Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
11:23 (GMT +7)

Ngày xuân nói chuyện làm giàu của người Việt

VNTN - Năm mới gặp nhau, người Việt Nam ai cũng chúc "Gia đình ta phát tài phát lộc". Lộc là chồi non, nghĩa bóng là những điều mới mẻ, tốt lành. Lộc cũng là lương bổng. Lộc là của trời hay các đấng thiêng liêng ban cho. Tài là tiền bạc, tài chính tức là tiền nong và sự thu chi. Nói tóm lại là chúc nhau năm mới giàu sang, thịnh vượng.

Tết đã có hàng nghìn năm nay, lời chúc Tết này đã hàng nghìn năm nay đi cùng văn hóa Việt Nam. Nhưng ngày nay, thế giới đã bước vào kỷ nguyên của thời đại 4.0 - thời đại số hóa và Internet của xã hội hậu công nghiệp và tiêu dùng thì Việt Nam vẫn chưa "phát tài" chưa giàu có lên được. Vì sao?

Người Việt Nam không muốn, không thích làm giàu?

Nói điều này có vẻ khó nghe nhưng thực tế là như vậy. Từ thuở còn nằm nôi, các thế hệ trước đã răn dạy đứa bé mới chào đời bằng những câu hát, lời ru của bà, của mẹ qua những câu ca dao, tục ngữ của văn học dân gian.

Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng

Chết xuống âm phủ có mang được gì

Chúa Chổm uống rượu tì tỳ

Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô.

Làm giàu để làm gì. Chết bỏ lại có mang theo được gì đâu.

Tục ngữ Việt Nam phản ánh và đề cao thái độ không muốn, không thích làm giàu mà khuyến khích lối sống an nhàn.

Ăn cơm nước cáy thì ngáy khò khò

Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy

Nhất nhật nhất nhàn thất nhật tiên.

(Một ngày nhàn là một ngày tiên)

Một xã hội nông nghiệp, lạc hậu và văn hóa làng xã với lũy tre xanh hàng nghìn năm nay đã ra đời và nuôi dưỡng thái độ và lối sống ấy. Tất cả đổ cho "số trời". Ai ai cũng chấp nhận, không phấn đấu, cố gắng bởi:

Nhà giàu trồng lau ra mía

Nhà khó trồng củ tía ra củ nâu

Và cứ an ủi, huyễn hoặc nhau: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Đợi đấy, mình nghèo rồi ba đời sau con cháu mình sẽ giàu có.

Xã hội không coi trọng người làm giàu "Sĩ, nông, công, thương". Buôn bán làm giàu bị xếp cuối cùng trong tình cảm và con mắt người đời. Dù là buôn bán chính đáng thì vẫn là đối tượng để người đời khinh bỉ, đề phòng:

Thật thà cũng thể lái trâu

Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

Đến tận thế kỷ XVIII, cụ Nguyễn Du còn xỉ vả, ghê tởm nghề buôn bán - nghề làm giàu cho xã hội. Cụ để cho nàng Kiều nhận xét về Mã Giám Sinh lúc đó là chồng nàng:

Khác màu kẻ quí người thanh

Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.

(Truyện Kiều)

Nhu cầu cuộc sống của người Việt không có gì là cao siêu, đạt được cái tối thiểu như Marx nói: Ăn, mặc, ở, đi lại, thế là đủ. Và với nhu cầu đó ở một đất nước nhiệt đới, gió mùa, có đủ sông ngòi, đồng bằng, núi non và biển cả như nước ta thì chẳng cần làm cũng có ăn, không như các nước khác, khắc nghiệt thời tiết, khí hậu hàn đới, địa hình phức tạp. Họ không phấn đấu, vươn lên thì không thể tồn tại, không thể sống được.

Chính những điều kiện tự nhiên giàu có, thuận lợi của nước ta đã đẻ ra những "thằng Bờm". Bài ca dao dân gian mà bất cứ ai cũng thuộc nằm lòng từ thuở thơ ấu:

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười.

Những câu ca dao này phản ánh đúng thực tại đất nước, xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ. Xã hội nông nghiệp với trâu bò, ao cá, bè gỗ, chim đồi mồi. Nhưng gia tài của người nông dân Việt Nam có chỉ là cái quạt mo. Người ta cũng đã chỉ ra, ấy là xã hội nông nghiệp là: bò, trâu. Là ngư nghiệp; ao sâu cá mè. Lâm nghiệp, bè gỗ lim, chăn nuôi trồng trọt, đôi chim đồi mồi… Nhưng tất cả từ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi… người ta không chịu làm gì cả. Người ta chỉ chấp nhận nắm xôi - Bờm cười - để ăn ngay mà không phải làm gì cả.

Một nền văn hóa ấy làm sao mà giàu có được?

Người Việt Nam không thể làm giàu?

Được nuôi dưỡng trong bầu sữa văn hóa ấy, từ trong máu, truyền qua các thế hệ, người Việt Nam có muốn làm giàu cũng không thể làm giàu.

Tố chất, tâm lý, văn hóa, lý tưởng của người Việt chúng ta không tạo nên những con người làm giàu để trở thành tỷ phú thế giới. Kinh tế tư bản của giai cấp tư sản đã tạo nên nhiều tỷ phú trong mấy trăm năm qua. Đến nay đã có vài người Việt Nam có tiền tỷ đô la nhưng tỷ phú thế giới thì chưa có.

Trước đây, khi còn kinh tế bao cấp, người ta cho rằng vì kế hoạch hóa, vì pháp luật, vì cơ chế của Việt Nam không cho phép làm giàu. Nhưng xin thưa sau Mở cửa, Hội nhập 1986 đến nay đã 1/4 thế kỷ. Tự do, hoàn toàn tự do, sáng tạo và cải cách rộng rãi nhưng đã có mấy ai thành tỷ phú đúng nghĩa (sở hữu tỷ đô la tiền sạch). Đó là chưa nói người Việt Nam đã có mặt ở các nước tư bản gần 200 năm nay. Ở môi trường tư bản ấy mà có người Việt Nam nào thành tỷ phú được đâu. Ngay đầu thế kỷ XX người Việt Nam mang quốc tịch và sống ở Pháp không ít. Sau 1954 người Việt Nam có mặt ở khắp thế giới, đặc biệt sau 1975 đến nay hơn 2.000.000 Việt kiều sinh sống và làm việc ở Mỹ và nhiều nước tư bản tiên tiến mà vẫn chưa có ai thực sự là tỷ phú.

Về "tư bản đỏ" ở nước ta

Gần đây, để nói về sự giàu có ở nước ta đã xuất hiện những thuật ngữ "tư bản thân hữu", "tư bản đỏ". Trong ngôn ngữ khi xuất hiện một từ mới là để chỉ nội hàm mới để phân biệt nó với những cái khác nó.

Như vậy "tư bản đỏ" là để phân biệt với tư bản không phải đỏ. Nhưng thực tế là ở nước ta đã có tư bản đâu (dù là tư bản đen, tư bản nâu, tư bản xanh…). Cần phân biệt tỷ phú và tư bản. Tỷ phú là người giàu có tiền tỷ. Chúng ta đã có những tỷ phú nổi tiếng như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Đào Hồng Tuyển, Đoàn Nguyên Đức, Vũ Văn Tiền, Trịnh Văn Quyết… nhưng tuyệt nhiên họ chưa phải là các nhà tư bản.

Các cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới như Ronaldo, Messi, Beckham… các ca sĩ, diễn viên doanh thu hàng năm lên đến hàng triệu đô la. Đến mấy ông nhà văn, các nhà khoa học được giải thưởng Nobel cũng có hàng triệu đô la nhưng họ đâu có phải là nhà tư bản.

Nhà tư bản có lịch sử, truyền thống, văn hóa của họ. Trước hết là tư bản capital (tiền vốn), tư liệu sản xuất (hữu hình hoặc vô hình) có lực lượng sản xuất trong quan hệ sản xuất tư bản. Sản phẩm làm ra của họ tác động và thay đổi xã hội thúc đẩy xã hội phát triển. Nhà tư bản Rockerffeler - vua dầu hỏa làm thế giới và xã hội thay đổi, trước hết là giao thông: Hàng không, ô tô, tàu thủy… Thế kỷ XVIII đi từ Anh sang Mỹ, tàu thủy May Flower đi mất 3 tháng. Ngày nay chỉ mất mấy tiếng đồng hồ.

Nhà tư bản Vanderbit, ông vua tàu hỏa đã nối mọi miền nước Mỹ bao la bằng hệ thống đường sắt. Đi vòng nước Mỹ với diện tích 9,38 triệu km2 chỉ mất 8 tiếng đồng hồ.

Một Bill Gate với computer do ông sáng tạo, điều hành đã kéo thế giới bao la lại như một cái bàn uống trà.

Những General Motor, Mitshubishi, Sony, Honda, LG, Samsung,… làm thay đổi thế giới. Đó là những nhà tư bản.

Một nền kinh tế chưa làm nổi cái vỏ chiếc điện thoại di động, không sản xuất ra được chiếc đinh ốc bảo đảm tiêu chuẩn và chất lượng thì làm sao có các nhà tư bản (dù là đỏ hay xám).

Như trên đề cập đến, văn hóa làm giàu của người Việt Nam. Ấy là văn hóa tiểu nông, không coi trọng giàu có, không chịu làm giàu. Những triệu phú, tỷ phú Việt Nam không thoát khỏi văn hóa người buôn bán nhỏ, buôn hàng xén. Mua đầu chợ, bán cuối chợ, có chút lãi là tốt. Nhìn lại, họ chỉ là những người giàu lên nhờ buôn bán bất động sản, khai thác tài nguyên bán kiếm lời. Đất đai, tài nguyên (khoáng sản, thủy điện) có từ thời các vua Hùng. Những Bà Nà Hill, Vinpeal, bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng, Đồ Sơn, Vịnh Hạ Long… có từ thời thượng cổ chứ đâu có phải do họ sáng tạo, làm nên.

Phần đông những nhà tỷ phú Việt Nam là những người nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của xã hội mà kiếm ra nhiều tiền. Nhiều người ma lanh, lách luật mà trở nên giàu có. Chưa nói đến nhiều người tỏ ra lưu manh, biết kết hợp với những người có vị trí và thế lực quyền hành trong các cơ quan quản lý của nhà nước nhưng đã thoái hóa, biến chất để moi tài sản, tài nguyên của đất nước, của nhân dân mà trở nên giàu có. Điều này không có gì mới mẻ. Từ thời Lã Bất Vi (nhà Tần; thế kỷ thứ nhất), đã biết "buôn vua" tức là buôn bán quyền lực là chóng giàu nhất.

Họ đâu có phải là nhà tư bản. Có lẽ thuật ngữ "tư bản đỏ" là để chỉ hạng người này? Chính vì không có văn hóa, lịch sử, triết học tư bản nên họ phất lên nhanh chóng để rồi ta thấy những vụ án tham ô, tham nhũng làm thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng đang xảy ra làm kiệt quệ đất nước

Lê Thị Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy