
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Cách đây ít ngày, khi xuất hiện trên sóng VTV3 trong chương trình “Mặt trời bé con”, cô bé Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (Tuyên Quang) đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả và cộng đồng mạng xã hội. Chỉ mới 10 tuổi nhưng em đã kinh doanh bán chè bưởi 3 năm và rất đắt khách. Ngày ít tầm 50 cốc, dịp nghỉ, lễ lên đến 400 cốc. Ngoài chè thì còn bán sách và đồ chơi qua mạng rất thành công. Tại đây, Ngọc còn tự tin trình bày về dự án kinh doanh đồ chơi trẻ em với bản đồ lập ra các quy trình như huy động vốn, cách thức bán hàng… Những lập luận sắc bén và kiến thức về kinh doanh của cô bé khiến nhiều người ngỡ ngàng. MC Lại Văn Sâm đã nhận lời giúp đỡ quảng cáo cho món chè bưởi cũng như dự án sau này của em.
Người ta ngạc nhiên, song hẳn đã phải “ngả mũ” thán phục cô bé. 10 tuổi mà độc lập tài chính, trong ví lúc nào cũng có tiền triệu; biết lập kế hoạch kinh doanh, tiết kiệm các khoản chi để tự mua sắm những thứ cần thiết theo sở thích cá nhân. Ngọc mày mò mọi thứ từ internet, có tài khoản Facebook, Instagram và cả Youtube. Không chỉ nổi danh với món chè bưởi, cô bé còn biết nấu khá nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ như: cá rán, thịt kho, gà xé phay, tôm chiên xù, mì Ý, sườn xào chua ngọt…. Em còn tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí cho các em bé 5-6 tuổi, và hiện đang thử việc với vị trí trợ giảng ở một trung tâm tiếng Anh.
Cha mẹ của “thần đồng kinh doanh” đã ủng hộ con với tư duy hết sức đơn giản: muốn con hiểu, chia sẻ với họ sự cần thiết của việc “mỗi người cần nỗ lực học tập, làm việc để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có thêm thu nhập cho bản thân, có thể giúp đỡ một phần nhỏ cho người khác...”.
Những ngày qua, cậu bé Campbell (13 tuổi) đến từ nước Úc cũng thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người khi xuất hiện trên mạng xã hội chia sẻ về hành trình trong hơn 3 năm đã tự làm khoảng 1.300 con thú nhồi bông để dàng tặng cho các bệnh nhi. Câu chuyện ý nghĩa này được bắt đầu từ dịp lễ Giáng sinh, Campbell tâm sự với mẹ rằng muốn mua một ít quà dành tặng cho những đứa trẻ đang nằm trong bệnh viện, bởi vì các bạn đang rất buồn chán và đau đớn. Mẹ em đã từ chối vì hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép, hơn nữa bà nghĩ việc tặng quà cho người khác đối với một cậu bé 9 tuổi là quá khó khăn. Campbell đã lên ý tưởng tự tay làm quà, cậu mày mò học làm gấu bông qua internet. Sản phẩm đầu tiên được hoàn thành sau 5 tiếng vận dụng ý tưởng, cắt vá thủ công đã khiến mẹ cậu ngạc nhiên. Bà đã đồng ý và khuyến khích con chỉ bằng một câu nói: “Ừ nếu con có thể, vậy con hãy làm đi”. Từ đó, mỗi ngày cậu bé đã dành 1 tiếng để làm gấu bông, từ chối lời mời xem ti vi từ mẹ, hay chơi đùa cùng anh em trong nhà. Sau 3 năm, những sản phẩm của Campbell đa dạng mẫu mã, đẹp đến nỗi không ai có thể tin là do một cậu bé làm ra. Cậu đã nhận được nhiều nguồn tài trợ nguyên vật liệu từ các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, thỏa sức sáng tạo gấu bông.
Bảo Ngọc và Campbell đều trở nên đặc biệt và khác biệt một cách tích cực. Cả hai có điểm chung là đều nhận được sự khuyến khích, động viên về sự sáng tạo, độc lập từ cha mẹ.
Có một thực tế là, dường như các bậc cha mẹ Việt đang có quá nhiều nỗi sợ hãi. Ví như: con đi học bằng xe đạp sợ giao thông nguy hiểm; không học thêm sợ con thua kém bạn bè, không vào được trường top, sợ sau này không có công ăn việc làm… Chính vì những nỗi sợ đó, vô tình đã biến con thành “gà công nghiệp”. Ở thành phố, rất nhiều cô, cậu bé bằng tuổi, thậm chí nhiều tuổi hơn Bảo Ngọc, Campbell, chẳng phải làm gì ngoài việc học. Nhưng ngay đến chuyện chỉ lo đi học thì việc soạn sách vở, học gì… cũng đều được cha mẹ lo hết ráo. Chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh bà mẹ vất vả dầm mưa lội nước dắt xe, trong khi cậu con trai học trung học vẫn ung dung ngồi yên vị như “phỗng”. Chẳng hiếm những nữ sinh 16, 17 tuổi vẫn chẳng biết nấu nướng, ăn sườn, cá vẫn được bố mẹ gỡ sẵn xương cho…
Và, ngay đến cả nhà trường cũng “tiếp tay” một cách gián tiếp cho sự thụ động, quen hưởng thụ của những đứa trẻ. Học sinh đi học, việc làm vệ sinh, trực nhật lớp, có thể nói là những việc nhẹ nhàng, đơn giản nhất quả đất, vậy mà cũng chẳng phải đụng đến vì đã có lao công. Các em chỉ mỗi việc xin tiền bố mẹ để đóng tiền vệ sinh. Cứ như thế, những đứa trẻ đang bị triệt tiêu ý thức lao động, ý thức sáng tạo theo mong muốn cá nhân, triệt tiêu cả trách nhiệm yêu thương, chia sẻ…
Đến bao giờ các bậc cha mẹ mới ngừng sợ hãi, thay đổi tư duy làm việc cật lực để nuôi con, để lại cho con tài sản, nhà cửa và tiền bạc…? Thật là chuyện đáng ngẫm, đáng bàn!
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...