Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
02:28 (GMT +7)

Người viết trẻ và những vấn đề sáng tạo

“Hãy đưa cho chúng tôi chỉ một cây bút, chúng tôi sẽ biến bất cứ mặt phẳng nào thành những bức tranh”

1. Người trẻ nghĩ gì về con đường họ đang đi? 

Bây giờ, đi đến bất cứ các diễn đàn người Trẻ nào, tôi cũng đều nghe thấy cụm từ “Thế hệ 9x”. Tôi đâm lo! Bởi tự thấy mình đang chênh vênh giữa hai ngả đường, người đi trước cười nhạt cốc đầu, lứa đi sau khúc khích chỉ trỏ. 91! Sinh ra là thế hệ đầu của những cải cách đổi mới đầy biến động, tự hào được bế lên những cỗ máy để thử nghiệm bao phương pháp giáo dục uốn nắn của nền văn minh nhân loại, nhưng cũng u đầu hứng chịu những lỗi lầm phát sinh; già dặn hơn thế hệ cận 10x, nhưng cũng chẳng đủ chín chắn điềm đạm như lớp thanh niên 8x.           Bồi dưỡng những cây bút trẻ - việc làm thường xuyên của Hội VHNT Thái Nguyên             Ảnh: Đào Tuấn

“Thế hệ của chúng tôi, một thế hệ chuột bạch của nền giáo dục Việt Nam, một thế hệ không bao giờ dùng lại được SGK cũ của các anh chị đi trước, một thế hệ đã từng biết chơi đùa rất thoải mái sau giờ học hồi Tiểu học, khi học thêm học bớt chưa đại trà và cắm đầu học thêm lúc lớn khi cả xã hội chạy đua.

Thế hệ sinh năm 1991 (và cả 1990 và 1992) là những người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh Việt Nam chập chững hội nhập và mở cửa với thế giới, chứng kiến Việt Nam tiếp nhận ồ ạt ảnh hưởng văn hóa nước ngoài trong khi loay hoay với truyền thống. Khó có một lứa thanh niên nào khác ngoài những người đầu thập niên 1990 có thể vừa nghe nhạc Trịnh hay nhạc Phạm Duy một cách mùi mẫn, vừa có thể chết dí theo những bài K-pop sôi động.

Cái thế hệ 1991 này, khi còn hoa niên viết nhật ký chuyền tay, tập tành đọc truyện dài Nguyễn Nhật Ánh nhưng vẫn đi thuê Nữ hoàng Ai Cập và sau đó chuyển dần sang đọc Rừng Nauy hoặc Oxford yêu thương. Họ có thể có trên kệ sách của mình bộ truyện Shin - Cậu bé bút chì kinh điển xếp lẫn lộn với tập thơ Nguyễn Phong Việt bên cạnh Eat, Pray, Love. Cái thế hệ 1991 này, đã từng dành dụm hai ba ngàn để mua thẻ đánh bát trong những quán game thẻ, bây giờ lại ung dung ngồi laptop vừa mở Mương 14 vừa đọc phân tích trên Tuần Việt Nam (…)

Và cái thế hệ 1991 này, đa số năm nay đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đang lo lắng và suy nghĩ rất nhiều về tương lai của mình, trăn trở về con đường mình sẽ đi, có lẽ là nhiều hơn hẳn những thế hệ trước. Một thế hệ mà theo tôi cảm nhận khi nói chuyện với rất nhiều bạn bè của mình là bất định và không chắc chắn về tương lai, thậm chí là cuộc sống.

Đó là cảm nhận của riêng tôi thôi, nhưng rõ ràng, thế hệ 91 (và cả 90 hay 92) là một thế hệ không bình thường, trưởng thành trong một giai đoạn mà những giá trị đều bị đảo lộn. Nhưng tôi tin rằng thế hệ trưởng thành trong giai đoạn xã hội đầy biến động như thế này càng về sau sẽ dễ dàng cân bằng được trong cuộc sống. Có lẽ là một thế hệ đầy rắc rối, một thế hệ một phần nào đó mất phương hướng và không ổn định, nên họ luôn hành động một cách riêng biệt không giống bất kỳ ai. Một thế hệ đầy hoài nghi, nhưng cũng lắm mơ mộng…” (*)

Sau khi đọc bài viết này trên một trang báo mạng, tôi với tay tắt màn hình máy tính, ngả người ra ghế, rất nhẹ nhàng! Nhiều lúc tôi cũng nghĩ về chính thế hệ của mình, nhưng cũng không quá băn khoăn. Cuộc đời con người được viết nên bằng những trải nghiệm. Có những trải nghiệm là tất yếu, cũng có những trải nghiệm là khó nhọc, có những trải nghiệm đáng nhớ, cũng có những trải nghiệm để quên, có những trải nghiệm dạy ta trưởng thành lên, cũng có những trải nghiệm không hiểu trải qua để làm gì… Và cũng có những trải nghiệm chỉ để trải nghiệm vậy thôi, chỉ “thử” vậy thôi.

Nhưng phải chăng do những trải nghiệm “rắc rối”, “hoài nghi”, “lắm mơ mộng”, “mất phương hướng”, “không ổn định”… mà chúng tôi đã đặt bút vẽ lên những bức tranh với những gam màu lạ lùng khác hẳn lớp tiền bối đi trước?

2. Người viết trẻ và những vấn đề sáng tạo

Những người viết trẻ (như chúng tôi), tích lũy trải nghiệm ngày từng ngày trên con đường chúng tôi đi, nhặt nhạnh và gom góp cảm xúc từng giây từng phút. Khi đã đặt bút viết, là lúc họ đang bức bối ở đâu đó. Nhưng tạm quên đi mục đích sáng tác, mà hãy nói tới hiệu ứng từ các tác phẩm của họ. Một người viết được quan tâm và vinh danh, là người có thể viết lên những điều mà mọi người (hoặc một lớp người) đều thấy ẩn hiện bóng dáng mình ở trong đó khi đọc. Họ phát hiện ra bức tranh thực trạng chung, chứ không chỉ gõ những cảm xúc vu vơ xuất phát từ một trái tim non yếu.

Những người viết trẻ, họ không quá để ý và câu nệ đến kỹ thuật viết. Họ đơn sơ và mộc mạc, nhưng cũng không kém nổi loạn và mãnh liệt. Họ đủ ngây ngô mà cũng đủ nghiêm túc để tạo giá trị nghệ thuật thực sự. Từ một tác phẩm, ta có thể thấy được sự thể hiện của tác giả ở 4 yếu tố - nói cách khác là 4 yếu tố mà một tác giả vận dụng để tạo nên một tác phẩm - đó là:

Kĩ năng - Skill; Tâm hồn - Soul; Cảm thức - Sense; và Đầu óc - Mind.

Nếu đặt chúng trong thế so sánh, đối chiếu trong từng vai trò, sẽ dễ hình dung hơn.

Giải thích: Kĩ năng có thể hiểu đơn giản là cách viết, cách dùng từ, cách tác giả cho câu chuyện "thành hình" từ bộ khung, cái dàn đã có. Tâm hồn được thể hiện qua cảm hứng chủ đạo, từ điều khiến cho tác giả rung động mà sáng tác, là một phần bản ngã của người viết thể hiện qua trang viết. Cảm thức được thể hiện trong quá trình viết, là sự tinh tế, khả năng cảm nhận cuộc sống trong câu chuyện của mình, ở một mức cao hơn có thể được gọi là "thiên tư" của người viết. Đầu óc bao gồm sức sáng tạo, ý tưởng, lựa chọn đề tài cũng như hướng phát triển, tính logic trong tác phẩm.

Vai trò đối với tác phẩm: Kĩ năng làm nên phần da thịt của tác phẩm, hấp dẫn hay nhàm chán, sinh động hay ngái ngủ, kĩ năng quyết định các tính chất này. Tâm hồn là cái lắng đọng, đồng thời cũng truyền rung cảm đến cho người đọc. Cảm thức tạo thành những điểm nhấn, những yếu tố nhỏ tạo nên sự khác biệt cho câu chuyện. Đầu óc quyết định khung xương, hệ cơ cho tác phẩm, bỏ qua lớp vỏ ngôn từ thì đầu óc là yếu tố tối thượng để tạo nên một tác phẩm "trên trung bình".

Đối chiếu: Kĩ năng quyết định tiêu chí "hành văn - ngôn từ". Tâm hồn truyền tải thông qua "chủ đề tư tưởng - thông điệp" và châm ngòi cho "mâu thuẫn - xung đột". Cảm thức làm nên "hiệu ứng" và ảnh hưởng lớn đến "miêu tả". Đầu óc là phần còn lại: "ý tưởng nền" và "dẫn dắt - giải quyết". Ngoài ra: Đầu óc và Cảm thức đôi khi cũng tác động lên "thông điệp", Kĩ năng cũng được thể hiện trong "dẫn dắt" và "xung đột".

Tương tác với người đọc: Kĩ năng thu hút, Tâm hồn cộng hưởng, Cảm thức khơi gợi và Đầu óc thuyết phục. Người có kĩ năng tốt sẽ viết được một câu chuyện để người ta có thể ngồi đọc không ngừng, không cảm thấy chán nản. Tâm hồn tạo nên mối giao cảm giữa tác giả với nhân vật và giữa nhân vật với người đọc, gián tiếp đưa tác giả và độc giả lại với nhau. Cảm thức ánh lên đây đó trong tác phẩm, và chính tại những điểm sáng đó, người đọc sẽ phải dừng lại để suy ngẫm, để phát hiện. Đầu óc xuyên suốt cả câu chuyện, giữ cho nó không trở thành gượng ép hay phản cảm.

Nếu một người viết làm được những điều trên. Người đọc nói gì?

- Về Kĩ năng: "Bạn viết hay quá!"; "Cô đọng mà súc tích!"; "Lôi cuốn từ đầu đến cuối!"

- Về Tâm hồn: "Rất sâu sắc!"; "Mình cảm thông với…"; "Cảm động quá!"

- Về Cảm thức: "Mình rất thích chi tiết…"; "Hình ảnh… rất thú vị!"; "Thì ra… nghĩa là…"

- Về Đầu óc: "Câu chuyện rất thú vị!"; "Cốt truyện lạ…"; "Bạn xây dựng cốt truyện tình tiết thật thu hút"

Nếu những yếu tố trên đứng một mình?

Nếu chỉ có Kĩ năng tức là người viết đang bám vào yếu tố này để thu hút người đọc đến với một câu chuyện rỗng tuếch. Người đọc có thể thấy thích, nhưng chỉ cần bỏ một vài giây suy ngẫm sẽ thấy chẳng khen thêm được gì nữa, chẳng đọng lại được gì.

Chỉ với riêng Tâm hồn, có thể tác giả sẽ tạo ra được một vài sự cảm thông, chia sẻ, đánh động được một số tình cảm trong người đọc, nhưng bản thân câu chuyện sẽ trở thành nghèo nàn, thậm chí có thể sa thành kể chuyện đạo đức. Làm người rao giảng có vẻ sẽ phù hợp hơn với các tác giả thuộc kiểu này.

Cảm thức đứng một mình rất khó có thể tạo nên một "truyện" đúng nghĩa, những phát hiện, cảm nhận đây đó sẽ tập trung sự chú ý vào đó nhiều hơn là vào cốt truyện chính (nếu có), chỉ đẹp "le lói" mà thôi. Với duy nhất một cảm thức tốt thì bạn hãy viết tản mạn, tùy bút và blog!

Đầu óc tạo nên phần cốt, nghĩa là phần nào định hình được câu chuyện, nhưng không ai lại đi yêu một bộ xương cả! Tác phẩm sẽ theo đó mà trở nên khô cứng, mang nhiều tính chất thông tin hơn là nghệ thuật, có thể sẽ thành "phóng sự hư cấu".

Thứ tự hình thành và cảm nhận một truyện: Một câu chuyện được hình thành khi tác giả vận dụng lần lượt: Tâm hồn -> Đầu óc -> Cảm thức -> Kĩ năng. Lật ngược lại, với một tác phẩm đủ chất lượng, ta sẽ cảm nhận theo thứ tự: Kĩ năng -> Cảm thức -> Đầu óc -> Tâm hồn. Cá biệt khi một yếu tố được thể hiện vượt trội, ta sẽ cảm nhận được nó trước.

Phân biệt: Kĩ năng và Cảm thức: Với một khung cảnh đẹp, người có Kĩ năng tốt sẽ dùng những lời lẽ đẹp nhất để miêu tả chi tiết, còn người có Cảm thức tốt sẽ phát hiện ra rung động mà chỉ một góc nhỏ của khung cảnh ấy đánh thức nơi lòng người. Tâm hồn và Đầu óc: cùng một Tâm hồn cảm thông với những số phận bé nhỏ, một Đầu óc đơn giản sẽ kể một câu chuyện đơn thuần xoay quanh một nhân vật bé nhỏ và những gì nó phải hứng chịu, một Đầu óc phức tạp hơn sẽ kể một câu chuyện đan xen những mạch đời, gặp nhau rồi mà vẫn mỏng manh trước sóng gió. Tâm hồn và Cảm thức: Tâm hồn hướng về tình cảm gia đình, Cảm thức sẽ tìm ra một cử chỉ, một hình ảnh thoáng qua mà day dứt giữa các thành viên. Cảm thức của tác giả tạo nên một điểm nhấn, và mỗi một Tâm hồn người đọc sẽ muốn hiểu nó một cách khác nhau.

Mổ xẻ tác giả: Kĩ năng và Đầu óc thuộc về bán cầu não trái (logic), Cảm thức thuộc về não phải (sáng tạo) - một cách tương đối. Kĩ năng thuộc về “tư duy ngôn ngữ” (linguistic intelligence). Đầu óc thuộc về “tư duy logic” (logical intelligence) và “tư duy hướng ngoại” (interpersonal intelligence). Cảm thức thuộc về “tư duy hướng nội” (intrapersonal intelligence) và “tư duy tự nhiên” (natural intelligence). Tâm hồn là tâm hồn, không phải trong não.

Phát triển các yếu tố phục vụ sáng tác: Người viết trẻ cần phát triển Kĩ năng bằng cách rèn luyện, trau dồi, viết nhiều, đọc nhiều. Hãy tận dụng thời gian bạn có để viết, về bất kì cái gì, đơn giản là cứ viết. Phát triển Cảm thức bằng cách trải nghiệm nhiều, "sống" nhiều, "cảm" nhiều, đi chậm lại để nhìn đời, viết chậm lại để cảm thời. Phát triển Đầu óc bằng cách nghiên cứu nhiều, suy nghĩ nhiều, lí trí và tỉnh táo, luôn luôn tự "ném đá" những gì mình đã viết, đừng tự hài lòng nếu chưa nghĩ cho thấu, xét cho thông. Phát triển Tâm hồn bằng cách mở lòng ra với cuộc đời, với mọi người, đừng tự ép mình phải viết ra một cái gì đó, hãy thành thật với trái tim mình khi sáng tác.

Chúng tôi không biết rằng những kinh nghiệm tích lũy như trên có đem lại được gì cho bạn? Nhưng đó là tất cả tài sản người viết trẻ chúng tôi luôn giữ trong tim. Quyết định chọn nghề viết, cũng là lúc bạn bước những bước đầu tiên trên con đường đầy chông gai, có nụ cười, nước mắt, có vòng nguyệt quế, và cũng không thiếu những thất bại đắng cay. Tôi muốn nắm chặt đôi tay và nói điều này với bạn: Cái quan trọng nhất, lớn lao nhất, không phải là những điều sách vở trên kia, mà đó chính là Niềm tin! Niềm tin luôn nằm trong tâm hồn bạn, trái tim bạn. Nếu bạn không thử, bạn sẽ không bao giờ biết mình sẽ làm được những gì. Hãy đủ can đảm để sử dụng những gì bạn sẵn có. Và nếu có thể khuyên thêm, tôi sẽ thì thầm với bạn rằng: “Hãy tránh xa các nhà phê bình, bởi nhiều khi họ chính là người đạp đổ ước mơ của bạn khi nó mới đang hình thành”. Mọi thứ cũng chỉ mang tính chất tham khảo thôi! Chúng ta không bao giờ sợ những cơn bão, bởi nhờ có chúng, ta sẽ học được cách lái thuyền của riêng ta.

(*) Tham khảo bài viết: “Thế hệ 9x, chúng tôi nghĩ gì về chúng tôi” - Giang Phạm

Nguyễn Huyền Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy