Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
14:23 (GMT +7)

Nghĩ về văn hóa giao thông

Về luật an toàn giao thông, ngoài các chế tài từ ngành công an, nhà nước ta còn thành lập ra Ban an toàn giao thông trung ương và mỗi tỉnh đều có ban này, thậm chí đến cấp huyện, xã cũng có các bộ phận phụ trách về an toàn giao thông. Tuy nhiên, tai nạn giao thông dường như vẫn chưa hề giảm thiểu như mong muốn.

Ở một số nước trên thế giới vấn đề này khả dĩ hơn. Có người từng đi Cu ba về cho biết, ở đất nước hòn ngọc quý của vùng Caribe này, tai nạn giao thông một năm chỉ bằng một ngày ở nước ta. Có được điều ấy là do Cu ba rất coi trọng an toàn giao thông. Trong luật giao thông của họ có một điều có một không hai trên thế giới là xe cộ chỉ được rẽ phải. Rẽ trái là phạm luật. Quả là hơi khắc nghiệt và cũng gây khó khăn ít nhiều cho giao thông đường bộ, nhưng rõ ràng sự quan tâm tuy có phần hơi thái quá này đã làm đất nước Cu ba giảm đi một cách đáng kể về tai nạn giao thông, làm bớt đi rất nhiều nước mắt của gia đình, bạn bè cùng các hệ lụy đau lòng, hại người, hại của về loại tai nạn bất ngờ này.

Tại sao nước ta lại chưa thật sự quản lý tốt về tai nạn giao thông? Có phải vì người Việt Nam không hiểu luật? Có phải vì trình độ thao tác các phương tiện giao thông của người Việt Nam yếu kém? Câu trả lời là không? Thiết nghĩ, còn vấn nạn này là do hai nguyên nhân: một là, chúng ta rất coi thường luật. Hai là, ý thức, nói chính xác và rộng hơn là văn hóa giao thông của chúng ta rất thấp kém.

Khi tham gia giao thông, mọi người đều phải nắm chắc hai việc lớn: Luật giao thông và văn hóa giao thông? Thực ra luật giao thông không quá phức tạp. Những kiến thức thông dụng đã đủ để cho chúng ta có thể tham gia giao thông một cách an toàn. Hiện nay, hầu hết các tai nạn xảy ra là do chúng ta nhờn luật chứ không phải không hiểu luật. Biết rõ nhưng không thực hiện. Ví như gặp đèn đỏ nhưng do vội, thậm chí không vội nhưng vẫn vượt. Xảy ra việc này cũng còn do việc quản lý chưa tốt. Tuy ở các ngã ba, ngã tư đều đã có hệ thống đèn tín hiệu nhưng chưa có đủ camera theo dõi để phạt nguội như ở nhiều nước trên thế giới.

Có một câu chuyện từng xảy ra ở nước Đức: Chiếc xe 12 chỗ dừng trước hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Chờ quá lâu mà vẫn không thấy đèn xanh bật trở lại. Mấy người Việt ngồi trên xe la lớn “đèn hỏng rồi! Cứ cho xe qua đi”. Vậy mà không. Chàng thanh niên lái xe người Đức vòng xe lại và tìm một con đường khác để đi. Một cử chỉ thực thi pháp luật triệt để. Hơn nữa, hơn ai hết, chàng lái xe biết rõ là trên cột đèn tín hiệu có mắc camera nên vượt qua có thể sẽ bị phạt. Ở Việt Nam, chắc việc làm của anh chàng lái xe người Đức này sẽ bị cho là hâm. Câu chuyện thứ hai: Trên mạng xã hội gần đây có phát cái clip nói về một câu chuyện xảy ra ở nước Lào: Một chiếc xe con và một chiếc xe máy không may va quệt phải nhau. Người ta thấy người lái xe con mở bật cửa phăm phăm chạy về phía người đi xe máy. Lúc này người đi xe máy cũng đang lồm ngồm đứng dậy và cũng vội lao nhanh về phía người lái xe con. Một không khí căng thẳng! Rất có thể phải gọi cảnh sát can thiệp. Vậy mà khi hai người sáp gần nhau người ta được chứng kiến cảnh tượng cả hai người cùng chắp tay trước ngực, đầu cúi xuống. Hoá ra là họ xin lỗi nhau. Một hình ảnh vô cùng đẹp. Chỉ tiếc rằng hình ảnh ấy có vẻ khó thấy ở Việt Nam. Ở ta, chuyện đi quá tốc độ, lạng lách, đánh võng… thường xảy ra như cơm bữa. Không thiếu những thanh niên ngông cuồng coi mặt đường như sân nhà, thả cửa “biểu diễn”.

Đó là việc thực hiện luật. Việc thứ hai không kém phần quan trọng, là văn hóa giao thông. Từng có những vụ tai nạn không xuất phát từ việc không hiểu luật mà từ yếu kém về văn hóa giao thông. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều cuộc va chạm các phương tiện giao thông chỉ vì không biết nhường nhịn nhau. Sự lấn lướt, tranh cướp đường là một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn. Chuyện xảy ra sau tai nạn cũng là vấn đề đáng bàn. Mới chỉ cách đây ít lâu, hai xe con va nhau trên đường Bắc Sơn của thành phố, tuy cả xe và người đều không xuy xuyển đáng kể nhưng hai lái xe đã không giữ được bình tĩnh mà gây ra thượng cẳng chân hạ cẳng tay đến mức đổ máu.

Hay vấn đề uống rượu bia mà vẫn lái xe tuy đã có chế tài mạnh, đã giảm thiểu ít nhiều nhưng vẫn còn nan giải. Có lẽ do cậy quyền, cậy tiền mà bất chấp. Uống rượu bia mà vẫn lái xe không những là phạm luật mà còn là sự biểu hiện quá thấp kém về văn hóa giao thông.

Do nhận thức được một cách sâu sắc những giá trị của văn hóa giao thông nên vừa qua Công an tỉnh cùng với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên đã cho thực hiện một loạt chương trình tiểu phẩm về văn hóa giao thông khá hấp dẫn và bổ ích. 12 tiểu phẩm được lần lượt phát sóng giống như 12 bài học chí lý về văn hóa giao thông. Có tiểu phẩm sau khi thể hiện một loạt hình ảnh minh họa đã đưa ra một triết lý rất sâu xa và hữu hiệu về an toàn và văn hóa giao thông: “Khi tham gia giao thông, thấy có thể vượt được thì… không vượt, chắc chắn vượt được thì mới vượt” (trong tiểu phẩm Chuyện phiếm trong quán nước). Hoặc, khi các phương tiện lỡ va chạm nhau mà không nghiêm trọng tới mức thương vong, thì cần ứng xử với nhau bằng nụ cười (trong tiểu phẩm Nụ cười đúng lúc)… Việc giúp đỡ người bị tai nạn giao thông, người già yếu tham gia giao thông cũng được các tiểu phẩm đề cập đến một cách sâu sắc (trong các tiểu phẩm Vô cảm, Một buổi sáng vui vẻ). Một điều mừng, là chương trình trên sẽ còn được tiếp tục thực hiện một cách lâu dài trên Đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh. Những câu nói có tính đúc kết để trở thành những triết lý giao thông tuy đơn giản nhưng rất cần cho mỗi người tham gia giao thông. Đây là một chương trình rất cần quảng bá sâu rộng. Nó giúp cho người tham gia giao thông không những có thêm kiến thức về luật giao thông mà còn đưa đến cho mọi người sự hiểu biết về văn hóa khi tham gia giao thông.

An toàn giao thông là việc của nhiều ban, nhiều ngành các cấp… nhưng điều tiên quyết nhất phải từ chính trong ý thức mỗi người tham gia giao thông. Ngoài luật lệ, chế tài do nhà nước đề ra thì văn hóa giao thông trong xã hội phải được phát động cao độ, được coi là một tác nhân quan trọng trong khi thực thi tham gia giao thông.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước