Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:29 (GMT +7)

Nâng cao trình độ và nhận thức của cán bộ về tác dụng và vai trò của văn học nghệ thuật (Phần 2)

Phần 2: Nền văn hóa nước nhà còn đang lúng túng trong sự điều hành 

Từ ngày Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị  trường, dù có định hướng Xã hội chủ nghĩa, nhưng mặt kinh tế vẫn được tập trung chú trọng - mà thế là tất nhiên - nhưng mặt trận văn hóa không được chú ý đúng mức, dù trên văn bản nghị quyết, vẫn công nhận Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Hậu quả của sự mất cân đối, thì hiện ai cũng thấy. Nhưng tìm tới tận nguồn và chỉ ra cách khắc phục thật không dễ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp của công nhân Nhà máy ô tô 1/5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hoá ngành công nghiệp, ngày 19/12/1963 (Ảnh tư liệu)

Nước ta vừa tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất  24/11/1946. Đích thân Hồ Chủ tịch đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Lịch sử còn lưu lại những lời chỉ dẫn quý báuNgười nhấn mạnh: Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi… Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường,và Tự chủ. (Báo Cứu quốc số 416 ngày 25/11/1946).

Nhờ thấm nhuần những tư tưởng chỉ đạo đó, mà cách mạng và kháng chiến nước ta đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, liên tục giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, để đi đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất trong độc lập và tự do.

Những thành tựu của văn hóa, nòng cốt là những tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều thể loại đã dệt nên bức tranh sống động nhiều màu sắc đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn dân, và sẽ mãi mãi còn lưu lại với hậu thế những hình mẫu đẹp về con người Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh.

Cũng như trong quá khứ, chính là những tác phẩm văn hóa của họ/và về họ/về thời của họ như những phi thuyền xuyên không mới làm cho tinh thần, khí phách, công lao của những nhân vật lịch sử sống mãi cùng non sông, đất nước.

Chúng ta tự hào vì có được vị lãnh tụ được Quốc tế công nhận, không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là Danh nhân văn hóa thế giới.

Hiếm có một lãnh đạo quốc gia nào có số lượng tác phẩm văn học viết về Người, không chỉ trong nước, được phổ biến rộng khắp, nhiều và đáng nhớ như Hồ Chủ tịch.

Dưới sự chèo lái tài tình của Người, cuộc Cách mạng tháng 8/1945, rồi hai cuộc kháng chiến đương đầu với hai đế quốc lớn, nước ta đã chiến thắng trong tư thế một đất nước có nền văn hóa lâu đời, có Mặt trận dân tộc Đại đoàn kết. Người, các cộng sự và các học trò gần gũi của Người đều là những người hết sức quan tâm xây dựng nền Văn hóa Mới.

Từ ngày Đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị  trường, dù có định hướng Xã hội chủ nghĩa, nhưng mặt kinh tế vẫn được tập trung chú trọng - mà thế là tất nhiên - nhưng mặt trận văn hóa không được chú ý đúng mức, dù trên văn bản nghị quyết, vẫn công nhận Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Hậu quả của sự mất cân đối, thì hiện ai cũng thấy. Nhưng tìm tới tận nguồn và chỉ ra cách khắc phục thật không dễ.

Một trong nhiều biện pháp trực tiếp, tôi muốn lưu ý đến lỗ hổng trong hệ thống đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước các cấp.

Mấy chục năm qua, Giáo dục là lĩnh vực luôn nằm trong vùng dịch chuyển liên tục. Từ đào tạo kiến thức lý thuyết sách vở, chuyển sang đào tạo kỹ năng nghiệp vụ khoa học kỹ thuật. Đến mức, các môn Khoa học xã hội ở trường phổ thông bị xem nhẹ. Có mấy Khoa Văn ở trường đại học bị giải thể, ghép vào các khoa xã hội khác. Bởi họ coi môn Văn cũng chỉ trang bị kiến thức như mọi môn học, mà không thấy rằng, cùng với các môn khoa học xã hội, nó còn có sứ mệnh dạy làm người.

Trong quá khứ gần thôi, khi dân ta 90% thất học, văn học dân gian, ca dao, tục ngữ là kho tàng vô giá dạy mỗi người về nhận thức xã hội, cách sống, lối sống. Những kiến thức này chắc chắn không có trong hành trang trí thức của những lớp cán bộ hiện nay. Nói chi đến kho tàng tác phẩm văn học trong và ngoài nước.

Những năm ở trong nhà trường các cấp, ngay cả đại học cũng không được tiếp cận có hệ thống kho tàng văn hóa, thì khi ra làm việc, lấy đâu ra thời gian, thói quen và khả năng tự học, tự nghiên cứu để mở rộng và tiếp cận các kiến thức mới. Các tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều thời, nhiều quốc gia là cuốn từ điển về con người và kinh nghiệm sống của nhân loại. Thiếu nó trong kiến thức vào đời là một khoảng trống lớn về tinh thần, tình cảm của một người bình thường, nói chi khi đó là những người lãnh đạo.

Quan sát cách sống, lối sống, cách sử dụng quỹ thời gian và tiền bạc của các thế hệ cán bộ các cấp hiện nay, chúng ta nhận ra lỗ hổng về nền tảng văn hóa cơ bản là do quá trình đào tạo. Nhận thức của họ về vai trò văn hóa và vị trí văn hóa trong xây dựng con người và đất nước đang có vấn đề. Không phải vô cớ, mà ngay buổi đầu cách mạng, Hồ Chủ tịch đã lưu ý văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ.

Hơn 70 năm qua, những hiện tượng này vẫn tràn lan trong bộ máy cán bộ hiện tại. Tôi không biết, từ ngày có chủ trương luân chuyển cán bộ, có kèm theo những quy chế cụ thể nào, để hai phía đều có lợi: Người được luân chuyển để thử thách, thể hiện năng lực, sáng tạo, mở rộng quan hệ và khả năng công tác, làm đẹp lý lịch cá nhân. Nhưng có những yêu cầu gì để địa phương tiếp nhận thấy mình được cấp trên tăng cường trí tuệ, sức năng động, mới mẻ, giúp khắc phục những yếu kém, tồn tại mà địa phương nào hầu như cũng có. Để cán bộ và nhân dân mỗi địa phương khi tiếp nhận không cảm thấy mình bị biến thành nơi thực tập của mấy người sắp được đề bạt, họ chọn lối ứng xử nín thở qua sông, là xin cho hai chữ An toàn khi hết hạn.

Giá mà mỗi người trước khi luân chuyển về địa phương nào sẽ được báo trước, có thời gian và điều kiện tìm hiểu, điều tra, nghiên cứu, để khi về là bắt tay thực hiện ngay những ý tưởng, sáng kiến đã chuẩn bị.

Trong thời gian đó, còn làm những việc thiết thực liên quan đến văn hóa như liên hệ mở rộng thư viện một số trường học, tìm nguồn tài trợ cấp học bổng cho các học sinh, giúp các mô hình lập nghiệp cho một vài địa phương, tốt hơn là kêu gọi, mở thêm các dự án  lớn về phát triển kinh tế, văn hóa cho địa bàn.

Sẽ tốt hơn nữa nếu những người đó nêu một tấm gương về phong cách sống và làm việc mẫu mực của người cán bộ kiểu mới: gần dân, biết lắng nghe dân, thực hiện được điều mà hàng triệu người lính Cụ Hồ đã làm rất tốt trong hơn nửa thế kỷ qua: Đi Dân nhớ, ở Dân thương. Chính họ sẽ tạo ra nét văn hóa mới: Vẻ đẹp của những cán bộ luân chuyển.

Việc không ít cán bộ luân chuyển, kể cả ở cấp cao, vừa qua bị kỷ luật, tù tội, nhắc những người có trách nhiệm công tác Tổ chức, lưu ý xây dựng hình tượng chuẩn cho một thế hệ cán bộ mới.

Tôi ao ước Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương có cuộc khảo sát xem trong Giáo trình giảng dạy của các Trường Đảng, Đoàn, trường Hành chính quốc gia, trường thuộc hệ thống Quân đội, Công an và các bộ, các trường đại học, người ta có giảng dạy về văn hóa – văn học – nghệ thuật không, những ai đang dạy, dạy theo giáo trình nào? Vì chính đây là lò đào tạo cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước. Khi đã có cương vị, thì họ phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt trong xã hội, chứ không chỉ bằng vào chuyên môn được đào tạo cơ bản.

Chính đội ngũ cán bộ giảng dạy về văn hóa và văn học nghệ thuật trong các trường này, nếu có, nên là một đối tượng được Hội đồng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, và cập nhật kiến thức, để họ truyền đạt lại cho các lớp học viên, trước khi ra làm những nhà lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối của Đảng cầm quyền. Mỗi người phải là một Tổng công trình sư hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho cơ quan, địa bàn mình được nắm giữ. Nơi đó vừa gìn giữ, phát huy được những ưu việt của truyền thống, vừa tiếp tục sáng tạo và phát triển trên cơ sở những thành tựu khoa học kỹ thuật và văn hóa hiện đại. Mỗi cơ sở lại có diện mạo độc đáo riêng, không mô phỏng, rập khuôn, đồng phục, học đòi. Chỉ cần nhớ lại một thời tỉnh nào cũng xây nhà máy thuốc lá, nhà máy bia, xi măng, rồi liên tục đổ bể.

Cho đến nay, kiến trúc các đô thị lớn vẫn là một vấn đề còn đau đầu, khi nhìn về tương lai. Chưa kể các đô thị cấp tỉnh, hiếm nơi nào có bộ mặt đặc sắc riêng. Thời Minh Mạng - đỉnh cao phát triển của nhà Nguyễn - từ đường sá giao thông, liên lạc, quan trí đến dân trí đều lạc hậu, mà nước ta chỉ có 31 đơn vị cấp tỉnh.

Ngày nay, về mọi mặt ta đã phát triển hơn bội phần. Ngồi ở Trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể kiểm tra công việc đến từng phường. Cấp huyện, cấp tỉnh đã nhiều người có học vị tiến sĩ. Vậy mà hiện nay nước ta có đến 64 tỉnh thành, với bộ máy Đảng và Chính quyền song hành.

Gần gũi về thể chế chính trị, chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, dân số gấp ta 15 lần, diện tích gấp 30 lần, mà chỉ có 33 đơn vị tỉnh, thành khu tự trị, thì rõ ràng có vấn đề nằm ở chất lượng đào tạo, trình độ, khả năng, và năng suất làm việc của các lớp cán bộ. Chưa kể, quân đội, công an của họ chắc là đông hơn ta nhiều lần mà cao nhất hiện nay, chỉ đến cấp Thượng tướng.

 Nhiều nước, tỉ lệ cán bộ viên chức ăn lương chỉ 4 - 5% dân số. Nước ta, hiện con số đó, sau nhiều lần giảm biên chế, hình như vẫn khoảng 10 - 11%.

Bộ mặt của một đất nước là văn hóa. Trong sự phát triển của thế giới tương lai, càng mở cửa, càng phải gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia. Đây là một thế mạnh của nước ta.

Trải qua ngàn năm bị đô hộ, trăm năm bị các quốc gia có nền văn minh tiên tiến xâm lược, mà nền văn hóa giàu bản sắc của nước ta vẫn giữ được. Chính tiềm lực văn hóa đó, đã từng được Đảng huy động thành sức mạnh vật chất để góp phần làm nên chiến thắng.

Ngày nay, Đảng cầm quyền, có số lượng Đảng viên khoảng 5% dân số. Nhưng một khi đã xác định Nhà nước là của Dân, do Dân, vì Dân; Cán bộ là công bộc của Dân, thì mọi Nghị quyết của Đảng là pháp lệnh với Đảng viên, nhưng với nhân dân vẫn phải qua giáo dục, thuyết phục và vận động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Trong quá trình ấy, mã hóa nội dung, tinh thần của Nghị quyết vào trong các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn là một kênh truyền thống.

Từ sau Đổi mới, hoạt động văn hóa được xã hội hóa, các công ty tư nhân và cá nhân trong điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, xuất bản và phát hánh sách…nở rộ. Chính bộ phận này đã có nhiều đóng góp làm phong phú đời sống văn hóa của cả nước.

Nhưng như đã nói, do đội ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp quen chỉ quản lý về kinh tế (trong kinh tế, có nhiều hàng rào và chính sách bảo vệ kinh tế nội địa, chẳng hạn thuế nhập khẩu ô tô có nơi lên tới 200%,…) nhưng với văn hóa, văn nghệ thì chỉ chú ý  nội dung tư tưởng, thiếu những người được đào tạo chuyên sâu về  xây dựng và quản lý văn hóa - văn nghệ - một lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, và luôn biến động, nên Nhà nước, cho đến nay vẫn thiếu một chiến lược về đào tạo lực lượng sáng tạo đa ngành nghề, chọn định hướng phát triển từng loại hình, và những chính sách cụ thể để phát triển nền công nghiệp văn hóa trong một quốc gia đang công nghiệp hóa.

Trong thời đại công nghệ số phát triển, làm thay đổi mọi phương thức sáng tạo, chuyển tải tới công chúng, rõ ràng nền văn hóa nước nhà đang rất lúng túng trong sự điều hành để đi đúng những yêu cầu về đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng.

Nhìn lại sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, một trí thức nêu một nhận xét rất đáng cùng suy nghĩ :” Liệu rằng, không có sự tham gia của những chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, chúng ta có thể có một câu trả lời khả dĩ hợp lý, nếu nhìn vào thực trạng một thập niên qua, bao nhiêu lợi ích văn hóa được tạo ra từ sự phát triển của thành phố cho người dân không thuộc tầng lớp giàu có “ (TS. Nguyễn Thị Hậu- Báo Tuổi trẻ 14/11/2021)

Điều hành và phát triển đúng hướng đối với văn hóa, công nghiệp văn hóa, dựa trên truyền thống  lịch sử, kho tài nguyên văn hóa giàu bản sắc, nhiều dân tộc của Việt Nam không chỉ có khả năng quảng bá hình ảnh đất nước, mà còn là một mũi nhọn về kinh tế trong tương lai, khi các tài nguyên thiên nhiên được tích lũy qua hàng triệu năm đang mau chóng cạn kiệt trước tốc độ khai thác bởi kỹ thuật hiện đại. Vấn đề nằm ở nhân tố CON NGƯỜI.

(Hết)

 Ngô Thảo

(Theo: vanvn.vn) 

Phần 1

* Tiêu đề phần 1, 2 do Tòa soạn đặt.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy