Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:27 (GMT +7)

Nghi lễ cầu tự của người Nùng Phàn Slình ở huyện Võ Nhai

“Cầu tự” có nghĩa là cầu con cái, là một nghi lễ tâm linh để xin các bậc Thánh thần, Tổ tiên phù hộ cho gia đình muộn con, hiếm con, sinh con một bề, cầu con trai... thông qua các hoạt động cúng bái. Trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Nùng “Nghi lễ cầu tự” là một hình thức tín ngưỡng Then; là lĩnh vực tâm linh phức hợp vẫn luôn duy trì, tồn tại, trong đời sống cộng đồng người Nùng Phàn Slình ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.


Trong đời sống thường nhật của người Nùng Phàn Slình, khi đôi vợ chồng sống với nhau đã lâu mà không có con, sinh con mà không nuôi được, sinh con một bề… người ta thường đến nhờ thầy hành nghề Then cao tay để xem số mệnh của gia đình mình. Khi biết được số mệnh của mình về việc phải tổ chức nghi lễ cầu tự mới xin được con cái như ý muốn, vợ chồng gia chủ về chuẩn bị đầy đủ vật chất cho việc làm lễ gồm lợn, gà, vịt, gạo, rượu, hoa quả… và các loại thực phẩm để tổ chức nghi lễ cầu tự để xin con cái.

Ngày tiến hành nghi lễ phải là ngày có sao lành, sao tốt “Ngày phúc sinh, hiến an”. Đúng ngày hẹn, người nhà của gia chủ đi đón thầy Then. Khi đi họ mang theo một bát gạo, một ít tiền, một thẻ hương để thầy Then đặt những thứ đó lên bàn thờ Tổ tiên, các bàn thánh tướng, Mụ bếp, âm binh, các quan thầy cấp sắc… báo cáo việc phải đi làm lễ. Thầy lấy quân âm binh gồm các đạo quân: Đông phương, Nam phương, Tây phương, Bắc phương, Trung ương... đi theo giúp việc cho thầy Then làm lễ nghi lễ cầu tự.

Trước khi đi khỏi nhà thầy niệm thần chú, yểm bùa phép, cấm thề bốn phương, khoán đáo thu lục mệnh vợ hoặc chồng nhà thầy cùng con cháu trong gia đình thầy để phòng tránh quỷ tà khi thầy đi làm lễ. Trang phục và dụng cụ hành lễ mang theo gồm ba loại mũ áo của thầy Then, chúa Then, Ngọc Hoàng, đàn tính, nhạc xóc, dấu ấn, quạt, đệm ngồi, đệm nhạc xóc… Trên đường đến gia đình làm lễ, thầy yêu cầu cả đoàn đi đến nơi, về đến chốn, đi đúng đường khi đi đến đón thầy, để các ma dọc đường không làm cản trở đường đi của thầy khi đến nhà gia chủ làm lễ.

Nghi lễ cầu tự của người Nùng Phàn Slình diễn ra ở đây là nghi lễ cầu con trai “Cầu hoa nam” bao gồm:

Lễ tập hợp âm binh: Gia chủ chuẩn bị một mâm lễ gọi là mâm thánh gồm: 3 bát hương, 3 bát gạo, một chiếc gương, 5 chén nước và một cành lá bưởi. Thầy đặt đôi ấn và một đôi tén xin âm dương phía trước mâm và thắp hương, rót nước mời bằng lời thỉnh. Thầy trình báo với Tổ tiên của gia chủ về chức danh của thầy, lý do của gia chủ làm lễ cầu tự; trình báo với các Thánh thần trên thiên đình và bên âm về lý do thỉnh cầu. Theo quan niệm, khi lên Thiên đình bẩm báo, chúa Then đã được Ngọc hoàng phong chức tước trong tay có một đạo binh hùng mạnh. Chúa Then chiêu binh mã và phát thiếp đi mọi nơi mọi chốn để các quan tướng, binh lính, quân phu chuẩn bị mọi việc cho buổi làm lễ.

Thầy Then trong lễ tập hợp âm binh và lễ mời Tổ tiên cùng các Thánh thần.

Lễ mời Tổ tiên cùng các Thánh thần: Thầy Then mời Tổ tiên gia chủ về chứng giám và giao cho các âm binh có nhiệm vụ giúp chúa Then và gia chủ bắc 5 tầng cầu ngũ sắc, để kết nối anh nhi; cùng Tổ tiên bắc cầu Thiên đến Thiên đình thục vong, thục hồn; Bắc cầu Địa đến cung âm dương (mặt trời là dương, mặt đất là âm) để hòa hợp âm dương, sinh ra khí sáng. Quan niệm rằng khí sáng mặt trời là khí sáng người cha, khí sáng mặt đất là khí sáng mẹ, hai luồng khí sáng này phải được hòa hợp mới tạo thành anh nhi (con). Khi vợ chồng gia chủ đã có anh nhi, âm binh còn có trách nhiệm coi giữ để anh nhi không bỏ đi (không bị sẩy thai) đến khi anh nhi sinh ra, âm binh mới hết nhiệm vụ.

Mâm lễ vật trong lễ mời Tổ tiên và các Thánh thần được đặt dưới chân bàn thánh của thầy Then.

Lễ giải hạn cho người nhà gia chủ: Thầy xem tuổi từng người trong gia đình, để thực hiện lễ giải hạn Thầy lấy tuổi âm của từng người để xem số, nếu người nào gặp phải sao Thái Bạch (sao tang) thì phải làm lễ giải hạn, đóng quan tài thế thân (nữ gồm 9 hình nhân thế mạng, nam 7 hình nhân). Khi gia chủ sắp đầy đủ lễ vật thầy Then thắp hương tâu lên Thiên đình, mẹ Bjoóc sẽ giúp cho tai qua nạn khỏi.

Lễ bắc cầu thiên, cầu địa: Theo quan niệm, những cặp vợ chồng muộn đường con cái hoặc không có con là do “Mẹ Hoa không chia nụ về, không phân hoa lại”, muốn có con thì phải làm lễ xin mẹ Hoa, nên mới có lễ “bắc cầu thiên, cầu địa”. Buổi lễ là quá trình chúa Then lên gặp Ngọc Hoàng, mẹ Hoa để xin mẹ Hoa chia hoa lại, phân hoa về. Cầu Thiên và cầu Địa là một chiếc cầu có 2 mặt, mặt cầu Thiên là dải vải màu trắng tượng trưng cho bên dương, cầu Địa là dải vải màu đen nằm ở mặt phía sau của cầu Thiên tượng trưng cho bên âm. Cầu Thiên và cầu Địa còn tượng trưng cho con người có đầy đủ các bộ phận của cơ thể. Cầu này do gia đình bên vợ gia chủ làm với quan niệm rằng ông Tơ, bà Nguyệt giao cho bên ngoại xuất hoa, bên nội nhập hoa.

Lễ dương sao giải hạn cho gia chủ: Thầy Then làm lễ dương sao giải hạn riêng cho vợ chồng gia chủ. Mâm lễ dương sao giải hạn cho gia chủ gồm: Một con gà nhỏ cắt tiết không mổ bụng là để chết thay cho gia chủ, con gà này sẽ thay cho gia chủ đội lễ hầu hạ Nam tào, Bắc đẩu. Lễ này làm xong tiền vàng được hóa đi, giao cho sao Bạch Hổ, Thiên Đình đóng thuế âm cho gia chủ, lúc này gia chủ coi như được khai sinh lại, Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình không còn kiểm soát được nữa. Sau khi xem mạng sinh, mạng số của vợ chồng gia chủ, Ngọc Hoàng cùng Hoa Vương Thánh Mẫu nhận lời giúp cho gia chủ đạt được ý nguyện của mình.

Đại lễ làm mo mời Ngọc Hoàng: Đây là khâu quan trọng nhất trong nghi lễ cầu tự không thể dùng then bình thường để thỉnh mà phải dùng lời mo, tào để rước Ngọc hoàng trên Thiên đình xuống trần gian. Chúa Then thay lời gia chủ thỉnh mời Ngọc hoàng và kể lể than vãn nỗi khổ trên trần gian, nỗi khổ nhiều lần khai hoa nhưng chỉ toàn hoa nữ, không có hoa nam nối dõi tông đường. Vợ chồng gia chủ mời Ngọc Hoàng 3 lần rượu với tấm lòng thành kính. lần mời rượu thứ nhất “Rửa tâm tính”; Lần hai “Một tấm lòng thành”; Lần ba “Cạn chén cùng vua”. Qua 3 lần mời rượu này vợ chồng có cơ hội được làm lại từ đầu những điều ước muốn thỏa nguyện bấy lâu nay là có con trai để nối dõi Tổ tiên, bảo toàn nòi giống, Ngọc Hoàng đồng ý chắp nối lại cầu tơ, đường duyên số cho vợ chồng gia chủ.

Lễ bắc cầu tơ chắp nối lại đường duyên số: Theo tín ngưỡng, đường duyên số của đôi vợ chồng làm nghi lễ cầu tự là do kiếp trước hai người đã là vợ chồng nhưng không sống cùng nhau trọn kiếp, vì thế người vợ hoặc chồng kiếp trước vẫn chưa đầu thai, vẫn bám theo ám ảnh. Chính vì thế cần phải thực hiện lễ bắc cầu tơ để chắp nối lại đường duyên số để sinh được con cái như ý muốn. Cầu tơ chính là sự hôn phối giữa người cha và người mẹ. Lễ này chỉ có giàu, thuốc, rượu và nước. Vợ chồng gia chủ cúi lạy Ngọc Hoàng ba lần, Ngọc Hoàng chắp nối “Kim + mộc + thuỷ + hoả + thổ” để cho đường tơ duyên của vợ chồng gia chủ được chắc chắn coi như cưới lại lần đầu. Lễ cầu tơ kết thúc, Ngọc Hoàng cùng Hoa Vương Thánh Mẫu, đoàn tùy tùng về Thiên đình bắt đầu buông hoa xuống.

Lễ tiễn Ngọc Hoàng về trời: Ngọc hoàng cưỡi Hằng Nga cùng đoàn tùy tùng rầm rộ lên đường, quan âm binh mã của chúa Then đưa tiễn Ngọc Hoàng về Thiên đình mang theo lễ vật dưới trần gian. Lúc này nhà Long đình, nhà quan cùng các lễ vật được người nhà gia chủ đem đi hoá (đốt) mới mang theo được, con ngỗng, con vịt sống và các cây hoa trong lễ bắc cầu phải hơ 3 lần qua lửa nhà Long đình đang bị hóa. Quan niệm lần thứ nhất là “mua”, lần thứ 2 là “lễ”, lần thứ 3 là “gồng gánh lên đường”, các lễ vật được ngựa thồ đi theo. Quan âm, binh mã của chúa Then đưa Ngọc Hoàng cùng đoàn tuỳ tùng về đến Thiên đình, nhiệm vụ đã xong, quay trở về cùng chúa Then giúp vợ chồng gia chủ trong lễ hứng hoa.

Lễ hứng hoa: Chúa Then phân công nhiệm vụ cho âm binh, mỗi bộ phận đảm nhiệm một phần việc trong lễ hứng hoa. Vợ chồng gia chủ đứng trước cầu Thiên dùng hai vạt tà áo trước để hứng hoa. Trên Thiên đình, Hoa Vương Thánh Mẫu bắt đầu buông hoa xuống, chúa Then dùng phép (dùng quạt) đón và giúp cho hoa rơi vào vạt áo vợ chồng gia chủ. Những bông hoa rơi xuống vạt áo vợ chồng gia chủ là những hoa khoẻ mạnh được giữ lại, những bông hoa rơi ra khỏi vạt áo là hoa chết yểu (hoa tàn nụ héo). Khi hứng hoa xong vợ chồng coi như đã được thụ thai. Tiếp tục, chúa Then niệm thần chú thông qua Tổ Tiên, Táo Quân, Quan Âm Bồ Tát, Thái Thượng Lão Quân, và dùng đôi tén được tung lên 3 lần để xin âm dương bảo hộ thai nhi. Đến lúc này nghi lễ cầu tự gần như hoàn tất, gia chủ đã đạt được nguyện vọng như ý muốn.

Sau lễ cầu tơ kết nối lại đường duyên số, vợ chồng gia chủ hứng hoa do Ngọc hoàng về Thiên đình buông hoa xuống.

Lễ khao quân và âm binh: Chúa Then thu tất cả các hồn âm, hồn dương lại chia hai đường, hồn âm về với người âm, hồn người dương nhập về với người dương. Lễ khao quân và thu âm binh được mở tiệc linh đình chiêu đãi, tất cả những đồ cúng lễ trong nghi lễ cầu tự được đem khao. Kết thúc lễ khao quân, binh tướng của Tổ tiên được nhập về với Tổ tiên. Binh tướng của chúa Then được thu lại, Táo quân về trông coi bếp lửa, Thổ công về trông nom nhà cửa đất đai cho gia chủ.

Lễ tiễn Tổ tiên cùng các Thánh thần: Chúa Then cùng gia chủ làm lễ tạ ơn Tổ tiên cùng các vị Thánh thần, mời các vị cùng ngồi hưởng cỗ trước khi ra về. Trong cuộc sống của vợ chồng gia chủ chốn trần gian, Tổ tiên cùng các Thánh thần luôn ở bên cạnh phù hộ cho gia đình mọi mặt trong cuộc sống. Trong nghi lễ cầu tự, từ khi vợ chồng gia chủ báo cáọ việc phải làm nghi lễ cầu tự cho đến khi thực hiện các công việc trong lễ. Tổ tiên cùng các Thánh thần luôn theo sát chúa Then để chỉ bảo, dẫn lối giúp cho vợ chồng gia chủ hoàn thành nghi lễ cầu tự. Sau khi thụ hưởng lễ vật đầy đủ, Tổ tiên cùng các Thánh thần mới ra về, chúa Then thay lời gia chủ cảm tạ và tiễn Tổ tiên cùng các Thánh thần.

Lễ tiễn thầy và thu âm binh tại nhà thầy Then: Gia chủ trả lễ tạ ơn thầy Then gồm tất cả các đồ lễ trên bàn thờ Thánh: Bánh kẹo, hoa quả, rượu, gà luộc, xôi, thủ lợn... và một ít tiền mặt. Gia chủ cùng với người nhà đưa thầy ra về. Khi về đến nhà thầy Then đem tất cả các đồ trả lễ đặt dưới bàn thờ Thánh của thầy để khao và trình báo Tổ tiên, Phật Bà, Thổ công, Táo quân... rằng thầy đi giúp người đời làm phúc, giờ đã về gia đình đến nơi đến chốn. Tiên phật thì được khao bằng cỗ chay gồm: Hoa quả, bánh kẹo, rượu. Tổ tiên, Thổ công, Táo quân… được khao bằng gà, thịt, xôi, rượu. Đến đây toàn bộ nghi lễ cầu tự của vợ chồng gia chủ mới kết thúc, gia chủ cảm tạ thầy Then với lòng biết ơn vô hạn, họ ra về bắt đầu một niềm hy vọng mới, đó là sinh được con trai để nối dõi Tổ tiên dòng họ cho tương lai và mai sau.

Nghi lễ cầu tự diễn ra là một bản trường ca bằng thơ gồm 12 chương đoạn, mỗi chương đoạn diễn ra đều có cốt truyện riêng với kết cấu, thể thức chặt chẽ, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Nghi lễ trong Then cầu tự đã thể hiện và phản ánh được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Nùng. Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, nghi lễ cầu tự vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của tộc người Nùng hiện nay như một sự minh chứng cho sức sống trường tồn của tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc. Ở nghi lễ cầu tự người ta thấy cái thiêng trong đó, phù hợp với phong tục tập quán của tộc người Nùng nói chung và người Nùng Phàn Slình nói riêng, đó là một sinh hoạt mang tính nghi lễ, phong phú về nội dung, đáp ứng được nguyện vọng cộng đồng về đời sống tinh thần.

Việt Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy