Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
23:49 (GMT +7)

Nghĩ chuyện “khan hàng, tăng giá” mùa dịch

VNTN - Đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài gần 2 năm nay, đó là khoảng thời gian chúng ta buộc phải nhập cuộc và chấp nhận một tinh thần sống chung với dịch bệnh lâu dài, chuyển đổi nhịp sống sang trạng thái “bình thường mới”. Biết vậy, nhưng người dân dường như vẫn chưa thể tôi rèn khả năng bình tĩnh để ứng phó với tình huống cấp bách. Hễ nơi nào có ca nhiễm, nhịp sống nơi đó ngay lập tức bị đảo lộn. Sự hoang mang, lo lắng thái quá khiến ai nấy đổ xô đi tìm mua, tích trữ lương thực, thực phẩm, vô tình đã gây ra tình trạng “khan hàng, tăng giá”.

Người dân nên mua thực phẩm, hàng hóa vừa đủ nhu cầu sử dụng (Ảnh minh họa. Nguồn: internet)

Một trong những nỗi sợ lớn của con người, đó là sợ đói, khát. Do vậy, dễ lý giải vì sao khi nhận được tin báo địa phương sẽ thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội,… người dân lại cuống cuồng lao đi mua, tích trữ thực phẩm. Điều đáng nghĩ và đáng buồn nhất là, nhiều người mải lo đi vơ vét hàng hóa mà không còn đủ tỉnh táo để nhớ rằng, kể cả trong những lúc tình trạng giãn cách ngặt nghèo nhất, chúng ta vẫn có thể ra ngoài để mua thực phẩm thiết yếu. Cùng với đó thì hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi vẫn sẽ hoạt động, đảm bảo cung cấp đủ lượng rau củ quả, thịt, cá và các nhu yếu phẩm khác… Tăng cường, siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì sản xuất, giao thương, chứ nào có “ngăn sông cấm chợ”?

Thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của “khan hàng, tăng giá”, trước hết là từ phía người dân. Thời dịch giã, sự hoang mang, lo lắng được kích hoạt với bao viễn cảnh như thiếu thốn, bị đói, có tiền cũng không chắc mua được hàng hóa… Thế nên gia đình nào cũng nghĩ cách, phải làm sao cho chiếc tủ lạnh đầy ắp các loại thịt, tôm, cá, trứng, rau, sữa…; trên kệ bếp phải đủ đầy mắm muối, mì nui miến phở, bột, gạo… thì mới tạm yên tâm. Cái tính cố hữu của người Việt là chưa ăn đã lo đói, nên người ta không cần biết việc sử dụng sau đó sẽ thế nào, cứ mua (thật nhiều) về đã, rồi tính sau. Không chủ quan khi nói rằng, chẳng có ai trong số những người rồng rắn đi mua hàng tích trữ đủ bình tĩnh để tính toán định lượng, mà chỉ mua đại khái, kiểu như thịt 2 tuần, cá 2 tuần, trứng 2 tuần, rau củ 2 tuần… Kết quả là, số thực phẩm mua về có khi phải dùng cả tháng mới hết. Chưa kể, nếu gặp trục trặc trong khâu bảo quản, thực phẩm bị hư hỏng, thì còn gây lãng phí nữa.

Hoạt động kinh doanh cần được tích cực giám sát, không để lợi dụng tăng giá bất thường (Ảnh minh họa. Nguồn: internet)

Xét ở yếu tố khách quan, thực tế việc vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, an toàn nhưng có phần chậm trễ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ nhiều mặt hàng, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Khi nhu cầu của người dân tăng cao, lại cấp bách trong thời gian ngắn, việc cung ứng tạm thời chưa đáp ứng kịp. Lúc này chính là thời cơ để các tiểu thương, hộ kinh doanh tự phát tham lam lợi dụng, tự ý tăng giá bất hợp lý kiếm lời.

Thời gian gần đây, Bách hóa Xanh là hệ thống siêu thị bị lên án gay gắt vì tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch, hoặc dính lỗi tính đơn hàng sai/thiếu…  Đối diện với làn sóng đòi tẩy chay của đông đảo cộng đồng xã hội, đại diện đơn vị này lý giải rằng, siêu thị không thể giữ giá bán như trước đợt dịch, vì hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp; vì dịch diễn biến phức tạp nên thời gian vận chuyển kéo dài hơn, chi phí vận chuyển và tỉ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. Họ còn phải chi trả thêm các chi phí: xét nghiệm, tăng ca, thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển…

Lý do thì nhiều và không phải không chính đáng, hợp lý. Song nhiều người bày tỏ sự bất bình, cho rằng “việc lợi dụng yếu tố dịch bệnh, dù vô tình hay cố tình tăng giá cũng đều là hành động vô nhân tính”, hay “tăng giá trong thời dịch giã là một tội ác!”. Rõ ràng, sự biến động giá cả đã ít nhiều khiến cho thị trường tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh trở nên căng thẳng, mất ổn định, gây khó khăn cho người dân và cả việc điều tiết của Nhà nước. Do đó, nếu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiểu thương… mua hàng bình ổn giá, song lại bán ra với giá cao, thì đó là hành vi đầu cơ, đáng bị lên án.

Anh Phạm Hồng Minh (Minh Râu) với nghĩa cử ấm áp của mình (Nguồn: internet)

Theo quy định của pháp luật, hành vi đầu cơ bị nghiêm cấm và chế tài nặng. Tùy mức độ tác động đến xã hội mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính (mức phạt từ 5 triệu đến 100 triệu đồng, tùy theo giá trị hóa đơn gom hàng để bán trục lợi), hoặc bị xử lý hình sự (nếu giá trị hàng hóa, mức thu lợi bất chính lớn, hình phạt lên đến 15 năm tù). Tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Điều 13 quy định, đối với hành vi tăng giá bất hợp lý, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Cũng tại Nghị định này, Điều 17 quy định, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt 20 - 30 triệu đồng.

Chúng ta có luật, có chế tài rõ ràng, nhưng để xác định các hành vi và xử phạt sao cho đúng và trúng, thì vì nhiều lý do, vẫn còn đó muôn vàn nỗi khó.

Trong lúc câu chuyện tăng giá vẫn khá ồn ào và còn nhiều bức xúc, thì nghĩa cử ấm áp của một người đàn ông bán rau xăm mình là anh “Minh Râu” (Phạm Hồng Minh, 38 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) khiến lòng người như dịu lại. Người ta gọi anh là “Tiểu thương đáng yêu nhất mùa dịch” khi sẵn sàng tặng miễn phí rau cho người nghèo, và sẽ bán đắt gấp đôi nếu khách không đeo khẩu trang. Khi mà “bạn cùng phường” kiếm lời 5-10 triệu mỗi ngày nhờ giá rau củ đẩy cao, thì anh Minh với đặc sản sai chính tả đã khảng khái rằng: “kiếm tiền cả đời mà trứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu”.

Hành động của anh Minh khiến bao người cảm thấy ấm lòng, song cũng khiến không ít người phải soi chiếu và suy ngẫm. Mong lắm những ứng xử hào hiệp, đậm tình người như thế trong thời dịch giã. Mong sao sự sẻ chia, đùm bọc luôn được nêu cao, để viễn cảnh “khan hàng, tăng giá” không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân những lúc ngặt nghèo.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy