Nghĩ chuyện “bảo mật” cá nhân
VNTN - Sống ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi đăng ký một dịch vụ nào đó, nhằm đáp ứng việc chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm,… chúng ta hầu như đều phải khai báo thông tin cơ bản, ít nhất là tên, số điện thoại; nhiều hơn là email, số CMND, địa chỉ nhà… Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thì có tới 80% khách hàng dễ dàng cung cấp thông tin về số điện thoại của mình ở siêu thị, cửa hàng và đặc biệt là trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Biểu hiện của việc thông tin cá nhân bị lộ có thể nhận diện như: sau khi lên Google tìm kiếm một mặt hàng nào đó, thì mỗi khi truy cập vào tài khoản mạng xã hội, lại thấy xuất hiện hàng loạt các quảng cáo liên quan đến mặt hàng ấy. Tiếp đó có nhiều cuộc điện thoại chào mời mua sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ mà người gọi “biết tuốt” về mình… Nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao chưa từng sử dụng dịch vụ của họ mà họ lại có thông tin của mình. Song cũng không mấy bận tâm, vì thấy xung quanh nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự. Lâu dần thì như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Không ít người đã trải qua cảm giác hoảng hốt, mất mát tài sản, khi kẻ lừa đảo sử dụng ảnh thật của họ, tạo nên tài khoản giả mạo để lừa chính bạn bè, người thân xung quanh; thông qua những đường link lạ, các tin nhắn, ứng dụng như kiểu thi trắc nghiệm, trò chơi quay số trúng thưởng,... chỉ cần click vào link, tải những trò chơi, ứng dụng đó, thì nguy cơ các thông tin cá nhân sử dụng lưu trên điện thoại có thể bị sao chép trong vòng vài ba giây; không ít người đã nhận được cuộc gọi của Bộ Công an, Viện Kiểm sát (kẻ lừa đảo đã sử dụng phần mềm mạo danh đầu số điện thoại) để dọa nạt, rằng cá nhân đó đang vi phạm hoặc liên quan đến các vụ án nghiêm trọng, rồi yêu cầu phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để phục vụ điều tra, nhưng mục đích chính nhằm chiếm đoạt tiền…
Theo thống kê từ Bộ Công an, có tới 80% rò rỉ dữ liệu là do người dùng tự làm lộ thông tin cá nhân. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhiều người khi tham gia vào mạng xã hội đã dùng Facebook, Zalo có công khai số điện thoại để bán hàng online; rồi việc cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng các dịch vụ như đặt vé máy bay, đặt xe…; nhiều người dùng đăng tải hình ảnh về cuộc sống, công việc, con cái, từ khái quát đến cụ thể như: tên, địa chỉ, tuyến đường hay đi, những nơi hay đến…, tất cả đều có thể trở thành nguồn thông tin béo bở đối với tội phạm mạng. Từ nguồn tin đó, chúng có thể sử dụng để bắt cóc, tống tiền, hoặc đe dọa, phỉ báng người sử dụng.
Hẳn nhiều người sẽ không bất ngờ khi biết hiện nay có những website rao bán thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, nhiều trang còn cho tải miễn phí những dữ liệu này. Nói đến đây, người ta nhớ đến hacker nổi tiếng người Việt (Ngô Minh Hiếu, sinh năm 1989 ở Gia Lai, có biệt danh Hieupc). Trong gần 3 năm (2010 - 2013), người này đã dùng thủ thuật đánh cắp dữ liệu của hàng trăm ngàn người Mỹ với những thông tin cơ bản như tên, tuổi, ngày sinh, nghề nghiệp, email, địa chỉ nhà riêng, thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng... rồi bán lại cho bất cứ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào cần mà không cần biết người mua chúng sử dụng vào mục đích gì. Giao dịch đều được thực hiện trên không gian mạng, thu về hơn 3 triệu USD, tương đương khoảng 70 tỷ đồng (tính theo tỷ giá hiện nay). Hiếu đã bị đặc vụ Mỹ truy lùng và bắt giữ, sau đó phải ngồi tù 7 năm tại Mỹ.
Tại điều 46 về Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, đã quy định nhiều điều khoản bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng khi mua bán, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, trong đó bao gồm cả hoạt động mua bán qua các sàn thương mại điện tử. Theo đó, sẽ phạt từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi không đảm bảo an toàn, chính xác thông tin cá nhân của người tiêu dùng và thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên website, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử. Người ta cũng không quên nhắc nhớ về Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015), bởi tại đây cũng đã có những điều, mục quy định rõ về hành vi mua bán dữ liệu cá nhân. Vậy nhưng, thực tế vẫn không hạn chế được tình trạng lộ thông tin này.
Suy cho cùng, mỗi người phải tự tỉnh táo và cẩn trọng trước mọi yêu cầu khai báo thông tin cá nhân. Không dễ dàng trao đi những bí mật của mình, chúng ta mới hạn chế tối đa được những rủi ro và hệ lụy không đáng có.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...