Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:32 (GMT +7)

Nghĩ thêm về nơi sinh của Lý Bí

VNTN - Ấp Thái Bình, châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc, phủ Bắc Hà là nơi sinh ra Lý Bí (Lý Nam Đế) - điều này đã được các nhà sử học nghiên cứu, kết luận từ vài năm trước đây. Tuy nhiên, cụ thể, ông sinh ra ở làng nào thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng Lý Bí được sinh ra ở làng Cổ Pháp. Có người lại nói Lý Bí sinh ở ấp (xóm) Điền Mục - nơi có ngôi đền thờ Người (hiện nay cả hai nơi này đều thuộc xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Những ý kiến trên đây đều dựa vào dã sử, vào những vật chứng có từ xưa. Lịch sử diễn ra đã trên 1500 năm, khi mà điều kiện ghi chép, lưu giữ chưa thuận lợi, cho nên việc xác định chắc chắn sẽ khó khăn. Vậy ý kiến nào sát đúng hơn?

Là người quan tâm tìm hiểu, nay xin mạo muội có đôi điều tham góp, ngõ hầu giúp phần nào làm sáng tỏ vấn đề.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, tôi đã nhiều lần qua lại vùng đất Điền Mục (Đền Mục), đến nhà ông Thành Giá - bạn đồng môn, sinh năm 1936. Cụ thân sinh ra ông Thành Giá tên là Nguyễn Văn Thử. Sườn đồi giáp bờ rào nhà cụ có một miếu thờ Thổ Thần. Cụ kể nhiều cho tôi và ông Thành Giá nghe: Từ đời xưa truyền lại, ngôi miếu này thờ một người có công lớn với nước, nhưng không rõ tên. Người đó đã trở thành Thần ở vùng này. Trước đây, ông Bá Chản rồi ông Đỗ Văn Biền cúng. Bây giờ, tôi có nhiệm vụ thờ cúng, trông nom. Nhiều lần cúng Ngài, tôi cứ nghĩ người mình đang thờ cúng chắc hẳn phải là một ông Vua. “Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Kính lạy Thượng nương Tiền đế, Đại vương Thành hoàng, Bản thổ đức Đại vương; Xích long Đại vương, chính ngự Nam Tây phương, gối sơn, hội thủy…”. “Đại vương” chẳng phải là ông vua lớn sao?

Cụ cho biết: Nơi đây chính là vùng đất thiêng nên có tên là Điền Mục. Điền là ruộng, là đất. Mục là mắt. Vậy, Điền Mục là mắt đất. Mắt của một vùng đồng đất. Hóa ra, nơi này đã sinh ra một con người của trời của đất. Vì thế, sau khi Ngài qua đời, nhân dân đã lập miếu thờ. Ngài đã trở thành Thành Hoàng, thành Thần. Cho đến bây giờ, vẫn được nhân dân ghi nhận. Theo cụ Bá Chản cho biết thì tên gọi Đền Mục không phải do người ta nói chệch mà bắt nguồn từ sự tích sau: Ngày xưa, một lần có ông thầy địa lí người Tàu ngang qua, vào nghỉ trong xóm ta, đã ra miếu thắp hương, rồi về bảo với mọi người là ngôi miếu này đặt ở thế đất rất đẹp. Ngài ngự tại đây không phải chỉ là Thần mà còn là Thánh đấy. Làm đền thờ Thánh, Thánh sẽ phù hộ cho… Dân làng nghe theo. Đền được dựng đúng nền ngôi miếu cũ, nằm ở thế đất giữa trán Rồng (hai bên có thế đất hai mắt Rồng), xa xa có Tiền nhân bái (một thế đất hình người, quỳ bái về cửa Đền). Chân núi Biển hướng về cửa đền còn có giếng Ngọc. Thời cổ, dân làng vẫn lấy nước ở giếng Ngọc về làm lễ. Cách giếng chừng trăm mét, có ruộng Năm Góc, gò Cóc Vàng. Xen giữa đồi Con Trà có mạch Xà Cộc, mạch Xà Dài… hình thành thế Long chầu. Trên đỉnh, có núi thông. Phía sau đền, có gò Ngô Công và cánh đồng Điền Mục. Vì vậy, Đền Mục nghĩa là ngôi đền của ấp (xóm) Điền Mục. Cả xứ ta chỉ nơi đây có ngôi đền tên là Đền Mục, nên mỗi khi đến đây cầu khấn hoặc mỗi khi qua lại, người ta vào thắp nén nhang, tiện mồm gọi luôn là vào ấp Đền Mục, dần dà thành quen.

Câu chuyện trên đây, có lần tôi đem kể cho ông Hoàng Công Điển và ông Ngô Trung Kiên nghe. Hai ông đã có thời gian dài thay phiên nhau làm “Từ” ở Đền Mục. Hiện nay, ông Kiên đang là Bí thư chi bộ xóm Điền Mục, được mọi người tín nhiệm vẫn giao trách nhiệm làm “Từ”, trông coi Đền. Các ông đều thừa nhận đó là chuyện thật, thậm chí các câu chuyện truyền lại còn có phần phong phú hơn.

Chuyện kể trên đây cũng rất khớp với truyền thuyết mà nhà nghiên cứu Minh Tú đưa ra. Theo Minh Tú dịch từ cuốn “Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền” và cuốn  “Giang Xá từ bi ký” thì: “Thuở xa xưa nước Việt thuộc nhà Lương (Trung Quốc) cai trị, đặt tên nước là Giao Châu, do thứ sử Tiêu Tư cầm đầu. Tiêu Tư tính tình rất cường bạo và hung hãn, tham nhũng… Thời đó, nước ta, ở xứ Kinh Bắc, châu Giã Năng có một gia đình họ Lý, húy là Toản, trưởng bộ lạc, vợ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu. Gia đình Lý Thái Công (Lý Toản) hiền lành, làm nhiều việc tu nhân tích đức. Lý Thái Công ngoài 40 tuổi và bà Lê Thái Công ngoài 30 tuổi vẫn chưa có con. Một hôm, bà nằm mộng thấy trời đất mù mịt, có mây ngũ sắc và hai con rồng vàng, trắng chầu mặt trời. Rồi đột nhiên tinh lạc sa vào miệng bà. Rồng vàng sa xuống, ấp vào bụng bà. Thái bà tỉnh dậy, đem chuyện đó nói với Thái ông. Thái ông bảo rằng: Cứ như mộng báo thì nhà ta có phúc dày. Trời giáng hiền tài, đất sinh tuấn kiệt! Từ đó, bà hoài cảm mà thụ thai… Đến ngày mười hai, tháng chín (đúng giờ Thìn), Thái bà sinh được một người con trai, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú khác thường. Khi được ba tuổi, ông bà Lý Công đặt tên cho con là “Bí”…”.

Vậy, căn cứ vào địa danh hiện tại của Đền Mục - nơi đang thờ Lý Nam Đế và truyền thuyết về sự tích ra đời của Lý Bí thì tôi cho rằng Lý Bí đã sinh ra ở xóm Điền Mục, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Qua tìm hiểu, tôi cũng được biết thêm, thường là người xưa sinh ở đâu thì người dân lập nơi thờ ở đó. Phải chăng, chính xóm Điền Mục có ngôi đền đặt ở “Mắt đất”, giữa trán một con “Rồng”… là nơi chôn rau cắt rốn của Lý Bí - Đế vương Lý Nam Đế, người anh hùng, có công đánh đuổi giặc Lương, lập nên nước Vạn Xuân. Và tất nhiên, cũng còn nhiều nơi nhớ công ơn Lý Nam Đế, nhân dân cũng thờ Người, như ở chùa Hương Ấp, rồi ở vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ…

 

Văn Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy