Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
15:49 (GMT +7)

Ngân sách như “nồi Thạch Sanh” cũng không nuôi nổi bộ máy

VNTN - Trong 22 bộ có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng. Tại các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ  trong số 7267 công chức thì có đến 4.556 người làm lãnh đạo. 11 tỉnh, thành đang sử dụng vượt gần 8.000 biên chế...

Đó chỉ là vài trong rất nhiều con số "khủng" được nêu trong kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 -  nội dung giám sát tối cao của Quốc hội trong cả ngày 30/10.

Đánh giá tổng quát, đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng từ 2011 - 2016, việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước đã đạt được kết quả quan trọng nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế.

Tinh giản.... người nghỉ hưu trước tuổi

Khẳng định tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đoàn giám sát thẳng thắn nhận định việc này chưa thực chất và chưa đạt mục tiêu đề ra.

Thậm chí, đến thời điểm 1/6/2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2015 - 2021.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định báo cáo, qua giám sát cho thấy, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là 17.694 người, trong đó các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (đạt 0,83%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người/tổng số 2.093.313 biên chế (đạt 0,54%). Cá biệt ở một số bộ, số lượng tinh giản biên chế năm cao nhất mới đạt 41,51% chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức và 17,24% chỉ tiêu tinh giản biên chế viên chức.

Với kết quả này, việc tinh giản biên chế thực hiện đến hết năm 2016 vẫn còn rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra, sẽ gây áp lực rất lớn cho các năm còn lại (từ nay đến năm 2021), mỗi năm phải giảm khoảng 2,5% biên chế mới đạt được yêu cầu theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế phải đạt tối thiếu 10% biên chế so với năm 2015 - đoàn giám sát nhìn nhận.

Bên cạnh đó, kết quả giám sát còn cho thấy, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Đối tượng tinh giản được thống kê tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.

Chưa rõ trách nhiệm

Đánh giá cao kết quả giám sát, song nhiều ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng cần rõ hơn về trách nhiệm và giải pháp.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) thì cơ chế chính sách hiện nay chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương  với cải cách bộ máy hành chính, việc cải cách bộ máy chưa dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá thấu đáo hiệu quả để thực hiện các bước đi vững chắc, do đó thường xuyên có sự thay đổi tách – nhập các đầu mối. "Hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt chỉ là cổ tích, đừng để khắc nhập khắc xuất liên tục", ông Lâm nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận: "Ở Trung ương không làm gương thì dưới địa phương cũng sẽ không thực hiện nghiêm việc rà soát, tinh giản".

Ví dụ từ đại biểu Phương là một số xã có rất ít học sinh cũng lập nhiều trường học, rồi sinh ra hiệu trưởng hiệu phó… Trường ở ngay cạnh trạm y tế xã, nhưng vẫn có 1 phòng y tế học đường, họ không có nhiều việc để làm, trong khi rất cần thêm giáo viên lại không tuyển được. Vô tình biên chế quy định cứng khiến nảy sinh tình trạng có người sáng xách ô đi tối xách ô về.

Đề cập tình trạng quá nhiều lãnh đạo cấp phó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói: "Việc tinh giản cấp phó thì phải làm ngay". Song, việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy; tách/nhập các cơ quan đầu mối phải cân nhắc thận trọng, tránh sự thay đổi quá thường xuyên.

Nhận xét từ đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)là "cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó mà nuôi đủ bộ máy như hiện nay". Vị đại biểu Tiền Giang cho rằng cần chú trọng đội ngũ cán bộ cấp xã, những người gần dân hơn cả, đãi ngộ xứng đáng để đừng bao giờ chúng ta phải nghe thấy câu "tôi chưa nhận được báo cáo vì… chưa có ai làm báo cáo".

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)

Quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng là cần công nhận biên chế cho cán bộ cấp xã, không chia ra chuyên trách và bán chuyên trách như hiện nay, gắn việc cải cách hành chính với trách nhiệm người đứng đầu, trao thẩm quyền tương xứng cho họ, tất nhiên đi cùng với đó là có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đại biểu Phạm Văn Hòa còn cho rằng dứt khoát không chỉ thí điểm, mà thực hiện nhất thể hoá luôn một số chức danh như đã làm hiện nay ở một số địa phương, vì việc thí điểm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy