Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
16:07 (GMT +7)

Nghệ thuật múa Tắc Xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên

Trong lễ hội Cầu mùa, người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên đã coi múa Tắc Xình là một phần quan trọng không thể thiếu. Đây là điệu múa dân gian độc đáo đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện sự khéo léo cùng bản sắc riêng có, và cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc quy tụ nhiều giá trị truyền thống của dân tộc Sán Chay.

Không gian múa Tắc Xình của đồng bào Sán Chay ở xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên


Múa Tắc Xình có 9 động tác mô phỏng đời sống của người Sán Chay gồm: múa thăm đường, múa lập làng, múa bắt quyết, múa đánh mài dao, múa phát nương dọn rẫy, múa tra mố, múa hái lượm, múa hát mừng mùa vụ, múa chim câu. Động tác múa và âm nhạc cho múa đơn giản, dễ thực hành, theo điệu múa cổ truyền, những người tham gia múa Tắc Xình phải là nam giới với chủ lễ là thầy cúng hoặc người múa có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.

Động tác múa chim câu

Âm nhạc và tiết tấu

Trong nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình đều có sự phối hợp giữa gõ nhạc và các động tác múa. Tư thế gõ nhạc gồm có tư thế ngồi và tư thế đứng.

Tư thế ngồi, gồm hai người ngồi đối diện nhau, sử dụng ngọn tre hoặc mai được vót nhẵn, phần gốc chôn chặt xuống đất, phần ngọn có chòm lá hướng lên trời, hơi uốn cong theo hình cần câu, nhờ sợi dây rừng nối với một ống mai già, còn đầu dây bên kia buộc vào ngọn tre tươi. Họ dùng hai tay cầm ống tre gõ mạnh xuống đất tạo âm thanh “xình”, gõ hai thanh tre vào nhau tạo ra âm “tắc”, liên tục, nhịp nhàng.

Tư thế đứng, gồm hai người gõ nhạc. Người thứ nhất dùng tay trái cầm ống mai, tay phải cầm thanh tre nhỏ vót hình chữ nhật, gõ ngang vào thân ống, người gõ tư thế đứng thẳng. Người thứ hai, một tay dùng thanh tre già gõ vào ống mai tạo ra âm thanh “tắc”, tay kia cũng gióng mạnh ống mai xuống đất tạo nên tiếng “xịch” và cứ nối tiếp tạo thành âm “Tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc xình, tắc xình...” rất nhịp nhàng.

Nhạc múa Tắc Xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ gồm hai âm tắc và âm xình hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ của thanh tre trên thân ống tre, “xình” là âm phát ra do động tác nện ống tre xuống đất. Các âm tắc và xình phát ra liên tiếp 8 lần theo một trật tự nhất định để kết thành một khúc có giai điệu rất riêng không thể lẫn vào đâu được: Tắc tắc xình; tắc tắc xình; tắc tắc xình - tắc xình - tắc xình…

Điệu múa Tắc Xình với tiết tấu riêng, tắc thì đưa chân lên, xình thì đặt chân xuống. Không chỉ nhịp nhàng khỏe khoắn, hình tượng múa ở đây thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực, đó là ngọn tre và dụng cụ gõ được biểu trưng như cầu nối truyền khí dương từ 4 tầng mây (trời), hòa quyện với khí âm (đất), và âm dương sẽ hài hoà tạo ra sự sinh sôi nảy nở, tác động vào cuộc sống lao động sản xuất mong mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi.

Múa thăm đường, màn mở đầu của nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình

Nội dung và cách thức thực hiện một số điệu múa đặc sắc

Để đi tìm những vùng đất mới thường là những người cao niên có uy tín (già làng, trưởng bản, thầy cúng…), thông tường địa lý, nắm bắt được những vùng đất mới có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, phù hợp cho cuộc sống của cộng đồng dân bản lâu dài. Những đặc điểm đó đã được minh chứng trong điệu múa thăm đường với động tác nhảy thăm đường mạnh mẽ, thể hiện việc quan sát thế giới - bước đầu công cuộc chinh phục, khai phá thiên nhiên của người Sán Chay.

Động tác múa thăm đường là sự kết hợp với nhạc gõ, hai người nhảy với động tác hai chân chụm cùng nhảy một bước nhún đều nhau. Họ nhún nhảy từ hai bên cánh gà của sân lễ hội tiến dần vào vị trí trung tâm. Khi nhảy người ở phương đứng thẳng, động tác tay phải vung đều từ trên xuống ngang bụng, tay trái giật từ dưới bụng lên ngang ngực phải. Khi tiến vào giữa sân khấu họ xoay người, mặt hướng về phía người xem, và sau đó lại nhảy quay mặt về phía sau như thể báo cáo trời đất, thần linh trú ngụ vùng đất khi họ đến để tìm đất lập làng.

Kết thúc điệu múa thăm đường là điệu múa lập làng rồi đến múa bắt quyết, múa đánh mài dao, múa phát nương tiếp theo đến điệu múa tra mố.

Múa tra mố

Điệu múa này của vũ điệu Tắc Xình dựa trên cơ sở gieo hạt hàng năm của đồng bào Sán Chay. Theo tín ngưỡng của người Sán Chay, trước ngày gieo hạt trên nương, họ đều mời thầy cúng làm lễ gieo hạt đầu tiên cho gia đình mình. Công việc gieo hạt trên nương phải được tiến hành đồng loạt, họ cho rằng gieo hạt đồng loạt lúa sẽ mọc đều, chín đều, thường thì công việc tra hạt được bắt đầu từ đỉnh nương đi dần xuống chân nương.

Động tác múa tra mố được chia làm hai hàng ngang, hàng nam giới đứng phía trước, hàng nữ đứng phía sau. Theo nhịp điệu của bộ nhạc gõ, hàng nam giới tay phải cầm gậy đặt trên vai phải, tay trái đưa ra phía sau lưng nhảy tiến dần về phía trước. Họ dùng động tác nhảy một chân làm trụ, chân kia nhấc gối lên khoảng 45 độ, người hơi khom, hai tay cầm gậy, tay trước tay sau thực hiện động tác chọc lỗ khi nghiêng bên phải lúc nghiêng bên trái, nghiêng bên nào thì đảo tay bên đó. Tiếp đến là hàng nữ giới phía sau động tác chân giống như bước nhảy của nam giới, một tay để ngang hông phía sau như thể nắm hạt giống từ trong giỏ đeo bên thắt lưng đưa sang tay kia để tra hạt giống xuống lỗ. Động tác nhảy lúc nghiêng bên phải lúc nghiêng bên trái, nghiêng bên nào thì đảo tay bên đó giống như nam giới thể hiện động tác chọc lỗ. Động tác múa này được lặp đi lặp lại ba lần, song song, nhịp nhàng ăn khớp với nhau một cách hoàn hảo trông hai người mà như một.

Không chỉ mềm mại, tinh tế và rất đều, điệu múa còn tái hiện lại tín ngưỡng phồn thực, tái hiện lại cảnh âm và dương đối đãi giao hòa. Nó được thể hiện qua chiếc gậy chọc lỗ của nam giới và động tác tra hạt vào lỗ của người nữ giới. Các động tác này thể hiện sự sinh sôi nảy nở với hình tượng hạt giống được gieo vào lòng đất nảy mầm xanh cho thóc, ngô lúc lỉu, mẩy hạt…

Người Sán Chay quan niệm để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng nên họ có động tác múa hát mừng mùa vụ. Trong lễ cúng cơm mới mừng mùa vụ, thầy cúng làm một lễ cúng Thành hoàng ở đình làng, xin Thành hoàng đồng ý cho dân bản được ăn cơm mới. Lễ vật dâng cúng gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, rượu, hương… và các sản vật nông nghiệp khác. Múa hát mừng mùa vụ ra đời trong bối cảnh đó, nó thể hiện cảnh tượng thiên nhiên tươi đẹp khi những cánh đồng, những nương lúa chín vàng óng. Nét đẹp mang đậm tính nhân văn trong điệu múa này được thể hiện qua bài khấn kể về quá trình sinh trời, sinh đất, con người vật lộn với thiên nhiên, khai phá đất đai làm nương rẫy, ruộng đồng, nên ruộng để con cháu lao động sản xuất làm ra hạt lúa, hạt gạo nay dâng lên thần linh, tổ tiên, ông bà về hưởng lộc.

Động tác múa hát mừng mùa vụ diễn ra với nhóm múa nam và nhóm múa nữ chia hai hàng đứng hai bên sân lễ hội. Trên nền nhạc gõ tắc xình dồn dập sinh động, hai nhóm múa nam nữ hai bên sân, nhảy tiến dần vào giữa sân lễ hội, với điệu nhảy hai chân cùng bật nhẹ đều nhau tiến dần vào bên trong sân. Động tác hai tay chụm ngang bụng theo nhịp của tiếng trống và bộ gõ, sau đó hai tay múa xòe ra hai bên hông. Ở động tác này dáng người múa hơi rướn nghiêng về phía trước giống như hình đàn chim bồ câu đang sải cánh bay. Khi nhảy ra đến giữa sân nhóm múa nam, nữ đứng so le nhau tạo thành từng cặp đôi xoay người mặt hướng về phía trước, hàng nữ nhảy tiến lên trên, hàng nam nhảy phía sau lặp lại động tác múa cũ nhiều lần. Tiếp tục từng đôi múa nhảy quay mặt rồi lại quay lưng vào nhau lúc bên phải khi thì bên trái như những đôi chim đang vờn, quấn quýt lấy nhau, lặp đi lặp lại nhiều lần. Kết thúc điệu múa họ xoay người ra phía khán giả, gương mặt tươi tắn tràn đầy sức sống, biểu hiện một cuộc sống no đủ khi thể hiện động tác múa hát mừng mùa vụ.

Chim bồ câu được coi là loài chim biểu tượng của tình yêu chung thủy, hoặc như một vị sứ giả mang đến một thông điệp cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Biểu tượng đó ăn sâu vào tiềm thức qua nhiều thế hệ khác nhau. Người Sán Chay coi chim bồ câu như là một dự báo tốt đẹp trong chu kỳ lao động sản xuất mùa vụ một nắng, hai sương, thành quả đó đã được đền đáp bằng những mùa vàng bội thu, lúa đầy sân, ngô chật bồ… Cứ mỗi độ xuân về với cuộc sống bình yên, no đủ thì tình yêu đôi lứa cũng sinh sôi nẩy nở, do vậy phần kết của múa dân gian Tắc Xình là điệu múa chim câu biểu tượng cho tình yêu đôi lứa bền chặt bên nhau đến suốt cả cuộc đời mỗi con người.

Ở động tác múa này mỗi đôi nam, mỗi đôi nữ nhìn đối diện nhau, hai chân dang rộng cùng nhảy bật lên theo tiết tấu của bộ gõ, một tay dang rộng ra phía trước mặt theo kiểu tay nào, chân ấy. Khi múa mũi bàn tay của hai người múa đối diện chụm lại chạm gần vào nhau giống như hình ảnh đôi chim bồ câu đang gù bón cho nhau ăn, tay kia xuôi về phía sau, thấp ngang thắt lưng giống như cánh chim đang bay. Động tác múa này được lặp đi, lặp lại khoảng 4 đến 5 lần, bước nhảy đầu tiên quay mặt vào nhau. Động tác kế tiếp lại nhảy quay lưng vào nhau và ngược lại cho đến khi xuất hiện cặp nhảy đôi trong trang phục thầy tào xuất hiện và nhảy múa theo các động tác của các cặp đôi nam nữ đang múa trên sân, họ tiến từ hai bên sân lễ hội vào giữa trung tâm sân nhảy. Khi tiến đến sát nhau họ chuyển động tác múa thấp dần và trong tư thế ngồi xổm và chân di chuyển theo vòng tròn luân hồi. Lúc này những cặp đôi nam, nữ cũng nhảy múa theo các động tác múa của họ như thể đàn chim bồ câu vừa tìm chọn thóc lúa để ăn và để vờn nhau. Động tác cuối cùng kết thúc vũ điệu, từng đôi nhảy múa chụm đầu ngón tay như hai con chim câu đang rúc đầu vào nhau kết thúc điệu múa Tắc Xình. Có thể nói rằng đây là điệu múa rất độc đáo thể hiện tình yêu đôi lứa của người Sán Chay và điệu múa này trong ngày hội được rất nhiều người yêu thích.

Múa dân gian Tắc Xình vừa là sự gắn kết tâm linh giữa cõi dương với cõi âm, giữa hiện tại và quá khứ, giữa thế hệ trước với thế hệ sau, vừa là sự gắn kết giữa các cộng đồng với nhau, từ đó củng cố niềm tin vào tương lai cho các cộng đồng người. Không chỉ vậy, vũ điệu Tắc Xình của tộc người Sán Chay còn mang giá trị văn hóa sâu sắc đã thành một nếp sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ. Đây cũng là dịp để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn sau những khoảng thời gian làm việc căng thẳng mệt mỏi, đồng thời cũng qua đó nhắc nhở, răn dạy các thế hệ người phải biết ơn và tôn kính tới các bậc tiền nhân, tổ tiên... đã có công khai phá, chinh phục thiên nhiên xây dựng cuộc sống âm no hạnh phúc.

Lương Việt Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy