Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
21:29 (GMT +7)

Nghị trường – những vui buồn chưa vội khép

VNTN - Sáng 21/6 vừa qua, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nhà báo cuối bài phát biểu bế mạc thì kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá 14 cũng đã khép lại.

Một tháng làm việc, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác, 3 ngày chất vấn 5 thành viên Chính phủ, một ngày thực hiện giám sát tối cao...,đó là những con số phản ánh về lượng. Về chất, có thể còn xa mới đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, nhưng cũng đã có thể thấy rõ hơn Quốc hội đang chuyển dần từ tham luận sang tranh luận, đã có những tiền lệ tốt được cổ vũ, có những giằng co đến phút cuối cho thấy sự không xuôi chiều khi quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng.

Trong 12 luật được bàn thảo vòng cuối và nhấn nút quyết định tại kỳ họp này, "hồi hộp" nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 - một bộ luật phải lùi hiệu lực thi hành vì phát hiện nhiều sai sót.

"Hồi hộp" là bởi số lượng điều khoản phải sửa cứ lớn dần, những quan điểm trái chiều cũng không ngừng gia tăng qua các vòng thảo luận. Không phải chỉ khi diễn ra kỳ họp mà cả trước đó, quá trình hoàn thiện dự án luật, không ít người của cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trong đó có Chủ nhiệm Lê Thị Nga - một thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - chỉ rời nhiệm sở khi màn đêm đã buông sâu.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Rồi, sau tranh luận khá quyết liệt trong cả ngày thảo luận (nhiều gấp đôi các luật khác) với số biển tranh luận liên tục được giơ lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định "phá lệ", tổ chức thêm một phiên thảo luận vào sáng thứ bảy (ngày mà Quốc hội đã quyết định không làm việc dành thời gian cho đại biểu nghiên cứu tài liệu) để thu nhận nhiều thêm những đóng góp, hoàn thiện dự thảo luật tốt nhất.

Sau đó vẫn là làm ngày làm đêm, với bản tiếp thu giải trình dài kỷ lục và kết quả bỏ phiếu cho một số quy định mới vẫn "ngang ngửa". Với lần sửa đổi, bổ sung  vất vả này, Bộ luật Hình sự được đánh giá là đã cơ bản khắc phục được những hạn chế. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Luật đã bổ sung một số điều luật mới như Tội kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp; mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324)...

Cũng hai vòng thảo luận, cũng "giằng co" đến tận phút cuối cùng mà vẫn lập "kỷ lục" về số đại biểu không biểu quyết (12) và không tán thành (31) là nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đây là nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực, được xác định là ngày 15/8/2017.

Với thời điểm này, dưới góc nhìn của một số chuyên gia thì Quốc hội đã có sự đồng thuận và hỗ trợ cần thiết để hướng tới xử lý nhanh, thực chất nợ xấu, mà không đẩy về tương lai cho các thế hệ sau.

Kết quả đó, có thể khiến các vị đại diện cho Nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có thể "thở phào" vì đã tạm xong công việc được cho là rất khó khăn, có thể khiến những đối tượng áp dụng thấy vui vì có hành lang pháp lý thoáng rộng hơn cho vấn đề vô cùng nan giải: tồn kho nợ xấu.

Nhưng, cũng tương tự như việc sửa Bộ luật Hình sự 2015 như đã nói trên, việc ban hành chính sách mới cho xử lý nợ xấu cũng là những việc lẽ ra không phải làm. Vì thế, niềm vui không tách khỏi nỗi buồn, nỗi lo cho hiệu quả thực sự của hoạt động lập pháp và điều hành nền kinh tế.

Nhìn tổng thể, kỳ họp thứ ba vừa qua còn có những điểm nhấn khác, điển hình là diễn biến mới về câu chuyện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) trong mối liên quan đến dự án sân bay Long Thành - nội dung gấp gáp trình Quốc hội trong kỳ họp này.

Không phải là câu chuyện mới, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất khiến cử tri bức xúc từng được các vị đại biểu phản ánh qua nhiều kỳ họp của Quốc hội. Nhưng lần này, qua ý kiến đại biểu trong hội trường, phỏng vấn của báo chí ngoài hành lang, Chính phủ họp gấp để xem xét, rồi Thủ tướng quyết định thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, nâng tổng công suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét: thông qua việc thảo luận về dự án sân bay Long Thành, Quốc hội cũng đã thúc đẩy giải quyết một việc rất quan trọng là sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, một bức xúc mà giả sử nếu không có kỳ họp này thì rất khó đặt ra ở kỳ họp khác.

Tuy nhiên, số phận cuối cùng của sân golf trong sân bay thế nào, nợ xấu có được giải phóng một cách công khai, minh bạch như yêu cầu của Quốc hội hay không... vẫn phải chờ câu trả lời phía trước. Và như vậy, kỳ họp thứ ba của Quốc hội đã khép lại, nhưng những buồn vui thì chưa vội khép. Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp, báo chí vẫn phải hỏi Tổng Thư ký về lý do tại sao sát giờ thông qua vẫn phải đính chính một vài dự thảo luật, hay những hàng ghế trống cứ khiến cử tri bức xúc từ kỳ này sang kỳ khác.

Khi những vị đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước không thờ ơ trước vui buồn của dân thì những buồn vui ở nghị trường cũng sẽ được cử tri quan tâm, chia sẻ, dù có những nỗi buồn chẳng bao giờ khép lại.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy