mán La Chí, tuy nhiên tên họ tự nhận là Cù Tê (Cù là tên người, Tê là tên dân tộc). Về nguồn gốc lịch sử tộc người của dân tộc La Chí hiện có rất ít tư liệu đề cập đến một cách chi tiết.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đề cập đến nguồn gốc của người La Chí như sau: “Giống người La Quả: Con trai, con gái đều mặc áo thâm, quần ngắn đến gối, búi tóc ở đỉnh đầu, trùm khăn đen... Không quen gánh gồng, đồ vật nặng hay nhẹ đều đìu ở sau lưng... Giống người này từ thượng cổ ở nội địa, sau tản ra trên núi các xã thuộc châu Bảo Lạc, làm nghề trồng trọt, không rời đi nơi khác, cùng dân sở tại gánh chịu lao dịch...”; “Tôi từng thấy người châu Bảo Lạc nói: Xá La Quả không liệt kê vào thể lệ 7 chủng tộc người Man. Phụ đạo thường sai khiến hộ, mỗi năm thu thuế mỗi nóc nhà 5 lạng bạc”...; “Tôi lại được xem sổ riêng của Huân Trung Hầu về năm Quý Tỵ (1773) thì chủng tộc La Quả thưởng ở 9 xã: Vân Quang, Yên Triều, Khang Lạc, Yên Đức, Hữu Vinh, Yên Minh, Bách Đích, Mậu Duệ và Niêm Sơn”.

Trong ”Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn còn đề cập: “Năm Giáp Ngọ (1774) quan trấn thủ kê khai bình sổ, đem người La Quả, người Nùng ở phố Trung Mang châu Bảo Lạc vào hạng phiêu lưu mất tích”...

Còn theo thầy cúng Ly Chính Thanh, dân tộc La Chí, thôn Cum Pu, xã Bản Phùng của huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang thì các nhóm người La Chí di cư đến nước ta được chia làm nhiều đợt, trong đó khu vực phía tây tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần là nơi định cư đầu tiên của người La Chí. Đợt thứ nhất cách đây khoảng 800 năm do một nhóm người La Chí đã di cư từ vùng Mưng Táo của Trung Quốc vào Việt Nam, nhóm này chủ yếu gồm họ Vương và họ Ly. Đợt sau cùng cách đây khoảng hơn 200 năm gồm các gia đình họ Long và họ Tẩn, vốn sinh sống tại khu vực phía nam của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc giáp với khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục di cư sang nước ta.

Nghi lễ cúng trong tết “Khu Cù Tê - Rằm tháng 7” của người La Chí
Nghi lễ cúng trong tết “Khu Cù Tê - Rằm tháng 7” của người La Chí

Trong các bài cúng và truyền thuyết còn có chi tiết đề cập đến nguồn gốc người La Chí và quá trình tìm nơi cư trú như sau: “Sau khi thiên di đến vùng núi phía bắc nước ta, để đi tìm được nơi đất tốt, các hộ gia đình người La Chí đã lấy một chiếc lông gà trắng và buộc vào con ong, thả con ong cho nó bay đi trước dẫn đường, cả làng chạy theo sau. Khi đến vùng đất Khâu Tinh thuộc xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần hiện nay thì không thấy con ong đâu mà chỉ thấy chiếc lông gà trắng rơi tại đó, đồng thời họ thấy đây là vùng đất đẹp, vì vậy quyết định tụ cư tại đây. Một thời gian sau, họ di cư đến đất Bản Díu để sinh sống. Sau đó một số hộ gia đình lại tách ra để di cư đến các nơi như Bản Phùng, tiếp theo là đến khu vực xã Bản Máy của huyện Hoàng Su Phì để sinh sống. Dẫn đầu mỗi nhóm hộ đều do một người của gia đình trưởng tộc. Do vậy, nhóm La Chí ở Bản Díu được coi là anh cả, Bản Phùng là anh thứ hai, Bản Máy là em út. Cũng từ truyền thuyết này nên vào dịp tết tháng 7 Âm lịch là tết lớn nhất trong năm của dân tộc La Chí thì Nhóm người La Chí ở Bản Díu được tổ chức tết này trước tiên, sau đó là Bản Phùng và cuối cùng là Bản Máy...”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy còn  sưu tầm “Sự tích về củ gừng” có liên quan đến nguồn gốc người La Chí: “Ngày xưa có một người trong bản đi đánh cá. Đến bờ suối anh ta bỗng nghe tiếng kêu thất thanh: Người ơi! người ơi! cứu tôi với, cứu tôi với! Người đánh cá nhìn quanh không thấy ai định bỏ đi nhưng tiếng gọi thất thanh lại vang lên rất thảm thiết. Người đánh cá tìm quanh quẩn chỉ thấy có cây gừng bị mắc dưới khe đá. Nước chảy xiết, cây gừng cứ bị quăng di quật lại. Người đánh cá lại bỏ di. Cây gừng lại van nài xin cứu. Nghe tiếng kêu thảm thiết, thương tình, người đánh cá dừng lại, be bờ làm đăng ngăn dòng suối lại. Khi cạn nước thì lộ ra mấy cây gừng không biết tại sao mắc ở đây. Người đánh cá mang cây gừng đi trồng. Lúc đầu trồng ở nơi đất xấu, cây gừng rất chậm lớn. Sau đem trồng ở rừng già thì cây gừng trở nên xanh tốt nhưng lại bị sâu cắn hết lá. Thấy thế người đánh cá bèn đem gừng về trồng ở nương. Cây gừng được bón phân, chăm sóc cẩn thận gừng lớn nhanh lá xanh rốt củ to, nhiều nhánh. Một hôm người đánh cá ra thăm nương, cây gừng nói: Người ơi, dân bản ơi, người đã cứu tôi không chết đuối lại hết lòng chăm sóc tôi, tôi chẳng có gì đền ơn cả, tôi biết tất cả các cách cúng tế. Tôi biết đến với tổ tiên, biết gọi người chết về. Tôi biết tìm ma, tôi biết làm lễ cưới... khi cúng người cứ dùng tôi, tôi sẽ gọi tổ tiên, linh hồn về cho người.”

Củ gừng được sử dụng trong các nghi lễ cúng tế của người La Chí
Củ gừng được sử dụng trong các nghi lễ cúng tế của người La Chí

Ngoài ra còn có câu chuyện  truyền thuyết về chiếc sọt như sau: “Ngày xửa ngày xưa có 3 anh em người La Chí đi tìm đất làm ăn sinh sống, anh cả tìm đến Bản Díu trước, còn anh hai đến Bản Phùng, em út đến Bản Máy, Bản Pắng sau cùng. Anh cả đến Bản Díu trước nên kịp chuẩn bị đan được chiếc sọt đựng đồ cúng, anh hai và em út đến muộn nên không kịp chuẩn bị được sọt đành phải xé lá làm mâm cúng”.

Bên cạnh đó còn có một dị bản khác về tình anh em giữa Bản Díu, Bản Phùng, Bản Pắng và Bản Máy: “Xưa lắm rồi ở vùng Mưng Táo xuất hiện bốn con bướm khổng lồ. Một con lớn nhất bay về đến Bản Díu thì đậu lại ở đó sinh ra người La Chí ở Bản Díu được coi là anh cả, rồi xây dựng làng bản để làm ăn. Còn con bướm thứ hai bay đến Bản Phùng ở đó sinh ra người La Chí Bản Phùng được coi là anh hai. Con thứ ba đến Bản Máy, con thứ tư đến Bàn Pắng trở thành anh thứ ba và em út. Từ đó trở đi người La Chí ở Bản Díu được coi là người anh cả của dân tộc La Chí”.

Phụ nữ La chí bên ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình
Phụ nữ La Chí bên ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình

Về tên gọi các vùng đất thì theo lời các cụ già kể lại: “Lý do xưa kia khu vực các xã Bản Máy, Bản Phùng của huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu, Nàn Xỉn của huyện Xín Mần là địa bàn cư trú chủ yếu của người La Chí vì họ trồng rất nhiều sắn, từ đó khu vực này được các nhóm người bản địa gọi theo tiếng địa phương là Man May - tức là cây sắn”.

Từ những tư liệu, truyền thuyết, chuyện kể trên, có thể cho rằng vào thời gian này nhóm người La Chí ban đầu di cư từ Trung Quốc sang đã định cư ở khu vực các huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang và Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng, sau đó tiếp tục di cư về phía nam vào khoảng năm 1774 và định cư ở khu vực các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần tỉnh Hà Giang như ngày nay. 

Truyền thuyết về nhân vật “Hoàng Dìn Thùng” được coi là tổ tiên của người La Chí

Trong nhân gian của người La Chí còn lưu truyền câu truyện kể về nhân vật Hoàng Dìn Thùng cho rằng ông là tổ tiên của người La Chí. Hoàng Dìn Thùng có nhiều tên gọi khác nhau như vua Gia Long, Hoàng Vần Thùng, Pủ Lô Tô... Thân thể của ông được biểu tượng là các dãy núi trùng điệp, trên đó có các bản làng của người La Chí sinh sống. Trong đó, người Bản Díu được coi là anh cả vì được sinh ra từ đầu của ông, người Bản Phùng là anh thứ hai được sinh ra từ bụng và người em út là Bản Máy được sinh ra từ đôi chân. Điều đó có nghĩa rằng tất cả người La Chí đều có nguồn gốc là anh em một nhà.

Dãy núi Tây Côn Lĩnh gắn với truyền thuyết Hoàng Dìn Thùng - người được coi là tổ tiên của người La Chí
Dãy núi Tây Côn Lĩnh gắn với truyền thuyết Hoàng Dìn Thùng - người được coi là tổ tiên của người La Chí

Về truyền thuyết, nhân vật Hoàng Dìn Thùng - người được coi là tổ tiên của người La Chí tại tỉnh Hà Giang, người dân địa phương có đề cập đến câu chuyện kể như sau:

“Trước đây, có người tên là Hoàng Gia Long sinh ra trong một gia đình có hai anh em. Ông lấy một người vợ hai, nhưng người vợ này không bao giờ nghe theo lời của ông. Một hôm, ông mang về nhà rất nhiều chum vại lớn và dặn vợ rằng: Đây là các chum tôi làm mẻ (nhưng thực chất trong chum ông đã giấu quân lính), nếu như chốc nữa mình có nhìn thấy điều gì xảy ra thì mình cũng không được nói gì và kêu lên đấy. Người vợ hỏi lại: Như thế là như thế nào hả mình? Gia Long trả lời: Ví như mình có nhìn thấy tôi có bị rắn quấn thì cũng phải im lặng nghe chưa. Một lúc sau trên trời xuất hiện một con rồng rất to bay lượn vài vòng rồi sà xuống quấn vào người của Gia Long, cô vợ nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng quá mới hét lên. Tiếng kêu thất thanh của cô vợ làm cho Gia Long giật mình, mất hết phép thuật không chống lại dược sức mạnh của con rồng. Cô vợ sợ quá đã đánh đổ nước sôi vào trong những chiếc chum, khiến cho đám quân lính trong chum bị bỏng nước sôi mà chết hết. Cho nên Gia Long không thể biến thành vua được - ông bị rồng quấn chết đã hóa thành đỉnh núi Gia Long...”. Kể từ đó ông được người La Chí tôn làm Vua, thường gọi là vua Gia Long - tên gọi gắn với dãy núi Gia Long sừng sững che chắn, bảo vệ bản làng người La Chí.

Theo lời kể của ông Nông Quang Chằng, ở thôn Díu Thượng xã Bản Díu huyện Xin Mần tỉnh Hà Giang: “Thân thể Hoàng Dìn Thùng là một dãy núi đất trùng điệp, trên đó làng bản của người La Chí sinh sống. Đầu của ông sinh ra người anh cả ở Bản Díu, người con thứ hai ở Bản Phùng được sinh ra ở bụng, còn người con út ở Bản Pắng và Bản Máy sinh ra từ hai chân”. Câu chuyện còn có nhiều mô típ khác nhau nhưng đều có cốt lõi chung là dân tộc La Chí có cùng một ông tổ là Hoàng Dìn Thùng, cho dù ở đâu họ cũng là anh em ruột thịt.

Đền thờ Hoàng Dìn Thùng tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang
Đền thờ Hoàng Dìn Thùng tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang

Là cư dân nông nghiệp, người La Chí sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang. Cùng nằm trong cơ tầng của văn hoá Đông Nam Á lúa nước, cũng giống như người Việt cúng rồng để cầu mưa thì người La Chí có lễ cúng đôi rắn thần được coi là chủ của cây lúa, cây ngô. Truyền thuyết của La Chí còn kể rằng: “Từ xa xưa lắm rồi con người không biết đến cây lúa, cây ngô. Con người chỉ ăn những cây củ dại trên rừng để sống qua ngày. Hoàng Dìn Thùng (Pủ Lô Tô) đã nuôi chim, cho chim ăn thóc ăn ngô. Chim bay trên trời rồi rơi vãi khắp nơi. Dần dần trên khắp mặt đất ngô lúa mọc lên xanh biếc. Và cũng từ đó con người đã biết trồng lúa, trồng ngô lấy hạt để ăn.... Hoàng Dìn Thùng còn là người sáng tạo ra muôn loài. Ông đi khắp mọi nơi trên trái đất. Khi mùa rét đến ông bắt đầu đi đây đi đó, ông ngủ sinh ra lạnh, ông đi sinh ra nóng, ông có khả năng làm ra bão ra mưa. Bão sẽ làm cho cây cối rụng lá, mưa làm cho cây cối mọc mầm non, người La Chí theo sự hoạt động của Pủ Lô Tô để làm ăn, cấy cày…”.

Một tích chuyện khác: “Xưa kia, người La Chí sống nay đây, mai đó; họ phát nương trồng rẫy, đất bạc màu lại di chuyển đi nơi khác. Cứ như vậy, đời sống của họ vô cùng cực khổ, mất mùa, nạn đói thường xuyên. Một hôm, xuất hiện một người đàn ông có tên là Hoàng Dìn Thùng đến dạy bà con đào đất, san đất đồi thành bậc thang để trồng lúa nước; dạy bà con nuôi gà, nuôi lợn, bẫy thú rừng đến phá ruộng, nương… Từ ngày biết trồng lúa nước, thóc lúa đầy bồ, bà con dân bản không còn cảnh mất mùa vào rừng đào củ kiếm ăn từng bữa và du canh, du cư như trước đây mà sống quây quần thành từng bản. Khi có giặc kéo đến cướp phá thôn bản, Hoàng Dìn Thùng tập hợp trai tráng huấn luyện họ đánh đuổi giặc cướp. Đánh giặc xong, ông về dãy núi Pố Hoàng Thùng (tiếng La Chí) nay còn gọi là núi Gia Long và sau đó người ta không còn thấy ông nữa và bà con truyền rằng ông đã hóa rồng trở về với trời”.

Trò chơi đu quay trong lễ hội truyền thống của người La Chí
Trò chơi đu quay trong lễ hội truyền thống của người La Chí

Qua những câu chuyện kể, truyền thuyết về nguồn gốc của người La Chí, về nhân vật Hoàng Dìn Thùng gắn với tổ tiên của người La Chí, chúng ta có thể hiểu được những suy nghĩ, phong tục tập quán; bảo lưu được nhiều nét văn hóa riêng của tộc người này. Nội dung của những câu chuyện nói lên được những quan niệm về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc con người, các con vật, cây cối, những huyền thoại về tô tem giáo… Những nhân vật, những cốt truyện của họ chúng ta cũng thấy như đã từng gặp ở đâu đó trong những câu chuyện cổ khác ở lục địa Đông Nam Á.

Vi Văn Biên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy