Nghệ thuật truyền thống trong đời sống xã hội hiện nay
Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc nơi bảo tồn và phát triển rất tốt nghệ thuật ca múa dân gian vùng Việt Bắc - Một tiết mục đậm bản sắc Tày, Nùng do đoàn biểu diễn. Ảnh: Quang Khải
Nghệ thuật truyền thống bao gồm những hình thức nghệ thuật tồn tại trong dân gian và được truyền từ đời này qua đời khác như: Sân khấu dân gian, ca, múa, nhạc, hội hoạ,…
Đây là những tri thức quý báu được cha ông ta đúc kết từ quá trình lao động, sản xuất mang nhiều giá trị nhân sinh. Điều 4 Luật Di sản văn hoá Việt Nam năm 2001, chỉnh sửa bổ sung năm 2009 đã ghi nhận, nghệ thuật truyền thống là một phần trong di sản văn hóa phi vật thể.
Trong luật này, nghệ thuật truyền thống được nêu lên trong cụm từ trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác và gồm các loại hình cơ bản là tác phẩm văn học, nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian (1). Từ thực tế cuộc sống của con người, ta có thể thấy vai trò của nghệ thuật truyền thống thể hiện ở những điểm cơ bản:
Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống giúp con người giải tỏa căng thẳng và có thêm nghị lực vào cuộc sống. Nghệ thuật làm cho con người thoải mái trước những sự cực nhọc và bất ổn cả trong nội tâm cũng như ngoại cảnh.
Người ta đưa vào nghệ thuật những tâm tư chất chứa trong lòng mình để tìm một tiếng nói đồng cảm giúp họ thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực. Nói cách khác, nghệ thuật là người bạn tâm giao sẵn sàng chia sẻ với con người bất cứ lúc nào. Có thể thấy đặc trưng này trong một số bài dân ca như “Bèo dạt mây trôi”, “Người ở đừng về”,… trong dân ca quan họ Bắc Ninh.
Đây đều là những bài dân ca mang âm điệu nhẹ nhàng, lãng mạn và da diết từ âm nhạc cho đến ca từ. Những bài ca ấy miêu tả nỗi niềm của chàng trai và cô gái trong phút tương tư nhớ bạn.
Cảm xúc nhớ thương ấy mãnh liệt đến mức bóng của cành tre đưa trước ngõ hay ngọn gió lay bức mành tre mà cũng giật mình ngỡ người thương trở về. Đó là tâm sự chất chứa cũng như tình yêu nam nữ phải xa cách vì khoảng cách địa lý và lễ giáo phong kiến. Họ đưa những tâm sự ấy vào từng câu hát để cởi bỏ nỗi lòng và tìm đến sự an ủi.
Ngoài việc chia sẻ tâm tình thì nghệ thuật truyền thống còn giúp con người tìm thấy niềm vui trong cuộc sống thông qua những cảm xúc thăng hoa. Tính hài hước trong các tác phẩm nghệ thuật truyền thống chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu giúp con người xóa tan những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật.
Sân khấu Chèo là đại diện tiêu biểu nhất cho tính hài của nghệ thuật truyền thống. Yếu tố hài luôn luôn đan xen với các yếu tố cao thượng, bi ai trong các vở Chèo. Ngay cả những vở Chèo có tính bi như: Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Chu Mãi Thần thì vẫn có những lớp chèo hài hước như: Lý trưởng mẹ Đốp, Việc làng (Quan Âm Thị Kính), Phù thuỷ sợ ma (Súy Vân), Tuần Ty Đào Huế (Chu Mãi Thần)… Những lớp chèo này không chỉ giúp cho kịch mục giảm bớt sự bi thương mà còn là sự đả kích sâu sắc những vấn đề tiêu cực trong xã hội thông qua tiếng cười.
Ngoài ra, nghệ thuật truyền thống còn mang tính giải trí. Do đó khi gặp những căng thẳng trong cuộc sống, con người thường tìm đến các loại hình nghệ thuật. Tùy sự căng thẳng trong từng cảm xúc cụ thể mà con người tìm đến loại hình nghệ thuật có tính chất tương ứng. Ví dụ khi đang vui, người ta thường tìm đến những bài hát có tính chất rộn ràng, sôi nổi để thêm sự hưng phấn. Còn khi buồn thì những bài ca có giai điệu nhẹ nhàng, êm ái lại làm cho con người ta vơi bớt phần nào nỗi niềm…
Nghệ thuật chứa đựng những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan. Nó có thể phản ánh cả một chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của cả một cộng đồng tộc người. Ví dụ: Khi nghiên cứu văn bản then của người Tày, Nùng, ta thấy có rất nhiều thông tin phản ảnh sự bất cập của xã hội phong kiến đương thời như hình tượng trăm con chim (bách điểu) tranh nhau làm thủ lĩnh là ẩn dụ của việc xây dựng hình thức xã hội phong kiến quân chủ và cuộc chiến tranh giành ngôi vị của các triều đại phong kiến…
Vì vậy nên có thể nhận định nghệ thuật truyền thống là một kho sử học và văn hóa rất quan trọng mà qua đó góp phần nhận được những bước phát triển không ngừng của quốc gia, tộc người. Sự hiện diện của nghệ thuật truyền thống trong đời sống xã hội cũng là thước đo để đánh giá chiều sâu văn hóa của mỗi quốc gia và tộc người.
Bên cạnh đó, nghệ thuật truyền thống còn giúp con người tự nhận khuyết điểm và cải tạo bản thân. Ví dụ: Vở chèo cổ Mục Liên - Thanh Đề ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiện Liên đối với người mẹ của mình là bà Thanh Đề.
Do khi còn sống, bà Thanh Đề làm nhiều việc ác nên linh hồn bà bị đày xuống ngục A Tỳ không thể siêu thoát. Để cứu mẹ, Mục Kiện Liên theo lời Phật Tổ mà đi lang thang đi khắp cùng trời cuối đất để cầu xin chư tăng hồi hướng công đức giúp bà Thanh Đề thoát khỏi địa ngục.
Thông qua vở chèo này ta có thể nhận diện được hai thông điệp về giáo dục là lòng hiếu nghĩa và sống thiện. Cảnh tra tấn tội nhân dưới địa ngục là bài học được giáo dục trực quan nhất để con người biết sợ mà tránh làm những điều ác.
Mặc dù mang nhiều giá trị như vậy nhưng nghệ thuật truyền thống hiện nay đang đứng trước rất nhiều vấn đề khó khăn trong việc bảo tồn và gìn giữ. Thế hệ thanh niên hiện nay không còn gửi những nỗi niềm nhớ thương vào các bài dân ca da diết mà lại tìm đến nhạc trẻ, nhạc mới hoặc thậm chí là các quán bar, vũ trường.
Những sân khấu kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương ngày càng vắng khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo đội ngũ diễn viên kế tục sự nghiệp gìn giữ nghệ thuật truyền thống.
Hiện nay khi xem một số vở cải lương, vở chèo của một số đơn vị nghệ thuật các địa phương, ta thấy thực trạng đáng ngại là một diễn viên phải kiêm rất nhiều vai và có nhiều diễn viên đã quá tuổi 50 nhưng vẫn phải đóng vai hoàng tử, công chúa, thư sinh…
Ngoài sân khấu kịch hát truyền thống thì âm nhạc dân gian cũng đang trong nguy cơ mai một rất lớn. Sự mai một của âm nhạc dân gian theo hai hướng là biến mất khỏi môi trường nó sinh ra hoặc vẫn tồn tại nhưng đã bị biến tướng.
Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, du khách lên thăm chợ Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn) đều gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái người Nùng hát Sli một cách say đắm và tình tứ thì ngày nay, hình ảnh đó đã hoàn toàn biến mất. Thế hệ người Nùng trẻ biết hát Sli bài bản và khéo léo hiện nay không còn nhiều. Đây là ví dụ báo động sự mai một của một loại hình dân ca đặc sắc.
Xu hướng tồn tại nhưng biến tướng của âm nhạc dân gian có thể thấy rõ ở hình thức hát văn trong thực hành lên đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ. Hát văn là trụ cột trong tất cả các cuộc lên đồng. Tuy nhiên, hát văn hiện nay đã bị biến đổi một cách đáng lo ngại khi có hàng loạt những giai điệu của các tác phẩm âm nhạc mới du nhập vào làm mất đi yếu tố nguyên gốc của âm nhạc như các bài: Hoa Chăm Pa, Tình yêu trên dòng sông quan họ, Làng quan họ quê tôi…
Bên cạnh đó, dường như do nhu cầu phục vụ nghi lễ lên đồng hiện nay quá lớn nên đã xuất hiện rất nhiều những nghệ nhân hát văn được đào tạo một cách gấp rút để kịp đáp ứng thị trường. Nếu như trước đây muốn được tham gia hát văn thì người nghệ nhân phải trải qua một quá trình học nghề kéo dài mấy năm.
Học sinh, sinh viên trải nghiệm nghệ thuật truyền thống trong “Không gian Thi ca và người nông dân” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Ảnh: Quang Khải
Chỉ khi người hát đã có sự tinh tế trong cách hát, cách nhả chữ, trong cách đổ tiếng thổ tiếng đồng (2) thì mới được đi hát. Bên cạnh đó, người nghệ nhân hát văn còn phải biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn nguyệt, trống… Còn hiện nay, chỉ cần qua một thời gian học tập ngắn ngủi với tiêu chuẩn chỉ cần đúng giai điệu và thật “xôm” (rộn ràng) chứ không cần phải đổ đồng là đã có thể đứng cái trong ban cung văn.
Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ nhưng mang tính đại diện để thấy thực trạng tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Điều này tuy đã được bàn thảo nhiều nhưng vẫn luôn là vấn đề nóng hổi. Thực tế nguyên nhân khiến nghệ thuật truyền thống mất dần vị trí trong xã hội đương đại không phải chỉ do khách quan mà còn chính do chủ thể thực hành.
Quay lại ví dụ về việc truyền nghề của các nghệ nhân hát văn. Thực tế của việc đào tạo một cách ồ ạt ra những “nghệ nhân” hát văn không đạt yêu cầu một phần nhỏ do nhu cầu tìm kiếm cung văn của thực hành nghi lễ lên đồng hiện nay khá lớn. Theo chúng tôi thì nguyên nhân lớn khiến hát văn đang dần bị mai một theo hướng xa rời những giá trị gốc chính là do bản thân người hát không có ý thức tự bảo vệ di sản và đã bị thương mại hoá. Nghĩa là họ hát vì đồng tiền chứ không phải vì tâm huyết hoặc niềm tin tín ngưỡng. Tất nhiên không phải ban cung văn nào cũng như vậy nhưng nó là điều nhức nhối cần phải nhìn nhận thẳng thắn.
Bên cạnh đó, việc tự làm mới mình thế nào để thu hút khán giả trở về với nghệ thuật dân gian cũng là câu hỏi quan trọng đối với chủ thể thực hành. Thực trạng những nhà hát, những đoàn nghệ thuật truyền thống đang hoạt động cầm chừng do không có khán giả đang dần phổ biến. Có lẽ nguyên nhân chính khiến khán giả quay lưng lại với các loại hình nghệ thuật này chính là do phương pháp hoạt động.
Chúng tôi cho rằng việc tập trung quá vào đối tượng khán giả ở các thành phố lớn - vốn là đối tượng đang bị “bội thực” về hoạt động giải trí - là một trong những sai sót của các nhà hát. Vì vậy để tìm được nguồn khán giả thì các nhà hát cần mở rộng địa bàn hoạt động ra khỏi các thành phố lớn.
Thực tế cho thấy, mỗi buổi diễn của đoàn chèo Thái Nguyên (thuộc Trung tâm VHNT tỉnh Thái Nguyên) tại các huyện vùng cao như Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương đều thu hút rất đông khán giả đến xem. Ngoài ra, các chương trình hoạt động của các đơn vị này cũng cần phải có sự đổi mới. Bên cạnh những lớp trò, những kịch bản sân khấu truyền thống thì rất cần những kịch bản mới phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Nghĩa là cần phải cân đối giữa cái cũ và cái mới.
Nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống hiện nay đang liên kết với các nhà trường để tổ chức các đêm diễn không thu phí cho các em học sinh, sinh viên. Đây là một biện pháp hay nhằm ươm trồng niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. Rất nhiều bạn trẻ do tiếp xúc quá nhiều với nghệ thuật hiện đại nên mặc định rằng nghệ thuật truyền thống là khô cứng, khuôn mẫu và lạc hậu. Sự mặc định này là rào cản lớn để họ tiếp cận và trải nghiệm thực tế với nghệ thuật truyền thống.
Học sinh, sinh viên trải nghiệm nghệ thuật truyền thống trong “Không gian Thi ca và người nông dân” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Ảnh: Quang Khải
Nhiều trường hợp khi được trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống thì đã thay đổi quan điểm. Do đó cần phải tổ chức những buổi biểu diễn tại các trường phổ thông để giáo dục và định hướng thị hiếu nghệ thuật cho giới trẻ. Có thể coi việc không thu phí trong những thời gian đầu này khoản đầu tư cần thiết để gặt hái những thành tựu sau này.
Nghệ thuật truyền thống là vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Đó là những tri thức được cha ông ta sáng tạo, bảo lưu và gìn giữ qua rất nhiều thế hệ. Hiện nay nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một do sự cạnh tranh với nghệ thuật đương đại và ngoại lai. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành văn hóa nói chung và bản thân những người thực hành các loại hình nghệ thuật truyền thống nói riêng. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng thì bản thân những người đang thực hành nghệ thuật truyền thống cũng phải tự thân vận động và tìm ra biện pháp hữu hiệu để bảo vệ chính di sản mình đang nắm giữ.
(1) Bộ Văn hoá, thể thao & Du lịch, Cục di sản văn hoá (2019), Văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hoá (Tái bản, có chỉnh sửa và bổ sung), tr 10, 11.
(2) Tiếng thổ tiếng đồng là cách xử lý những nốt trầm trong câu hát then quy định của hát văn.
Nguyễn Văn Bách
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...