Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
02:49 (GMT +7)

Người “chắp cánh” cho vùng chè Khe Cốc

VNTN - Là sản phẩm được xuất sang thị trường EU đấy!

Tôi đã bị kích thích vô cùng khi thưởng thức chiếc kẹo dồi trà xanh và nghe lời giới thiệu về nó như thế. Được xuất khẩu sang thị trường châu Âu - thị trường khắt khe, khó tính bậc nhất thế giới sao? Và tôi đã đến Khe Cốc tìm gặp ông, những hoài nghi trong tôi hoàn toàn được xóa bỏ, thay vào đó là một niềm tin mãnh liệt về một diện mạo mới của ngành chè Thái Nguyên.

Thấm đượm hồn chè

Ông là Tô Văn Khiêm (sinh năm 1970), quê gốc Phú Xuyên (Hà Nội), năm 5 tuổi theo bố mẹ cùng với gần 200 hộ gia đình khác dời quê lên Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên) làm kinh tế mới. Bấy giờ, cây chè trung du do bà con Sán Chay bản địa trồng chỉ rải rác vài đồi nhỏ. Thấy cây chè không được chăm sóc mà vẫn tươi tốt, biết khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên các hộ gia đình rủ nhau mở rộng diện tích chè. Gắn bó với cây chè từ những ngày cùng gia đình đào rãnh, tra hạt khai sinh vùng chè Khe Cốc đến giờ đã 44 năm, ông Khiêm bảo: “Hồn cốt chè nó ngấm vào mình từ lúc nào không biết!”.

 

Ông Tô Văn Khiêm (ngồi, bên phải) tại Lễ ký kết hợp đồng với đối tác Ba Lan - đại diện cho thị trường EU.

Tình cảm sâu đậm của ông Khiêm với cây chè thể hiện từ những điều rất nhỏ. Trong nhà ông, trên bàn luôn có các loại trà và kẹo dồi trà xanh mời khách, nhưng thứ khiến ai đến cũng chú ý hơn cả là bình cắm những búp chè tươi mởn. Ít khi cắm hoa, nhưng một lọ chè tươi thì luôn hiện diện, nó khiến ông trước khi đi ngủ hay mở mắt dậy cũng nhìn thấy chè, cảm thấy chè. Chế biến thức ăn, ông đều cho vài lá chè tươi khử mùi tanh của cá, mùi hôi của gà, vịt. Ông bảo: “Phải gắn bó với chè mới hiểu được chè, hiểu được rồi tự khắc mê nó”. Với ông, để chế biến được một mẻ chè ngon người làm phải toàn tâm toàn ý, phải thả hồn vào nó, chứ không thể làm như một người công nhân ở nhà máy được. Ông luôn tâm niệm, cảm xúc của người chế biến ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chè, “chỉ nên làm chè khi tinh thần vui vẻ, nếu có chuyện không vui phải để cái tâm mình tĩnh lặng, giấu được chuyện buồn thì hẵng làm, nếu không, mẻ chè ra nước sẽ cứng, sẽ gắt, không ngon”.

 

Không chỉ toàn tâm toàn ý cho chất lượng từng sản phẩm, mà cả bao bì đóng gói ông Khiêm cũng không coi chúng là vật vô tri. Nhìn hộp trà Khe Cốc của Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Khe Cốc cũng đủ thấy tâm huyết của ông và những xã viên. Trên nền trống đồng Ngọc Lũ, đại diện cho Việt Nam là hình ảnh nương chè được vẽ mô phỏng, mang dáng vẻ cổ điển; có điệu múa tắc xình - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Sán Chay bản địa; màu hộp trà pha giữa vàng và xanh - mang màu của những cánh chè non... Tất cả toát lên cái “hồn” của chè Khe Cốc - không còn là sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến nữa mà là sản phẩm văn hóa mang đậm màu sắc vùng miền.

“Chè Khe Cốc mang vị ngọt hậu, đó là tố chất của chè trung du. Để chế biến một mẻ chè trung du khó vô cùng, không phải ai cũng biết lấy hương ở nhiệt độ nào để phá vỡ được tất cả những phân tử chứa tinh dầu mùi thơm trong lõi cánh chè. Trong khi đó chè lai ghép hay tất cả giống chè thơm chẳng cần lấy hương cũng thơm rồi nên dễ chế biến, nước lại xanh, nhưng để được một ấm trà tròn vị thì chỉ có chè trung du - giống chè cổ của Việt Nam mình được trồng từ hạt lên thôi”, ông Khiêm say sưa nói với tôi về chè Khe Cốc như vậy. Qua ông tôi được biết, vùng chè Khe Cốc mang tiểu vùng khí hậu riêng biệt: luôn có sương mù vào tất cả các mùa trong năm, sáng sớm và chiều tà đều có một lớp sương nhẹ phủ như lớp mỡ gà dát mỏng trên những lá chè. Và lúc nào sương nhiều nhất sẽ là lúc cho những lứa chè Khe Cốc ngon nhất trong năm.

Và khát khao nâng tầm giá trị chè

Sống với cây chè từ nhỏ, song phải đến năm 40 tuổi, sau khi kinh qua nhiều nghề nhưng tất thảy đều không thành công, ông Khiêm mới quay về với chè và gắn bó như duyên nợ đời mình. Thấy vùng chè Khe Cốc với diện tích gần 280ha đem lại nguồn sống cho mấy trăm hộ gia đình, nhưng bà con vẫn cứ sản xuất, chế biến theo phương thức cũ, cho giá trị kinh tế thấp. Tại sao không thay đổi, tìm diện mạo mới cho ngành chè? Nghĩ là làm, năm 2012 ông khăn gói lên đường đến các vùng chè nổi tiếng trên cả nước như: Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La), Suối Giàng (Yên Bái), Cầu Đất, Bảo Lộc (Lâm Đồng).... Sau một năm ròng rã tìm hiểu cặn kẽ các vùng chè, ông quay về bắt tay vào động viên bà con thành lập Tổ sản xuất chè VietGAP, quy mô 25ha với 31 hộ tham gia.

 

Một mặt xây dựng vùng nguyên liệu, một mặt ông đi tìm hiểu các phương thức chế biến chè. Ông nhanh chóng chế biến thành công chè búp các loại: đinh tâm, đinh ôm, tôm nõn và trà móc câu. Nhưng không phải ai cũng có đủ thời gian và biết cách pha cho mình một ấm trà ngon, ông lại loay hoay tìm hiểu sản xuất thêm trà túi lọc - tiện lợi mà vẫn trọn vị ngon của chè. Không dừng lại ở đó, thấy chè ngoài thức uống thông thường còn có thể chế biến thành thực phẩm. Chẳng ngại khó, ông lại tiếp tục mày mò, học chế biến bột trà xanh matcha. Từ bột trà xanh có thể là nguyên liệu để chế biến rất nhiều loại bánh kẹo và ông chọn chế biến kẹo dồi trà xanh. Ông bảo: “kẹo dồi là món quà quê dân dã, nó mộc mạc, chân chất như những cánh chè vậy”.

 

Sản phẩm chè Khe Cốc được trưng bày giới thiệu tại Lễ Quốc khánh Thái Lan

Nhưng con đường thành công chẳng bao giờ trải hoa hồng! Ông phải nếm mùi thất bại không biết bao nhiêu lần. Làm bột trà matcha, chăm sóc cây chè không đúng tiêu chuẩn, thu hái không đúng thời vụ... cũng khiến bột trà thành phẩm hỏng! Đến kẹo dồi trà xanh, cứ ra màu nâu xỉn, không sao ra nổi màu xanh cốm. Biết bao mẻ bột trà xanh, mẻ kẹo dồi phải đổ đi. Ông như đứt từng khúc ruột. Tiếc công sức, tiếc nguyên liệu đầu vào, xót những cánh chè phải “chết” một cách vô ích. Nhưng ông chưa khi nào nản chí. Bởi với ông: “Nếu thành công mà dễ dàng, không có những trải nghiệm “đắng” thì mình không biết quý trọng đâu!”. Để rồi niềm vui vỡ òa khi nắm được kĩ thuật chăm sóc, thu hái đúng thời vụ, chế biến thành công bột trà matcha. Hay xử lý được đổi màu khi nhiệt cao của bột trà, cho ra mẻ kẹo dồi trà xanh “đúng hiệu”, ông mừng như vớ được kho vàng.

Rồi, càng đi sâu vào chè ông càng nhận thấy, VietGAP chưa phải là cái đích cuối cùng, mà phải là Organic - sản phẩm hữu cơ. Ông nảy ra ý tưởng thành lập HTX chế biến chè an toàn mà vùng nguyên liệu chính là vùng chè hữu cơ. Vậy là song song với thành lập HTX là xây dựng vùng chè hữu cơ. Đó là những tháng ngày vô cùng gian nan.

Việc vận động thành lập HTX chế biến chè an toàn, cái khó hiện rõ ngay trước mắt. Bởi mới chỉ nghe đến HTX, mọi người đã “giãy nảy như đỉa phải vôi”, ai cũng nghĩ giống HTX ngày xưa - HTX gõ kẻng chia công, kiểu “cha chung không ai khóc”. Ông phải phân tích cho mọi người hiểu: thứ nhất những nước tiên tiến như Nhật Bản hay Đức cũng đều duy trì mô hình HTX nông nghiệp và họ đã rất thành công. Thứ hai, hàng hóa bán ra thị trường giờ không còn nhỏ lẻ nữa, mà bán theo lô, theo hợp đồng. Muốn vậy thì phải thành lập HTX, phải “dúm” nhau lại, sản xuất từ cùng một loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cùng một kiểu chăm sóc, chế biến để cho ra sản phẩm cùng một loại chất lượng. Như vậy mới đạt tiêu chí sản xuất, chế biến lớn, chứ cứ manh mún như trước thì khó nâng cao được giá trị cây chè.

Thuyết phục thành công, tháng 4/2018, HTX chè an toàn Khe Cốc được thành lập với 15 thành viên, do ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị. HTX ra đời - cái khó đầu tiên được giải quyết, đến cái khó thứ hai là xây dựng vùng nguyên liệu sạch cho HTX. Một loạt các câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để vận động bà con chuyển từ sản xuất chè truyền thống sang chè hữu cơ - từ bỏ thói quen cho chè “ăn” hóa học? Làm thế nào để trả lời câu hỏi của bà con: “Tôi làm sản phẩm hữu cơ về sau bán cho ai”?...

“Phải làm cho vài trăm hộ đồng lòng xây dựng thương hiệu chè Khe Cốc - chè an toàn là rất khó, nhưng khó mấy, chỉ cần mình quyết tâm là được”, ông Khiêm mang ý chí ấy đi thuyết phục mọi người. Đầu tiên, ông chinh phục bà con bằng chính bản thân mình. Ông bảo: “Mình phải làm, phải cho bà con thấy, ông Khiêm bán rẻ cũng được 7-8 triệu mà đắt lên 22 triệu một kg chè đinh, thì theo ông ấy là sống, là tăng thu nhập chứ không chết”. Kế đến, ông cam kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho bà con, với tiêu chí lợi nhuận đầu tiên phải thuộc về bà con, nghĩa là bà con luôn được giá cao so với thị trường.

 

Vừa thuyết phục, vừa đi tìm kiếm các dự án, sau bao nỗ lực, hiện đã có khoảng gần 200 hộ gia đình tại 3 xóm Tân Thái, Bãi Bằng, Khe Cốc (xã Tức Tranh) thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích gần 100ha. Ông tâm sự: “Bà con làm theo mô hình cũ, sử dụng thuốc hóa học thì chính bà con - người chăm sóc, thu hái, chế biến bị hại đầu tiên, sau mới đến người tiêu dùng. Thế nên làm chè hữu cơ, ngoài giá trị kinh tế còn cho cái được vô giá, không lấy đồng tiền nào đo được là môi trường trong lành, bệnh tật giảm thiểu!”.

Cung luôn không đủ cầu, nhưng sản phẩm nào HTX chè an toàn Khe Cốc cũng đều “test” đi “test” lại nhiều lần, đạt tiêu chuẩn mới đưa ra thị trường. Bởi với HTX, “sản phẩm chưa đủ độ chín đã xuất ra, giống như một đứa con đẻ non, nuôi sẽ vất vả!”. Ông cũng luôn nhắc nhở mình và HTX: Gây dựng thương hiệu chè Khe Cốc - chè Phú Lương - chè Thái Nguyên là nỗ lực phải đặt lên hàng đầu. Có được thương hiệu sẽ có lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho chính mình và bà con.

Dường như sau những nỗ lực hết mình ấy, quả ngọt đã đến với ông và HTX khi có tới 3 sản phẩm gồm: trà túi lọc, bột trà xanh matcha và kẹo dồi trà xanh kí được hợp đồng xuất khẩu sang thị trường EU vào ngày 19/11 vừa qua. Để có được hợp đồng, ông và HTX đã phải đeo đuổi suốt hơn một năm. Liên tục từ cuối năm 2018 đến 9/2019 HTX đã gửi hơn chục mẫu sang Ba Lan (đối tác đại diện cho EU) kiểm định, đạt tiêu chuẩn EU, mới được ký hợp đồng.

Ông Khiêm tâm sự: sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mình chuyển đổi hữu cơ bây giờ đã là muộn. Nhưng muộn còn hơn mình không làm. Muốn vươn ra thị trường thế giới, an toàn và sạch phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến ngon.

Càng trò chuyện càng thấy dường như hồn chè đã ngấm vào từng mạch máu, thớ thịt ông Khiêm. Ông mê chè nên trong đầu lúc nào cũng chất chứa biển ý tưởng. Ông mong muốn sẽ phủ kín mô hình sản xuất chè hữu cơ trên toàn bộ 4.600ha vùng chè trung du Phú Lương. Từ đó làm vùng nguyên liệu để chế biến chè uống và mở rộng ra thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu từ chè, đặc biệt là chiết xuất tinh dầu chè để xuất khẩu. Như lời ông bộc bạch: “Chiết xuất được tinh dầu chè là cái mình mong mỏi nhất bởi nó đẩy được giá trị của sản phẩm chè lên cao! Hiện nay, sản lượng tinh dầu chè luôn bị thiếu so với nhu cầu người tiêu dùng trên thế giới. Trong khi đó, qua kiểm định, bên Ba Lan công bố tỉ lệ tinh dầu trên một mẫu chè của mình đứng đầu thế giới. Cây chè không phải là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà sẽ là cây làm giàu cho những người làm chè Thái Nguyên nói chung, Khe Cốc - Phú Lương nói riêng!”.

Dẫu chỉ là thành công bước đầu, song tiếng thơm về chè Khe Cốc đã ngày một lan tỏa. Mong rằng, một ngày không xa, khi nhắc đến Thái Nguyên, mọi người sẽ không chỉ nhớ đến Tân Cương mà còn có thêm cái tên Khe Cốc, với những sản phẩm sạch - ngon từ chè!.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy