Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
02:26 (GMT +7)

Nghị trường và “dư âm” những chất vấn chưa có hồi âm

VNTN - Quốc hội khoá 14 đã hoàn thành hoạt động chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Hai ngày rưỡi với hơn 200 lượt đại biểu chất vấn Thủ tướng và bốn vị bộ trưởng, hàng trăm vấn đề ở nhiều lĩnh vực đã được đặt ra, gắn với câu hỏi về trách nhiệm, về giải pháp.

Nhiều câu trả lời khiến đại biểu chưa hài lòng, nhưng "dư âm" mạnh mẽ nhất có lẽ lại nằm ở những chất vấn chưa có hồi âm - những chất vấn liên quan đến vấn đề nóng rừng rực ở cả kiến nghị của cử tri, ở báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và ở nhiều phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội: Yếu kém, sai  phạm trong công tác cán bộ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận kỷ luật Đảng từ Ban Bí thư, nhưng Chính phủ và Quốc hội vẫn chưa thể thống nhất cách thức xử lý kỷ luật hành chính với vị này. Dù, hai lần trong phiên chất vấn cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh "Quốc hội phê phán nghiêm khắc trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016". Vì đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian đảm nhiệm chức vụ trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Nhưng, chất vấn của đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) về vai trò của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong tham mưu về thủ tục, quy trình, giúp cho Quốc hội có động thái với vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoài nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh cũng là cái tên liên tục được nhắc đến cả ngoài hành lang và trong nghị trường.

Cùng lúc chất vấn hai Bộ trưởng về Trịnh Xuân Thanh là đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), với nhận định vụ Trịnh Xuân Thanh là chuyện tày trời, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện tày đình như đã được kết luận.

Với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn về nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ đối với việc này, từ chuyện tặng thưởng Huân chương Anh hùng lao động khi ông này còn ở doanh nghiệp xây lắp dầu khí, được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố ra đi một cách êm ả, nhưng đủ chấn động dư luận trong thời gian qua.

Đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. 

Đại biểu Ngô Văn Minh còn đề nghị Bộ trưởng cho biết hiện nay có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường "tiểu ngạch", không chính hiệu kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh? Cho biết có văn bản nào quy định về kiểu luân chuyển này không? Thực tế của tình hình này hiện nay ra sao và giải pháp xử lý trong thời gian tới thế nào?

Với Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị trả lời trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi rồi phải phát lệnh truy nã kiểu "con voi chui lọt lỗ kim" gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Khi không nhận được bất cứ hồi âm nào, vị đại biểu Quảng Nam nổi tiếng về sự thẳng tính đã giơ biển tranh luận, đề nghị cả hai vị Bộ trưởng cần phải trả lời nếu không sẽ gây bức xúc trong cử tri.

Không có câu trả lời từ Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội tiếp tục tìm đáp án từ người đứng đầu Chính phủ.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) chất vấn: ngày 31 tháng 8 vừa qua là thời hạn cuối cùng để Bộ Nội vụ báo cáo với Thủ tướng về con đường đi qua quy trình từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang của ông Trịnh Xuân Thanh. Vậy, xin hỏi Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng chưa, nếu không phải bí mật thì đề nghị Thủ tướng cho biết ông Thanh đi bằng con đường nào và cấp nào quyết định?

Lại là một chất vấn chưa có hồi âm, đại biểu nhận trả lời bằng văn bản, đồng nghĩa với cử tri đã không có cơ hội để giám sát.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, một đại biểu mới nhưng đã có những chất vấn rất sắc trao đổi với báo chí như thế này: "thẳng thắn mà nói rằng, mong muốn của cử tri, với những vấn đề nóng, cử tri quan tâm, thì không chỉ có đại biểu mà cử tri cả nước đều muốn Bộ trưởng trả lời thẳng, thật, đi vào trọng tâm vấn đề đại biểu đặt ra ngay tại phiên truyền hình trực tiếp. Còn những vấn đề không mang tính thời sự, mang tính giải quyết lâu dài thì các bộ trưởng nên có sự lựa chọn, nên xem cái nào trả lời trước nghị trường, cái nào trả lời bằng văn bản".

Ấy thế nhưng, chính chất vấn được gợi ra từ phần trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền về dự án thép Cà Ná từ Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Nếu dự án Thép Cà Ná có hệ luỵ (trước đó Bộ trưởng đã trả lời là dự án được xem xét cẩn trọng và đầy đủ các quy trình) thì Bộ trưởng có cam kết sẽ từ chức hay không?, Bộ trưởng đã không "chọn" để hồi âm trước ống kính truyền hình trực tiếp.

Chất vấn là để làm rõ trách nhiệm. Với chất vấn đã trả lời thì trách nhiệm chưa hẳn đã rõ, còn với những chất vấn chưa có hồi âm thì "dư âm" còn là câu hỏi về cách thức điều hành, bản lĩnh người được chất vấn và tất nhiên là sự "đòi hỏi" làm rõ trách nhiệm vẫn còn tiếp nối.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy