Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:16 (GMT +7)

Người chết ngang và đóa buồn văn chương nở dọc

Trong tác phẩm Nước và Mơ (L'eau et les Rêves), triết gia người Pháp Gaston Bachelard viết, đại ý: Trong sâu thẳm con người đã có định mệnh một dòng nước chảy. Con người chết dần trong mỗi phút giây. Cái chết mỗi ngày không phải là cái chết hoành tráng của lửa như những mũi tên chọc trời, mà là cái chết của nước. Nước luôn luôn chảy, luôn luôn ngã, luôn luôn tự kết liễu đời mình bằng cái chết ngang.

Tôi từng nghe nhà văn người Nga gốc Ukraina Nikolay Vasilyevich Gogol kể về “những linh hồn chết” (mёртвые души), nhà văn người Pháp Louis-Ferdinand Céline kể về “chết chịu” (mort à creditừ), nhà văn người Nhật Bản Mishima Yukio kể về “chết giữa mùa hè” (manatsu no shi), nhà văn Nguyễn Nguyên Phước kể về “chết trong ngày Chúa nhật”, nhà văn Nguyễn Bình Phương kể về “những đứa trẻ chết già”… Và đến lượt, từ điển đọc của tôi, ở danh mục “chết”, được bổ sung thêm một từ đặc biệt: “chết ngang”.

(Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn khóc cho “những dòng sông đã lâu/ không ra được biển rộng/ là những dòng sông lạc loài/ muộn phiền quanh vách núi/ như gương không người soi”. Nhà thơ Trần Kim Hoa khóc cả cho những dòng sông đã chạm biển, bởi sông chạm biển đồng nghĩa với “sông trầm mình”; rồi lại khóc cho “chúng ta” - những kẻ “thật đáng thương/ sống hoài khi đã chết”.

Tôi biết những người khóc lẻ loi/ không nguôi một phút/ những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình/ em biết không/ lệ là những viên đá xanh/ tim rũ rượi” - nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã trắc ẩn thấu thị những “lệ đá xanh” như thế. Tôi cũng từng chiết tự cái tên biển Nhật Lệ quê mình và không thôi thắc mắc, mới chỉ là phần nước-mắt-ngày lộ thiên dễ dãi chảy xuôi mà đã mênh mông đến nhường ấy, nếu thêm cả phần nước mắt đêm ẩn mật thẳm sâu chảy ngược nữa thì sẽ bất tận đến nhường nào.

Biển lệ ngày một xâm thực, trái đất dần hơn “ba phần tư nước mắt”, so với ước lượng của nhà thơ Xuân Diệu. “Chạm vào/ trái đất cũ gầy/ thấy nước mắt chảy/ ngập bầy nhân gian” - nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đã nói như thế. Thảy hết đều có thể giải quyết, “chỉ có nỗi buồn là vô phương cứu vãn” - nhà văn người Nhật Bản Dazai Osamu đã nói như thế. “Tất cả đều tủn mủn/ chỉ riêng khổ đau là hoành tráng” - nhà thơ Dương Tường đã nói như thế. Mọi thứ đều là thoáng chốc, “chỉ có cô đơn là vĩnh hằng” - nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez (Nobel văn chương 1982) đã nói như thế. Là người, cho dù là ai đi chăng nữa, nói như tên một tiểu thuyết của nhà văn người Ba Lan Henryk Sienkiewicz (Nobel văn chương 1905), thì cũng cô đơn ngơ ngác “trên sa mạc và trong rừng thẳm” đời mình.

Chẳng hạn như giáo sư văn chương trong tiểu thuyết Một con người (A Single Man) của nhà văn người Mĩ gốc Anh Christopher Isherwood. Nhân vật này là “một con người” nhưng ít nhất chịu đựng bốn tầng cô độc: một người Anh sống trên đất khách; một người đồng tính sống ở một căn hộ giữa cộng đồng trung lưu Mĩ - nơi mà thị dân kì thị gay gắt người giới tính thứ ba; một người mất đi người bạn đời lí tưởng; một giảng viên đại học tuổi lục tuần hằng ngày tiếp xúc với những sinh viên tuổi hai mươi… Sau cái chết bất ngờ của bạn tình, anh ta quyết duy trì nếp sống cũ, và điềm nhiên quan sát nhân sinh như một kẻ ngoài cuộc. Nhưng bên dưới nhịp sống bình lặng ấy là sục sôi giận dữ, là cô đơn tột bậc, là đau đớn khôn khuây…

Chẳng hạn như dược sĩ trong tiểu thuyết Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình của nhà văn người Áo Peter Handke (Nobel văn chương 2019). Nhân vật này sống ở Taxham với sở thích đặc biệt là nghiên cứu các loại nấm, ghẻ lạnh với vợ con và với chính ngôi nhà nhỏ của mình. “Họ sống tách biệt, mỗi người có khu vực riêng; khi sang khu vực kia phải gõ cửa; ngay cả ở những không gian chung - như lối vào, hầm, vườn - vẫn có những vách ngăn hữu hình và vô hình, và ở những nơi mà điều đó khó thực hiện - như trong bếp - họ sống lệch pha nhau”. Và rồi, vào một đêm tối trời, trong cuộc gặp gỡ tình cờ tại quán rượu với một cựu vô địch Thế vận hội và một nhà thơ trước đây cũng nổi tiếng, dược sĩ và hai người này đã cùng dấn thân vào một cuộc hành trình xuyên châu Âu để đến Alps. Dược sĩ đột ngột bị mất tiếng nói bởi cú ra đòn từ một người phụ nữ lạ mặt - người mà ngài tài-xế-câm-lặng tìm kiếm mãi hoài sau đó.

Chẳng hạn như người đàn ông bị vợ bỏ không rõ lí do, một mình với ngôi nhà nghe đồn có ma mà y mới mua trong tiểu thuyết 6 ngày của nhà văn Tô Hải Vân. Nhân vật này muốn định nghĩa lại cuộc sống của bản thân sau khi hoài nghi hết thảy mọi thể loại định nghĩa. Y chấp nhận giả định về sự tồn tại của một con ma ở ngôi nhà cong này. Là dân nghiên cứu khoa học, lại là khoa học thực nghiệm, y tôn trọng các chứng cứ. Chứng cứ cho y biết là chẳng có chứng cứ nào rõ ràng và rốt cục là y chẳng biết được cái gì cả. “Theo thống kê, cái phi lí nhiều hơn chúng ta vẫn thường thấy, bởi vì nhiều cái chúng ta thấy có lí thực ra lại rất vô lí”. “Ai cũng phải đi tìm một cái gì đấy. Đáng sợ nhất là không biết mình tìm gì”. “Buồn. Buồn đủ kiểu, đủ nhẽ”. “Trống rỗng vô hạn độ”.

Hay chẳng hạn như “mình”, “cậu” trong truyện ngắn Strawberry fields forever (Cánh đồng dâu tây mãi mãi) của nhà văn trẻ Hiền Trang. Đây là nhân vật tuổi trẻ lạc lối, tới cánh đồng dâu tây, đào một cái hố nhỏ, và để nước mắt rơi vào đó, rồi lấp nó lại. “Hãy lấp cái hố lại để không ai có thể tìm ra những giọt nước mắt đó nữa, kể cả chính cậu. Đừng đánh dấu lại gốc cây này. Đừng đánh dấu những kí ức cậu không muốn nhớ. Đừng đánh dấu những gương mặt cậu không muốn gặp lại. Đừng đánh dấu những bản nhạc gợi lên đoạn tư niệm âu sầu. Đừng đánh dấu những trang sách khiến cậu phải khóc. Đừng bao giờ đánh dấu những thứ đó”.

“Nắng được thì cứ nắng” là tên một cuốn sách của tác giả Phan An Sa. Tôi muốn mượn cách nói này để nói rằng, khóc được thì cứ khóc. Những giọt nước mắt là những giọt chất người thánh khiết long lanh. Chừng nào còn khóc được thì chừng đó con người vẫn còn đắm đuối tha thiết với cuộc đời. Điều đáng sợ không phải là buồn đau, mà là hoặc trơ lì ráo hoảnh hoặc buồn đau không tận độ. Và những trang sách khiến người đọc khóc được là những trang sách đạt đạo trót đời.

Nhà văn người Trung Quốc Tàn Tuyết cho rằng, nhân loại vẫn có một dòng sông ngầm bí ẩn về lịch sử văn học. Dòng sông ấy chảy ở nơi sâu nhất, tăm tối nhất dưới lòng đất, được làm nên bởi những nhà văn viết về bản chất. Nó là tấm gương phản chiếu sự kiếm tìm tinh thần thuần khiết mà bao nhiêu thế kỉ nay nhân loại đang thực hiện. Văn học mà không có sự truy cầu tinh thần là ngụy văn học. Văn học miêu tả kinh nghiệm bề ngoài thì chỉ là văn học ở tầng nông.

Trời thì nghĩ đủ trò hành người, người thì lại nghĩ đủ trò hành nhau. Nói như nhà văn Nam Cao thì con người ta ai cũng khổ nhưng người nọ cứ tưởng vì người kia mà mình khổ. Văn chương đích thực là văn chương quán chiếu và cô kết cái bản chất cũng là tinh chất của cuộc đời người thành những đóa-buồn-lộng-lẫy. Những đóa buồn ấy, đến lượt chúng, lại là liều cứu rỗi, là liệu pháp sống cho khách văn chương. Nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) từng trần tình rằng, để vui sống, hằng ngày ông phải dùng một liều văn chương; đôi khi thậm chí ông còn chứa chấp cái ý nghĩ là ông hoàn toàn đã chết và ông cố gắng thổi hơi sống vào xác mình bằng văn chương.

Văn chương là lộc mà trời bù cho người, vì người phải chịu cái án “sống đọa thác đày”, như tên một tiểu thuyết của nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn (Nobel văn chương 2012). Căn nhà chứa lộc này mở cửa tự do đối với tất cả những ai đến đọc, nhưng lại chỉ phát vé riêng cho một số ít người trong số những người đến viết. Vậy nên, có rất nhiều trường hợp người viết một đời đuổi bắt chữ nhưng rốt cục tay trắng, tựa hồ “sung một đời buông quả/ không chạm nổi đáy ao”, như ý thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung.

Sung cứ lềnh bềnh mặt ao, rữa mục ra cùng bèo bọt, nghĩa là sung đang chết - chết ngang. Chết ngang của con người là cái chết được trì hoãn, trì hoãn đến chừng nào “trữ đủ đau thương/ cho mãn hạn làm người”, như cách nói của nhà thơ Trần Dần. Chết ngang khác với bất đắc kì tử, khác với chết dọc kiểu rơi từ tầng rất cao, hay với chết cầu vồng kiểu xe tông húc cực lực. Có nghĩa, chết ngang là chưa chết, là đang sống. Tuy nhiên, sinh có hạn, tử vô kì. Làm sao để cái sinh có thể lộng lẫy như đóa hoa mùa hạ, theo đó cái tử có thể lặng lẽ và đẹp đẽ như chiếc lá mùa thu, như cách mà nhà thơ người Ấn Độ Rabindranath Tagore (Nobel văn chương 1913) - tín đồ của đạo Sự Sống - từng xác quyết?

Viết sâu về chết ngang, văn chương sẽ là những đóa buồn nở dọc, đẹp lộng lẫy rực rỡ, như những ngọn lửa.

Hoàng Đăng Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy