Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:39 (GMT +7)
KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975 – 30/4/2023

Ngày thống nhất non sông

Nhà văn Nguyễn Thế Tường, cựu lính xe tăng, người từng tham gia cuộc đấu tăng lịch sử ở Cửa Việt, Quảng Trị năm 1972, thương binh 2/4, hiện trong đầu vẫn còn mảnh đạn, tác giả “Hồi ức binh nhì” nổi tiếng, vừa chính thức đề nghị, nên gọi ngày 30/4 hàng năm là ngày “Thống nhất non sông”, cái tên hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn và hòa hợp khi đất nước đã thống nhất được 48 năm rồi, thiếu 2 năm nữa là tròn nửa thế kỷ.

Dân tộc ta là dân tộc khát khao hòa bình. Mà thực ra, phàm là con người trên trái đất này đều thiết tha yêu hòa bình. Có chăng là do nước ta phải chịu nhiều cuộc chiến tranh quá. Đi qua mỗi cuộc chiến tranh với bao mất mát, bao hy sinh xương máu, chúng ta, nhân dân chúng ta, càng khát khao trân quý hòa bình.

Các bà mẹ có công với cách mạng, đại diện cho “Đội quân tóc dài” trong ngày thống nhất đất nước. Nguồn ảnh: Internet

Cuộc chiến hơn hai mươi năm của dân tộc ta khiến cho hầu như gia đình nào cũng có những viết thương, có vết thương trực diện, có vết thương âm ỉ. Có vết thương hở miệng lại có những vết thương lòng mãi mãi là những bí ẩn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Nhà báo Xuân Ba vừa có bài viết rất hay về thầy Nguyễn Đình Thảng của chúng tôi. Thầy dạy ở cả Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Tổng hợp Huế. Thầy là người kết nạp Đảng cho sinh viên Nguyễn Phú Trọng khi thầy là bí thư chi bộ lớp, học chung với Tổng Bí thư tương lai. Thầy quê Quảng Ngãi nên sau 1975 thầy về Huế dạy đại học Tổng hợp Huế, và tôi là học trò của thầy. Đấy là một cao nhân về Hán học, một người viết thư pháp cực đẹp, kiểu thư pháp Nguyễn Đình Thảng. Vừa rồi học trò cũ của thầy ở cả 2 trường Hà Nội và Huế góp tiền dựng cái Minh Bia tưởng niệm ở mộ thầy nhân 16 năm thầy đi xa.

Thầy có cuộc đời khá éo le gắn với cuộc chiến của dân tộc.Khi ra Bắc thầy được cử đi học ở Đức rồi Trung Quốc, rồi về dạy đại học Tổng hợp Hà Nội, là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho khoa Hán Nôm. Thầy sống một mình cho tới năm 1975. Về quê, vì hoàn cảnh, mà cái hoàn cảnh này, nửa nước mình phải chịu, phải trải qua, vợ thầy đã qua với 2 người chồng nữa, và đều có con, tới 3 người con. Và điều hết sức nhân văn tốt đẹp đã xảy ra, thầy tiếp tục nối duyên với vợ cũ, và sinh được một người con trai. Điều buồn là, người vợ sau khi sinh con thì mất. Thời cơ cực bao cấp ấy, thầy đưa cậu con trai bé tí ra Huế ở cùng thầy trong khu tập thể giáo viên. Cha già con mọn, cha con cứ thế thập thễnh qua ngày. Rồi con trai thầy cũng trưởng thành, có vợ và giờ là một nhà báo ở đài truyền hình địa phương. Ngày thầy mất, ông Nguyễn Phú Trọng có gửi bức trướng viếng.

Khu vực Dinh độc lập 30/4/1975. Nguồn ảnh: huyenuy.namtramy.quangnam.gov.vn

Cũng chiến tranh, nhà thơ Thanh Tịnh cũng có một cuộc sống vừa dữ dội vừa âm thầm như thế. Ông là tác giả câu “Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”. Suốt bao nhiêu năm đất nước chiến tranh ông ở ngoài Bắc, từng làm chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tức Tổng Biên tập bây giờ. Ngay sau ngày thống nhất, đại tá Thanh Tịnh về quê ở Huế, và rồi trở ra số 4 Lý Nam Đế ngay sau khi để lại một lá thư xin bảo lãnh cho một ông cũng đại tá, nhưng ở phía bên kia, chồng mới của vợ cũ của ông, khi ông này đang phải đi cải tạo.

Và rất nhiều những chuyện éo le như thế.Ngay như tôi, người có cái lý lịch cũng khá rắc rối mỗi khi cần khai khi quê cha thì Huế, mẹ Ninh Bình nhưng lại sinh tại Thanh Hóa. Thì cũng bởi chiến tranh. Và sau năm 1975 sau khi về quê cũng chứng kiến biết bao hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Như chuyện cô em con dì ruột tôi, giờ trên bàn thờ có di ảnh hai ông chồng với 2 màu áo lính từng chĩa súng vào nhau. Và lũ em con cô ấy, cũng của 2 ông từng ở 2 phía. Tất nhiên giờ chúng là anh em đùm bọc nhau, chả phân biệt con ông nào với con ông nào.

Văn chương chúng ta đã viết nhiều về việc này.Nhớ hồi tôi được mời viết cái nội dung bia cho khu di tích chiến thắng GM100 ở Đăk Pơ, Gia Lai, là trận quân đội Việt Nam chặn đánh một binh đoàn của Pháp năm 1954 để chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là binh đoàn chủ lực, thuộc loại mạnh nhất của quân đội Pháp được điều từ chiến trường Triều Tiên sang để làm xương sống cho kế hoạch Át Lăng. Toàn bộ quân số của binh đoàn lên tới 3.900 người với trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất so với thời đó gồm pháo, tăng, thiết giáp, xe đặc chủng… Bên ta quân số gồm có trung đoàn 96 có sự tăng cường của 1 đại đội thuộc trung đoàn 120, tất cả tổng cộng chừng 600 người.

Và cái cổ họng ngay suối Đăk Pơ được quân ta chọn là nơi quyết chiến. Đã đành là chiến thắng, nhưng khi viết tôi hình dung, nơi đây còn biết bao người nằm lại nữa. Những người dân, những người lính đối phương và gia đình họ... Hơn nửa thế kỷ rồi, có khi dưới ấy họ đang uống trà với nhau. Vì thế tôi đã đưa được câu: “Không chỉ 147 liệt sĩ của trung đoàn 96, nơi đây còn nhiều liệt sĩ của bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân. Và nhiều người vô danh khác” vào bia. Và được chấp nhận.

Lại nhớ bài thơ của nhà thơ Hương Đình, được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2007. Bài “Tiếng vọng từ hai nghĩa trang”. Nó như thế này:Chào anh bạn ta có thể bắt tay nhau được chưa thế mà đã mấy mươi năm rồi đấy mình già rồi còn gì “lâu lắm xa rồi mình lại gặp nhau”cái mà các anh gọi là nhạc vàngngày xưa lính bọn tôi vẫn hát còn anh thế nàohát một câu gì đi chứ.

Ồ chào anh xin lỗi tôi vẫn chưa quên mùi thuốc súng nhưng không sao ngày ấy bọn mình “hai đứa ở hai đầu xa thẳm” chúng tôi thì “đường ra trận mùa này đẹp lắm” ôi những con đường lấm láp một thời trai.

Ngày ấy tôi đi “đi giữ phố phường” “đi giữ ruộng nương”sau “đám cưới nhà binh”vợ con bấm bụng chờ trước cửa.

Còn tôi tôi đi theo tiếng gọi những ngày ấy bạn bè tôi ai cũng thế mũ tai bèo xanh phớt cuối rừng sâu một lời yêu rớt lại cuối chân đèo. Hồi ấy

có lúc mình choảng nhau tóe lửalàm sao mà quên được những phiên gác đêm nhìn hoả châu rơi nhớ nhà thót ruột. Ừ hồi ấyđã là lính thì làm gì có sướngnhưng chúng tôi vui chao chát những cung đườngthơ bác Phạm Tiến Duậtchúng tôi đọc vèo vèo trên đỉnh Trường Sơn.

Anh này ta không chọn được ngày và nơi để sinh ra nhưng vì một ngày mai có thể ta cùng giờ xanh cỏ ta khác nhau đến từng viên đạn lẻ nhưng không thể không giống nhau khi yêu và nhớ mẹ.

Anh nói đúng đêm từng đêm mũi súng ngược về nhau ngày về đất mình xuôi cùng một hướng ấy là nơi mẹ ta thường ra ngóng người yêu ta bật khóc trước sân chùa nằm buồn nhớ mẹ ta xưa nón mê cui cút chiều mưa tiếng gà.

Tiếng gà tiếng gàanh vừa nhắc tiếng gà thì gà đã tiếngthôi anh tề chỉnh nhé mai ngày kỷ niệm có người đến viếng tôi về đây với trăng suông khói lạnh hương tàn. Vâng, chiến tranh là thế, và thống nhất là thế, hòa bình là thế. Chúng ta không quên để không còn xảy ra nữa, và để chúng ta thật sự hòa bình, thật sự thống nhất...

Văn Công Hùng

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 9 giờ trước