Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:57 (GMT +7)

Ngôi đền thờ vị vua bà ở Thái Nguyên

VNTN - Nằm sát dòng sông Cầu mềm mại, đền Làng Vàng vừa tôn nghiêm, thanh tịnh vừa gần gũi nên thơ. Với tên tự là “Tâm Nghĩa Từ”, đền là nơi thờ bà Lý Chiêu Hoàng, vị vua nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. 

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, theo con đường quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn, gần đến Thị trấn Chùa Hang, rẽ trái theo con đường liên xã khá rộng Chùa Hang đi núi Voi khoảng 3 km rẽ trái sẽ tới xóm Tân Phong (xưa là xóm Làng Vàng) và di tích đền Làng Vàng, xã Cao Ngạn.

Đền Làng Vàng có địa thế đặc biệt. Đền được xây dựng trên khu đất bằng phẳng rộng hơn 1.000m2 thuộc trung tâm của làng. Bao quanh đền là ruộng đồng xen kẽ với gò đồi tự nhiên. Phía sau, ngay sát đền là cây sanh cổ tỏa bóng xum xuê như dang rộng cánh tay ngày đêm che mát.

Mặt chính đền hướng về hướng Tây sạch sẽ, thông thoáng. Sân đền rộng, rợp bóng cây xanh, phía trước là dòng sông Cầu trong mát, khi xưa tại đây có một lạch nước trong vắt chảy xuống sông và cũng chính là bến nước để tàu bè neo đậu tấp nập. Các thuyền xưa, muốn cập bến, người chèo thuyền phải đổi đầu sào và mọi người cùng hạ mũ nón thì thuyền mới cập bến được dễ dàng. Theo lời kể của người dân thì các thầy địa lý khi qua đất này đều phán: Đây là khu đất thiêng, hội tụ nhiều linh khí đất trời. Thế đất vững chãi như hình đầu rùa thần đang hướng về phía sông. Mắt rùa nhìn đến tận chân trời, nơi mặt trời lặn…

Nắng thu như rải mật, tản bước trong khuôn viên đền với rêu phong, cỏ hoa, hơi nước mát quyện mùi đồng ruộng, hây hẩy thổi từ dòng sông khiến lòng thêm thư thái. Những giấu tích như: giếng cổ, ao sen, tháp cổ gợi lại không gian cổ kính, một quá khứ đẹp như cổ tích.

Cụ Đỗ Thị Thanh 75, thủ nhang của đền bồi hồi kể lại rằng. Cụ vốn quê gốc ở Phổ Yên, từ năm 1963 khi cụ Thanh lấy cụ ông Ngô Văn Yên (con trai cụ Ngô Văn Kế là người thủ nhang đầu tiên) thì đã nghe mẹ chồng cụ là cụ Vũ Thị Nấng và các bậc cao niên trong làng kể rằng: Xa xưa, Lý Chiêu Hoàng cùng đoàn tùy tùng trong một lần viễn du bằng thuyền rồng ngược dòng sông Cầu, khi đến bến nước này thấy trời đất thoáng đãng, cây cối xanh tươi, đồng ruộng trù phú lạ kỳ, bà liền lệnh cho tùy tùng dừng lại, lên bờ nghỉ ngơi, thưởng ngoạn, thăm dân chúng.

 

Ngôi đền dựng tạm đơn sơ

Tưởng nhớ công lao của vua bà, đến thời Trần, nhân dân Làng Vàng đã xây lăng miếu và lập đền bái vọng bà tại chính bến nước đẹp như tranh này. Đền được làm bằng cột cỗ lim, kê trên chân cột là những tảng đá xanh có đường kính 50cm khắc hình cánh sen. Đền được xây bằng gạch vồ, lợp ngói vẩy. Ở giữa những viên ngói có in hình lá đề (hình ảnh đặc trưng của điêu khắc thời Lý). Đền có ba gian tiền tế và một gian hậu cung dùng để thờ cúng.

Cũng theo lời kể của các nhân chứng, đền hiện còn có một bia đá hình lục lăng mặt phẳng nhẵn, có chiều rộng 60 đến 80 cm, trên mặt bia có khắc một bông hoa hướng dương, giữa có một vòng tròn tượng trưng cho nhụy hoa. Qua thời gian tấm bia này đã bị bồi lấp, hiện nằm dưới đất sâu khoảng hơn nửa mét - vốn là nền đền cũ, ở gần gốc đa to và hai cây ruối.

Ngoài tấm bia thì miếu thờ thủy thần là những dấu tích rất quý giá còn sót lại. Ngôi miếu này xây bằng vôi trộn mật mía, dựng phía trước sân cạnh bờ sông Cầu và cách đền 50 m về phía Đông Bắc. Miếu có chiều cao 3m, dài 1,4m, rộng 1,2m, có hai mái hình mũi thuyền và hai đầu đao. Chân miếu có 3 bậc, đại tự trên cửa có đề chữ Hán đắp nổi “Thượng tại môn hoặc Dương tại thượng) hai bên cửa miếu có đôi câu đối: Anh linh khí tú thượng thần tiên - Nghĩa sự tích dương trung thần nữ.

Cũng theo lời cụ Thanh thì bố chồng cụ là cụ Ngô Văn Kế danh là Tự Huyền Hoa vốn là một vị pháp sư ở chùa Kiếp Bạc Hải Dương lên chùa Huống tu hành 3 năm thì được sư cụ trụ trì ủy thác cụ Kế về trông coi đền Làng Vàng, và dặn: đây là một ngôi đền rất thiêng, cảnh quan hữu tình, con về trông coi đền và thực hành nghi lễ tâm linh, hướng cho người dân việc hành thiện, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan… Vâng lời sư cụ, cụ Kế về coi miếu Làng Vàng. Một thời gian sau, do ngôi miếu bị đổ nát cụ Kế cùng người dân đã chở gỗ từ Làng Vàng theo sông Cầu về xuôi đổi lấy gạch xây lại đền. Và sau đó cụ Kế lại tiếp tục đảm nhiệm việc trông coi đền, cùng nhân dân trong làng thờ cúng và tổ chức các nghi lễ gắn với phong tục tập quán của địa phương cho đến khi cụ mất (năm 1943).

Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, năm 1946, đền Làng Vàng bị phá dỡ, những hiện vật như: tượng, chuông đồng, hoành phi… phần lớn bị thất tán, từ đó đến nay chưa được phục dựng. Hiện đền chỉ còn lại một số dấu tích và hiện vật như: nền đền dài khoảng 8m, rộng 5m; bệ thờ và một góc tường cũ đã bị cây sanh cổ thụ mọc bao giữ; chân đá tảng hoa văn thời Lý, gạch vỡ, bến sông cổ… Năm 1996, di tích đền Làng Vàng đã được Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên kiểm kê và công nhận hiện vật còn: 2 chân tảng cổ, 3 bát hương, 1 giếng cổ, 1 tháp cổ ba tầng, 1 cây sanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Kết quả khảo sát nghiên cứu xếp đền Làng Vàng thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa có từ thời Lý Trần.

Trước nhu cầu chính đáng về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, năm 2016, cụ Vũ Thị Nấng (vợ pháp sư Tự Huyền Hoa) cùng hai người con đẻ là Ngô Thị Vượng và Ngô Văn Yên cùng công đức nhân dân địa phương đã dựng tạm một đền nhỏ bên cạnh nền đền cũ, giao việc đèn nhang cho cụ Ngô Tự Thỉnh, danh pháp là Tư Thỉnh từ những ngày đó, đến những năm gần đây lại giao cho cụ Thanh.

Qua nghiên cứ văn bia, sử sách, sổ hương ước xưa của địa phương, dựa trên các nguồn sử liệu và các chứng tích còn được lưu giữ tại đền đã chứng minh Làng Vàng là một làng cổ đã được hình thành từ lâu đời, có làng rồi mới dựng đền. Bao đời nay đền Làng Vàng đã là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa gắn với phong tục tập quán của nhân dân trong vùng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Làng Vàng đã trở thành địa điểm sơ tán của nhân dân và trở thành nơi trú quân nghỉ ngơi của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang trong khi làm nhiệm vụ đi qua địa phương. Đền Làng Vàng đã trở thành dấu tích lịch sử góp phần vào truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước của địa phương.

Phong tục lễ hội hàng năm của đền Làng Vàng thường được tổ chức hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Lễ chính vào mùng sáu đến mùng mười tháng Giêng, còn được gọi là lễ Kỳ Yên, theo truyền thống dân làng lên đền dâng hương, rước vua bà Lý Chiêu Hoàng làm lễ cầu cho mọi sự yên lành ấm no, hạnh phúc; mở hội xuân với các trò chơi dân gian: vật, kéo co, hát ví…

Di tích đền Làng Vàng không những có giá trị về lịch sử, mà nó còn bảo lưu được một số hiện vật góp phần giúp cho viện nghiên cứu dân tộc học, xã hội học, tìm hiểu về sự phát triển cư dân làng mạc, văn hóa xã hội, kiến trúc nghệ thuật một di tích thờ phụng vị vua bà cuối triều Lý hiện còn ở Thái Nguyên. Việc nghiên cứu một di tích thờ phụng vị vua bà cuối triều Lý hiện còn ở Thái Nguyên sẽ góp thêm nguồn tư liệu mới để nghiên cứu về các đời vua nhà Lý và lịch sử Thái Nguyên.

Ngày 23/7/2017 di tích đền Làng Vàng đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Chứng nhận là Đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam. Và không chỉ có giá trị về văn hóa, nếu được phục dựng chắc chắn với địa thế đặc biệt như vậy đền Làng Vàng sẽ là một trong các điểm đến nhấn trong các tour du lịch tâm linh lịch sử của thành phố Thái Nguyên, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đồng thời bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể trên đất Thái Nguyên.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy