Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:15 (GMT +7)

Người Chăm và minh triết Chăm

VNTN- Người Chăm là cư dân của Champa cổ, một dân tộc đã dựng nên nền văn hóa - văn minh lâu đời, có những đóng góp đáng kể vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, hôm qua và hôm nay.

Nói đến văn hóa Chăm, điều đầu tiên luôn được nhắc đến là nền kiến trúc và điêu khắc vô cùng phong phú và đặc sắc của dân tộc này. Ở đó Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử thế giới. Gắn liền với kiến trúc là cả nền điêu khắc với những phong cách độc đáo. Tượng Vũ nữ Trà Kiệu và Tượng Shiva Po Klaung Girai được xem là kiệt tác của cả nền điêu khắc Đông Nam Á. Thế nhưng, đâu là phần hồn để làm nên nền văn hóa văn minh kia? Nói khác đi, đâu là quan niệm sống và chết của Chăm? Hay một cách tinh túy hơn, đâu là minh triết Chăm?

Khác với triết lí là một hệ thống tư duy dựng nên bởi một cá nhân xuất chúng, minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống thường nhật, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử; có thể rút ra từ các sinh hoạt lễ tục - lễ hội, quan điểm và sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…

Minh triết khác triết học, không dành cho giới đặc tuyển, là vậy.

Đâu là minh triết Chăm?

1. Tinh thần Đất

Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Chăm thì khác, ông bà nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk padauk kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.

Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất đó.

Bimong Tháp Gạch là biểu tượng tâm linh Chăm.  Ở đâu có Chăm là ở đó có tháp, ngược lại ở đâu có tháp, đó là đất Chăm.  Tháp, để người Chăm thờ phụng. Tháp chiếm vị trí tối thượng trong đời sống tâm linh Chăm.

Ở đâu Chăm không đặt viên gạch (padauk kiak), thì đó không phải đất Chăm, Chăm không ở. Có cho họ cũng không màng. Bởi mảnh đất muốn thành Đất cần đến các cuộc tẩy rửa bền và lâu. Thời hưng thịnh Champa đã từng đánh Khmer, đánh để thị uy chứ không có ý “thực dân” lấn chiếm. Hay khi suy yếu, bị đẩy vào thế buộc, Chăm chạy loạn đến ở nhưng họ không coi đó là Đất thuộc về mình, mà chỉ là miền tạm dừng. Tạm dừng, để còn phải trở về với Đất.

Múa quạt Tamia tadik - một trong những điệu múa Chăm     (Nguồn: dulichvinhhy.net)

2. Tư duy biển lớn

Đời sống Chăm gắn chặt với biển.

Ngay ở đầu thế kỉ thứ V, vua Champa là Gangaraja đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng. Thế kỉ thứ VII, người Chăm đã có giao lưu với Nhật Bản. Chuyện vua Chế Mân lấy công chúa Java cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Po Rome (thế kỉ XVII) cưới công chúa Malaysia, là một mảnh huyền sử về văn hóa biển đáng giá (G. Maspéro, Le Royaume du Champa, Van Dest, Paris, 1928).

Từ những cuộc đi viễn dương đó, người Chăm đã dựng nên nền hải sử dài và sâu. Và chính tinh thần phiêu lưu cùng “tư duy biển lớn” hình thành nền văn hóa biển Chăm.

Nếu người Việt kêu: trời đất ơi, thì ngay nhà bên cạnh, người Chăm: trời biển ơi (Lingik tathik lơy). Người Việt nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Chăm thì khác, dưới chân họ là mênh mông biển nước. Chăm có làm ruộng (đất), nhưng đó là cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp bốn mùa hanh gió. Ông bà Chăm xưa chủ yếu sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển. Họ kêu trời kêu biển (Ew lingik ew tathik) chứ không phải “la trời la đất” như người Việt. Cũng vậy, tôi nói “mưa tối trời tối biển” (Hajan xup lingik up tathik), trong khi người bạn Việt của tôi kêu:  “mưa tối mù trời đất”. Nghĩa là biển tràn ngập đời sống, văn chương và ngôn ngữ Chăm.

“Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hóa với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” (Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org).

Lối sống khác, lối nghĩ khác làm nên lối nói khác. Hai thế kỉ qua, Chăm không còn làm nghề biển nữa, nhưng biển vẫn còn sống trong đời sống và tâm thức Chăm.

3. Tinh thần học

Để sở hữu tri thức, người học sẵn sàng trả giá đắt, dám hi sinh, cả hi sinh điều không thể hi sinh. Trong lịch sử Thiền học, muốn đạt đến chân lí, không ít trường hợp người học đạo còn phải trả giá bằng tính mạng của mình nữa!

Học, không phải để mưu lợi mà để biết. Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình - nô lệ vật chất, nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi. Hãy đi một mình, và thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình.

Những năm 1950 trở về trước, người Chăm từ “trí thức” cho đến nông dân, đều được học chữ thánh. Dù Chăm tổ chức dạy - học nhóm với số lượng ít ỏi, có khi chỉ một thầy một trò, khá bất tiện. Thế kỉ XI, các sứ giả Tàu thử du nhập lối tổ chức theo trường quy Trung Hoa vào Champa, nhưng bất thành. Quan niệm về kiến thức của người Chăm hoàn toàn khác. Kiến thức không phải thứ mang chia sẻ đồng đều ở trường lớp, mà nó chính là thách thức cho cá thể quyết mưu cầu nó, dọn sạch tâm để đón nhận nó. Tục ngữ Chăm nói:

Sunuw đơ bauh habei, 

                      gru si brei đa ka o hacih

Bùa bé bằng củ khoai, 

       thầy muốn cho, ngại ai chưa sạch.

Ông ngoại tôi là thầy cao đạo trong vùng, tác giả thi phẩm Ariya Rideh Apwei nổi tiếng. Đêm trăng sáng, nằm ngửa trên chõng tre ngoài sân, ông ngâm Ariya Glơng Anak.

- Đoạn đó cháu thuộc rồi ông à.

- Thuộc rồi cũng phải học lại, ông ngoại bảo.

Mãi sau này, tôi mới hiểu: thuộc cũng cần đọc lại.

4. Lễ và múa: tinh thần chơi 

Chăm có hơn trăm cuộc lễ, mỗi năm. Có lễ hội là có múa. Ca - múa - nhạc kết hợp thật nhuần nhị, với nội dung và hình thức vô cùng phong phú. Ở nơi công cộng mang tính khu vực, trong palei hay trên tháp. Đi kèm với múa là nhạc. Tên gọi các điệu múa Chăm cũng là tên được đặt cho điệu trống ginơng. 72 điệu cả thẩy.

Múa quạt Tamia tadik : Dụng cụ chính là chiếc quạt, xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Múa đội lu Tamia Đwa buk: xuất phát điểm là Múa đội Thong hala (cỗ bồng trầu) trong lễ dâng nước thánh trên tháp, về sau kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt ngày thường, mà thành. Múa Đwa buk: có nhiều sắc thái đẹp mắt, nhưng thao tác đặc sắc hơn cả là các cô gái thả cả hai tay, khi thì đứng lúc lại ngồi hay nghiêng mình khá thoải mái. Múa kiếm Tamia Carit, Múa đạp lửa Tamia Jwak apwei (hay Múa roi): sôi động, gây phấn khích cao độ; ở đó các thao tác uy dũng tượng trưng cho vị tướng xung trận sẵn sàng vượt qua khó khăn gian khổ. Múa chèo thuyền: dụng cụ múa là cây chèo được thay bằng cây mía, điệu múa này mô tả động tác chèo thuyền khi đi trên biển. Múa phồn thực Tamia Klai kluk: người múa là nam, với khúc gỗ được đẽo như hình dương vật, múa dẫn đường, sau đó là các cặp khác, vừa vui nhộn vừa linh thánh.

Lễ, để Chăm tri ân tiền nhân có công xây dựng đất nước, hay thể hiện sự sùng bái một, một vài vị vua được thần hóa; lễ và múa còn là cơ hội và môi trường cho Chăm chơi. Chăm biến mỗi lễ thành buổi biểu diễn nghệ thuật, sôi động và hào hứng.

5. Tinh thần Mẫu

Mương, có Mương Đực Mương Cái. Giếng, có Bingun Likei Bingun Kamei. Tôn giáo thì có Cam Ahier Cam Awal...

Phần đông các nhà tu hành thuộc đa phần tôn giáo khác nhau sống đời “độc thân”. Lơi lỏng hay nghiêm ngặt, tùy. Chăm ngược lại, các vị chức sắc Cam Ahier lẫn Cam Awal buộc phải có... vợ. Không có không được! Sự thể nhiều lúc đẩy các vị rơi vào tình trạng éo le dở khóc dở cười. Không may bà mất trước, ông phải tìm bà khác lắp vào chỗ trống [có khi vội vã].

Vụ việc có lí do chính đáng của nó. Chăm theo chế độ gia đình mẫu hệ. Quý ông, nhất là các chức sắc cần có Sang (nhà) để ở, có Danauk (chốn, nơi, vị) để ngự. Mà Danauk này phải là nhà vợ. Biểu hiện rõ nhất ở Cam Awal, khi có việc (hu bruk) ví như cấp Acar lên cấp Mưdin… cần đến Danauk Kamei mới xong việc. Ở nhà hay trong Sang Mưgik (nhà chùa Bà-ni), bà ngồi ngay cạnh ông, lập Danauk để lo cho ông hành sự… Vô phân biệt.

Từ tinh thần Mẫu đó, cộng đồng Chăm nảy sinh ra Ba không: Không ăn xin (nói lên tinh thần tự lập); Không đĩ điếm (nói lên cách [kiếm] sống lương thiện); Không mù chữ (liên quan đến cái biết để sống và chết ở đời). Cả ba không ấy được biểu hiện sinh động trong đời sống và văn chương Chăm. Cái ba không cổ sơ ấy đặt ra những câu hỏi thiết yếu nào cho cuộc sống hiện đại? Rõ hơn: nó ban tặng cho thế hệ hôm nay bài học nào về lối sống ở đời, về nhân cách con người? Câu trả lời: Con người cần trang bị tinh thần tự lập, không ỷ lại vào cá nhân, gia đình, đảng phái chính trị hay tông phái tôn giáo; muốn thế con người cần tôi luyện tri thức, biết để phân biện đúng sai, tốt xấu; qua đó con người hành xử hướng thiện đúng với chữ nhân của sinh thể mang tên con người.

6. Thông điệp Ariya Glơng Anak và nghệ thuật giải sân hận

Chăm hầu như không biết căm thù. Giận thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù - không. Lạ! Trong văn chương Chăm không có một nửa dấu vết căm thù. Ariya Po Parơng được viết cách nay gần một thế kỉ rưỡi, chỉ toàn giận là giận. Cả Ariya Twơn Phauw, tác phẩm thơ kí sự ghi chép cuộc chiến của Twơn Phauw với quân Minh Mạng, tuyệt không có bóng dáng căm thù. Nhưng tại sao Ariya Glơng Anak, tác phẩm được cho là nhân bản nhất suốt lịch sử văn học Chăm, chữ janưk (căm), mưbai (thù), janưk mưbai (hận thù) lại có mặt dày đặc?

Ariya Glơng Anak, dài chỉ 116 câu ariya Chăm nhưng đã đựng chứa và cưu mang cả biển khổ cuộc người. Ariya Glơng Anak ra đời đầu thế kỉ XIX, khi Champa đã tan rã. Biến thiên cuộc thế và thay đổi của lòng người gây ra đại khủng hoảng, mang tính quyết định sự tồn vong [không phải đất nước nữa - đã mất rồi] của sinh mệnh dân tộc. Hận thù có mặt khắp xung quanh, trong không gian, do người ngoài mang đến “tặng” ta, nó có mặt giữa anh em bà con bè bạn ta, và ngay nơi thẳm sâu lòng ta nữa. Kẻ thức giả cô đơn và cô độc giữa cuộc thế và lòng người. Ariya Glơng Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo. Viết như là trối trăng. Đó là thông điệp cuối cùng của thức giả lớn cuối cùng trong ngày tàn cuộc cuối cùng.

Nhưng bên cạnh mưbai, janưk, janưk mưbai, tác giả Ariya Glơng Anak không quên haniim (phúc, lành) hay haniim ayuh (phúc thọ) hay haniim phwơl (thiện lành). Rất nhiều lần lặp lại. Không phải như một đối kháng nhị nguyên, mà, như một mở lối thoát, một khai thông hướng đi. Trong không khí ngột ngạt của lịch sử, Ariya Glơng Anak đã mở ra cho chúng ta, một sinh lộ khiêm tốn nhưng thiết thực, hé cho chúng ta thấy, trong đêm tối đen mò của thời cuộc, một tia sáng yếu ớt của niềm hi vọng.

7. Bhap ilimo - văn hóa quần chúng  

Đây là đỉnh cao của Minh triết Chăm. Bhap ilimo là một trong những từ cốt tủy của trường ca Pauh Catwai. Bhap nghĩa là "nhân dân", "quần chúng"; Ilimo nghĩa là "văn hóa". Tác giả Pauh Catwai không nói văn hóa dân tộc mà là "văn hóa nhân dân", nền văn hóa của, bởi và cho bộ phận đông đảo dân tộc, chứ không nhấn vào thành phần ưu tú.

Đánh giá một dân tộc, không chỉ ở dân tộc đó sản sinh bao nhiêu vĩ nhân, bao nhiêu công trình vĩ đại mà còn là/ nhất là ở tầng lớp quần chúng của dân tộc đã đóng góp gì, đóng góp như thế nào vào nền văn hóa đó, quan niệm thế nào về nó? Với Chăm, sáng tạo văn học nghệ thuật không chỉ là công việc dành riêng cho giới đặc tuyển, mà còn là/ nhất là quần chúng, ngay cả khi dân tộc đã có chữ viết. Nhất là dân tộc Chăm tiếp nhận văn hóa Bà-la-môn vốn mang tiếng là đối xử phân biệt. Có thể nói, ở thập niên 70 của thế kỉ XX trở về trước, không người nữ Chăm nào mà không biết múa. Ong Mưdwơn Chăm xuất thân từ quần chúng (nghĩa là không phải "nối dõi tông đường" như bên Paxeh) là hạng nghệ sĩ toàn năng. Là chủ lễ của tất cả lễ Rija, Mưdwơn gru có khả năng chơi và chơi thuần thục mọi nhạc cụ Chăm.  Ông vừa là ca sĩ dauh hát, vừa là vũ công tamia múa, cạnh đó ông còn là thi sĩ [vô danh] chính hiệu. Hàng trăm Damnưy được hát trong các dịp lễ này là các tác phẩm vô danh của nhiều thế hệ Mưdwơn khác nhau. Sáng tác và tái tạo đầy cảm hứng với những biến thái khác nhau ở từng vùng, từng lễ, thậm chí từng kì lễ Rija.

Quần chúng Chăm vừa sáng tác, vừa lưu truyền vừa tái tạo văn hóa dân tộc là vậy.

8. Sống có nghĩa là tạ ơn 

Con người cô đơn không nơi nương tựa. Bên Phật gọi là “vô sở trú”; Chúa nói: con của loài người không có đất gối đầu; nhà thơ Đức Rilke đặt cho cái tên: “Không có quê hương trong thời gian”. Thế nên mỗi ngày phải là ngày linh thánh với ta. Hắn thấy tất cả đều có lí do tồn tại. Mỗi sinh thể có mặt đều có lí do, mỗi tác phẩm, mỗi công việc, mỗi động thái... Và hắn cảm tạ cuộc sống:

Sống nghĩa là tạ ơn - ơn ngãi đầy tràn

nằm ngoài chân trời đếm đo được/mất

tạ ơn làm cho ta lớn lên.

Tạ ơn thì không so đo tính toán được mất. Không hơn thua. Mỗi ngày khi chúng ta mở mắt nhìn mặt trời là một ngày linh thánh, một ngày đáng sống. Hãy biến ngày đó thành cuộc lễ của cuộc đời. Còn nếu ta tính toán chi li, thì chính nó biến ta ngày càng trở nên bé nhỏ, vụn vặt, lắt nhắt. Tâm hồn ta không thể lớn được, dù ghế ta giữ có to tới đâu, bằng cấp cao cỡ nào, thành tích vĩ đại ra sao đi nữa...

Quỳ gối trước đóa hoa dại nở đồi trưa

tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt

tạ ơn câu thơ viết từ thế kỉ trước

giọng cười xa, nụ hôn gần.

Quỳ gối trước mặt trời thức giấc 

                                   mỗi sớm mai

… Dẫu không là cái đinh gì cả / 

                   tôi vẫn cần thiết có mặt

vậy nhé - tôi xin tạ ơn TÔI. 

(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

Inrasara

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy