Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
21:43 (GMT +7)

Người liệt sĩ là bộ trưởng và bài điếu văn đầy xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Nhân 70  năm Ngày TBLS và 70 năm ngày mất của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố)

VNTN - Cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố (1889-1947), hiệu là Ứng Hòe, được sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, đã tốt nghiệp trường thông ngôn và làm việc ở Học viện Viễn Đông Bác Cổ là cơ quan nghiên cứu văn hóa - lịch sử của người Pháp. Ông trở thành một học giả tên tuổi được đồng nghiệp Pháp kính trọng về kiến thức uyên bác. Những công trình của ông viết về văn hóa và lịch sử còn hiện rõ tấm lòng yêu nước nồng nàn và có tính giáo dục, khích lệ, khơi dậy lòng người yêu nước bằng những tấm gương lịch sử. Người học giả viết và nói tiếng Pháp rất giỏi, rất hay ấy cũng chính là một trong những người sáng lập ra Hội truyền bá Quốc ngữ, cùng với những người yêu nước khác chịu ảnh hưởng của các chiến sĩ cộng sản hoạt động công khai đã hăng hái tham gia công tác xóa mù chữ cho nhân dân lao động. Vì vậy, lẽ tự nhiên, ông đã hân hoan đón mừng Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Vốn trọng người hiền tài, Bác Hồ đã mời cụ Nguyễn Văn Tố ra cùng lo việc nước và giữ chức Bộ trưởng Cứu tế Xã hội trong Chính phủ lâm thời. Sau Tổng tuyển cử, tháng 1 năm 1946, cụ là đại biểu Quốc hội khóa I, quyền Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh chính phủ “Liên hiệp Quốc dân”.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cụ cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Mùa thu năm 1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc với âm mưu tiêu diệt nhanh gọn cơ quan đầu não của ta. Trong một cuộc tấn công chớp nhoáng, thực dân Pháp đã bắt được cụ Nguyễn Văn Tố. Do có nhiều đặc điểm cả ngoại hình, lẫn tính cách, nhất là lòng nhiệt thành yêu nước và ý chí kiên quyết chống giặc Pháp xâm lược tới cùng, nên thực dân Pháp đã lầm lẫn cụ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến lúc biết nhầm lẫn, chúng đã sát hại cụ. Đó là ngày  7/10/1947.

Hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây” của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn nói về sự kiện này: “… Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng đã bắn chết khi ông tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và có uy tín lớn. Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta…”.

Biết tin cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh, Bác Hồ rất đau buồn. Ngay trong phiên họp “tất niên” của Hội đồng Chính phủ đón Tết Đinh Hợi 1947 diễn ra giữa núi rừng Việt Bắc, Bác Hồ đã bật khóc tiếc thương cụ Nguyễn Văn Tố. Sau phiên họp đó, Bác đã viết bài điếu văn khóc cụ Tố, để ra Tết sẽ tổ chức lễ truy điệu. Thảo xong lời điếu trên, Bác Hồ có gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn, lúc đó là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cũng vốn là người học rộng, biết nhiều để cụ Bùi xem lại. Điều đó cũng cho ta thấy cái đức khiêm nhường của Bác. Tuy nhiên, do nhiều lí do cả chủ quan lẫn khách quan, nên đến tháng 5 năm 1948, chúng ta mới có dịp tổ chức lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố và các liệt sĩ khác.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ: 27/7 (1947-2017) và nhân 70 năm ngày cụ Nguyễn Văn Tố hi sinh: 7/10 (1947-2017), xin được trân trọng giới thiệu bài văn tế trên của Bác để chúng ta thấy rõ thêm được nét văn hóa đặc sắc trong đạo lí truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta:

Than ôi!

Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ

Mây phủ mê man, Thái Sơn ngừng biếc

Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng

Phú quí công danh, cụ nào có thiết

Đến ngày dân tộc giải phóng thành công

Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc

Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân

Đại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết

Dân ta hết sức tôn trọng hòa bình

Giặc Pháp dã tâm gây nên lưu huyết

Từ ngày toàn quốc kháng chiến nổ bùng

Thì cụ tâm tâm hô hào đoàn kết:

Lũ Tây gặp nhà là đốt, gặp của là vơ

Thấy làng thì phá, thấy người thì giết

Non sông gấm vóc há cam lòng chịu đọa đày

Con cháu Lạc Hồng, nào để thực dân khinh miệt

Ngày này qua tháng khác cụ đi động viên tinh thần dân chúng khắp xa gần

Xứ Bắc đến miền Nam, cụ đã trông thấy sức kháng chiến ngày thêm mãnh liệt

Quân địch ào ào tấn công

Trong vùng cụ đang làm việc

Chúng tra tấn cụ, cực kì tàn khốc, dã man

Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt

Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa

Cụ dù hi sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt

Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh Nho

Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc

Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ mà hứa rằng

Từ đây, quốc dân ta đã đồng tâm, càng thêm đồng tâm

Chính phủ ta đã kiên quyết, càng thêm kiên quyết

Quyết trường kì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn

Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà Nam Việt

Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hi sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng

Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như vầng nhật nguyệt

                                                                   Hồ Chí Minh

Bài điếu văn trên đã cho chúng ta thêm một bằng chứng sinh động để khẳng định tấm lòng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công với nước là sâu nặng đến nhường nào.

Nguyễn Thị Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy