Người nặng lòng với dân ca Sán Dìu
VNTN - Tác giả Trần Bình Dưỡng - hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên mới cho xuất bản tập sách “Dân ca Sán Dìu” do ông sưu tầm và biên soạn.
Dân ca Sán Dìu (mà người Sán Dìu thường gọi là Soọng Cô) được lưu truyền nhiều đời trong đông đảo bà con dân tộc Sán Dìu từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang đến Thái Nguyên… Đặc biệt, năm 2015, Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, phong trào giao lưu hát Soọng Cô giữa các địa phương phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong mỗi địa phương, mà còn mở rộng ra giữa tỉnh này với tỉnh khác.
Để góp phần bảo tồn một loại hình văn hóa tiêu biểu, đặc sắc và cũng để đáp ứng cho phong trào hát Soọng Cô ngày càng phát triển, yêu cầu đặt ra là cần có một bản dân ca được biên dịch đầy đủ để góp phần truyền dạy, hát Soọng Cô trong cộng đồng người Sán Dìu và nhiều người ưa thích, trân trọng loại hình văn hóa này. Tác giả Trần Bình Dưỡng đã dành thời gian mấy năm trời để sưu tầm và biên dịch cuốn sách “Dân ca Sán Dìu”, gồm 123 bài hát.
Là người Sán Dìu, ông am hiểu sâu sắc văn hóa của dân tộc mình, nhưng khi bắt tay vào công việc sưu tầm biên dịch, cũng gặp phải không ít khó khăn vì dân ca Sán Dìu được sáng tạo, lưu truyền trong cộng đồng người Sán Dìu đã từ lâu. Theo thống kê chưa đầy đủ, dân ca Sán Dìu hiện có gần 1.000 bài được lưu lại dưới các hình thức: chữ Nho, chép tay bằng chữ Quốc ngữ và trong trí nhớ của nhân dân. Để có được một cuốn sách phục vụ được nhiều đối tượng, tác giả Trần Bình Dưỡng đã phải tự học thêm chữ Nho để có vốn kiến thức vững vàng (vì chữ của người Sán Dìu chủ yếu dùng chữ Nho). Ông phải đi nhiều nơi, không chỉ trong tỉnh Thái Nguyên mà còn tự trang trải kinh phí, khăn gói đi một số tỉnh khác, nơi có người Sán Dìu sinh sống để sưu tầm. Là người nặng lòng, tâm huyết với dân ca Sán Dìu, lại có các phương pháp sáng tạo trong khai thác tài liệu nên ông (một người ở tuổi 70) đã vượt qua bao gian khó, thu được khá nhiều bài ca dao Sán Dìu trong các đợt đi thực tế đó.
Để cuốn sách phục vụ được nhiều đối tượng và các vùng miền, nhất là trong cộng đồng người Sán Dìu được đảm bảo tính chính xác, trước tiên ông chọn nội dung các bài hát cần phổ biến trước. Dân ca Sán Dìu được tồn tại dưới thể thơ tứ tuyệt. Trong mỗi bài, ông thể hiện theo 5 bước: chữ Nho - phiên âm Hán Việt -phiên âm Sán Dìu - dịch nghĩa - dịch thơ. Nhưng cũng có nhiều bài ông phải thực hiện theo quy trình ngược lại là dịch từ tiếng Sán Dìu ra chữ Nho, rồi mới phiên âm sang chữ Hán Việt, tiếp đến dịch nghĩa và dịch thơ. Dù quy trình làm “xuôi” hay “ngược” đều được ông thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo tính chính xác về ý nghĩa, nội dung của từng bài hát. Trong phần tiếng Sán Dìu, ông dùng bộ chữ Quốc ngữ để ghi chép, trong đó một số chữ được quy định tạm thời, các dấu sắc, huyền, nặng chỉ là tương đối. Tuy nhiên, việc ông sử dụng chữ Quốc ngữ trong cuốn sách đủ để người đọc cảm nhận được đầy đủ âm điệu và nội dung bài hát.
Nội dung các bài hát dân ca Sán Dìu rất phong phú, người Sán Dìu thể hiện tình cảm qua những câu hát một cách tinh tế, với các hình ảnh đa dạng, nhẹ nhàng, từ xa đến gần nhưng rất sâu sắc. Các canh hát đều có mở đầu, hát mời, hát giục, hát giao duyên, hát đối đến kết thúc. Mỗi bài hát, hoặc nhiều bài hát liền nhau đủ cho một canh hát dài một vài tiếng đồng hồ, thậm chí qua đêm.
Có thể khẳng định: tập sách “Dân ca Sán Dìu” là một công trình thành công trong công việc sưu tầm, biên dịch của Trần Bình Dưỡng. Chúc mừng ông và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phan Thức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...