Nghĩa vụ công dân và trách nhiệm nghề nghiệp cho chúng tôi thêm sức mạnh
LTS: Đại dịch COVID-19 năm 2020 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, làm cho loài người điêu đứng. Việt Nam chúng ta cũng đang trải qua đợt bùng phát thứ ba, và tiếp tục gánh chịu những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội.
Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế xung quanh công cuộc phòng chống dịch COVID-19.
Vừa thấy mừng lại vừa thấy lo
Đã hơn một năm kể từ khi dịch COVID-19 khởi phát trên thế giới. Nhìn lại toàn bộ cuộc chiến chống COVID-19 và giữa làn sóng thứ ba này, tâm trạng của ông hôm nay thế nào?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngày 31/01/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).
Tôi tin rằng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể, sự tin tưởng đồng lòng của nhân dân, cùng với sức mạnh nội sinh của mình, ngành Y tế Thái Nguyên sẽ vượt lên trên mọi khó khăn, rào cản để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
(TS. Đặng Ngọc Huy, Giám đốc sở Y tế Thái Nguyên)
Vào đêm ngày 11 tháng 3 năm 2020 theo giờ Việt Nam, lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên thế giới. Cho đến nay trên toàn thế giới dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà vẫn lây lan và gây tử vong cao.
Một năm toàn ngành y tế nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung gồng mình chống dịch, bản thân tôi vừa thấy mừng lại vừa thấy lo. Mừng là chúng ta đã khống chế không để dịch lây lan ra cộng đồng. Lo là vì đây là bệnh dịch hết sức phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao, không giống các dịch bệnh trước đây như SARS hay MERS-CoV khi bùng phát đều khống chế được trong thời gian ngắn... Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, được sự chỉ đạo sát sao từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp, ngành Y tế Thái Nguyên quyết tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt trước làn sóng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng tại tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số địa phương như trong thời gian qua; nâng mức cảnh báo và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất... Quyết tâm bảo vệ sự an toàn của người dân và cộng đồng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Vâng, có lẽ đó cũng là tâm trạng của mỗi người Việt chúng ta. Mừng vì được sống yên bình, lo vì không biết sẽ yên bình được bao lâu khi mà cuộc chiến chống COVID 19 trên thế giới vẫn đang diễn ra khốc liệt.
Cuộc chiến đó đã diễn ra thế nào với ngành Y tế Thái Nguyên và cá nhân ông?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Có thể nói, đây là một cuộc chiến ngay từ khi bắt đầu đã cho chúng ta thấy sự khó lường của nó và đến ngay cả bây giờ nó vẫn chưa có hồi kết. Tình hình dịch bệnh lan nhanh một cách chóng mặt không chỉ hạn chế ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Việt Nam lại là một nước nằm ngay sát nước bạn, nơi phát sinh dịch bệnh và chính họ đã có rất nhiều tổn thất đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ cần chúng ta lơ là một chút trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì hậu quả sẽ không thể lường được.
Ý thức được điều đó, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế vào ngày 21/01/2020, Sở Y tế đã ban hành các văn bản cần thiết để chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai khẩn cấp các biện pháp sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, tham mưu ban hành các chỉ thị về việc phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng y tế theo từng cấp độ của dịch gây ra theo chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế… Ngành Y tế, các sở, ngành, và các địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Cá nhân tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các đồng nghiệp rất lo lắng và không mong muốn Thái Nguyên xuất hiện ca bệnh. Vì thế, tất cả đã không quản ngại ngày đêm, cố gắng làm mọi việc có thể để ngăn chặn điều này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẵn sàng mọi phương án tối ưu nhằm ứng phó kịp thời trong trường hợp có ca bệnh, thậm chí là nhiều ca bệnh.
Trước đây, khi Thái Nguyên có ca nhiễm đầu tiên là BN số 178, vì đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên ngay khi nhận được thông tin và được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch. Ngay lập tức, mọi nguồn lực được huy động để rà soát tất cả các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người F1, F2 thậm chí là F3 để thực hiện việc cách ly y tế và xét nghiệm kịp thời. Nhờ đó, mọi biện pháp khoanh vùng và xử lý dịch triệt để đã được chứng minh là hiệu quả.
Cho đến nay, Thái Nguyên không có trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng.
Với cương vị là lãnh đạo của một ngành, bản thân tôi thấy đây không chỉ là một điều may mắn mà đó còn là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả một hệ thống chính trị và ý thức của mỗi người dân trong phòng, chống dịch.
Với làn sóng thứ ba, Thái Nguyên đã ứng phó như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, đặc biệt đã xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác, tỉnh Thái Nguyên xác định nâng mức cảnh báo trong phòng, chống dịch. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh, ngành Y tế chủ động giám sát các trường hợp về từ vùng có dịch, xác minh, thần tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để khoanh vùng xử lý, lấy mẫu xét nghiệm ngay và áp dụng biện pháp cách ly y tế. Rà soát tổng thể các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh, đảm bảo cho việc xét nghiệm trên diện rộng. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong các bệnh viện, yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát phòng lây nhiễm COVID-19. Tất cả vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Tính đến 15h ngày 5/3/2021, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Toàn tỉnh vẫn thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới.
Với ông, đâu là những dấu mốc đáng nhớ nhất trong cuộc chiến đó?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Có thể nói, đây là một cuộc chiến khốc liệt, không một phút nghỉ ngơi. Khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán và thế giới bắt đầu nhận biết về nó thì cũng là lúc Việt Nam sắp bước sang năm mới. Ngay trong ngày cuối cùng của năm trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2020, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và lập tức triển khai ngay trong các ngày Tết Nguyên đán. Tết Tân Sửu vừa rồi cũng vậy. Khi nhà nhà sum vầy bên mâm cơm ngày tết ấm cúng thì những người chiến sỹ áo trắng trong toàn ngành từ Sở Y tế đến tận các trạm y tế xã phường bám sát đơn vị và các chốt để đảm bảo cao nhất công tác phòng, chống dịch. Những cuộc họp Ban chỉ đạo tỉnh, BCĐ ngành diễn ra trong đêm để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận, cách ly tập trung công dân từ Trung Quốc trở về nước nhập cảnh qua Cao Bằng, sáng ngày 05/01 tại Trung đoàn 832. Ảnh: soytethainguyen.gov.vn
Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh (ca bệnh số 178) tại Bệnh viện Đa khoa Đại Từ mới thấy được tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “Lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc, của những cán bộ phòng dịch. Cả một bệnh viện được cách ly, xử lý khoanh vùng để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch. Rất nhiều y bác sỹ tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong thời gian cách ly; là sự sẻ chia, giúp đỡ nhau của các đồng nghiệp khi làm nhiệm vụ khoanh vùng, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, trực chiến tại các chốt kiểm dịch… Tất cả đều sẵn sàng cho nhiệm vụ cho dù có mệt mỏi hay đôi chút hoang mang, lo lắng về sự lây nhiễm, nhưng tuyệt đối không một ai lùi bước.
Và, cho dù bây giờ chúng ta vẫn đang tiếp tục cuộc chiến này, song đó là dấu mốc đáng nhớ và tôi tin rằng, tinh thần đó sẽ vẫn tiếp tục được phát huy để chúng ta có thể chiến thắng được đại dịch nguy hiểm này.
Tuyệt đối không một ai lùi bước
Cả xã hội trân trọng đánh giá cao sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các lực lượng quân đội, công an, các nhà khoa học... Việc đó thể hiện ở Thái Nguyên như thế nào?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Như chúng ta đã thấy, COVID-19 là một đại dịch có tốc độ lây lan đặc biệt nhanh và gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội để có thể ngăn chặn sự gia tăng của dịch. Cũng như các địa phương trong cả nước, Thái Nguyên có sự vào cuộc rất quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ tỉnh, của ngành Y tế Thái Nguyên và sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp. Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của trung ương và của tỉnh..
Nhìn lại đội ngũ cán bộ y tế của mình nói riêng và toàn ngành Y tế nói chung qua cuộc chiến này, ông rút ra những điều gì?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Có thể nói rằng, nghề thầy thuốc là để trị bệnh cứu người, hầu hết những thầy thuốc khi đã bước chân vào nghề y đều tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Đã có rất nhiều thầy thuốc hiến cả máu của mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân, hoặc không quản ngại hiểm nguy sẵn sàng lao vào vùng dịch nguy hiểm để chăm sóc người bệnh và khống chế không cho dịch bệnh lây lan. Điều này càng được thể hiện rõ trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Mỗi cán bộ y tế chúng tôi đều hiểu rất rõ nghĩa vụ công dân và trách nhiệm nghề nghiệp cao quý của mình. Chính điều đó đã tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để cùng với cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đến giờ phút này có thể nói là đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng khống chế thành công không để dịch bệnh lây lan, mặc dù chúng ta đã có tổn thất và chúng ta vẫn đang tiếp tục cuộc chiến đó.
Và bài học kinh nghiệm là, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo đồng bộ từ trung ương đến địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sự đồng thuận và tự giác thực hiện của các tầng lớp nhân dân.
Riêng với ngành Y tế, chính là huy động được toàn bộ lực lượng trong ngành, từ y tế Nhà nước đến y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, ngay cả các lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu cũng chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc và nhất quán với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”.
Về sự chung sức, đồng lòng và ủng hộ của người dân trong cuộc chiến này, có kỷ niệm nào làm ông nhớ lâu nhất?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn có tinh thần đoàn kết dân tộc, sự chung sức, đồng lòng và ủng hộ của người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là sự quyên góp sức người, sức của. Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về tinh thần đoàn kết dân tộc của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại COVID-19, trong đó kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tôi là khi đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại các chốt kiểm dịch giao thông thì đã chứng kiến các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các lực lượng đang ngăn chặn dịch ngay từ các cửa ngõ cả về tinh thần đến vật chất như: mỳ tôm, nước uống, sữa... Những món quà tuy nhỏ nhưng thấm đẫm nghĩa tình đồng bào đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những người đang ngày đêm căng mình ngăn chặn đại dịch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Vâng, những hình ảnh ấm áp ấy được báo chí và mạng xã hội chia sẻ khá nhiều. Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông (bao gồm cả báo chí và truyền thông xã hội) trong đại dịch COVID-19?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Không chỉ đối với ngành Y tế, vai trò của truyền thông luôn có tác động mạnh mẽ và là vũ khí sắc bén trong mọi cuộc chiến. Đặc biệt đối với cuộc chiến chống dịch COVID-19, tôi đánh giá cao tầm quan trọng của truyền thông, bao gồm cả truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Đối với COVID-19 thì việc giãn cách xã hội là điều then chốt trong phòng, chống dịch, vì vậy để thông tin đến được với người dân một cách nhanh nhất thì phải kể đến các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Tất nhiên phải tính đến các yếu tố về tính xác thực và chính thống để tránh gây hoang mang hay tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền có vai trò và ý nghĩa to lớn, qua đó giúp triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đạt hiệu quả. Đồng thời cũng qua truyền thông giúp người dân hiễu rõ sự nguy hiểm của dịch, tự giác thực hiện những biện pháp cá nhân phòng, chống dịch và tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống dịch của xã hội, góp phần vào sự thành công trong cuộc chiến chống dịch tại Thái Nguyên.
Phải xác định “sống chung một cách an toàn” với dịch
Cuộc chiến chống COVID-19 trên thế giới vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Theo ông, chúng ta sẽ còn phải đối đầu với “bệnh dịch thế kỷ” này bao lâu nữa?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng ta phải xác định sống chung với dịch, giống như chúng ta sống chung với bệnh cúm và bằng mọi biện pháp phải sống chung một cách an toàn. Đó là nguyên tắc duy nhất chúng ta phải tuân thủ trong khi chờ vắc xin COVID-19 được đưa vào sử dụng rộng rãi. Hiện nước ta cũng đã nghiên cứu thành công vắc xin COVID-19 và đang trong giai đoạn thử nghiệm, đồng thời tiếp nhận nguồn vắc xin nhập khẩu từ các hãng uy tín trên thế giới. Khi vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng kết hợp với thực hiện nghiêm quy định “5K” trong đó đặc biệt là việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ chống dịch bệnh COVID-19 thành công.
Sau COVID-19, rất có thể sẽ xuất hiện những đại dịch toàn cầu khác? Khi đó ông sẽ làm gì?
Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy: Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng với sự biến đổi khí hậu diễn ra theo chiều hướng tiêu cực như hiện nay sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Với trọng trách chăm lo sức khỏe cho toàn dân được Đảng và nhân dân giao phó, ngành Y tế chúng tôi luôn luôn sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch.
Hàng năm, làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu năm, vì thế ngành luôn chủ động sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, kiên quyết không để bị động trong mọi tình huống. Ngay từ đầu năm Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đi kiểm tra tất cả 9 huyện/thành phố/thị xã về triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tôi tin rằng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể, sự tin tưởng đồng lòng của nhân dân, ngành Y tế Thái Nguyên sẽ vượt qua được mọi khó khăn để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cảm ơn ông đã dành cho Văn nghệ Thái Nguyên cuộc trò chuyện thân mật này! Chúc ông cùng ngành Y tế tỉnh nhà luôn vững vàng và thành công trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân!
Quỳnh Nguyễn (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...