Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:50 (GMT +7)

Ngả nghiêng với thơ tình Lò Ngân Sủn

VNTN - Lò Ngân Sủn (1945 - 2013) là nhà thơ tiêu biểu của dân tộc Giáy. Ông đã từng xuất bản hơn 30 đầu sách, có thể kể đến những tập thơ được bạn đọc yêu thích như: Lều nương (1996), Con của núi (1997), Tôi là ngọn gió (1998), Người trên đá (2000), Bữa tình yêu (2005)… Điều làm nên “thương hiệu” Lò Ngân Sủn chính là mảng thơ viết về tình yêu với những sắc màu riêng. Trong 5 tập thơ đã khảo sát, chúng tôi thống kê được 108 bài viết về tình yêu đôi lứa trong tổng số 324 bài, chiếm 33,3% số lượng bài thơ. Đây là một con số không nhỏ, cho thấy nhà thơ rất có cảm hứng với chủ đề này.

 

Chân dung kí họa nhà thơ Lò Ngân Sủn trong tập thơ “Bữa tình yêu”.

Thơ Lò Ngân Sủn là tấm chân tình thô mộc, bình dị của người miền núi nên không dễ đi vào lòng bạn đọc, nhưng khi đã thấm thì thứ thơ ấy như men rượu vùng cao, đượm đà, ngây ngất khiến chúng ta giật mình bởi những phát hiện quen thuộc nhưng được diễn đạt dưới cái nhìn độc đáo. Thơ tình của Lò Ngân Sủn vừa say đắm, đậm chất phồn thực, vừa mãnh liệt với những khát khao cháy bỏng nhưng vẫn không thể trộn lẫn bởi màu sắc văn hóa Giáy.

Một tình yêu chân thực, mãnh liệt đầy khát khao

Tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn mộc mạc, giản dị và được bày tỏ một cách trực diện, rất gần với cách cảm, cách nghĩ của người dân tộc. Tình yêu là khao khát, đuổi bắt kiếm tìm suốt đời dường như không bao giờ thấy đủ:“Em - con chim rừng/ Để ta săn, ta đuổi, ta bắt, ta vồ” (Nhớ về em).

Thi sĩ đã phát hiện ra tâm thế của những trai làng, gái bản miền núi, mộc mạc, đơn sơ nhưng không kém phần mãnh liệt, nồng nàn:

“Kìa - có hai người đang ngó trước ngó sau

Rồi dắt nhau vào trong một bụi rậm

Họ bí mật yêu nhau, bí mật thương nhau

Làm cho cả bầu trời cũng ngả nghiêng, nghiêng ngả

Làm cho cả rừng cây cũng cuồng quay, quay cuồng”.

(Có hai người)

Viết về tình yêu, nhà thơ Lò Ngân Sủn luôn có sự giao hòa giữa hai sắc thái vừa có sự chân thực, mộc mạc vừa có sự mãnh liệt đến không ngờ. Ông nói về những rung cảm tuổi ban mai:

“Mối tình đầu của tôi

Như nồi cơm đang sôi

Lăn lóc trong trăn trở

Quay cuồng trong nỗi nhớ”

(Mối tình đầu của tôi)

Với Mối tình đầu của tôi, nhà thơ đã trải qua đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Đó là những rung động đầu đời có sự ngại ngùng, xấu hổ, có sự ngây thơ, tò mò nhưng cũng rất cháy bỏng. Tác giả dùng hình ảnh liên tưởng giàu chất tạo hình “bông hoa chớm nở”, “bén như cây xấu hổ”, “đỏ như một hòn than”, “như bài tập chép”, “như nồi cơm đang sôi”… mộc mạc, bình dị mà thân thuộc, gần gũi. Chỉ cần nhìn thấy người con gái mình yêu, chàng trai có thể làm được những điều phi thường đến “vô lí”:

“Trông thấy em

anh chặt cây chuối làm củi, đốt cũng cháy

anh đào đất cạn làm ao, nước cũng đầy

Trông thấy em

đêm đêm

hình anh chui vào buồng em nằm

rúc vào chăn em ngủ”

(Trông thấy em)

Mãnh lực kì diệu của ái tình có thể biến những điều không thể thành có thể. Hơn thế nữa, tình yêu mãnh liệt có sức mạnh biến mọi thiếu thốn về vật chất trở nên tầm thường:

“Hai ta yêu nhau giữa lều nương

Lều nương không phên vách

Ta cởi áo làm phên vách

Hai ta yêu nhau giữa lều ruộng

Lều ruộng không chăn chiếu

Ta cởi áo làm chăn chiếu”

(Lều nương)

Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp khẳng định (khi bình về bài Lều nương): “Những tình yêu đích thực thường thế, bao giờ cũng dâng hiến, trao nhận hết mình. Ai lại đi so bì tính toán khi yêu. Cũng bởi vậy, cơn khát không mất đi, nó có thể tạm lắng để rồi ngay lập tức lại bùng lên với một mãnh lực không ngờ: “Dẫu có tan thành đất, nát thành bùn, vụn thành cát. Vẫn còn khát yêu nhau”(1).

Lò Ngân Sủn luôn muốn diễn tả những cung bậc cảm xúc cụ thể, những phút giây hạnh phúc nhưng có khi ông cũng muốn vươn lên cái khái quát ở những tầng sâu triết lí:

“Mối tình đầu/ Lửa bốc trước gió/ Mối tình giữa/ Vừa ăn vừa thổi/ Mối tình cuối/ Ngồi đợi trăng lên”

Lò Ngân Sủn đã mang đến cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc, những trải nghiệm trong tình yêu. Tình yêu trong thơ ông đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, mọi sắc thái biểu cảm từ e ấp dịu dàng “Em như tiếng pí lè/ Anh nghe lòng xốn xang/ Em như làn điệu then/ Anh nghe hồn tươi xanh” đến những yêu thương trìu mến, những tôn thờ sùng bái “Em là bếp lửa nhà anh/ Em là vại nước nhà anh”. Những vần thơ của ông vừa có sự chân thật, mộc mạc vừa có sự mãnh liệt, cháy bỏng. Hơn nữa, “uống xong lại khát là tình” nên người ta sẽ còn tìm đến những Bữa tình yêu để thỏa mãn cơn “khát tình” của mình giống như chàng trai dân tộc Giáy nơi miền biên viễn.

Một tình yêu say đắm, đậm chất phồn thực

Lò Ngân Sủn đã có một định nghĩa rất thú vị và độc đáo về tình yêu:

“Tình yêu

Như cái chảo thắng cố

Ăn vào no lảo đảo.

Tình yêu

Như cái chum đựng rượu

Uống vào say ngả nghiêng”.

(Động đất, động trời)

Tình yêu làm cho người ta hạnh phúc nhưng tình yêu cũng làm cho người ta đau khổ. Và vì vậy, cho dù có thể “lảo đảo”, “ngả nghiêng” hay “động đất”, “động trời” vì tình yêu, thì con người vẫn muốn yêu. Nhà thơ muốn nói đến một chân lý, có giá trị bền vững: cuộc sống không thể thiếu tình yêu. Tình yêu cần cho cuộc sống như khí trời để thở, như đồ ăn, thức uống để tồn tại và mưu sinh. Tình yêu trong con mắt của thi sĩ miền núi đã trở thành nguồn cội của sự sống.

Thi sĩ của dân tộc Giáy ít viết về những hoài niệm hay tình yêu trong quá khứ mà luôn chú trọng những phút giây gắn bó, mặn nồng của hiện tại:

“Kìa

Có hai người

Con gái

Con trai

Ngồi bên nhau

Nằm bên nhau

Trên bãi cỏ Rùng Hoi

Chân tay

Quấn lấy nhau

Buộc chặt nhau

Miệng húp nhau tới tấp”

(Bữa tình yêu)

Hai con người, hai trái tim yêu giữa một vùng thiên nhiên. Họ trao cho nhau những cử chỉ nồng cháy. Tình yêu rất tự nhiên và mang đậm tính phồn thực. Thi sĩ đã mang đến cho độc giả một Bữa tình yêu thật độc đáo! Với ông, yêu là trao tặng, là hiến dâng, là đi tới tận cùng của cảm giác. Tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt như thiêu đốt hai con tim si tình. Nhà thơ không ngần ngại dùng một loạt động từ “ngồi”, “nằm”, “quấn”, “buộc”, “húp” để diễn tả cuộc thưởng thức Bữa tình yêu. Mọi việc diễn ra tự nhiên như dòng chảy của cảm xúc. Sự gấp gáp, mãnh liệt lan nhanh như ngọn lửa dọn nương, rẫy chiều thu. Sợi dây tình hơn cả mây núi “quấn lấy”, “buộc chặt” đôi bạn trẻ. Từ “húp” tưởng chừng hơi có chút thô thiển lại mang đến một sức gợi lớn: Bữa tình yêu quá hấp dẫn, mời gọi khiến cho người ta không đủ kiên nhẫn để thưởng thức một cách từ tốn mà như muốn húp nhanh, húp trọn tất cả hương vị, màu sắc của nó. Ở đây, thi sĩ đã sử dụng mã ngôn ngữ ẩm thực khi miêu tả tình yêu - một trạng thái tình cảm tưởng như thuần tuý tinh thần. Nhà thơ đã lấy cái tinh thần để diễn tả cái vật chất để thưởng thức trọn vẹn các giác quan, “ẩm thực hoá” tình yêu mà không dung tục, tầm thường.

Đa số các thi sĩ dân tộc thiểu số thường có cách nói, cách diễn đạt trực tiếp, bằng hình ảnh trực quan sinh động, những hình ảnh so sánh luôn gần gũi với đời sống sinh hoạt của người miền núi. Tuy nhiên, ở Lò Ngân Sủn, mức độ có khác. Ông nói nhiều đến tình yêu hoà hợp thể xác của hai con người trẻ trung, căng tràn nhựa sống với những khát khao yêu nồng cháy, quấn quýt trong hạnh phúc trần tục đời thường, nồng nàn, mãnh liệt, cháy bỏng táo tợn:

“Anh hôn vào nóng bỏng

Anh hôn vào dữ dội

Hôn một lần chưa thỏa ước mong

Hôn hai lần chưa nguôi khát vọng

Lại hôn nữa - hôn cho đến quay cuồng trời đất

Lại hôn nữa - hôn cho đến đất trời lịm câm”.

(Và như thế)

Tác giả không chỉ sử dụng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, thô mộc gắn liền với cuộc sống con người miền núi mà còn tô đậm tính phồn thực trong từng câu thơ để thể hiện sự say đắm, tận hưởng trọn vẹn hương vị tình yêu:

“Đứng trước em

Anh như con chuột đứng trước hũ gạo

Anh như con gấu đứng trước tổ ong trên cao

Anh như con hổ đói đứng trước miếng mồi ngon”.

(Đứng trước em)

Với ông, tình yêu là tuyệt đích, là không bao giờ đủ “Vừa mới ăn xong đã lại đói/ Vừa mới uống xong đã lại khát/ Ăn rồi muốn ăn nữa/ Uống rồi muốn uống thêm”(Vợ chồng mới cưới). Và thậm chí mãnh liệt đến rung động cả thiên nhiên “Anh yêu em/ Như thác đổ/ Như gió gào”.

Thơ Lò Ngân Sủn mang một nguyên tắc mĩ học riêng, mới mẻ, hiện đại, táo bạo và đầy chất nhân văn. Rất nhiều những bài thơ liên quan đến vẻ đẹp của người phụ nữ, liên quan đến tình yêu nam nữ đều mang tính phồn thực. Chất phồn thực ấy mang hương vị núi rừng, phảng phất chút hoang dại của người miền núi tạo thành “đặc sản” riêng trong thơ Lò Ngân Sủn. Khác với quan điểm mĩ học truyền thống khi đề cao giá trị tinh thần trong tình yêu, Lò Ngân Sủn lại quan niệm thân thể của người phụ nữ là một giá trị cao quý xứng đáng được ca tụng, tôn vinh. Những người yêu chân thành luôn là những người biết trân trọng vẻ đẹp thân thể của người mình yêu thương, biết thưởng thức vẻ đẹp ấy trong một niềm đam mê, say đắm của “nhục cảm lành mạnh” (F.Engels).

“Không phải bắp chuối

Không phải trăng đêm

Là thịt da em

Bao bọc hình dáng em

Ôm ấp thân hình em

Rạo rực

Lửa

Tình yêu”

(Lửa tình yêu)

Những vần thơ của ông nồng nàn say đắm, khao khát được giao hòa đầy chất phồn thực chứa đựng nhựa sống sung sức của người miền núi. Phải chăng đây là sắc màu riêng làm lên chất men say đắm trong thơ tình Lò Ngân Sủn? Tình yêu, bên cạnh giá trị tinh thần còn là nỗi khát khao hòa hợp về thể xác như một niềm khoái cảm thiêng liêng thể hiện sự kết tinh cao độ của văn hóa ứng xử giữa con người với con người.

Một tình yêu đậm sắc màu văn hóa Giáy

Đọc thơ Lò Ngân Sủn chúng ta bắt gặp vốn văn hóa mang bản sắc dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thể hiện ở con người và cảnh sắc. Nhưng ấn tượng hơn cả là thi sĩ đã tái hiện được một không gian văn hóa miền núi - nơi ươm mầm cho những tình yêu trổ lộc với “Phiên chợ đan chen màu trai gái”(Sa Pa);“Phiên chợ như cái thúng/ Đựng đầy màu thổ cẩm”(Chiều Lào Cai). Chợ tình Khau Vai là phiên chợ dành cho tình yêu đôi lứa và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người miền núi. Chợ hình thành từ một truyền thuyết mang tính huyền thoại, in đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người khu vực miền núi phía Bắc. Mỗi năm chợ họp một lần vào đêm hai bảy tháng ba âm lịch. Chợ tình Khau Vai không chỉ phản ảnh đặc trưng sinh hoạt văn hóa của người dân vùng cao, mà còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc khi là nơi gặp gỡ và giao lưu của những đôi trai gái đã từng yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó mà không đến được với nhau: “Mỗi năm chỉ một lần/Mà cháy hồng cả trời đất/Mà ướt đẫm cả một đời Khau Vai!” (Khau Vai). Thơ Lò Ngân Sủn đã nói được những day dứt thầm kín ấy.

Với trai, gái miền núi, chợ phiên là nơi để gặp gỡ, trao thương, gửi nhớ. Lò Ngân Sủn cũng mượn chợ phiên để nói lời tương tư:

“Xa nhau

Nhớ nhau quá

Ta đi chợ phiên thôi

Để ta được đi bên nhau

Để ta được ngồi bên nhau

Để ta được ngửi hơi của nhau

Dẫu chỉ là một buổi một ngày”.

(Chợ phiên)

Những hình ảnh so sánh gần gũi với đời sống, với thiên nhiên mang đậm chất thơ và chứa đựng biết bao tình cảm nồng hậu. Cách nói ấy nói lên bản chất người miền núi thật thà, hồn nhiên, yêu đời. Ngôn ngữ thơ Lò Ngân Sủn được chưng cất từ hồn vía Tây Bắc, vậy nên có nhiều câu thơ ông viết về cái nôi văn hóa của mình đã thành “đặc sản”. Không ít nhà thơ đã đến chợ tình Khau Vai, nhưng khó ai so được với Lò Ngân Sủn trong sự ví von “Phiên chợ như cái chảo thắng cố/ Nóng lên bao mối tình dang dở”. Thậm chí những hình thơ so sánh không chỉ mới mẻ mà còn táo bạo, tuy vẫn là tư duy người miền núi: “Đồi núi / Quê ta/ Đẹp như bầu vú người đàn bà”(Đồi núi quê ta).

 

Một số tác phẩm của nhà thơ Lò Ngân Sủn. Ảnh: Internet

Nhận xét về nghệ thuật thơ Lò Ngân Sủn, nhà thơ Vũ Quần Phương đã rất đúng khi cho rằng, thi sĩ người Giáy đã “vận dụng rất nhuần nhuyễn và nhiều biến hóa sáng tạo các cách diễn đạt dân gian của phương ngôn tục ngữ, của văn chương các dân tộc ít người phía Bắc”(2). Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng điều làm nên nét riêng trong thơ Lò Ngân Sủn chính là cái nôi văn hóa Giáy! Đọc thơ Lò Ngân Sủn, người đọc bắt gặp một lớp ngôn từ, hình ảnh chạm đến trầm tích văn hóa Giáy. Dường như văn hóa Giáy là nguồn cội tạo nên sức hút mạnh mẽ trong thơ Lò Ngân Sủn, nhất là mảng thơ viết về tình yêu đôi lứa.

Dân ca Giáy trở thành ngữ liệu không ít lần được nhà thơ sử dụng trong thơ. Nhiều người biết đến bài thơ Người đẹp của Lò Ngân Sủn nhưng có lẽ ít người biết bài thơ này được gợi mở từ ý của câu dân ca Giáy:“Ai viết tên em bằng ánh sáng/ Ai vẽ hình em bằng ánh trăng”. Nhà nghiên cứu Hoàng Quảng Uyên cho rằng: “Đó là một câu dân ca rất hiện đại, siêu thực, Lò Ngân Sủn đã thừa hưởng cái siêu thực ấy và biến nó thành rất hiện thực: Người đẹp của anh có cái vẻ đẹp của người trần tục, nhưng trên tất cả là vẻ đẹp thánh thiện, thần tiên”(3).

“Người đẹp trông như tuyết

Chạm vào lại thấy nóng

Người đẹp trông như lửa

Sờ vào lại thấy mát

Người không khát -

nhìn thấy người đẹp cũng khát

Người không đói -

nhìn thấy người đẹp cũng đói

Người muốn chết - gặp người đẹp

lại không muốn chết nữa…

(Người đẹp)

Bài thơ có ngôn từ giản dị nhưng cách tạo hình thật sống động. Cái hay của bài thơ không phải chỉ ở cấu tứ mà còn trong cách dùng từ, ngữ. Những từ, ngữ đối lập về hiện thực, sự vật nhưng lại lôgic về cảm xúc: “trông như tuyết” - “thấy nóng”; “trông như lửa” - “thấy mát”; “không khát” - “mà khát”; “không đói” - “mà đói”. Lò Ngân Sủn đã kế thừa được cách cảm, cách nghĩ của tộc người Giáy, sáng tạo những hình ảnh, những ngôn từ mang một phong cách riêng mà vẫn đậm đà những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Từ câu nói quen thuộc của người Giáy: “Không có ghế ngồi chân/ Không có cỏ ngồi đất” (Tục ngữ Giáy), Lò Ngân Sủn đã tạo nên một lời tỏ tình thật táo bạo mà dí dỏm, đáng yêu:

“Em bảo nhà em không có sạp

Không có sạp, anh ngồi xuống đất

Và nếu như không có đất

Anh sẽ ngồi vào lòng em yêu”.

(Ngồi)

Chàng trai trong bài thơ thật thà đến tưởng như “lì lợm”. Nhưng đó là sự “lì lợm” của một con người thông minh, hóm hỉnh biết biến cái không có, cái bất lợi thành cái có lợi cho mình. Và đó cũng là lí lẽ của những gã si tình mà khó có cô gái nào từ chối được.

Từ cội nguồn dân ca Giáy, Lò Ngân Sủn đã tạo nên một bản tình ca về sự dang dở của đôi lứa không đến được với nhau:

“Người mà E Dục hằng mơ mộng

Đã đi lấy chồng

Sấm sét

Giáng xuống đầu E Dục

Gió bão

Đổ xuống đầu E Dục

Bóng tối

Trùm xuống đầu E Dục

E Dục

Quằn quại, lăn lóc,

giãy giụa trong vũng lầy khổ đau

Từ nay trở về sau

Chỉ còn hẹn ước ở trong nhau”

(E Dục)

Thi sĩ đã sử dụng một loạt động từ mạnh “giáng xuống”, “đổ xuống”, “trùm xuống” và các danh từ cùng trường liên tưởng “sấm sét”, “gió bão”, “bóng tối” để diễn tả nỗi đau tận cùng của người con trai. Lời hẹn ước hôm nào đã không còn. Giờ chỉ còn nỗi đau khổ của trái tim si tình không lấy được người con gái mình yêu. Tứ thơ đã được chưng cất từ lời dân ca Giáy: “Yêu nhau không lấy được nhau/ Hẹn nhau đến Mường Tiên sẽ lấy”.

Trong vườn hoa đa hương sắc của các dân tộc thiểu số Việt Nam, Lò Ngân Sủn đã định vị cho dân tộc Giáy một sắc màu riêng: “Người Hà Nhì có khô chà chà/ Người Phù Lá có a thá chim/ Người Mông có gầu tào/ Người Dao có pút tồng/ Người Tày có lồng tồng/ Người Thái có xòe/ Người Giáy có roóng poọc…” (Hai mươi bảy sắc xuân). Sắc màu ấy hiện lên qua những câu chuyện kể về tình yêu của người Giáy. Đọc Ngày xuân đi hội hoa ban ta biết về chuyện tình giữa nàng Khôm và chàng Tào Lu, đọc Chuyện về cái cối xay đá ta biết vì sao người ta gọi “cối xay đá là hiện thân của tình yêu”. Nếu người Ba Na có Trường ca Đam San, Xinh Nhã, người Tày luôn nhớ về Khảm Hải, người Thái có Xống trụ xôn xao thì dân tộc Giáy luôn tự hào về truyện thơ Pít Trai - Phù Sĩ : “Mường Va/ Không có Xống trụ xôn xao, Đam San, Xinh Nhã/ Nhưng có Pít Trai - Phù Sĩ/ Một mối tình đau như đinh lắc óc, xót như muối xát ruột” (Mường Va).

Lò Ngân Sủn đã sử dụng chất liệu văn hóa dân gian dân tộc ít người, đặc biệt là dân tộc Giáy để kể về những cung bậc tình yêu đậm sắc màu văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc và văn hóa Giáy. Ông đã luôn vận dụng sáng tạo vốn ngôn ngữ dân gian, chất liệu trong thơ ca truyền thống của các dân tộc như thành ngữ, tục ngữ, các làn điệu dân ca,… của đồng bào mình để tạo nên nét riêng trong thơ. Là người con của dân tộc Giáy, Lò Ngân Sủn lớn lên trong cái nôi văn hóa đậm đà bản sắc, từng trang thơ của ông là hiện thân của mảnh đất, con người, của những phong tục tập quán và chính những yếu tố này đã ngấm sâu vào tâm hồn thi nhân để tạo nên cách nói, cách cảm, cách nghĩ, rất độc đáo, đặc sắc.

* * *

Viết về tình yêu đôi lứa là chủ đề nổi bật trong thơ Lò Ngân Sủn. Với ông, tình yêu được coi như một nguồn sống, một mạch thăng hoa của tinh thần, là “chảo thắng cố”, là “chum rượu cần”… Đọc những bài thơ tình của Lò Ngân Sủn chúng ta nhận thấy, tình yêu quả là có sức mạnh giúp con người sống vượt lên giới hạn, dám sống và được sống là chính mình. Phải chăng chính vì chất tình đậm đà và lai láng đó nên Lò Ngân Sủn cũng là một trong những thi sĩ người dân tộc thiểu số có nhiều bài thơ tình được phổ nhạc nhất? Ông có tới 17 bài thơ được phổ nhạc, tiêu biểu như: Chiều biên giới, Những người con của núi, Tình ca lều nương, Phiên chợ Sa Pa, Người đẹp, Yêu em, Lửa cháy đêm xòe, Chiều Nà Nọng, Sa Pa… Những bản tình ca xanh mãi cũng thời gian đó là tiếng tình yêu của những đôi lứa miền biên viễn được chưng cất từ trái tim của chàng trai đa tình người Giáy.

---

(1). Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi, (tập 1), Nxb Thế giới, 2007, tr.406.

(2). Tuyển tập thơ Lò Ngân Sủn, Nxb Văn học, 2012, tr.438.

(3). Tuyển tập thơ Lò Ngân Sủn, Nxb Văn học, 2007, tr.401.

Cao Thị Hảo

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy