Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
13:15 (GMT +7)

Người “đặt gạch” xây đắp nền sân khấu Thái Nguyên

VNTN - Nói đến cố Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Mạn (NSƯT), trưởng Đoàn Cải lương Quyết Tiến vang bóng một thời, thế hệ trẻ thì ít biết, nhưng những người ở độ tuổi năm mươi trở lên, không chỉ anh em nghệ sĩ trong làng sân khấu mà cả những khán giả yêu loại hình nghệ thuật này rất nhiều người biết về ông. Với cái tâm cái tài của một nghệ sĩ chân chính, ông đã tạo nên sự gắn kết với đồng nghiệp và cả những tầng lớp khán giả yêu sân khấu thời ấy.

Tôi may mắn có duyên được tham gia học lớp hát chèo và dàn dựng sân khấu nghiệp dư do Ty Văn hóa thông tin Bắc Thái tổ chức năm 1973. Lớp học có đạo diễn Hồ Bẩy (cán bộ Ty Văn hóa) dạy dàn dựng. NSƯT Thọ An dạy kỹ thuật biểu diễn. Thời điểm đó NSƯT Ngô Mạn đã chuyển về Hà Nội công tác, nhưng vẫn thường xuyên quan tâm đến hoạt động của Đoàn Cải lương cũng như ngành văn hóa. Trong một lần về thăm đoàn, ông đến thăm lớp học, mọi người được nghe ông nói chuyện thời sự về miền Nam, về sự hoạt động và phát triển sân khấu miền Bắc lúc ấy, những câu chuyện của Đoàn cải lương Bắc Thái…

NSƯT Ngô Mạn

Sau khóa học ấy, tôi được tuyển vào Đoàn Cải lương Bắc Thái, được ông thương quý như con cháu trong nhà. NSƯT Ngô Mạn thu hút người khác bởi tài năng và cả sự duyên dáng kể cả lúc đứng trên lớp nói chuyện cũng như ngoài đời. Mỗi lần gặp ông, đều được nghe ông nói chuyện sân khấu, xem ông thị phạm các vai tại sân khấu hội trường của Đoàn lúc ấy. Ở ông là sự tận tâm mộc mạc, chân tình, vô cùng lành nghề. Ngô Mạn hát giọng hơi khàn, nhưng hát như từ trong ruột gan, như các cụ vẫn nói là “thổ tận can tràng”. Một sức diễn vô cùng thăng hoa, hấp dẫn nhất là vũ đạo, dáng người và kỹ năng điêu luyện. Nói chuyện về sân khấu thì ông say mê đến độ, đang bữa ăn cũng liền bỏ bát đũa xuống và đứng dậy diễn thị phạm ngay để chúng tôi lĩnh hội.

Sinh năm 1927 tại Dục Nội (Đông Anh, Hà Nội), NSƯT Ngô Mạn tham gia quân ngũ (1943 - 1949), sau đó về công tác tại địa phương. Say mê sân khấu, ông học nghề từ các nghệ nhân Đông Anh - Hà Nội. Năm 1950, Ngô Mạn tham gia gánh hát cải lương “anh Dong”. Ông Dong gốc người Hải Dương lên phối hợp với các nghệ nhân ở Đông Anh, Hà Nội rồi về Phố Giá xã Tân Tiến (nay là xã Đông Cao, Thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) thành lập gánh hát cải lương “anh Dong”. Năm 1951 thì gánh hát tự giải thể. Ngày 3/2/1952, Ty Tuyên truyền tỉnh Thái Nguyên cho phép được thành lập Đoàn Cải lương Quyết Tiến tại Phố Giá, Phổ Yên, Ngô Mạn đã được giới thiệu và cấp trên giao nhiệm vụ Trưởng đoàn. Với nhiệm vụ phục vụ đồng bào và chiến sĩ tại chiến khu Việt Bắc và các tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều vở diễn như: “Ông già yêu nước”, “Lá huyết thư”, “Hoa đỏ”, “Bên thành đa nữ”, “Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường”… đã ra mắt công chúng, với những diễn viên tài ba mà sau này đã trở thành những người có tiếng trong lĩnh vực sân khấu như NSND Nguyễn Quang Tốn, NSND Bạch Trà, NSƯT Thọ An, NS Đoàn Đình Được, NS hài Tư Châu…

          

NSƯT Ngô Mạn (bìa phải) vào vai Hoàng Văn Thụ, trong vở “Anh Hoàng Văn Thụ 

ra pháp trường”

Gắn bó với sân khấu cả cuộc đời, NSƯT Ngô Mạn có những tác phẩm ấn tượng, nằm lòng người yêu nghệ thuật cải lương như vở “Nùng Văn Vân” (đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn năm 1962); “Người du kích áo chàm” (đoạt Huy chương Bạc Hội diễn năm 1970). Yêu nghề, yêu người, với cương vị của mình, ông đã đưa đoàn đi diễn phục vụ tại chiến trường miền Nam những năm 1971 - 1972. Chuyển về công tác tại Cục Nghệ thuật biểu diễn được mấy năm, ông được cử đi Liên Xô học đóng vai Lê-nin trong vở “Khúc thứ ba bi tráng” (1976), rồi sang Lào làm chuyên gia nghệ thuật. Năm 1978 ông được cử vào Sài Gòn công tác tại Ban cải tạo các đoàn nghệ thuật phía Nam. 4 năm sau ông về Bến Tre làm đạo diễn cho đoàn cải lương - đoàn tuồng Hàm Luông và tiếp tục viết nhiều vở mới như: “Nguyễn Đình Chiểu” - tiết mục đạt giải B trong Hội diễn toàn quốc năm 1985; “Người đẹp xứ mây”; “Ánh đuốc đêm xuân”, đoạt giải B tại Hội diễn TP.HCM năm 1986…

20 năm làm trưởng Đoàn Cải lương Quyết Tiến (từ 1952 đến năm 1972), cố NSƯT Ngô Mạn vừa là đạo diễn vừa là tác giả 5 vở diễn của đoàn, đồng thời là diễn viên đóng nhiều vai chính trong các vở. Dưới sự dẫn dắt của ông, Đoàn tham gia các hội diễn toàn quốc tại Hà Nội (1962), Nghệ An (1970), đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc cho vở diễn và tập thể diễn viên. Đoàn Cải lương Quyết Tiến đã lập nên những kỳ tích bằng hàng chục ngàn buổi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ oanh liệt của dân tộc ta. Có thể nói, ông đã góp sức không nhỏ, là một trong những người có công đặt những viên gạch đầu tiên làm nền tảng xây đắp nền nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Tâm huyết sống trọn với đam mê sân khấu, những đóng góp của NSƯT Ngô Mạn đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương chống Mỹ hạng Hai, Huân chương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Và tập thể Đoàn Cải lương Quyết Tiến được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Bằng khen ký tay của Hồ Chủ tịch và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những ngày cuối đời, NSƯT Ngô Mạn sống ở Bến Tre, việc đi lại không thuận tiện, nhưng đam mê sân khấu vẫn đong đầy. Ông luôn dặn dò, động viên tôi giữ nghề, tận tâm với sân khấu. Là học trò, là lớp nghệ sĩ nối nghiệp cải lương, tôi muốn kể những điều tôi biết về cố NSƯT Ngô Mạn, người trưởng đoàn văn công đầu tiên trên quê hương Việt Bắc bằng tình cảm và sự trân trọng sâu sắc.

Trần Yên Bình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy