Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:21 (GMT +7)

Ngoảnh nhìn Đời và Ảnh

VNTN - Căn nhà mặt đường tuy có kính cách âm vẫn ồn ào âm thanh phố xá. Trong góc nhỏ quen thuộc, nơi để chiếc máy vi tính không còn mới, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi luôn tay “rê chuột”. Ông đang lồng nhạc cho sê - ri ảnh theo chủ đề ông ưa thích.

Vì có hẹn với tôi, nên hôm nay ông bỏ buổi đi bộ. Mỗi ngày hai tiếng đồng hồ rảo bước quanh thành phố, vừa là để rèn sức, vừa là xem có cái gì hay hay thì chụp. Ông bảo hay đi ra khu đô thị mới Xương Rồng, ở đó có nhiều hoa lá, người thưa, không gian thoáng, tốt cho sức khỏe.

Dăm câu trò chuyện mào đầu, tôi giật mình biết năm 2018 này ông bước vào tuổi 80. Sức vẫn dẻo, tai vẫn thính, mắt vẫn tinh và vẫn còn dự định tương lai, mới hay cuộc đời đã yêu quý mà ban tặng ông quá nhiều.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Văn Chi sinh năm 1938 ở Thanh Hóa, trong một gia đình có 5 chị em, bố là viên chức. Do có chị gái và anh rể làm việc tại Khu y tế Liên khu Việt Bắc mà cậu em (lúc đó 18 tuổi) được đưa từ Thanh Hóa lên Thái Nguyên. Cậu bé Chi đảm nhiệm chân Thư ký giám đốc Khu y tế, ghi chép nội dung kỳ họp, soạn lời phát biểu cho lãnh đạo…

Chẳng được đào tạo về y khoa, vậy mà cuộc đời chàng trai Nguyễn Văn Chi lại gắn bó suốt đời với ngành này.

Chỉ một năm làm việc tại Khu y tế, cậu được chuyển về Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc (nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), làm chuyên trách công tác Tự vệ và Thanh niên. Cậu đã đưa Chi đoàn Bệnh viện lớn mạnh, phát triển thành Đoàn cơ sở với nhiều hoạt động sôi nổi và được vinh dự kết nạp Đảng năm 25 tuổi.

Rồi lấy vợ, sinh hai con (một trai một gái), trải qua nhiều công việc khác nhau, ông cầm sổ hưu ở chức danh phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện. Mấy chục năm đời người cái nhớ cái quên ông kể lại có phần uể oải. Nhưng mắt chợt tươi, giọng chợt sôi vui khi tôi nói đến ảnh nghệ thuật, để rồi câu chuyện duyên trời đưa đẩy ông thành nghệ sĩ nhiếp ảnh được ông hào hứng kể.

Ấy là năm 1976, ông vào thăm chị vợ sống ở Sài Gòn và nhặt được cuốn sách “Dạy chụp ảnh” ai đó bỏ đi. Thực ra thì từ 2 năm trước, ông đã làm quen với buồng tối, hóa chất và công việc in, tráng ảnh. Nhiệm vụ của một cán bộ tuyên huấn và phụ trách phòng Truyền thống của Bệnh viện đã tình cờ “dắt” ông đến với ảnh. Nhưng khái niệm “ảnh nghệ thuật” khi đó ông lạ lẫm lắm, bởi ngoài giờ hành chính, ông phải nai lưng chụp ảnh dịch vụ, kiếm tiền nuôi gia đình, mà tiêu chí của ảnh dịch vụ là “trắng mặt ăn tiền”. Đọc cuốn “Dạy chụp ảnh” ông thấm từng chữ, thực tế được bổ trợ bằng lý thuyết khiến ông thấy tay máy cứng cáp hẳn. Thú vị hơn là phần dạy chụp ảnh nghệ thuật. À, từ đây ông hiểu, ánh sáng, bố cục, cảm xúc và thông điệp… đó mới là đỉnh cao của ảnh.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Văn Chi thủ thỉ kể về bức ảnh nghệ thuật đầu tiên, có tên “Đừng” đã được ông sáng tác năm 1989 thế này: Hôm ấy, sau cơn mưa nắng hửng tươi tắn, tôi ra vườn thấy một bông hoa hồng bị sên bò lên ăn thủng lỗ chỗ. Cái đẹp đang bị tàn phá. Thông điệp lóe lên trong đầu, tôi chụp vội khoảnh khắc ấy. Các bạn nghề như ông Trần Thông, Chu Thi, Việt Thắng xem ảnh đều nói rất có “chất” nghệ thuật và khuyên tôi dự thi. Tôi mạnh dạn dự thi Triển lãm ảnh khu vực miền núi phía Bắc và được giải Khuyến khích. Bức ảnh “Đừng” là bước đi đầu tiên của tôi vào con đường sáng tác ảnh nghệ thuật.

Từ đó, ông liên tục đoạt giải thưởng khi tham gia các cuộc thi của tỉnh, khu vực và Trung ương....

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước