Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:31 (GMT +7)

Nghĩa của chữ “manh” và từ “lưu manh”

VNTN - Từ trước đến nay khi nhắc đến từ “lưu manh” hầu hết chúng ta đều nghĩ ngay đến một từ mang nghĩa xấu. Nếu là danh từ thì “lưu manh” được hiểu là từ dùng để chỉ người lười lao động, chuyên sống bằng nghề trộm cắp, lừa đảo. Trong Hán Việt tự điển, tác giả Thiều Chửu giải thích “dân không nghề nghiệp thì gọi là lưu manh”. Còn nếu trong vai trò là tính từ thì “lưu manh” được hiểu là tính cách xảo trá của người bất thiện. Nhưng liệu thực sự từ này có mang nghĩa xấu?

Để hiểu được ý nghĩa của từ ngữ, đặc biệt là những từ gốc Hán, điều đầu tiên cần làm là truy nguyên tự dạng và tìm hiểu nghĩa gốc. Từ “lưu manh” 流氓 được cấu tạo bởi hai thành phần, thành phần chính là chữ “manh” 氓 và thành phần phụ (bổ nghĩa) là chữ “lưu” 流. Do đó để hiểu nghĩa của từ này, điều đầu tiên là phải rõ nghĩa của chữ “manh”. Chữ này có thuộc bộ “thị” 氏 (dòng họ) và được cấu tạo bởi chữ “vong” 亡 (mất, trốn) và chữ “dân” 民 (người trong nước). Nếu xét trên cơ sở chữ hội ý thì phần nào đã đoán được ý nghĩa của chữ “manh”. Hán ngữ đại từ điển giải thích chữ “manh” với 3 nghĩa: nghĩa (1) manh là bách tính, tức là chỉ nhân dân trăm họ; nghĩa (2) manh chỉ người dân ở vùng biên thùy; nghĩa (3) manh chỉ người dân ở nơi đồng cỏ xa xôi. Như vậy có thể hiểu “manh” là danh từ chỉ người dân, và bản thân nó không mang nghĩa xấu. Trong áng hùng văn nổi tiếng Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng từng viết: Yết can vi kì, manh lệ chi đồ tứ tập (Giương cây tre làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp), chữ “manh” trong câu văn trên được dùng với nghĩa đó.

Tranh minh họa (nguồn Internet)

Chữ “lưu” 流 có nghĩa là sự trôi giạt, chuyển động, bất định, là một chữ mang ý nghĩa chỉ trạng thái bổ nghĩa cho chữ “manh” 氓 và đứng bên cạnh chữ này để tạo thành từ ghép “lưu manh”. Do đó, nếu hiểu một cách cơ bản theo hướng chiết tự thì “lưu manh” là từ dùng để chỉ những người dân thường có cuộc sống không ổn định, nay đây mai đó và cũng không mang nghĩa xấu.

Cũng trong Hán ngữ đại từ điển, chữ “manh” còn được giải thích ở một lớp ý nghĩa thứ hai, chữ  “manh” gặp trong từ lưu manh. Như vậy, “lưu manh” là một từ cố định. Các từ điển Hán - Hán hiện đại thường giải thích “lưu manh” ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi', tức là kẻ không biết chính nghĩa là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa. Còn trong các từ điển Trung - Anh, người ta thường dịch “lưu manh” thành rogue, gangster, hooligan... sau đó chuyển sang nghĩa rộng hơn, nó dùng để chỉ những quan niệm hành động phi đạo đức, liều lĩnh, bậy bạ, vô pháp.

Như vậy, từ “lưu manh” có nghĩa ban đầu là chỉ người dân không có nghề nghiệp, nay đây mai đó, và thuộc từ loại danh từ. Về sau trong tầng ý nghĩa có sự biến chuyển và bổ sung, “lưu manh” có thêm lớp ý nghĩa chỉ hành động phi đạo đức, trái chính nghĩa, và từ này có vai trò và chức năng của một tính từ. Đây là một trường hợp dịch chuyển ý nghĩa trong từ ngữ, tuy nhiên cả nghĩa gốc và nghĩa phát sinh cùng tồn tại song hành. “Lưu manh”, do đó, là một từ vừa chỉ hiện tượng vừa chỉ bản chất.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy