Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:10 (GMT +7)

“Ngũ hổ” văn chương ở xóm Khuôn Lình

Bên ấm trà trung du “cắm tăm”, mấy anh em “văn sĩ” chúng tôi, như mọi lần gặp nhau, lại đàm luận về văn chương. Bỗng một người “ơ rê ca” như phát hiện châu lục mới: Các ông các bà có thấy lạ không, riêng “cái” xóm 11 xã Hà Thượng huyện Đại Từ “nhà mình” có đến 5 người viết văn thành danh: Anh em nhà văn Đào Việt Hải (bút danh Hồ Thủy Giang) và Đào Nguyên Hải; bố con ông Nguyễn Thưởng và nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh; ông Cao Thâm nữa.

Ờ nhỉ. Bấy lâu, những tên tuổi này vang vang diễn đàn văn chương. Nhưng “xâu” họ lại bằng một địa danh thì quả là phát hiện “độc”.

Và thế là tôi có mặt ở đây: Xóm 11, hay xa xưa gọi là xóm Khuôn Lình.


“Đất mới cháu con vượt núi cao”

May thay, cả năm người nhắc tên ở trên, họ đều còn khỏe mạnh. Người cao tuổi nhất, gần 90 là cụ Nguyễn Thưởng, người “bé” nhất là thi sĩ Thúy Quỳnh cũng đầu “năm” đuôi “sát nửa đời”. May nữa, dù hơn nửa thế kỷ kể từ ngày gia đình đầu tiên đến đây “lập ấp”, thì những thứ tôi cần vẫn còn. Mảnh đất, quả đồi, dòng suối, kỷ niệm cũ… vẫn nguyên ở đó.

Cùng trở về mái nhà xưa với tôi là nhà văn Hồ Thủy Giang, tên thật là Đào Việt Hải. Trên điền thổ cách đây gần 60 năm là căn nhà kỷ niệm, nay mấy anh em xây lên một ngôi từ đường nhỏ. Bên cổng là 2 câu đối do “bác cả” - nhà văn Hồ Thủy Giang - chắp bút, phác họa hai chặng đường quan trọng của gia đình: Quê cũ ông cha băng biển lớn/ Đất mới cháu con vượt núi cao.

62 năm trước, bố và mẹ nhà văn Hồ Thủy Giang đi phục vụ khu Gang thép nên đưa 6 người con từ “biển lớn” là đất cảng Hải Phòng lên thị xã Thái Nguyên. Khi giặc Mỹ leo thang đánh bom miền Bắc, cả nhà sơ tán lên “núi cao” là xã Hà Thượng (Đại Từ).

Riêng chuyện đặt tên con của gia đình nhà văn cũng nhiều thú vị. Nhà sáu anh em thì bốn người mang tên Hải: Việt Hải, Mạnh Hải, Minh Hải, Nguyên Hải. “Bố mình là người có chữ, đặt tên con hàm nhiều ý lắm. Quê biển nên các con đều mang chữ “hải”; đồng thời gửi gắm mong muốn “tứ hải giai huynh đệ” (các con giao du rộng, coi bốn biển anh em là nhà). Nhưng trong “kế hoạch” sinh nở, các cụ không lường được ngoài sinh “tứ hải” các cụ lại đẻ thêm một trai một gái nữa, nên đặt tên là Đào Thị Kính và Đào Quốc Khánh.

Anh em nhà văn Đào Việt Hải (phải) và Đào Nguyên Hải

Đứng trước cơ ngơi của gia đình, nhà văn Đào Việt Hải nhớ lại: Năm 1964, khu này toàn lau nứa rậm rạp. Ông Chủ nhiệm Hợp tác xã Hà Thượng khoát tay bảo: “Nhà cứ thoải mái khai phá”. Mình lần đầu cầm dao phát cây đốt cỏ, mấy tháng trời dọn được chỗ này (tầm hơn 2.000m2). Rồi cùng bố mẹ dựng lên túp lều lợp nứa, thấp lè tè, đi ra đi vào chạm đầu. Nhà 8 miệng ăn trông vào đồng tiền làm que hàn của bố mẹ, chẳng nói thì mọi người cũng biết cuộc sống khốn khó đến thế nào.

Nhưng cũng chính những năm tháng đó, có một sự việc đặc biệt đến với nhà văn:

Mình mê văn, thích đọc sách văn học, nhưng luôn bị giáo viên đánh giá là dốt văn, vì làm bài toàn thiếu ý. Hồi học trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, môn Văn mình chỉ được điểm 2 (thang điểm 5), thầy cô chê lắm. Học hết lớp 9 thì mình chuyển lên cấp 3 Đại Từ học tiếp lớp 10, thầy giáo Vũ Quang Liên dạy Văn. Hôm ấy lên lớp trả bài, thầy trịnh trọng nói: Lần đầu tiên trong đời tôi chấm điểm 5 (trừ) cho một bài văn thiếu ý, nhưng bù lại, cậu ấy (tức Đào Việt Hải) viết văn rất hay. Nhận xét của thầy như tia chớp chói sáng cuộc đời mình. Từ đó, mình trở nên giỏi văn, nổi tiếng ở Đại Từ. Rõ ràng, nếu không về Đại Từ học thì mình không gặp được thầy Liên và cũng không biết có khả năng văn học để mạnh dạn sáng tác. Điều này chỉ có thể giải thích bằng “trời xui” mà thôi. 20 tuổi, mình đi học nghề máy nổ (trường công nghiệp Đại Từ). Hồi đó phong trào “cơ giới hóa nông nghiệp” nhà nước phát động được nhân dân hưởng ứng mạnh lắm. Mình viết truyện ngắn đầu tay “Ngàn làm máy”, kể về cô gái vận hành máy xát, niềm tự hào của cả vùng. Rồi truyện ngắn “Anh máy nổ cô máy xát”, “Cô bánh xích” cũng lấy nguyên mẫu và viết ở Hà Thượng. Những giải thưởng quan trọng nhất: Giải Báo Văn nghệ, Giải Văn nghệ Quân đội, Giải Văn nghệ Khu Tự trị Việt Bắc là “gặt hái” ở đây.

Nhà văn Hồ Thủy Giang (tên thật là Đào Việt Hải), sinh năm 1947 tại Kiến An, thành phố Hải Phòng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Hiện ông sinh sống tại phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên. Ông từng dạy học; Biên tập viên Báo Văn nghệ Thái Nguyên; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Từ năm 1985 đến 2021, ông xuất bản 15 tập truyện ngắn, 6 tiểu thuyết, 5 tập lí luận phê bình, 2 tập thơ, 5 kịch bản phim truyện được dàn dựng, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Thái Nguyên. Ông đã nhận được hơn 20 giải thưởng về văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương.

Cũng rẩm rỉ hiền lành, ít nói giống anh trai Đào Việt Hải, trong suốt câu chuyện về “đời văn chương” của mình, anh Đào Nguyên Hải nhắc đi nhắc lại câu: “do bác cả hết”. “Mình vẫn nhớ hình ảnh bác cả gầy bé ngồi ở góc nhà cặm cụi đọc đọc viết viết. Cô em nó rủ bạn vào nhà xúc gạo đi đổi bánh cuốn, chạy qua chạy lại sau lưng ruỳnh ruỵch mà bác ý chả biết gì. Bác cả mang sách về mình cũng mê mải đọc, dù nhiều quyển chả hiểu. Mình cũng có chút khả năng về văn. Cái này hình như là di truyền của dòng họ. Ông bác Hoài Minh (sinh 1935), dạy học ở Cát Hải, cũng là cây bút nổi tiếng ở Hải Phòng. Truyện của mình xuất phát từ cái khổ, cái vất vả gian lao mà viết, bác cả cũng thế, nên tác phẩm của anh em mình có cái gì đó hơi buồn buồn”.

Nếu như nhà văn Hồ Thủy Giang - Đào Việt Hải - tự thấy mình không có “quê hương sáng tác” vì ngọn bút của anh “phất” ở mọi lĩnh vực, thì Đào Nguyên Hải lại có “quê hương” sâu đậm là những ngày quân ngũ, đặc biệt gần 5 năm lăn lộn ở chiến trường Campuchia (1983 - 1987). Anh có một tập truyện ngắn “Hoa tường vi” (20 truyện), một tiểu thuyết “Apsara dưới trăng” thấm đẫm vốn sống phong phú của người lính trận. Ngay truyện ngắn đầu tay có tên “Vật kỷ niệm bình thường” anh viết trước khi nhập ngũ cũng nói về chiến tranh. Anh kể:

Năm 1984, mình đang ở nơi đóng quân thì có một nhà văn tìm gặp, thông báo truyện của mình được giải Ba Cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cảm xúc lúc đó thật khó tả. Tự dưng thành người nổi tiếng, anh em cùng đơn vị chúc mừng ghê lắm. Lãnh đạo cử mình đi học lớp viết báo, nhưng mình không theo học hết chương trình mà sang Campuchia chiến đấu.

Anh Nguyên Hải thật thà: Sau khi xuất ngũ, cuốn vào cuộc sinh nhai tất tả nhiều lúc quên bẵng văn chương, nhưng rồi mỗi lần gặp bác cả và những người bạn văn của bác cả, mình lại được “lên dây cót” cầm bút trở lại. Nhìn dí dủm thầm lặng thế, nhưng giải thưởng anh Đào Nguyên Hải đạt được khiến tôi giật mình: Ngoài giải Ba truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1984), anh còn được nhiều giải cao của tỉnh và 2 tập sách của anh đều đoạt giải của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Hoa tường vi - 2017 và Apsara dưới trăng - 2021).

Cuộc sống khắc nghiệt chỉ đường cho tôi

Từ nhà anh Đào Nguyên Hải, chúng tôi “thả” vài chục bước chân là đến nơi ở (trước đây) của nhà văn Cao Thâm.

Nhà văn Cao Thâm và vợ, con

Vẫn cách nói nhanh, nhiệt tâm và có phần hoang dã như ngày xưa, trò chuyện với tôi qua zalo, anh Thâm kể: Năm 1990, vợ tôi ở Đông Anh phải nghỉ không lương dài hạn nên tôi đưa vợ con lên làng Cẩm - gần nơi tôi làm việc. Được anh vợ cho 500 nghìn đồng (trị giá hơn 2 chỉ vàng lúc đó), tôi mua 200m2 đất trong xóm núi và mua cái khung nhà bếp của bà Quỳnh ở phố Cẩm, dựng 2 gian nhà vách đất, nấp dưới búi mai ông Thạo.

Nói về động cơ viết văn, Cao Thâm bảo đơn giản lắm, chính từ cuộc sống khắc nghiệt; từ nỗi nhục nhã ê chề đã chỉ đường cho anh thành nhà văn: Tôi có thằng bạn, là Ngô Tiến Hưng. Ngày ấy hắn cùng đi xúc than, phụ vữa, nung vôi ở Mỏ than Làng Cẩm với tôi. Lúc giải lao, chúng tôi thường nói chuyện văn chương. Một bữa, hắn đưa cho tôi cuốn Máctiniđơn của Jắclânđơn. Đó là cuốn tự truyện kể về cuộc đời gian khổ, trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng của chính Jắclânđơn. Đọc xong, một ý nghĩ bừng bừng trong tôi: Tôi sẽ viết văn! Phải, tôi phải viết những gì mà tôi là người trong cuộc; tôi phải viết những gì mà bấy nay bị đè nén trong lòng, không biết san sẻ cùng ai. Tôi viết, trước hết là giải thoát tôi, sau đó là kiếm thêm tiền nuôi vợ con. Vậy là, ban ngày tôi đi xúc than, phụ vữa, nung vôi; hôm nào có người gọi chụp ảnh thì đi chụp ảnh, còn lại, tôi dành thời gian để viết.

Bên cái bàn bằng hai miếng ván ghép đặt trong góc nhà âm u, dĩn muỗi bâu xúm xít, có một người đàn ông da đen nhẻm, mắt “cận lòi” gò lưng viết, viết... Không giống nhiều người cầm bút thường sáng tác truyện ngắn rồi mới “mon men” sang tiểu thuyết, Cao Thâm viết ngay cuốn tiểu thuyết “Lạc thú”. 3 năm trong căn nhà này, Cao Thâm xuất bản thêm 2 tiểu thuyết đều lấy chất liệu từ cuộc sống anh đã và đang nếm trải. Trong đó, bối cảnh tiểu thuyết “Cơ hội vàng” (Nxb. Công an Nhân dân, năm 1992) chính là cuộc sống thực của tác giả. Theo nhà văn Phan Văn Thẩm, Giám đốc NXB Công an, thì “Cơ hội vàng” là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam viết về cơ chế thị trường.

3 cuốn tiểu thuyết nhà văn Cao Thâm viết tại xóm Khuôn Lình

Sau “Lạc thú” (1990), anh “đẻ” sòn sòn truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, kịch bản phim, kịch bản sân khấu... Đọc tên 16 “đứa con” đậm chất kiếm hiệp của Cao Thâm: Số phận một tướng cướp, Đa mang, Thần tượng, Vượt ngục, Sập hầm, Chạy trốn… thấy rõ ngòi bút của anh hướng vào thị trường bạn đọc bình dân. Quăng quật hơn chục cơ quan với 22 năm làm lãnh đạo nhiều tờ báo, Cao Thâm đến nay vẫn là nhà báo Việt Nam duy nhất xuất thân từ nghề xây dựng mỏ hầm lò.

Nhà văn Cao Thâm sinh năm 1957 tại huyện Yên Thành, Nghệ An. Được đào tạo nghề mỏ - địa chất, anh công tác tại Xí nghiệp Xây lắp Mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh). Năm 1986 anh chuyển lên công tác tại Mỏ than Làng Cẩm (Thái Nguyên).

Năm 1996, anh là phóng viên Báo Bắc Thái được điều động lên thành lập Báo Bắc Kạn và được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Biên tập. Năm 2004, anh về làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Công nhân. Năm 2014, anh làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập. Năm 2017, anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Sáng tạo Việt Nam… Gia đình anh hiện sinh sống tại Hà Nội.

Chén trà trung du ngọt hậu

Tôi ngồi cả buổi sáng tại số nhà 11, tổ 28, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) để nhâm nhi tách trà trung du ngọt hậu và nghe nhà văn Nguyễn Thưởng kể về duyên nợ của mình với văn chương. Lần bạo bệnh cách đây 3 năm khiến trí nhớ của ông giảm đi ít nhiều, nói cũng chậm hơn. Nhưng được sự trợ giúp của người vợ tào khang ngồi cạnh, tôi đã lĩnh hội trọn vẹn ký ức cũng như xúc cảm của ông về “hồi ấy” - những năm tháng không phai nhòa ở xóm Khuôn Lình.

Vợ chồng tôi đều là con phu mỏ. Chúng tôi lớn lên cùng cảnh bần hàn, bố mẹ lấm lem với nghề mỏ. Sau khi lấy nhau, cuộc đời chúng tôi vẫn gắn với chữ “mỏ”. Tôi làm ở Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn), Nhà máy cơ khí mỏ Bắc Thái (đóng ở làng Cẩm thuộc xã Hà Thượng, huyện Đại Từ). Năm 1978, gia đình tôi trở thành công dân xóm Khuôn Lình (nay là xóm 11). Chúng tôi dựng lên căn nhà bé tẹo, bé đến nỗi tối đến phải treo cái bàn uống nước lên xà nhà mới có chỗ ngủ.

Ông Thưởng những ngày ở Hà Thượng

Về khả năng văn chương, ông Nguyễn Thưởng tự đánh giá: Tôi được ảnh hưởng gien chữ nghĩa từ người cha của mình là ông Nguyễn Văn Thoại. Ông cụ được mệnh danh là nhà thơ dân gian của làng Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng - Nam Định) - một thầy pháp “bụng bồ chữ”, góa vợ từ năm 37 tuổi, một thân một mình gà trống nuôi con. Tôi đã từng viết về cha mình: Một bên thùng dầu, một bên bồ muối/ Thân gầy buốt gối, đòn gánh vai oằn/ Một nỗi cơ hàn, ngàn cân cơ cực… (Hồi ức Bình Chai). Tôi làm thơ viết văn theo bản năng, cái khổ cái buồn viết thành chữ, chẳng nghĩ tác phẩm của mình hay, cũng chẳng quan trọng mình in được bao nhiêu tập, bao nhiêu bài.

Trước khi đến với văn chương, ông Thưởng đã có tiếng trong ngành mỏ về tài viết kịch bản cho các đội văn nghệ tham gia hội diễn đoạt giải cao. Vậy nhưng, khi về đất Hà Thượng, ông lại dành nhiều cảm xúc cho thơ và văn xuôi hơn. Ông viết cho đêm bớt lạnh, cho miếng cơm dễ nuốt. Ông viết cho buồn phiền san bớt ra mặt giấy. Vậy mà tích cóp, ông xuất bản 2 tập thơ (Trăng vuông - 2007, Hoài niệm - 2014), 3 tập truyện ngắn (Nợ nghĩa - 2007, Chị Soan - 2011, Khoảng trống - 2012). Có điều lạ là cuộc đời hầu như gắn với nghề khai thác mỏ nhưng ông không viết nhiều về nghề này. Văn chương của ông nặng suy ngẫm, chiêm nghiệm và những kỷ niệm mà mỗi lần nghĩ đến vẫn khiến trái tim đau nhói.

Ông nhắc đi nhắc lại truyện ngắn “chị Soan”, ông viết từ câu chuyện có thật của gia đình mình. Nạn đói khủng khiếp năm 1945 ấy, mẹ tôi cưu mang một cô bé hơn tôi vài tuổi. Ở với nhà tôi được vài năm, cuộc sống quá khốn khổ khiến chị bước chân ra đi, không biết giờ còn hay mất? Ông ứa nước mắt thương chị, thương thân.

Năm 1968, ông bà Nguyễn Thưởng sinh con gái đầu tiên (sau 5 con trai), đặt tên là Nguyễn Thúy Quỳnh. Chị thừa hưởng khuôn mặt tròn của cha, nét dịu dàng của mẹ. Rong ruổi cùng mẹ cha ở Cao Bằng, Lạng Sơn, rồi về sống tại Khuôn Lình năm 11 tuổi, với Quỳnh, đó là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn lãng mạn của chị.

Nhà thơ Thúy Quỳnh (áo kẻ) khi sống ở Hà Thượng

Con nhà nghèo, Quỳnh phải hái chè thuê, bán nước giải khát, trồng rau… Khổ đấy mà chị thấy đời ríu rít vui với đồi chè non tơ, với hoa gạo và đóa ngọc lan âm thầm giấu trong tay áo. Năng khiếu văn chương sớm bộc lộ thành những bài thơ nhỏ đăng báo tường, được bạn bè gọi nhau đọc. Thấy con tập tành viết lách, ông Nguyễn Thưởng để ý uốn sửa cho con từng câu từng chữ. Bài học về cẩn trọng khi đặt bút Quỳnh học đầu tiên từ bố.

Quỳnh nhớ lại: Sau khi nhà chuyển về xóm Khuôn Lình ở được một năm thì loạt sự kiện quan trọng xảy ra với em: Anh Bằng em một lần đạp xe từ Thái Nguyên về Đại Từ thì gặp thầy giáo Đào Việt Hải (nhà văn Hồ Thủy Giang). Anh em “khoe” có đứa em gái thích viết văn lắm, rồi về nhà lấy bản thảo truyện ngắn “Luống rau chung” em viết trong lúc ngồi vỉa hè bán chè đá mang đến cho thầy xem. Thầy Hải đã gửi bản thảo cho Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Bắc Thái và truyện của em được đăng. Thầy Hải sau đó đến nhà nói với bố em, khuyên em nên tham gia đội tuyển học sinh giỏi Văn. Thầy nói: Cái Quỳnh thi học sinh giỏi Toán thì đến cấp huyện là hết, nhưng thi Văn nó sẽ đến toàn quốc đấy. Em ra đồi chè ngồi khóc một buổi trước khi quyết định rời đội tuyển Toán sang đội tuyển Văn do thầy Hải là người luyện thi. Năm sau, em đi thi cụm, rồi thi huyện, đoạt giải 3 tỉnh và trong đội tuyển đi thi Văn toàn quốc, được vào thẳng cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Năm đó (1982) thầy Hải đã về công tác tại Ty Văn hóa Bắc Thái, em đến chỗ thầy chơi thì gặp bác Hoàng Thể. Biết hoàn cảnh nhà em, bác Thể viết thư xin phép bố mẹ em cho bác nuôi em. Em được sống một năm trong không khí trân trọng văn chương của gia đình bác; được ảnh hưởng tinh thần nâng niu năng khiếu, tình người, tình văn… của bác.

Khi trở thành sinh viên Văn khoa trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, em tham gia các cuộc thi thơ của Khoa và thường được giải. Năm 19 tuổi, em trở thành hội viên trẻ nhất của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh…

Câu chuyện giữa tôi và Quỳnh chợt dừng, tựa như chúng tôi nghe được âm thanh nào đó dội lên từ quãng thời gian 21 năm gia đình chị sống tại xóm Khuôn Lình. Tâm hồn lãng mạn và tố chất đặc biệt (chị Quỳnh) được con mắt tinh đời phát hiện sớm, định hướng đúng (nhà văn Hồ Thủy Giang), cộng với không khí văn chương đậm đặc (gia đình bác Hoàng Thể, Hội Văn học nghệ thuật…). Tất cả cộng lại, nhân lên, vun đắp cho chị trở thành nhà thơ như hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh sinh năm 1968. Hiện là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Chị đã xuất bản 4 tập thơ: Giá mà em từ chối, NXB Văn hoá dân tộc- 2002; Mưa mùa đông, NXB Hội Nhà văn - 2004; Những tích tắc quanh tôi, NXB Hội Nhà văn - 2012; Hai phía phù sinh, NXB Hội Nhà văn - 2018.

Chị đã nhận được tặng thưởng Tác phẩm Tuổi Xanh, Báo Tiền Phong, 1998; Giải B Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2004; Giải C Cuộc thi thơ 2003 - 2004 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2001 - 2005; Giải A Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2011.

Vĩ thanh

Tôi loanh quanh đi lại quãng đường chừng 500 mét từ khu nhà họ Đào sang khu nhà họ Nguyễn. Tiếc rằng tôi không có chút kiến thức nào về phong thủy để bàn luận thêm thế núi hình sông. Liệu mạch ngầm nào kết nối giữa mảnh đất này với các cây bút? Truyền thống hiếu học hay yếu tố di truyền đã làm nên họ? Nếu như họ không là cha - con, anh - em, thầy - trò? Nếu như họ không từ nhiều nơi khác đẩy đưa cùng đến nơi này???

Mọi thứ nháo nhào trong óc tôi, có lúc tôi tưởng nắm được cái gì đó, rồi bỗng chốc mờ mịt xa xăm. Cuối cùng thì tôi quyết định nhường phần kết luận cho bạn đọc.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước