Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:23 (GMT +7)

Người đặt nền móng vững chắc cho ngôi nhà nghệ thuật các dân tộc Việt Bắc

VNTN - Với tư cách là một nhà thơ, nhà nghiên cứu sưu tầm, nhà văn hóa dân tộc thiểu số thuộc thế hệ đầu tiên của bộ phận văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, tác giả Nông Viết Toại đã được khá nhiều người quan tâm nghiên cứu và khẳng định những đóng góp đáng ghi nhận, đáng trân trọng trong các lĩnh vực trên. Tuy nhiên, có một mảng sự nghiệp quan trọng trong cuộc đời của tác giả người dân tộc Tày, quê Bắc Kạn này lại rất ít khi được nhắc tới, được ghi nhận và đánh giá một cách xứng tầm với những gì mà ông đã làm, đã cống hiến suốt 13 năm thời trai trẻ, hừng hực, sôi nổi và toàn tâm toàn ý cho công việc mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Đó là việc ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức, xây dựng và phát triển Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) trong suốt giai đoạn khó khăn, vất vả, nhiều thử thách nhất - giai đoạn từ năm 1953 đến năm 1966.

“Thủ lĩnh” Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc  

Từ một Bí thư Huyện ủy (huyện Na Rì), năm 1953 nhà thơ Nông Viết Toại được phân công làm Đội trưởng Đội Văn công miền núi Liên khu Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Ban Liên khu ủy và Ban Giám đốc khu tuyên truyền văn nghệ. Không phụ lòng tin tưởng của Liên khu ủy, ngay khi nhận nhiệm vụ thành lập Đội Văn công, ông đã tích cực lao ngay vào tìm kiếm nhân tài văn nghệ trong các tộc người miền núi phía Bắc. Ông đã cùng một số cán bộ cốt cán của Đội đi vào tận các làng bản, cơ quan ở vùng sâu, vùng xa, các trường học, đặc biệt là đến các chợ phiên miền núi để tuyển người có giọng hát hay, thổi sáo giỏi, múa dẻo... (qua các cuộc hát đối đáp, giao duyên, các cuộc thi thổi kèn, thổi sáo giữa những thanh niên nam nữ dân tộc thiểu số trong chợ). “Trời không phụ lòng người”, sau những ngày vất vả kiếm tìm, phát hiện, vận động..., ông đã tuyển được hàng chục chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan, Sán Chí...) có năng khiếu văn nghệ đặc biệt vào Đội Văn công miền núi Liên Khu Việt Bắc.

 

Nhà thơ Nông Viết Toại

 

Ban đầu Đội Văn công chỉ có 13 người, phần lớn là người dân tộc thiểu số (chiếm tới 90%) và hầu hết họ chưa được đào tạo, học hành cơ bản về chuyên môn. “Vạn sự khởi đầu nan”, Đội trưởng Đội Văn công Nông Viết Toại đã căn cứ vào năng khiếu của từng người để phân công nhiệm vụ, nhằm phát huy được hết những khả năng nghệ thuật tiềm ẩn ở trong họ. Bên cạnh đó, ông đã mời một số nghệ sỹ, diễn viên ở các Đoàn (Đội) Văn công của các tỉnh khác đến dạy trực tiếp cho lớp diễn viên này. Bản thân ông cùng các diễn viên tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số, viết lời mới, trở thành các tiết mục cho chương trình biểu diễn của Đội. Vì thế, ngay từ những ngày đầu mới thành lập (từ năm 1953 đến năm 1954, 1955), Đội Văn công miền núi Liên khu Việt Bắc đã có thể hoạt động tích cực phục vụ kháng chiến, phục vụ bà con các dân tộc thiểu số vùng Liên khu Việt Bắc, để lại những ấn tượng, tình cảm yêu mến của quân, dân khu vực miền núi rộng lớn này.

Năm 1956, Khu tự trị Việt Bắc được thành lập. Trên cơ sở đội ngũ diễn viên đã lớn mạnh và trưởng thành hơn (nhờ tích cực tuyển chọn thêm diễn viên và được tăng cường từ nguồn diễn viên của Đoàn Văn công Phú Thọ (do Đoàn giải thể)), Đội Văn công miền núi Liên khu Việt Bắc đã được nâng cấp và đổi tên thành Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc. Nhà thơ Nông Viết Toại được bổ nhiệm là Trưởng Đoàn. Đây chính là giai đoạn Đoàn hoạt động tích cực, mạnh mẽ và trưởng thành mau chóng. Với trọng trách được giao phó, nhà thơ Nông Viết Toại cùng ban lãnh đạo Đoàn (các nhạc sỹ Đỗ Minh, Nguyễn Đình Phúc và Hoàng Tuấn) đã nỗ lực xây dựng, đưa Đoàn Văn công hoạt động chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính hiện đại.

Với tầm nhìn của một nhà văn hóa, nhà quản lý nghệ thuật chuyên nghiệp, ông đã đặc biệt chú ý đến việc xây dựng đội ngũ diễn viên người dân tộc thiểu số, để họ có trình độ chuyên môn cao và tự tin hơn vào khả năng biểu diễn của mình. Ông đã đưa nhiều diễn viên đi học tại các trường nghệ thuật tại Hà Nội, thậm chí đi học ở nước ngoài (Triều Tiên, Trung Quốc...) Có một số diễn viên đã trở thành đạo diễn giỏi, sáng tác phục vụ trực tiếp cho các chương trình biểu diễn của Đoàn lúc bấy giờ. Tiêu biểu như diễn viên múa, biên đạo múa Lê Khình (người dân tộc Nùng), đã sáng tác và dàn dựng nhiều tiết mục múa mang đậm bản sắc dân tộc như: “Múa Cao Lan” (múa Chim Gâu), múa “Trở lại quê hương”, “Em thiếu niên và đôi giầy bộ đội”, múa “Được mùa”...; Hay như diễn viên Chu Huệ Đức (ông gửi về Hà Nội học trực tiếp chuyên gia Triều ), diễn viên Vương Thào (dân tộc Nùng) được gửi đi học biên đạo múa tại Triều Tiên… Nhiều diễn viên khác trong Đoàn được đi học tập, tập huấn từ 3 tháng đến 2 năm tại các trường Nghệ thuật ở Hà Nội. Sau khi trở về Đoàn, họ đều trở thành những diễn viên, những biên đạo giỏi, có nhiều sáng tác đặc sắc, biểu diễn đẹp và nghệ thuật hơn. Có thể kể đến các diễn viên, đạo diễn, các nhà sưu tầm, nghiên cứu như: Lê Khình, Nông Văn Khang, Mã Thế Vinh, Đinh Quang Khải, Vương Thào, Chu Huệ Đức, Bùi Sinh Tiên, Dương Thị Thời, Hà Thị Bời…

Bên cạnh đó, ông cũng đã rất tích cực, chủ động đi tìm, phát hiện, đề nghị cấp trên bổ sung nguồn diễn viên được đào tạo chính quy từ các trường Nghệ thuật của Trung ương, của Hà Nội (trường Múa, trường Nhạc, trường Xiếc..) về công tác tại Đoàn. Đây là thời gian Đoàn có số lượng diễn viên hùng hậu nhất, có trình độ chuyên môn vững vàng, hoạt động sôi nổi, hiệu quả và để lại những thành tựu đáng tự hào. Chỉ sau 10 năm xây dựng (1953-1963), từ một đội văn công nhỏ bé (có 13 người) chưa được đào tạo cơ bản, đã trở thành một Đoàn Văn công chuyên nghiệp với hàng trăm diễn viên thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau (múa, hát, nhạc, tấu nói, xiếc…). Đặc biệt, dàn nhạc bề thế, quy mô, có đầy đủ các loại nhạc cụ hiện đại và dân tộc như: Sen lô, coongtro bát, violon, Áccoocđeon, co, frompets, Pagots, clarinet, piano, guitar, sáo, nhị, trống, khèn, kèn… đủ điều kiện để xây dựng nhiều chương trình, các cuộc biểu diễn nghệ thuật khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng người thưởng thức.

Mùa xuân năm 1963, Đoàn đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và đã biểu diễn cho Bác xem nhưng tiết mục đặc sắc của mình. Người đã rất vui, khen ngợi và động viên Đoàn. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với Trưởng Đoàn Nông Viết Toại cùng toàn thể anh chị em nghệ sỹ diễn viên của Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc.

Nặng lòng với những giá trị văn hóa dân tộc

Ngoài công tác lãnh đạo, quản lý, nhà thơ Nông Viết Toại còn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số. Ông đã tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca, câu chuyện cổ, thành ngữ, tục ngữ của dồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là của dân tộc Tày. Nông Viết Toại đã sáng tác khá nhiều thơ (bằng tiếng Tày) phỏng theo các làn điệu Then (Then Bắc Kạn, Then Cao Bằng…), được nhạc sỹ Đỗ Minh phổ nhạc, trở thành những tiết mục biểu diễn chính của Đoàn trong nhiều năm; các bài tấu nói (tấu hài)… của ông được biểu diễn bằng cả hai thứ tiếng Tày và tiếng Việt.

Những kỷ niệm không thể nào quên về những buổi biểu diễn tác phẩm tấu hài do nhà thơ Nông Viết Toại sáng tác, đó là những “Mẻ Then lặc kin gia” (Bà Then uống trộm thuốc), kể về chuyện có một bà Then chuyên đi cúng bái, trừ tà để chữa bệnh cho người trong bản, nhưng bản thân bà khi bị ốm lại giấu mọi người uống trộm thuốc để chữa bệnh cho mình. “Còn Kạng” (gánh lệch) phê phán về tục tảo hôn ở miền núi. “Nghé đồng hồ” (Cái đồng hồ) nói về việc cái đồng hồ có mặt ở mọi nơi, bán nhiều ở chợ và được treo ở khắp nơi, đeo ở trên tay mọi người..., nhưng có rất nhiều người lại không làm việc đúng 8 giờ vàng ngọc theo như lời Bác Hồ dạy... Với tài năng diễn xuất của nghệ sỹ Nông Văn Khang, những tiết mục này luôn được đông đảo bà con vùng dân tộc thiểu số yêu thích, hâm mộ và đòi diễn đi diễn lại.

Nhà thơ Nông Viết Toại (ngoài cùng bên trái) thời làm Trưởng Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc

Theo lời kể của nghệ sỹ hát Then Hà Thị Bời, Hoàng Thị Thời, Nông Thị Phanh (cựu diễn viên hát Then của Đoàn), thì những bài hát Then do nhà thơ Nông Viết Toại viết lời (tiếng Tày) được phổ theo các làn điệu Then Cao Bằng, Then Bắc Kạn... luôn là những tiết mục được các diễn viên hát Then yêu thích, say mê và được khán giả nồng nhiệt đón nhận; bởi lời thơ rất trữ tình, tha thiết, lại rất chân thật, gần gũi, phù hợp với tâm hồn, lối nghỉ, cách cảm của người miền núi. Vì thế mà cho tới tận hôm nay, họ vẫn thích, vẫn thuộc và vẫn hát trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ. Tiêu biểu có thể kể đến như: “Mùa xuân mà” (Mùa xuân về) là những lời thơ chan chứa tình yêu quê hương với những phong cảnh và âm thanh rộn rã, hoa mận trắng xóa trước cửa nhà sàn:“Mùa xuân mà nghìn heeng Queng Quí/ Đông pù phjia phú phí bjoóc bâư/ Tha chiếu pây tỉ hâư cụng quảng/ Bjiooc mận phông nả táng pền khao”. Nghĩa rằng: “Mùa xuân về lặng nghe tiếng chim Queng Quí/ Núi rừng cỏ cây chen lá, lá chen hoa/ Mắt được nhìn ra khắp nơi quang đãng/ Trước cửa nhà hoa mận nở trắng tinh. Hay như bài “Rặp xuân” (Đón xuân), lời thơ tiếng Tày và tiếng Việt của Nông Viết Toại (và Hoàng Minh Thông), “Về trẩy hội” phỏng theo làn điệu Then Cao Bằng (viết về Ngày hội “Lồng Tồng” ở Nước Hai, Cao Bằng, lời thơ Nông Viết Toại, nhạc Đỗ Minh). Đặc biệt là bài “Kha tàng mừa Thái” (Đường về Thái Nguyên) được ông sáng tác nhằm chào mừng ngày thành lập nhà máy Gang thép Thái Nguyên - Nhà máy Luyện kim đầu tiên của đất nước. Bài thơ thể hiện niềm vui sướng tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng trước sự kiện trọng đại này. Bài thơ được nhạc sỹ Đỗ Minh phổ nhạc và ngay lập tức trở thành một tiết mục đặc sắc của Đoàn được rất nhiều người yêu thích: “Tàng xe đin múc phận pền têm/ Tả Cầu nặm Thái Nguyên toỏng phắng/ Lừa xe pây bâư án lẹo ăn/ Án ăn liền thâng ăn bâư lẹo/ Tàng luông xe pây tẻo vằn đăm/ Xây rườn máy luyện khang miền Bắc/ Chài công nhân hứa tốc nài can/ Oóc pây tàng đông san bâư quẹng/ Vằn đửn đông ước hẹn đuổi căn/ Sle tởi lục vằn lăng mừa nả/ Mì xe bên ván chả tềnh hua/ Tốp phá mừ hoan hô bấu tặng”-  Dịch: “Đường xe đi gió bụi mù bay/ Sông Cầu dòng nước mây lờ lững/ Buồm căng xuôi bóng vút mờ xa/ Phía chân trời băng qua nắng Hạ/ Ngày đêm rung búa nện rền vang/ Xây nhà máy luyện kim miền Bắc/ Người công nhân áo thấm mồ hôi/ Núi non ngàn năm thôi vắng lặng”.

Có thể thấy rằng, ngoài trách nhiệm là một Trưởng Đoàn Văn công, nhà thơ Nông Viết Toại còn là một tác giả sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, phục vụ nhu cầu xây dựng chương trình nghệ thuật của Đoàn, (luôn có sự mới mẻ, tính thời sự, tính tư tưởng... nhưng luôn đậm đà bản sắc dân tộc, miền núi), đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật (vừa có tính dân gian, dân tộc, vừa có tính hiện đại) của đông đảo đồng bào, chiến sĩ khu vực vùng Việt Bắc thời kỳ đó. Một số tiết mục đến nay vẫn còn được các thế hệ diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn, được bà con các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Bắc nhiệt liệt đón nhận, như “Mùa xuân mà”, “Rặp xuân”...

Đi dân nhớ, ở dân thương

13 năm gánh trên vai trọng trách là Trưởng Đoàn Văn công, những năm từ 1964 đến 1966 Nông Viết Toại phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn nhất. Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc rất dữ dội, Thái Nguyên là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc bị ném bom nặng nề nhất. Trong tình hình đó, Đoàn Văn công phải sơ tán vào các vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Chỉ trong 3 năm đi sơ tán, Đoàn phải di chuyển qua nhiều địa điểm vùng sâu của Thái Nguyên, khi ở Cúc Đường, lúc ở La Hiên, lúc vào Vân Hán… Đi đến địa điểm sơ tán nào, Đoàn phải tự dựng lán, dựng nhà, làm phòng tập, sân khấu, tự trồng rau, nuôi gà và vẫn luôn tích cực luyện tập, dựng tiết mục mới để kịp thời phục vụ cho quân, dân Việt Bắc dưới ánh đèn măng xông, trên các sân khấu đắp vội bằng đất, hoặc diễn ngay trên bãi cỏ của bản, làng miền núi. Nhà thơ Nông Viết Toại khi ấy đã phải “gồng” mình, cùng các đồng chí trong ban lãnh đạo Đoàn ổn định về cuộc sống và cả tư tưởng, tình cảm cho cán bộ diễn viên.

Trong công tác quản lý, ông là người rất nghiêm khắc nhưng không cứng nhắc giáo điều. Thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất tế nhị khi góp ý, phê bình. Vì vậy, cán bộ, diễn viên trong Đoàn rất yêu mến, tin tưởng và nể trọng ông, họ luôn cố gắng gìn giữ kỉ luật trong công việc chuyên môn cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ai ai cũng muốn được thể hiện hết mình trong từng nhiệm vụ, trong từng tiết mục được ông phân công, giao phó. Đối với nhân dân địa phương nơi Đoàn đóng quân, ông cũng đã để lại trong ký ức họ những kỷ niệm, những ấn tượng tốt đẹp bởi sự chân thành, gần gũi, cởi mở và sự am hiểu sâu sắc về các phong tục, tập quán cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Ông thường giao tiếp với họ bằng tiếng Tày, luôn yêu quý, tôn trọng và tạo điều kiện cho họ có cơ hội được tiếp xúc với các diễn viên của Đoàn, xem Đoàn biểu diễn qua các buổi tổng duyệt chương trình. Sau 50 năm, khi chúng tôi quay trở về thăm nơi đóng quân xưa (sơ tán) của Đoàn tại xã Vân Hán (Đồng Hỷ), có rất nhiều cụ già (70, 80 tuổi) vẫn hỏi thăm bác Toại, họ vẫn quen gọi “Đoàn Văn công bác Toại” với một thái độ trìu mến đặc biệt. Đối với một người cán bộ lãnh đạo của Đoàn Nghệ thuật mà “đi dân nhớ, ở dân thương” như ông thì thật sự không có nhiều!

Năm 1967, do nhu cầu công tác mới, ông được cấp trên điều động về làm cán bộ phụ trách Văn nghệ của Sở Văn hóa Khu Tự trị Việt Bắc (từ 1967 đến 1982). Sau đó ông lại được bổ nhiệm về làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Bảo tàng Khu Tự trị Việt Bắc (từ 1982 đến 1988). Năm 1988, ông được nghỉ hưu.

Có thể thấy, cả cuộc đời nhà thơ Nông Viết Toại đã gắn bó máu thịt với sự nghiệp văn hóa văn nghệ các dân tộc Việt Bắc; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc trong nhiều lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, từ chỗ chỉ là một Đội Văn công nhỏ bé trở thành một Đoàn nghệ thuật có quy mô vào loại lớn nhất, hoạt động tích cực, mạnh mẽ, chất lượng và có nhiều nét đặc sắc vào loại nhất của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam - thì ông đã xứng đáng được khẳng định công lao, được các thế hệ sau ghi nhớ và biết ơn sâu sắc.

Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cho tới nay đã có 66 năm xây dựng và phát triển, đã có nhiều thế hệ lãnh đạo, thế hệ cán bộ diễn viên nối tiếp nhau thực hiện tiếp ước mơ của ông về một Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp thực sự là của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc. Lòng tự hào, tình yêu và trách nhiệm của một người luôn tha thiết, luôn đau đáu về một nền nghệ thuật dân tộc và miền núi trong đời sống Văn hóa nghệ thuật thời kỳ hiện đại và hội nhập của đất nước ta hiện nay - đã khiến ông luôn quan tâm sâu sắc tới sự tồn tại và phát triển của Đoàn. Chính vì thế, năm 1997, trước nguy cơ bị giải thể và sáp nhập vào Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, ông đã lặn lội từ Ngân Sơn, Bắc Kạn về Thái Nguyên họp bàn Ban lãnh đạo để tìm mọi cách giữ lại Đoàn. Ông đã trực tiếp viết đơn kiến nghị lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề nghị không giải thể, sáp nhập Đoàn. Chính nhờ có tiếng nói tha thiết của ông, cùng với tiếng nói, đề nghị của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên lão thành (những người đã có mặt ở Đoàn từ những ngày đầu thành lập), và cả tập thể cán bộ diễn viên của Đoàn hiện tại mà Đoàn Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc không bị giải thể. Đoàn được lãnh đạo Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch giữ lại, tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển lớn mạnh cho đến tận ngày hôm nay.

Tục ngữ ta có câu:“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc nói chung, những người gắn bó với nghệ thuật nói riêng sẽ nhắc nhớ đến nhà thơ Nông Viết Toại - người đã khơi nguồn nước trong vắt, đã vun trồng nên cây sum suê trái ngọt, người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây nền móng vững chắc cho Ngôi nhà nghệ thuật các dân tộc Việt Bắc luôn rực rỡ ánh đèn, lung linh bản sắc.

Tháng 7/2019

Ngô Đình Thành - Trần Thị Việt Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước