Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024
03:04 (GMT +7)

Ngọn lửa thắp lên niềm tin

VNTN - Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa/Biết bao nhiêu là sự khó khăn/ Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân/ Cũng lo sợ lửa khi tắt mất…(*)

Những câu thơ trên khiến người ta có nhiều suy tưởng, nhất là thời điểm này, khi “lò lửa” chống tham nhũng do người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhóm lên đang cháy, thắp sáng niềm tin của dân chúng vào quyết tâm của Đảng, nhà nước khi tuyên chiến với nạn tham nhũng đang làm tổn hại đất nước.

Hình ảnh “lò lửa” và những “thanh củi” bị thiêu cháy được nhắc đến thường xuyên trên báo chí và trong cuộc sống hàng ngày, bắt nguồn từ phát ngôn của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư đã ví: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Nếu ai đó cưỡng lại, thậm chí đứng ngoài cuộc chiến cam go này thì cũng sẽ phải chịu chung sự trừng phạt của Pháp luật”.

Nạn tham nhũng có ở hầu hết mọi thể chế chính trị và luôn là mối nguy hại của mọi dân tộc. Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, hạch sách tiền của của nhân dân; tham ô, bòn rút của công nhà nước, nhằm mục đích làm giàu cho cá nhân, vun vén lợi ích cho bản thân không chính đáng. Vì thế, tham nhũng thường do người có quyền hành gây nên. Quyền càng cao, chức càng trọng thì khả năng tham nhũng càng lớn và độ nguy hại càng nghiêm trọng hơn.

Đối với người dân quanh năm chỉ biết “Côi cút làm ăn, riêng lo nghèo khổ (**), họ ngỡ ngàng khi nhìn thấy tòa ngang dãy dọc, đất đai mênh mông, xe cộ xênh xang và cuộc sống xa hoa giàu có từ khi “ông nọ bà kia” lên chức, lên quyền. Họ sửng sốt khi nghe thấy chuyện thất thoát trăm tỉ, nghìn tỉ đồng, chuyện cả họ làm quan và lợi ích nhóm. Họ xót xa khi biết đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân bị ai đó chi tiêu “trăm nghìn đổ một trận cười như không”(***). Trong khi đó, xã hội còn bao chuyện đáng buồn. Nào đói nghèo, mất mùa, thất học; nào trộm cắp, cướp giết… hoành hành. Từ ấy, lòng tin của họ vào những con người cụ thể dần phôi phai. Những lời hay ý đẹp rao giảng đạo đức của ai đó không khiến họ quan tâm. Bởi thực tế cho thấy, lời nói của không ít người quyền cao chức trọng nhiều khi không đi đôi với việc làm.

Từ trước đến nay, Đảng ta đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” mà Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, “làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”(****) .

Không thể trù trừ được nữa, người đứng đầu Đảng ta đã lĩnh trách nhiệm khơi cao ngọn lửa công lý, tuyên chiến với thế lực hắc ám và đầy quyền năng. Với thế trận lòng dân vững chắc, những “thanh củi khô, củi tươi, củi gỗ lim, gỗ nghiến” đã và sẽ phải vào lò. Việc làm kiên quyết của Đảng đã chứng minh chống tham nhũng không có vùng cấm, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Đã trải qua giai đoạn leo lét yếu ớt, ngọn lửa chống tham nhũng đang bùng cháy dữ dội, thắp lên niềm tin trong toàn dân. Nếu ở mỗi địa phương, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cũng giương cao ngọn đuốc thượng tôn pháp luật và tấm gương thanh sạch của bản thân mà cùng “nhóm lửa” chống tham nhũng, thì trên toàn quốc, ngọn lửa này sẽ rừng rực cháy. Nói như Hồ Chủ tịch 75 năm trước thì: “Khi lửa đà chắc chắn bén lên/Thì mưa gió chi chi cũng cháy/ Mưa lún phún lửa càng nóng nảy/ Gió càng cao ngọn lửa càng cao”…(*).

Và chắc chắn khi đó, tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn, bất kể người đó là ai, ở đâu, đương chức hay đã nghỉ hưu… đều phải bị trừng trị. Khi đó, lòng tin vào tổ chức Đảng và đảng viên; vào chính quyền và cán bộ của nhân dân sẽ được khôi phục.

(*) Bài thơ “Nhóm lửa” của Hồ Chủ tịch, đăng trên báo Việt Nam độc lập, năm 1942.

(**) Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

(***) Câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

(****) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.196

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước