Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
11:06 (GMT +7)

Nghĩ về “hiệu quả”

VNTN - Gần đây, theo dõi phát biểu của lãnh đạo các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta thấy cụm từ “hiệu quả” luôn được nhắc đến. Vì nghe thấy nhiều, đôi khi còn được nhấn mạnh, nên cũng có người băn khoăn, tìm hiểu, cốt xem có phải đó là tín hiệu đáng mừng?

Nhờ tiến bộ của công nghệ thông tin, người ta có thể dễ dàng tìm lại các văn kiện, văn bản,… và sau đó dễ dàng “đếm” cụm từ này để đối chiếu. Kết quả cho thấy: trong văn kiện đại hội các cấp nhiệm kỳ này, quả thực cụm từ “hiệu quả” xuất hiện nhiều hơn rõ rệt, thậm chí có tỉnh dùng cụm từ này gấp đôi so với nhiệm kỳ trước.

Đó mới chỉ là thống kê một cách cơ học, chưa hoàn toàn nói lên điều gì.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “Hiệu quả” là “Kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại”. Nói đơn giản, hiệu quả có nghĩa là kết quả. Nhưng như thế thì sao người ta không dùng “kết quả” mà lại dùng “hiệu quả”?

Thực ra, trong đời sống hằng ngày, “hiệu quả” được hiểu theo nghĩa là phép trừ giữa những gì đã bỏ ra và những gì được thu về. Đặc biệt, trong kinh tế, “hiệu quả kinh tế” luôn được quan tâm khi đánh giá các dự án, các khoản đầu tư… Nó biểu hiện quan hệ so sánh giữa kết quả kinh tế mà xã hội đạt được với chi phí bỏ ra để đạt được hiệu quả đó.

Vậy trong thực tế, các lĩnh vực của đời sống có đạt “hiệu quả” như trong các báo cáo? Và thời gian tới, nó có thể đạt “hiệu quả” như mong muốn?

Xin thưa, đây là câu hỏi khó, vì rất nhiều lĩnh vực không thể đánh giá được hiệu quả theo nghĩa so sánh lượng kết quả thu về với lượng bỏ ra. Đơn giản vì đó là những tiêu chí định tính. Chẳng hạn: “Thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản”, “lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới”,... Lúc này, “hiệu quả” chỉ được hiểu theo nghĩa “kết quả” mà thôi.

Dư luận vừa “dậy sóng” với thông tin: Mỗi năm, ngành Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu không đúng quy định (45 - 50 nghìn tỷ đồng) và hàng nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích. Con số nêu trên không phải chỉ nằm ở cấp trung ương, mà chủ yếu là nằm ở các địa phương. Đã là sử dụng “không đúng quy định” thì dẫu không tham nhũng, không bị thất thoát, nguồn lực đó không thể đưa vào gói “hiệu quả” được. Đó là “lãng phí, phá hoại” như một tờ báo đã lên tiếng. “Ví dụ như đá lát đường chất lượng 70 năm bị nát chỉ sau 2 năm. Biết bao nhiêu con đường làm xong vừa nghiệm thu đã hỏng, phải đào đi bới lại nhiều lần, đó là phá hoại. Rồi biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo, công tác trong nước, nước ngoài nhưng chủ yếu là du lịch hơn là học tập nghiên cứu. Tất cả đều là tiền “chùa”. Nhiều nơi mọc lên tượng đài, quảng trường, cổng chào, không thể kể hết về sự lãng phí, thất thoát, thậm chí là có dấu hiệu chia chác, lợi ích nhóm ở các công trình này” - bài báo phân tích.

Còn nữa, biết bao dự án “nghìn tỷ”, “trăm tỷ” đầu tư dang dở, trì trệ, thậm chí đổ vỡ, gây thất thoát vốn của Nhà nước đang diễn ra ở nhiều nơi, thì sự lãng phí là thấy rõ. Có tuyến đường đầu tư từ vốn ngân sách, nhưng mấy năm vẫn dang dở vì vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Rồi sự nhũng nhiễu, tham mưu, xử lí công việc chậm chạp trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Biết bao người không biết làm việc, hoặc không có việc làm (do yếu chuyên môn) nên chỉ ngồi chơi xơi nước, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”... Đó là sự lãng phí không dễ gì khắc phục. Có những khiếu nại, kiến nghị của công dân mà suốt mấy năm trời ở cấp xã, cấp huyện không giải quyết được, phải đến lúc Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân mới xử lý thấu tình đạt lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân… Như vậy là lãng phí chứ sao gọi là hiệu quả.

Từ đây, nghĩ về hai chữ “hiệu quả”, e rằng đã đến lúc phải nhấn mạnh việc thực hiện và tính khả thi để thực hiện nó, chứ không phải là ngôn từ mang tính trào lưu, như “một phần tất yếu” của người làm lãnh đạo.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước