Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
06:00 (GMT +7)

Người hết mình lăn xả với “cuộc chơi kiến trúc”

“Nhà số 04, ngõ 20, phố Nguyễn Trung Trực, phường Túc Duyên. Từ Hội mình đi ra ngã tư khách sạn Monaco, rẽ trái gặp ngõ 20, rẽ phải đi xuống một xíu là tới nhà bác, cháu à!”

Theo sự chỉ dẫn hết sức tỉ mỉ, chỉ chưa đầy 5 phút phóng xe máy từ cơ quan Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh là tôi đã tới nhà ông. Căn nhà màu vàng cam nổi bật giữa màu xanh tươi tốt của cây cối, hoa lá. Bước qua cánh cổng, trước mặt chính nhà là giàn phong lan, bên hông nhà là tiểu cảnh nước chảy róc rách, xung quanh là những chậu cảnh, bồn hoa... Một không gian nhà vườn, đơn giản thôi nhưng thích mê đối với tôi và những ai chỉ được sống trong những căn nhà hộp thiếu màu xanh - chẳng khác gì những khối bê tông vô hồn! Ngắm căn nhà, tôi không khỏi gật gù: Nhà của kiến trúc sư (KTS) có khác!

Ông là Đỗ Thế Nghiệp, Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc (Hội VHNT tỉnh). Ông sinh năm 1951 tại vùng quê nghèo Lý Nhân - một huyện vùng chiêm trũng nằm ở phía đông tỉnh Hà Nam (tỉnh Nam Hà cũ). Bố ông mất sớm, mẹ ông ở vậy một mình tần tảo nuôi con khôn lớn. Thương mẹ, cậu bé Nghiệp ham học, những mong sau này thành công, có thể báo hiếu được mẹ. Thời của ông, một trong những mục tiêu lớn nhất, cũng là con đường tốt nhất để dẫn đến thành công, chính là đậu Đại học. Và cái duyên đưa đẩy ông đến với kiến trúc - xây dựng được bắt nguồn từ những câu chuyện kể đầy lý thú của một “dân trong nghề”. Cứ mỗi lần người họ hàng làm xây dựng ở xa về quê, bao câu chuyện buồn vui trong nghề như “mật ngọt rót tai”, khiến cậu học trò cấp 3 - Đỗ Thế Nghiệp mê mẩn, quyết thi bằng được vào đại học kiến trúc.

Tháng 10/1971, ông bước chân vào cánh cửa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - một ngôi trường mơ ước của nhiều sinh viên ngành kiến trúc bấy giờ và cho đến tận hôm nay. Ngay từ những năm tháng sinh viên, ông đã bộc lộ tố chất của người quản lý, được phân công làm Lớp trưởng - thủ lĩnh của lớp học mà sau này có nhiều gương mặt tiêu biểu như: đồng chí Đinh Văn Thể, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên; PGS.TS.KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; PGS.TS.KTS Hàn Tất Ngạn và PGS.TS.KTS Phạm Việt Anh đều là giảng viên chính chủ nhiệm bộ môn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội... Sau 6 năm được mài dũa và rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, năm 1977, ông tốt nghiệp ra trường và được phân công về công tác tại Công ty Xây dựng số 10 thuộc Bộ Xây dựng, đứng chân tại tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Đó là cái duyên đầu tiên của ông với mảnh đất xứ Thép và Chè.

Đến năm 1978, ông cùng Công ty lên xây dựng mở rộng Mỏ Apatit Lào Cai thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam). Nhưng chỉ ngay năm sau - tháng 2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn vào lãnh thổ nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, trong đó có Lào Cai (Hoàng Liên Sơn). Đúng ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ và đại bác bắn vào khu mỏ Apatit Lào Cai, phá hủy toàn bộ khu mỏ, gây thương vong rất nhiều, trong đó có 7 cán bộ công nhân đội khảo sát Công ty ông hy sinh. Không thể tiếp tục ở lại xây dựng Mỏ, một tháng sau, ông cùng Công ty buộc phải rút về và chuyển vào miền Nam xây dựng Nhà máy xi măng Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Sau 7 năm sinh sống và làm việc tại miền Nam, ông lại có cơ duyên được quay trở lại tỉnh Bắc Thái sống và cống hiến đến tận ngày về hưu, và nơi đây cũng là mảnh đất lành ông lựa chọn là chốn dừng chân tuổi xế chiều. Cơ duyên đưa ông trở lại Bắc Thái, đó là năm 1986, ông được điều chuyển về Ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh Bắc Thái, công tác tại Xí nghiệp khảo sát thiết kế quy hoạch, làm Xưởng trưởng xưởng thiết kế. Đến năm 1992, ông được chuyển lên Sở Xây dựng, công tác tại Phòng Quản lý quy hoạch (sau là Phòng Quản lý kiến trúc, quy hoạch); từ năm 1996 ông làm Trưởng phòng đến tận lúc về hưu (năm 2011).

Hai mươi lăm năm công tác tại Ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh và Sở Xây dựng, ông đã chủ trì và tham gia thiết kế nhiều công trình như các trụ sở: Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Hội Phụ nữ tỉnh; Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông (huyện Bạch Thông - Bắc Cạn), Đài tưởng niệm thị xã Bắc Cạn, Đài tưởng niệm liệt sĩ huyện Đại Từ...; chủ trì thiết kế quy hoạch các thị trấn, huyện lỵ như: thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn - Bắc Cạn), thị trấn Yên Lạc (huyện Na Rì - Bắc Cạn), thị trấn Ba Hàng (huyện Phổ Yên), thị trấn Úc Sơn (huyện Phú Bình), thị trấn Đình Cả (huyện Võ Nhai)… Đồng thời, ông cũng đã tham gia soạn thảo nhiều văn bản quản lý nhà nước về kiến trúc quy hoạch; thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên, Quy hoạch chung thị xã Sông Công, Quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công, Quy hoạch Khu công nghiệp Yên Bình, Quy hoạch Vùng du lịch Hồ Núi Cốc, Quy hoạch Vùng ATK Định Hóa…

Trong suốt những năm tháng công tác, với những cống hiến ấy, ông đã được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…

Nhớ về một trong những lần chủ trì thiết kế đồ án quy hoạch các thị trấn, huyện lỵ, ông chia sẻ: Lần Quy hoạch thị trấn Úc Sơn (huyện Phú Bình) những năm 1989 - 1990, phải đi thực địa cùng anh em lấy số liệu, khảo sát hiện trường, quỹ đất xây dựng... Lần ấy, phương tiện đi lại khó khăn, nhóm 5, 6 anh em phải khăn gói quả mướp, lóc cóc đạp xe xuống huyện và ở lại đó hơn nửa tháng trời. Tuy được huyện bố trí cho ở nhờ nhà khách Huyện ủy, nhưng thời ấy, kinh tế của huyện chưa phát triển, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, chuyện ăn uống, đi lại vất vả, thiếu thốn vô cùng. Nhưng anh em vẫn hăng say làm việc, hoàn thành đồ án quy hoạch. Đó là lần đầu tiên Úc Sơn được lập quy hoạch xác định phát triển thị trấn hai bên bờ sông Máng. Đó cũng là quy hoạch góp phần làm thay đổi diện mạo thị trấn, diện mạo của huyện Phú Bình.

Rồi ông chợt nhớ đến chuyện Quy hoạch thị xã Bắc Cạn. Khi đó, trong đồ án quy hoạch, phần thiết kế con đường chính của thị xã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho là không khả thi bởi địa hình được chọn mở đường là khu vực đồi núi, vực sâu, chưa hề có đường sá đi lại. Tuy không phải người chủ trì thiết kế, nhưng với kinh nghiệm của bản thân, cùng sự trách nhiệm với nghề, ông không ngần ngại nhiệt tình tư vấn cho anh em Nhóm thiết kế bảo vệ thành công đồ án, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông thị xã Bắc Cạn, tỉnh Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn) theo hướng đồng bộ và hiện đại.

Là người cả cuộc đời gắn bó, đam mê với kiến trúc - xây dựng, nên dẫu đã về hưu, ông vẫn không chịu ngơi nghỉ mà an hưởng tuổi già, ngược lại, vẫn cứ cần mẫn, hết mình với kiến trúc khi đảm nhiệm cùng lúc hai vai: Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh và Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc (Hội VHNT tỉnh). Lâu nay, dường như Hội Kiến trúc sư tỉnh và Chi hội Kiến trúc đã duy trì hoạt động “hai trong một” - góp phần tạo dựng đời sống kiến trúc nói riêng, bộ mặt đô thị Thái Nguyên nói chung ngày càng phát triển, là một mảng sáng trong ngành kiến trúc cả nước và của VHNT tỉnh nhà. Trong nhiều năm qua, các hội viên của Hội KTS tỉnh và Chi hội Kiến trúc đã tham gia tích cực các cuộc thi tuyển cũng như tham gia Hội đồng đánh giá xếp hạng các phương án kiến trúc như: tòa nhà Trung tâm thương mại FCC, Trung tâm thương mại Royal Phương Đông (đường Hoàng Văn Thụ); quy hoạch và thiết kế Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Trung tâm thời trang TNG (đường Bắc Cạn), Trụ sở làm việc, văn phòng Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Pomi Hoa (đường Phan Đình Phùng); thiết kế nhà làm việc 9 tầng UBND tỉnh; Trụ sở Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Đồng Hỷ; Cổng chào phía Nam tỉnh, cổng chào vùng chè phía Tây thành phố Thái Nguyên; Quần thể Văn hóa thể thao công viên cây xanh thị xã Phổ Yên, Sân vận động thành phố Thái Nguyên; tham gia thẩm định Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Đông Tam Đảo…; tham gia chuẩn bị và tổ chức thành công Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VII do tỉnh Thái Nguyên đăng cai (2017); tham gia những hội thảo địa phương và quốc gia như: phát triển thành phố hai bên bờ sông Cầu; phát triển và thiết kế nhà cao tầng đô thị; áp dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng; nhà ở đồng bằng sông Cửu Long (Long An); chống thấm cho các công trình xây dựng (Vĩnh Phúc); quy hoạch kiến trúc và chất lượng đô thị…; Cuộc thi Nhà cộng đồng, Trường học vùng cao, Bệnh viện dã chiến...; tích cực tham gia phản biện góp ý về xây dựng tượng Bác Hồ tại thành phố Thái Nguyên, Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đến năm 2040; Kể về những kết quả tích cực của Hội Kiến trúc sư tỉnh và Chi hội Kiến trúc những năm vừa qua là để phần nào cho thấy công sức và đóng góp của ông Đỗ Thế Nghiệp trong những tháng ngày hiện tại.

Và để thay cho lời kết về chân dung ông, xin mượn lời nhận xét của KTS Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, hội viên Chi hội Kiến trúc: “Đó là một con người hết mình lăn xả với “cuộc chơi kiến trúc” đầy vất vả mà cũng đầy tự hào. Thái Nguyên có hình ảnh ngày hôm nay là có một phần công sức của những người như ông Đỗ Thế Nghiệp. Và ông xứng đáng là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước