Ngôn ngữ thơ Hiền Mặc Chất – cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thơ ca và âm nhạc
Rong chơi theo kiểu ông cha
Tài hoa nhả lộc ấy là rong chơi.
(Hiền Mặc Chất - Cõi linh)
-------
Hiền Mặc Chất là một thi sĩ “chơi ngông” của đất Thái Nguyên. Cái “ngông” tài hoa ấy đã được minh chứng bằng những sản phẩm tinh thần hiện hữu: khoảng 40 bài thơ của anh đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và đi vào đời sống. Bài hát phổ thơ Hiền Mặc Chất đã được biểu diễn trên sân khấu của nhiều đơn vị, như: Đoàn nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Thăng Long, Đoàn nghệ thuật Quân khu 1, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; được phát sóng trên VTV, Đài PT-TH Thái Nguyên, Đài Tiếng nói Việt Nam,… Ca từ của một số nhạc phẩm thực sự đã mang lại cho người thưởng thức những ấn tượng sâu sắc, khó quên.
Điều gì đã khiến thơ Hiền Mặc Chất có duyên với âm nhạc như vậy? Thiết nghĩ, thơ của Hiền Mặc Chất đã chạm đến một lạc thú, nhưng nói như P.Valéry: “Chơi với từ không chỉ đi đến một lạc thú vớ vẩn, mà là cả một hội hè của trí tuệ, bởi vì có ngôn ngữ mới ta có tri thức mới”.
Với sự đam mê thơ và làm thơ chủ yếu theo “bản năng”, Hiền Mặc Chất “chơi với từ” bằng cách nào? Quan sát những bài thơ được phổ nhạc của Hiền Mặc Chất có thể thấy thường xuất hiện hai kỹ thuật dụng công ngôn từ sau: một là, sử dụng sáng tạo chất liệu văn học dân gian, hai là, mơ hồ hóa cái được biểu đạt.
- Sử dụng sáng tạo chất liệu văn học dân gian
Chỉ cần đọc nhan đề các bài thơ, ta thấy thơ Hiền Mặc Chất gắn bó với đời thường, anh viết về những gì hiện hữu đây đó, dường như rất quen thuộc với mỗi người: Người đẹp Thái Nguyên, Trăng Phú Đình, Vầng trăng núi tiên nằm, Sông Cầu ai vắt lên mây, Tình ca người gác rừng, Trăng thanh nữ, Suối hát, Đà Lạt và em, Hoa lộc vừng Hồ Gươm, Đại bàng về núi Đuổm, Trăng về phố, Hỡi cây hai ngàn lá,…
Cái khó của người cầm bút là ở chỗ viết về những cái mà nhiều người cảm thấy quen thuộc nhưng phải làm sao để khi thưởng thức tác phẩm người tiếp nhận vẫn thấy lạ, thấy mới. Ý thức được điều này nên Hiền Mặc Chất đã rất dụng công khi xây dựng hình tượng thơ bằng chất liệu ngôn ngữ dân gian, những câu thơ mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao trong thơ của Hiền Mặc Chất chính là những câu thơ biết vận dụng những yếu tố văn học dân gian một cách nhuần nhị, sáng tạo:
Sông Cầu ai vắt lên mây
Lơ thơ… thương nhớ, tôi nay thất tình!
Đâu rồi dải thắt lưng xanh
Đong đưa xà tích, mong manh yếm đào.
(Sông Cầu ai vắt lên mây)
Những câu lục bát mang âm hưởng ca dao trên có nhiều những hình ảnh vừa quen, vừa lạ đối với con người ở thời đại hôm nay: dải thắt lưng xanh, xà tích, yếm đào (*).
Quen vì nó được nhắc nhiều trong ca dao, cổ tích; lạ vì bây giờ nó đã trở thành kỷ niệm, nó ít hiện hữu trực diện và đập ngay vào thị giác của con người trong cuộc sống hiện đại, nó đã trở thành thứ văn hóa “phi vật thể” trong kho tàng văn hóa dân tộc. Muốn “thấy” nó, người ta phải tưởng tượng, hình dung, và chính sự tưởng tượng hình dung ấy đã làm nên một thế giới nghệ thuật “tự cảm thấy” thú vị từ phía người tiếp nhận: mọi sự vật hiện tượng là nó mà không phải là nó. Đấy là chưa kể đến sự độc đáo khác của chất liệu dân gian khi được vận dụng sáng tạo nó thường mang lại cho thi ca một giọng điệu riêng, khó lẫn: giản dị, mộc mạc nhưng sang trọng, mãnh liệt nhưng cũng rất đằm thắm, thiết tha. Những từ ngữ, hình ảnh mang hơi thở dân gian xuất hiện không ít trong thơ của Hiền Mặc Chất như: Đại bàng về núi Đuổm, Am Thiều Dung, giếng Dội (Đại bàng về núi Đuổm), câu sli, câu lượn, tiếng Từ Quy (Người đẹp Thái Nguyên), tiếng chuông Trấn Vũ, liễu rủ, nguyệt đài… (Trăng về phố), Sông Công, chàng Cốc, núi Tiên nằm (Vầng trăng núi tiên nằm), Hồ Gươm, tháp Nghiên, Rùa thần (Hoa lộc vừng Hồ Gươm), Chúa Thiều Hoa, Bến Tượng (Trăng thanh nữ), Tỉn Keo, Khuôn Tát, Phú Đình, Đèo De (Trăng Phú Đình)… tất cả đều ít nhiều gợi mở trong sự chiêm nghiệm và ký ức người tiếp nhận những tầng ẩn nghĩa sâu sắc của bao thiên lịch sử, huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca - những dấu ấn văn hóa mang hồn thiêng non sông, đất nước, con người xứ sở.
Sức hấp dẫn muôn đời của thi ca là ở khả năng khơi gợi, đem đến cho người tiếp nhận cảm giác về sự vật trong toàn thể tính sống động của nó thay vì chỉ biết về sự vật đó như là một ý niệm, địa hạt hoạt động chính của ngôn từ thi ca phải là địa hạt của hình dung. Những câu thơ hay không bắt người ta hiểu rồi mới yêu, âm nhạc của nó đi vào tâm hồn con người ta trước khi kịp hiểu cặn kẽ nó là cái gì. Với tinh thần tiếp thu văn hóa dân gian nghiêm túc, sáng tạo, thiết nghĩ rằng ngôn từ thơ Hiền Mặc Chất đã cảm hóa lòng người từ mạch nguồn tươi mát nhưng đầy triết lý nhân sinh này. Tất nhiên để có được điều đó “kẻ phu chữ” phải là người am hiểu, biết trân trọng và cảm nhận được những gì là tinh túy của mỗi nét văn hóa quê hương được chạm khắc qua chất liệu dân gian.
- Mơ hồ hóa cái được biểu đạt
Bản chất của ngôn ngữ thi ca là mơ hồ, đa nghĩa. Tính mơ hồ, đa nghĩa làm nên cái dư vị của thi ca. Đổng Trọng Thư - nhà triết học đời Tây Hán (trước CN) đã để lại một mệnh đề nổi tiếng “Thi vô đạt hỗ”, nghĩa là thi ca không thể giải thích được rõ ràng. Làm thơ khó ở chỗ “không giải thích được thì thơ vô vị, mà giải thích được thì hết vị” (Vương Sĩ Trinh). Có phải vậy chăng nên thơ nằm ở giữa “khả giải - bất khả giải chi nan”?
Trong thơ hiện đại Việt Nam, những nhà thơ có ý hướng cách tân, hiện đại thơ thường có ý thức sử dụng ngôn ngữ giàu chất tượng trưng. Trong các nhà thơ của Thái Nguyên, cây bút Hiền Mặc Chất đã phần nào bắt kịp tư duy ngôn ngữ này của dòng thơ hiện đại.
Thơ của Hiền Mặc Chất thường ít chữ, dường như nhà thơ chủ trương tỉnh lược từ ngữ tối đa để gia tăng tính biểu đạt của ngôn ngữ và buộc người đọc phải vận động tư duy khi đọc thơ. Ngôn ngữ tượng trưng khiến cho nghĩa thơ trở nên mờ nhòe, độ mở của thi ca được nhân lên:
Bản tango đẹp nhất trần gian
Trữ tình
Hàn lâm
Hoang dã
Cổ kính
Xuân thì
Đà Lạt và em…
(Đà Lạt và em)
Hoặc tác giả nói vật, (sự việc) này mà như nói vật, (sự việc) khác, vì giữa các sự vật, sự việc ấy có những điểm giống nhau:
Lời từ trong câu lượn
Lời từ câu sli
Rì rầm trong cổ tích, chảy về quê hương mình.
(…)
Cung xuyến vàng gang thép
Hoa hái dâng người đẹp
Người đẹp Thái Nguyên ơi…
(Người đẹp Thái Nguyên)
Có lẽ bởi vậy nên có bạn trẻ Thái Nguyên đã hỏi tôi rằng: Sao bài thơ lại có tên là “Người đẹp Thái Nguyên”, có tả gì về người đẹp đâu? Rõ ràng các ẩn dụ, ví von đã làm nên tính mơ hồ, đa nghĩa cho thi phẩm. Bài thơ gợi niềm tự hào về văn hóa Thái Nguyên? Về sự giàu đẹp của mảnh đất anh hùng này? Hay về vẻ đẹp của con người Thái Nguyên, của những cô gái Thái Nguyên trẻ trung, xinh đẹp?... Tất cả không có sự hoàn kết, sự hòa quyện giữa ngôn ngữ và hình ảnh như một bản tổng phổ về Thái Nguyên, góp phần tạo nên sức quyến rũ duyên dáng cho nhạc phẩm cùng tên của nhạc sĩ Cao Khắc Thùy, một nhạc phẩm được nhiều người yêu thích.
Chính sự mơ hồ, đa nghĩa của ngôn từ đã kéo thơ Hiền Mặc Chất về gần cùng với nhạc. Chỉ cần đọc những câu thơ: Ai đem trăng về phố/ Rắc lên phủ Tây Hồ/ Trong tiếng chuông Trấn Vũ/ Vẫn ngân từ ngàn xưa/ Trăng gieo mày liễu rủ/ Gió giăng mành võng đưa...(Trăng về phố), là ta đã tự thấy sâu thẳm trong lòng ngân lên giai điệu, những giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu, gợi nhớ về một cõi đẹp như mơ, khói sương bảng lảng, về chiều sâu văn hóa, về tình yêu, về con người Tràng An với vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng và còn bao điều nữa về lịch sử, về cõi tâm linh…
Có những bài thơ chỉ thấy chữ mà không có thơ và ngược lại, có bài thơ “không có chữ” mà lại rất thơ - đó là vấn đề nan giải của sáng tạo thơ ca. Làm thơ là một quá trình vật chất hóa tiếng lòng, tiếng lòng của nhà thơ như sợi tơ theo ngòi bút chảy xuống trang giấy bện thành các con chữ. Chữ viết là hình thức vật chất hóa ý nghĩ, tư tưởng. Ngôn từ “photo” lại tiếng lòng của nhà thơ. Nhưng công việc “lao động khổ sai” của nhà thơ là phải làm mới ngôn từ để không bị sáo, rỗng, mòn, nhà thơ phải tìm cách gọi tên các sự vật, hiện tượng, tìm cách biểu đạt khác, võ đoán về một vấn đề nào đó. Nhà thơ là người viết đè một ngôn ngữ khác lên tiếng nói có sẵn của cộng đồng. Phải lao động nghệ thuật cật lực mới mong có được ngôn từ mới cho thơ trong những sự kết hợp “siêu hình” giữa các từ ngữ - tôi chợt hiểu vì sao Hiền Mặc Chất hay “khoe” với bạn thơ của anh những day dứt, vật lộn, trăn trở và cả những niềm vui sướng, kiêu hãnh của anh chỉ vì tìm ra một cách biểu đạt mới cho thơ. Có những câu thơ Hiền Mặc Chất đã pha trộn cái chập chờn, mộng mị giữa tiếng lòng của thi sĩ với cái hiện hữu rất thật của cõi nhân sinh: Cứ rót thơ vào rượu/ rượu thế nào cũng say/ thơ giao nhau như lá/ rung cả tấm thân gầy (Hỡi cây hai ngàn lá). Hoặc: Thỉnh thoảng trăng về phố/ Nguyệt đài đỡ ngẩn ngơ/ Ả đào tomtom chát/ Người nghe như mộng du (Trăng về phố).
Cách tu từ của Hiền Mặc Chất đã khiến ngôn từ thơ trở thành “con tắc kè hoa” (nói theo cách của Tynyanov), nó thay đổi sắc thái và màu sắc theo sự sắp xếp và tổ chức của nhà thơ, nó mang đến một “thực tại” nghệ thuật mới, và tất nhiên cái thực tại đa chiều ấy được hình dung ra sao còn do người tiếp nhận tiếp tục sáng tạo mà nền tảng của nó là vốn văn hóa tích lũy được, lý luận hiện đại gọi điều này là tính tích cực sáng tạo của người đọc, là “tầm đón nhận” của mỗi người. Tôi nghĩ Hiền Mặc Chất là một trong số ít những người làm thơ ở Thái Nguyên đã tích cực chủ động chống lại sự xói mòn, xơ cứng để tìm nghĩa mới cho từ, để viết được những câu thơ giúp cho người thưởng thức nghệ thuật cũng có cơ hội đồng sáng tạo.
***
Quan niệm làm thơ của Hiền Mặc Chất được thể hiện qua chính thơ anh:
Thơ như hương sắc cỏ cây
Tinh anh ngữ nghĩa men say của người
(Thả thơ)
Quan niệm này được quán triệt trong kỹ thuật ngôn từ thơ của Hiền Mặc Chất, phần nào lý giải cho ta câu trả lời: Vì sao trong các nhà thơ Thái Nguyên, Hiền Mặc Chất là một trong ít người “gặt hái” được những thành công “để đời”. Tất nhiên ai làm thơ cũng bắt đầu phải từ ngôn ngữ, nhưng giữa dùng ngôn ngữ và ngôn ngữ được dụng công “nâng cấp” một cách có ý thức để trở thành “tinh anh ngữ nghĩa” lại là một khoảng cách không nhỏ… và tất nhiên một logic nữa kéo theo là không phải bất cứ ai muốn dụng công là cũng có thành công ngay được, nó là cả một sự kết hợp của nhiều yếu tố trong con người nghệ sĩ, nhưng có lẽ quan trọng nhất là với “đôi mắt xanh” nhà thơ phải nhìn ra được trong “đống quặng ngôn từ” ngổn ngang của ngôn ngữ dân tộc “có từ như một ánh nhìn, có từ như một nụ cười ” (Huy-Gô) để rồi tạo nên sự va đập của từ, làm nên những ý nghĩa mới, cái nhìn mới, đẹp về con người và cuộc đời.
Tôi muốn dùng hai câu thơ của Hiền Mặc Chất để khép lại bài viết nhỏ này, mong cũng là sự chia sẻ chân thành của tôi với những hạnh phúc anh đạt được từ một cái nghiệp “giời đày” mà anh hoàn toàn tự nguyện:
Rảnh rang là kiếp con người
Biết rằng đất hẹp, dựng trời mà đi.
(Đường thơ)
Thế là rõ, anh nhạy cảm hơn người ở chỗ anh đã sớm nhận ra một quy luật nghiệt ngã của xã hội hiện đại: sự bành trướng của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn khiến văn hóa đọc bị thu hẹp, văn xuôi trở thành loại hình nghệ thuật chủ đạo trong đời sống, thơ càng ngày càng ít người đọc hơn. Và có phải vậy chăng nên Hiền Mặc Chất dù không chủ định viết thơ với mục đích phổ nhạc nhưng anh đã chủ động trong việc “bắt tay” với nhạc để hy vọng nhạc giúp anh tải thơ đến với quần chúng. Các nhạc sĩ đã đến với anh bởi họ tìm thấy trong thơ anh có nhạc - một thứ nhạc mà không phải ai làm thơ cũng có thể tạo nên. Dùng một loại hình nghệ thuật để tôn thêm vẻ đẹp của một loại hình nghệ thuật khác vốn đã rất đẹp, đó là ý nghĩ mạnh dạn, một cách “chơi ngông” đáng trân trọng. Tôi nghĩ, anh đã thành công ít nhất là trên mảnh đất Thái Nguyên nặng nghĩa, sâu tình, gắn bó máu thịt với một đời nghệ sĩ tự nguyện và đầy tự do của anh.
----
(*) Ca dao viết:
- Em là con gái nhà giàu/ Có dây xà tích giắt đầu thắt lưng;
- Còn duyên đeo khuyên xà tích/ Hết duyên đeo bịch đeo bồ mà chi.
- Cái cò lặn lội bờ ao/Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
- Gió nam tốc dải yếm đào/ Anh nghĩ oản trắng mò vào thắp nhang
- Cái cò lặn lội bờ ao/ Phất phơ đôi dải yếm đào bay bay.
Cao Thị Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...