Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
07:34 (GMT +7)

Nghĩ về một chặng đường kháng chiến – chặng đường thơ

VNTN - Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Hoang mang, lo sợ, thực dân Pháp như con thú bị thương, tìm mọi cách chống trả điên cuồng hòng cướp nước ta một lần nữa. Nhìn thấu dã tâm ấy, Hồ Chủ tịch đã dẫn dắt dân tộc ta những bước đi khôn khéo để củng cố chế độ cộng hòa dân chủ, với quyết tâm bảo vệ thành quả đã giành được. Bởi vậy, khi quân Pháp nổ súng gây hấn từ Nam ra Bắc, Hồ Chủ tịch quyết định trở lại An Toàn Khu (ATK) Việt Bắc để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Theo các nhà sử học, ATK Việt Bắc là một vùng rộng lớn thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn và một số nơi thuộc tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, mà trung tâm của nó là xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Trải qua tám năm, với gần hai ngàn chín trăm ngày ròng rã, Hồ Chủ tịch đã sống, làm việc vô cùng gian khổ ở ba mươi địa điểm khác nhau trong ATK. “Người lính già đã quyết chiến hy sinh” ấy phải đi qua biết bao đường mòn, rừng núi, suối khe với đôi dép cao su giản dị. Và đồng hành với chặng đường trường kỳ chống Pháp, là một chặng đường thơ, được nở hoa, kết trái từ trí tuệ, tình cảm, tâm hồn tuyệt diệu của thi sĩ - chiến sĩ Hồ Chí Minh!

Nếu coi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 là tiếng kèn xung trận giục giã quân dân ta đứng lên, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thì Thơ chúc Tết năm 1947 được vang lên trên Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 21/1 (tức 30 tháng Chạp) năm đó, là khúc ca hào hùng, mở đầu chặng đường thơ kháng chiến chống Pháp 1947 - 1954 của Hồ Chủ tịch:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập nhất định thành công! 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 1946 và Thơ chúc Tết 1947 như bản hòa ca của dân tộc Việt Nam do Hồ Chủ tịch lĩnh xướng, thể hiện tinh thần yêu nước, hy sinh vì độc lập, tự do và ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng của nhân dân ta, mặc dù đây là cuộc đối đầu không ngang sức.

Chặng đường thơ chiến khu của Hồ Chủ tịch được bắt đầu với bài Cảnh rừng Việt Bắc (1947) và kết thúc là bài Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ (12/5/1954). Cảm nghĩ về thơ kháng chiến chống Pháp của Bác, một nhân sĩ yêu nước viết: Tri công quốc sự vô dư hạ/ Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi ( Biết Người việc nước không hề rảnh/ Vung bút thành thơ đuổi giặc thù - 1948, Bùi Bằng Đoàn). Hai câu thơ ngắn gọn, súc tích ấy đã nói lên sự song hành, gắn kết giữa khí phách người anh hùng và tâm hồn người nghệ sĩ trong một con người Hồ Chí Minh!

Nội dung trước tiên cần nói đến là các bài thơ Bác viết về những người trực tiếp hoặc góp phần tham gia kháng chiến, từ trẻ đến già, từ cán bộ đến chiến sĩ, từ tiền tuyến đến hậu phương để biểu dương, khuyến khích, động viên, chia sẻ về việc nước. Đó là các bài: Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội Liên khu II - 1947, Cảnh khuya - 1947, Tặng các cụ lão du kích - 1947, Tặng Bùi Công (Tặng cụ Bùi) - 1948, Tặng Võ Công (Tặng cụ Võ) - 1948, Gửi chú Thông - 1948, Thu dạ (Đêm thu) - 1948, Tư chiến sĩ  (Nhớ chiến sĩ ) - 1949, Gửi nông dân - 1951…

Hai cháu liên lạc trong bộ đội Liên khu II là Phạm Đỗ Hải và Lê Văn Thục, tuy tuổi nhỏ, làm liên lạc mà lập được những chiến công lớn. Bác gửi lời khen và khuyên hai cháu gắng sức học hành, rèn luyện mọi mặt để ngày càng tiến bộ. Sau lời khen và lời chúc ấy, cả hai cháu đều được Bác gửi những cái hôn và lòng nhân ái.

Đối với các cụ lão du kích, Hồ Chủ tịch viết: Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.

Sẻ chia nỗi lo việc nước với các nhân sĩ, trí thức, Bác viết bài Cảnh khuya rồi đánh máy gửi luật sư Phan Anh và một số thành viên trong Hội đồng Chính phủ, với mong muốn “Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức/ Sức nhiều thắng lợi lại càng to. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban thường trực Quốc hội, cụ Võ Liêm Sơn từ Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV mới ra Việt Bắc, cũng đều được Hồ Chủ tịch tặng thơ. Bài thơ tặng cụ Bùi có câu: Tiệp báo tần lai lao dịch mã/ Tư công tức cảnh tặng tân thi (Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ Cụ thơ xuân tặng một bài). Bài thơ tặng cụ Võ Liêm Sơn viết theo thể ngũ ngôn, được dịch ra tiếng Việt: Ngàn dặm Cụ tìm đến/ Một lời trăm cảm thông!/ Thờ dân tròn đạo hiếu/ Thờ nước vẹn lòng trung/ Cụ đến, tôi mừng rỡ/ Cụ đi, tôi nhớ nhung/ Một câu xin tặng Cụ/ “Kháng chiến ắt thành công”.

Đồng chí Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Công chính là thành viên Chính phủ kháng chiến, chẳng may bị ốm nặng, Bác Hồ gửi tặng tấm áo len, kèm theo một bài thơ, nhân dịp Tết Nguyên đán 1948: Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi/ Tết sau thắng lợi sẽ đền bồi/ Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú/ Chú mang cho ấm cũng như tôi. Bốn câu thơ giản dị, chân thành, với lời lẽ thân tình của Bác, trong hoàn cảnh cuộc  sống gian khổ, khó khăn, thiếu thốn như thế, thật là quý giá!

Nhân vật trung tâm của cuộc kháng chiến là những chiến sĩ ngoài mặt trận hoặc đang luyện tập ở thao trường. Họ là nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, họ góp phần to lớn vào thắng lợi trên các chiến trường. Vì vậy, khi cái rét mùa đông tràn về núi rừng Việt Bắc, Bác lại nhớ đến các chiến sĩ bộ đội như nhớ, thương những người con thân yêu của mình. Bài thơ Tư chiến sĩ (Nhớ chiến sĩ) của Bác toát lên sự cảm thông, lo lắng về tình cảnh của người lính sống dưới màn đêm lạnh giá mà vẫn ẩn chứa trong đó một tình cảm ấm áp và một niềm tin ở tương lai tươi sáng: Đêm khuya móc tựa mưa thu/  Sớm sương dầy đặc mây mù biển giăng/ Mau mau gửi các chiến trường/ Áo cho chiến sĩ trên đường lập công/ Mặt trời tỏa ánh nắng hồng/ Báo tin xuân đến, mùa đông sắp tàn (Sóng Hồng dịch).

Bài Gửi nông dân có bốn câu ngắn gọn với nhịp thơ chắc, khỏe đã khẳng định vị thế, vai trò, sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến, kiến quốc của đội quân chiếm hơn chín mươi phần trăm dân số: Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương. Hơn ai hết, Hồ Chủ tịch hiểu rằng: nông thôn, nông dân cung cấp sức người, sức của để làm nên chiến thắng, như: Việt Bắc (1947), Biên giới (1950), thì nay - 1951, với thế và lực mới của cuộc kháng chiến, hậu phương hăng hái thi đua với tiền phương thì nhất định nhân dân ta sẽ giành được thắng lợi to lớn hơn nhiều!

Một nét độc đáo trong chặng đường thơ kháng chiến của Hồ Chủ tịch là Người viết nhiều thơ chúc Tết Nguyên đán và Thư Trung thu.

Ngoài bài Thơ chúc Tết Đinh Hợi, 1947 được viết tại thôn Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, còn lại các bài khác đều được ra đời ở chiến khu Việt Bắc. Đó là: Thơ chúc Tết Mậu Tý - 1948, Thơ chúc Tết Kỷ Sửu - 1949, Thơ chúc Tết Tân Mão - 1951, Thơ chúc Tết Nhâm Thìn - 1952, Thơ mừng Tết Quý Tỵ - 1953, Thơ chúc Tết Giáp Ngọ - 1954 và Thư Trung thu 1951, Thơ Trung thu 1952, Gửi các cháu nhân dịp Tết Trung thu 1953.

Với bảy bài thơ chúc Tết Nguyên đán, ba bức thư mừng Tết Trung thu (bằng thơ), trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn trăm bề về vật chất và thiếu cả những ấn phẩm văn hóa, thông tin - truyền thông đơn giản nhất ở những năm kháng chiến chống Pháp, đây là món quà tinh thần vô giá cho quân dân ta từ tiền tuyến đến hậu phương. Món quà tinh thần độc đáo này thể hiện lòng lạc quan, yêu đời và sức sống tinh thần mãnh liệt của dân tộc ta, một dân tộc đã chiến thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh, không chỉ bằng sức lực, mưu trí, lòng dũng cảm… mà còn bằng vốn văn hóa, sức mạnh văn hóa, nhân văn tiềm tàng, phong phú của mình!

Những bài thơ chúc Tết của Bác ít lời, gọn ý, giản dị, nôm na mà vẫn toát lên nội dung cốt yếu, nhất quán. Người chúc: Toàn dân đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua sản xuất, giết giặc, để cuối cùng, ta nhất định thắng, địch nhất định thua; kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công! Tuy nhiên, do tiến triển của cuộc kháng chiến kéo dài, cho nên mỗi bài thơ chúc Tết ở từng năm lại có sắc thái riêng. Tết Mậu Tý - 1948, sau chiến thắng Việt Bắc thì: Toàn dân đoàn kết/ Cả nước một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công. Tết Kỷ Sửu - 1949 thì: Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua. Sang Tết Tân Mão (1951) có khác: Toàn dân ta quyết một lòng/ Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời. Đến Tết Nhâm Thìn (1952), đã khẳng định rõ ràng: Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm. Tết Quý Tỵ - 1953 có 10 chữ Mừng: mừng năm mới, mừng hậu phương, mừng tiền tuyến, mừng quân, dân… và mừng phe dân chủ hòa bình thế giới. Cuối cùng, thơ chúc Tết Giáp Ngọ -1954, Người khẳng định một lần nữa: Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công. Lời chúc này chỉ ít tháng sau đã trở thành hiện thực: Thế là quân ta đã toàn thắng/ Toàn thắng là vì rất cố gắng/ Chiến sĩ viết thư lên Bác Hồ/ “Xin Bác vui lòng mà nhận cho/ Món quà chúc thọ sinh nhật Bác/ Chúng cháu cố gắng đã sắm được” (“Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”  - 12/5/1954).

Sớm nhận thấy vai trò, vị trí của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, khi mới bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, “trăm việc ngàn công đều phải lo”, Hồ Chủ tịch quyết định thành lập trại thiếu nhi ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Sau này trại được chuyển về Nà Lọm, Định Hóa, Thái Nguyên để Người tiện đến thăm các cháu. Những bức thư Trung thu Bác gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc thể hiện tầm nhìn xa, tình cảm dạt dào của Người đối với thế hệ tương lai. Thư Trung thu 1951 có câu: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung. Thư Trung thu 1952 trở thành bài hát quen thuộc cho nhiều thế hệ thiếu nhi: Ai yêu nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình… Còn Thư Trung thu có tính “tổng kết”: Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần…

Cùng với những sáng tác nói trên, là một số bài thơ trữ tình, được ra đời trong khung cảnh thiên nhiên và tình người tuyệt đẹp ở chiến khu Việt Bắc. Tiêu biểu là các bài Cảnh khuya với Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa…, Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), với Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân…, Báo tiệp (Tin thắng trận) với Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/ Ấy tin thắng trận Liên khu báo về, Thu dạ (Đêm thu) có: Còi thu bỗng rúc vang tầng núi/ Du kích về thôn rượu chửa vơi, Đi thuyền trên sông Đáy - 1949, có câu: Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng, Đăng sơn (Lên núi) - 1950 thì Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy, v.v... Nhiều bài thơ trữ tình viết bằng chữ Hán của Hồ Chủ tịch đậm đà phong vị cổ thi.

Thơ trữ tình của Hồ Chủ tịch đôi khi cũng thể hiện tâm sự riêng, song nỗi riêng ấy lại luôn gắn với sự nghiệp chung, vì nước, vì dân, bởi Bác là người “lo cho tất cả, chỉ quên mình”. Lời tâm sự đầu tiên khi trở lại chiến khu, được bộc lộ trong câu kết của bài Cảnh rừng Việt Bắc: Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này. Ở bài Không đề -1949, khi cơ quan định tổ chức mừng thọ, nhân ngày sinh của Bác, Người đã từ chối bằng bốn câu: Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/ Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/ Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta. Và đặc biệt, bài Sáu mươi tuổi - 1950 vừa dí dỏm, vừa tràn đầy triết lý nhân sinh mới, rất cách mạng: Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe ngủ ngon làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì Tiên. Xưa nay người đời hằng mong ước “ăn được ngủ được là Tiên”, nhưng như thế chỉ là Tiên hưởng thụ. Còn Hồ Chí Minh mong muốn ăn khỏe ngủ ngon làm việc khỏe để thành Tiên, nhưng Tiên ấy chính là Tiên lao động. Triết lý nhân sinh, ý nghĩa nhân văn cao cả được thể hiện ở quan niệm sống rất mới, rất cách mạng ấy của Hồ Chủ tịch!

Bảy mươi năm đã trôi qua, kể từ khi Bác Hồ trở lại ATK Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giá trị toát ra từ thơ ca chiến khu của Người vẫn còn nguyên, với ý nghĩa lịch sử và tính nhân văn sâu sắc của nó.

Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy