Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
11:53 (GMT +7)

Ngày Không Rác

VNTN - Cuộc sống hiện đại với sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ đem đến cho chúng ta một hệ thống ngày lễ cực kì phong phú, từ các khóa lễ truyền thống “xuân thu nhị kì” theo lịch mặt trăng đến những ngày kỷ niệm đầy ắp tinh thần Tây phương hội nhập. Nếu lễ hội truyền thống đậm đà hơi thở văn hóa tâm linh, gắn với tiết khí, thần linh và hoạt động nông nghiệp thì lễ hội hiện đại lại mang xu hướng đời thường, hướng tới những chủ đề gần gũi: ngày Tiếng mẹ đẻ, ngày Sách, ngày Quốc tế Trẻ em gái, ngày Quốc tế Tình nguyện, ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày “Quốc tế giảm giá” Black Friday... Vượt qua mục đích tín ngưỡng hay tri ân, ngày lễ hiện đại hướng đến việc truyền đi một thông điệp sống, thật cụ thể, dễ hiểu và nhân văn. Trong bối cảnh ấy, cuốn lịch 365 tờ của chúng ta dẫu đã rất nhiều ngày lễ, thì vẫn còn đủ chỗ cho một tờ lịch mang thông điệp: “Ngày Không rác”.

 

Một em nhỏ bơi trong bể tràn ngập chai nhựa, một biểu tượng của chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa đối với đại dương, tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Có lẽ, không cần phải bàn thêm về tác động hai chiều của rác thải và cuộc sống trên hành tinh 6 tỷ người này. Vấn đề đặt ra là, chúng ta đang ứng phó với núi rác của ngày hôm qua và những phế phẩm sắp trở thành rác trong ngày mai như thế nào. Dễ thấy, mọi phương án xử lí chất thải dẫu có tiên tiến đến mấy, cũng không theo kịp tốc độ tạo chất thải của con người, nếu họ không chịu sự ràng buộc của pháp luật và ý thức. Gần đây, dự thảo về việc tính phí thu gom rác theo khối lượng được bàn luận sôi nổi. Mặc dù, phương án này có thể gặp những trở ngại nhất định (như tiên lượng về việc người dân sẽ “tuồn” rác ra nơi công cộng hoặc gia đình hàng xóm để giảm phí), song theo nhận định của các chuyên gia môi trường thì nó vẫn nhiều ưu điểm hơn so với cách tính tiền “cào bằng” trước đây nên đã được áp dụng ở nhiều quốc gia tiên tiến. Lợi thế lớn nhất của việc tính phí thu gom theo khối lượng không nằm ở kinh tế mà là kì vọng về việc người dân sẽ tự hạn chế lượng rác thải sinh hoạt gia đình, khi những bao nylon, thực phẩm thừa, đồ nhựa cũ đều được quy ra “đồng tiền bát gạo”.

 

Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra mỗi ngày. (Ảnh: TTXVN)

 

Dân gian Việt Nam có câu tục ngữ: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Dường như, rác thải là thứ không bao giờ cạn kiệt trong gia đình, nhất là trong thời đại “khủng hoảng dư thừa” và những cơn sốt đồ ăn, đồ dùng tiện dụng “dùng một lần”, “xách mang đi” hiện nay. Trước vấn nạn rác thải, những người có trách nhiệm đối với trái đất đã phát đi thông điệp bảo vệ môi trường qua lối sống tích cực: dùng đồ sinh thái, vật liệu tái chế, trào lưu tối giản và đặc biệt là hành trình “không rác thải”. Zero waste - điều tưởng như không thể trong cuộc sống công nghiệp lại hoàn toàn có thể khi chúng ta thay đổi tư duy. Chúng ta có thể “không rác”, bởi thực chất ngoài con người, các sinh vật trên trái đất đều không tạo ra rác trong chu trình sinh thái tuần hoàn khép kín.

 

Tranh cổ động của Bình Minh

Chúng ta có thể “không rác” bởi 80% những thứ ngoài bãi rác thực chất không phải là rác mà là nguồn thức ăn cho vật nuôi, phân hữu cơ, vật liệu tái chế - nguồn tài nguyên quý giá đang bị chôn lấp một cách hoang phí và gây tổn hại. 20% còn lại - tạm gọi là “rác thật” lại có thể “không cần ra đời” nếu con người biết cách “từ chối” khi không cần thiết: từ chối một chiếc túi bóng nếu có thể đựng chung vào làn, từ chối đồ khuyến mại khi không có nhu cầu sử dụng, từ chối những phụ kiện chỉ vì mục đích “làm điệu” nhất thời như ruy băng, ống hút, quai xách, bao bì hào nhoáng, khẩu hiệu ma-két in bạt rực rỡ và khổng lồ nhưng chỉ tồn tại trong một sự kiện... Chúng ta cũng có thể không rác bởi trên thực tế, đã có những người làm được điều kì diệu này với thành tích đáng kinh ngạc: một năm chỉ thải ra môi trường lượng rác chứa vừa xinh trong một... lọ thủy tinh đựng mứt.

 

 

Rác thải nylon đe dọa nghiêm trọng đến môi trường bởi rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. (Ảnh: TTXVN)

Tất nhiên, hành trình “sống không rác” thực sự là một cuộc thử thách không dễ dàng, nhất là khi những người xung quanh vẫn coi việc dùng đồ một lần và thải rác là chuyện nhỏ bởi dù có thải ra bao nhiêu thì đến chiều, lại có tiếng kẻng leng keng báo mọi người đem rác đi đổ mà không cần biết về điểm đến của nó. Vậy có nên chăng, chúng ta đặt ra một “Ngày Không rác” để người Việt trải nghiệm một phần ba trăm sáu mươi nhăm của hành trình tuyệt vời ấy. Giống như sáng kiến Giờ Trái đất, một tiếng tắt đèn không có ý nghĩa là bao so với cả năm sáng đèn, song một khoảnh khắc trải nghiệm, có thể đem đến những thay đổi lâu dài, thậm chí là vĩnh cửu. Một ngày không rác đối với một người, 6 tỷ ngày không rác đối với thế giới, hẳn “khoảng sạch” có thể chừa lại sẽ đủ để trái đất có thêm một rừng hoa thay cho những hố chôn u ám.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước